Phương châm cho doanh nghiệp chú trọng văn hoá học tập
Chuyển động ICT - Ngày đăng : 21:42, 04/04/2023
Phương châm cho doanh nghiệp chú trọng văn hoá học tập
Ông Greg Brown, CEO Udemy, cho biết nhân viên được học tập, đào tạo nâng cao kỹ năng sẽ cảm thấy gắn bó hơn với doanh nghiệp (DN). Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích tài chính, kinh doanh cho chính DN.
Theo McKinsey, 87% các nhà lãnh đạo DN cho biết họ nhận thấy có khoảng cách về kỹ năng làm việc của nhân viên. Trong nhiều trường hợp, ban lãnh đạo công ty đã phải thực hiện các bước đào tạo lại kỹ năng của người lao động (NLĐ) để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của công ty.
Trong một thị trường lao động ngày càng cạnh tranh, cơ hội để NLĐ học lại và nâng cao tay nghề đã bị thu hẹp. Trong khi đó, báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cho biết đối với những lao động vẫn giữ nguyên vai trò của họ trong suốt quá trình làm việc, tỷ lệ các kỹ năng cốt lõi sẽ thay đổi trong 5 năm tới là 40% và 50% tổng số nhân viên sẽ cần đào tạo lại kỹ năng.
Báo cáo tương lai việc làm 2020, WEF đã ước tính rằng đến năm 2025, có tới 85 triệu việc làm có thể bị ảnh hưởng do sự thay đổi trong phân công lao động giữa con người và máy móc. Nhưng báo cáo cũng dự đoán 97 triệu việc làm mới có thể xuất hiện phù hợp với sự phân công lao động mới này.
Kinh tế khó khăn chính là cơ hội để DN đầu tư vào các chương trình học tập
Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB), sau khoảng 1 năm đầy bất ổn vào năm 2022, nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả một tác động vừa phải đối với nền kinh tế toàn cầu cũng có thể khiến nó rơi vào suy thoái.
“Bối cảnh kinh tế suy thoái chính là cơ hội để DN đầu tư vào các chương trình học tập, nhằm giúp tăng sự gắn kết của nhân viên, cải thiện sự hài lòng cũng như giảm khoảng cách về kỹ năng làm việc giữa các nhân sự. Và đặc biệt các chương trình học tập, đào tạo sẽ giúp các công ty trở nên cạnh tranh hơn, nhanh nhạy hơn và đạt lợi nhuận cao hơn”, ông Greg Brown, CEO Udemy, một trong những nền tảng khóa học trực tuyến (MOOC) lớn nhất trên thế giới, cho biết tại Hội thảo “Vươn lên dẫn dắt trong thời kỳ suy thoái kinh tế” tổ chức ngày 4/4/2023.
Ông Greg Brown còn cho biết nhân viên được học tập, đào tạo nâng cao kỹ năng sẽ cảm thấy gắn bó hơn với DN, đồng nghiệp và môi trường làm việc. Đặc biệt, một DN chú trọng đào tạo cũng như tạo ra một nền văn hóa học tập trong tổ chức sẽ có thể vượt mức mục tiêu tài chính hơn 2,6 lần. Trong thực tế, DN sẽ tốn kém chi phí khoảng từ 1,5 - 2 lần lương nhân viên nếu nhân viên cũ ra đi và DN phải đào tạo lại nhân sự mới.
Những gì nhà tuyển dụng cần ngày nay là thu hẹp khoảng cách kỹ năng của NLĐ. Bằng cách xây dựng các chương trình học tập tích hợp, toàn công ty được hỗ trợ bởi văn hóa học tập, các tổ chức có thể nâng cao kỹ năng cho nhân viên của mình và xây dựng trải nghiệm tốt hơn cho nhân viên. Khi làm như vậy, họ có thể định vị bản thân để thành công trong một thị trường lao động khó khăn đang trở nên trầm trọng hơn bởi sự bất ổn kinh tế.
