Nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí
Truyền thông - Ngày đăng : 15:00, 07/04/2023
Nhiều kết quả nổi bật trong lĩnh vực quản lý nhà nước về báo chí
Báo cáo và đánh giá tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2023 với đối tượng quản lý, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, trong nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước thì lĩnh vực báo chí có nhiều kết quả nổi bật, được dư luận xã hội quan tâm, ghi nhận.
Các cơ quan báo chí tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của đất nước
Theo báo cáo về đánh giá tình hình công tác quản lý nhà nước (QLNN) quý I/2023 và nhiệm vụ công tác trọng tâm quý II/2023 của Bộ TT&TT, trong quý I/2023, nhiều mặt công tác QLNN các lĩnh vực: Bưu chính; Viễn thông; Chuyển đổi số quốc gia và Chính phủ số; An toàn thông tin mạng; Kinh tế số và Xã hội số, Công nghiệp Công nghệ số; Báo chí; Xuất bản... đạt được kết quả tương đối toàn diện.
Trong đó, lĩnh vực báo chí có một số kết quả đáng chú ý. Các cơ quan báo chí chủ lực: Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện. Đây là số cơ quan báo chí giữ nguyên về số lượng, được đầu tư để phát triển mạnh, theo hướng dẫn dắt, định hướng.
Cùng với đó, 127 cơ quan báo chí khác, 677 cơ quan tạp chí cùng các Đài PTTH tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... theo định hướng của cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý về báo chí; tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; công tác phòng, chống thiên tai, phòng chống dịch bệnh; công tác phòng, chống cháy nổ; các vấn đề xã hội quan tâm,...
Hoàn thiện thể chế lĩnh vực phát thanh, truyền hình
Trong khi đó, phát thanh, truyền hình ghi nhận một số kết quả nổi bật trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế như: Xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 71/2022/NĐ-CP: Thông tư hướng dẫn về nguyên tắc biên tập, phân loại, cảnh báo nội dung theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình; Xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016 của Bộ TT&TT quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy chứng nhận, Giấy phép và báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Đồng thời, định hướng thông tin báo chí theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền như: Tuyên truyền các hoạt động đối nội, đối ngoại quan trọng của các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước; tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; tuyên truyền về công tác phòng, chống thiên tai; phòng, chống cháy nổ; các vấn đề xã hội quan tâm; thông tin về Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương...
Hội nghị tổng kết phong trào thi đua khen thưởng năm 2022 và triển khai công tác năm 2023 lĩnh vực phát thanh, truyền hình và Hội thảo phổ biến chính sách pháp luật mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại TP. Hồ Chí Minh cũng được tổ chức thành công. Cùng với việc cấp lại Giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, loại hình dịch vụ truyền hình cáp giao thức Internet của Tập đoàn Viettel. Xây dựng và trình phương án xử lý đối với kiến nghị của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình trên mạng Internet xuyên biên giới vào Việt Nam và các doanh nghiệp chưa có báo cáo kế hoạch chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam. Xây dựng kế hoạch kiểm tra đối soát phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền năm 2023.
Gỡ bỏ thông tin xấu độc, đưa các giải pháp mới quản lý các nội dung trên mạng xã hội hiệu quả hơn
Tại lĩnh vực Thông tin điện tử, Bộ TT&TT tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm tại Việt Nam; Làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; Tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm; Làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên Youtube và gỡ bỏ các kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam, về các chương trình hợp tác phát triển, kết nối để thúc đẩy ngành game...
Bên cạnh đó, Hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành Game Việt Nam: “Tầm nhìn mới cho Game Việt” và Hội thảo triển khai giải pháp ngăn chặn thanh toán trò chơi điện tử không phép cũng được tổ chức thành công.
Trong khi đó, giải pháp thực hiện công tác đấu tranh, ngăn chặn thông tin xấu độc trên mạng xã hội xuyên biên giới cũng đượch tăng cường. Tập trung rà soát, bóc gỡ các kênh thông tin xấu độc, các fanpage phản động. Yêu cầu Facebook, Google gỡ bỏ các tài khoản, fanpage vi phạm, kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam.
Nhiệm vụ trọng tâm trong quý II/2023, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục chấn chỉnh, xử lý báo hoá tạp chí, báo hoá trang tin điện tử tổng hợp, báo hoá mạng xã hội và biểu hiện tư nhân hoá báo chí...
Bộ TT&TT sẽ tiếp tục định hướng các Đài PTTH tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tiếp tục tập trung định hướng, thông tin tuyên truyền về các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bộ TT&TT cũng sẽ ban hành - Tổ chức kết nối thử nghiệm Hệ thống thông tin nguồn Trung ương với Hệ thống thông tin nguồn tỉnh.../.