Thị trường lao động chặt chẽ hiện nay nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ chân nhân viên. Cùng với sự không chắc chắn về kinh tế, nếu những nhân viên giỏi nhất rời đi, thì việc duy trì sự gắn kết, hiệu suất và năng suất nhân viên sẽ trở nên khó khăn - trong khi đây chính là những điều DN cần để thành công.
Nguyên nhân khiến DN Việt chưa chú trọng và tạo lập nền văn hóa học tập
Sự gắn kết của nhân viên là động lực chính của mục tiêu hiệu suất. Một nghiên cứu trên 3 triệu nhân viên đã nhấn mạnh phát triển nghề nghiệp là động lực hàng đầu cho sự gắn kết của nhân viên với tổ chức. Vì thế, đầu tư vào nhân sự, con người là một việc làm thiết yếu, đặc biệt các nhà lãnh đạo DN cần ưu tiên học tập, biến học tập thành một phần của văn hóa tổ chức.
“Văn hóa gắn kết rất có giá trị và khó bị sao chép. Đó chính là lợi thế cạnh tranh của DN. Một nghiên cứu của Gallup về các tổ chức trong thời kỳ Đại suy thoái cho thấy các đơn vị hoặc nhóm kinh doanh có sự gắn kết hoạt động tốt hơn giữa các đồng nghiệp ngay cả trong thời kỳ kinh tế khó khăn”, ông Greg Brown nói.
Tuy vậy, trong phát biểu của mình về chủ đề “Xây dựng văn hóa học tập để thích ứng và cạnh tranh quốc tế - Bài học từ DN Việt Nam”, ông Nguyễn Hùng Sơn, Ủy viên ban thường vụ Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT (VINASA) nhận định văn hóa học tập tại DN Việt Nam còn chưa phát triển, hoạt động học tập tự phát, chưa trở thành một nét văn hóa và gắn với chính sách của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa (SME).
Theo đại diện VINASA, những DN SME xây dựng văn hóa học tập tốt đang có kết quả kinh doanh tốt và bền vững.
Nguyên nhân của việc DN Việt Nam chưa chú trọng và tạo lập nền văn hóa học tập là do DN thiếu tư duy hệ thống, thiếu nguồn lực đầu tư cho công tác đào tạo xây dựng văn hóa học tập. Bên cạnh đó, DN cũng bị ảnh hưởng chung bởi thói quen tự học ở Việt Nam, nên chưa thiết lập nên những chương trình đào tạo, học tập chủ động cho toàn thể nhân viên. Ngoài ra, các DN chưa quen, chưa biết các mô hình đào tạo mới dùng công nghệ.
Ông Nguyễn Hùng Sơn đã đưa ra một số giải pháp để nâng cao tinh thần học tập nhằm cải thiện năng suất, gia tăng gắn kết của các nhân viên, như lãnh đạo tiên phong trở thành tấm gương học tập trọn đời; đưa hoạt động đào tạo thành một trong số nhiệm vụ chiến lược hàng năm; tiến hành chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo cũng như sử dụng các nền tảng công nghệ phù hợp cho hoạt động đào tạo và xây dựng văn hóa học tập. Các DN có thể tùy theo quy mô, khả năng của mình mà xây dựng đội ngũ đào tạo chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Trao đổi thêm, bà Bùi Nguyệt Anh, Giám đốc cấp cao BNI Vietnam, cho biết trong những thời điểm khó khăn vì dịch bệnh, BNI nhận thấy tầm quan trọng của việc học tập trong DN và đã nắm bắt lấy cơ hội. Nhờ đó, BNI khẳng định tinh thần đoàn kết, học tập trong DN, trau dồi nâng cao kiến thức của nhân viên đã giúp xây dựng nền văn hóa học tập.
Phương châm “6 chữ D” được bà Nguyệt Anh đề cập khi xây dựng nền văn hóa học tập là “Đôn đốc - Động viên - Đo lường - Đúng - Đủ, Đều”. Trong đó, phương châm “Đúng - Đủ - Đều” là tiền đề để xây dựng văn hoá học tập DN./.