Chuyện khó phía sau “mỗi làng một sản phẩm” lên sàn TMĐT
Kinh tế số - Ngày đăng : 16:42, 08/04/2023
Chuyện khó phía sau “mỗi làng một sản phẩm” lên sàn TMĐT
“Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) đầu tiên được khởi xướng ở cấp địa phương của Nhật Bản, hiện nay đã mở rộng ra toàn cầu, ở cả các nền kinh tế đang phát triển và đã phát triển.
Ở châu Á, phong trào OVOP đã được triển khai thành công ở cả cấp Trung ương và địa phương như ở Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam,…
Đặc biệt, trong bối cảnh công nghệ số và thương mại điện tử (TMĐT) đã phát triển ngày càng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào việc tái định hình, cải tổ hoạt động kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN), phong trào OVOP có thể phát triển mạnh mẽ hơn nếu tận dụng được các yếu tố mới như TMĐT.
Vai trò quan trọng của TMĐT đối với phong trào OVOP
Trao đổi tại Hội thảo APEC về thúc đẩy “Mỗi làng một sản phẩm” (OVOP) thông qua TMĐT diễn ra trong ngày 6 và 7/4, các đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC đều khẳng định vai trò quan trọng của TMĐT đối với phong trào OVOP nói riêng và nền kinh tế các quốc gia thành viên APEC nói chung.
Đại diện của Trung Quốc, bà Zhang Xiaodan - Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, TMĐT tại Trung Quốc có sự tăng trưởng nhanh chóng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước và ổn định thị trường, thúc đẩy tiêu dùng nội địa phục hồi. Năm 2022, tổng thương mại bán lẻ tại Trung Quốc là 44.000 tỷ Nhân dân tệ, giảm 0,2% so với năm trước đó. Tuy nhiên, doanh thu bán hàng qua các nền tảng trực tuyến tăng 6,4%, chiếm tỷ trọng 27,2% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và trở thành kênh tiêu dùng chính của Trung Quốc.
Đặc biệt, năm 2022, doanh số bán hàng nông sản trực tuyến của Trung Quốc đạt 531 tỷ Nhân dân tệ, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước đó. Tổng số nhà bán lẻ trực tuyến khu vực nông thôn (cửa hàng trực tuyến) đạt 17 triệu, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn, 95% làng xã của Trung Quốc đã có dịch vụ chuyển phát nhanh.
Theo bà Zhang Xiaodan, các dịch vụ TMĐT đã thúc đẩy hoạt động thương mại ở nông thôn và tạo điều kiện lưu thông hàng hóa giữa khu vực thành thị và nông thôn.
Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế phát triển của Trung Quốc, để TMĐT thúc đẩy tốt hơn phong trào OVOP, bà Zhang Xiaodan cho rằng các quốc gia cần nhấn mạnh hơn nữa vai trò quan trọng của Chính phủ, bởi Chính phủ đóng vai trò trung tâm để kết nối nguồn lực, hướng dẫn thị trường thông qua những cơ chế, chính sách cụ thể.
Các nền tảng TMĐT cũng cần được thiết kế nhạy bén với những diễn biến, thay đổi trên thị trường, tạo thuận lợi cho kết nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng; cân đối nhu cầu xã hội với mục tiêu lợi nhuận của DN; Xây dựng các nền tảng xúc tiến và hợp tác đa dạng. Đặc biệt, các DN cần tận dụng tốt các hình thức kinh doanh mới, tạo môi trường phát triển lành mạnh, bao trùm và có trật tự; Tăng cường đào tạo nhân sự và hỗ trợ dịch vụ công.
Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm phát triển OVOP tại Nhật Bản, bà Yokomura Kurumi – Chuyên viên Bộ Kinh tế Thương mại Nhật Bản cho biết, kể từ năm 2015, Nhật Bản đã có những chương trình quảng bá sản phẩm OVOP trên các nền tảng mạng xã hội, nhằm nâng cao nhận thức của người dân, người tiêu dùng về các sản phẩm OVOP. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của TMĐT đó là người tiêu dùng không thấy được câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm OVOP.
Để khắc phục vấn đề này, bà Yokomura Kurumi cho rằng, thông qua những nền tảng TMĐT, Nhật Bản đã giới thiệu những câu chuyện về sản phẩm OVOP, giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn về sản phẩm, vật liệu, cũng như các quy trình để tạo ra một sản phẩm OVOP, từ đó giúp sản phẩm OVOP đến tay người tiêu dùng một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.
Những thách thức trong việc phát triển OVOP thông qua TMĐT
Các sản phẩm OVOP đều mang tính chất đặc thù vùng miền rất rõ. Khi mua bán trực tiếp, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết sản phẩm đó gắn với đặc trưng văn hóa của vùng miền nào, nhưng khi đưa các sản phẩm lên trên một nền tảng trực tuyến thì đó lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Người tiêu dùng không thấy được những câu chuyện phía sau mỗi sản phẩm OVOP. Điều này có thể làm giảm sự quan tâm của khách hàng đến sản phẩm.
Do đó, khi triển khai đưa các sản phẩm OVOP lên các sàn TMĐT, các nhà sản xuất, các DN cần nhạy bén, nhạy cảm với những thay đổi, diễn biến của thị trường về thị hiếu cũng như giá cả. Đó là một thách thức lớn cho những nhà sản xuất ra sản phẩm OVOP ở các vùng nông thôn.
Ngoài ra, ở địa phương, với các DN nhỏ tham gia vào lĩnh vực TMĐT thì họ thường không có đầy đủ kiến thức, kỹ năng số cũng như ngoại ngữ để thực hiện các giao dịch trên các nền tảng trực tuyến.
Cùng chung quan điểm về thách thức này, đại diện của Philippines cho biết: “Công ty tôi là một công ty hoạt động dựa trên nền tảng công nghệ và chúng tôi cũng xác định đây là một khó khăn, thách thức lớn. Vì chúng tôi phải thường xuyên làm việc, tiếp xúc với những người nông dân không có nhiều kiến thức, kỹ năng về công nghệ”.
“Đôi khi công nghệ có rồi nhưng triển khai công nghệ như thế nào thì lại cần có nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng số tốt”, đại diện Philippines nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nghệ nhân cũng cần máy móc, công nghệ hỗ trợ vì một số sản phẩm có thể được thực hiện thủ công bằng tay nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm được sản xuất thông qua máy móc và công nghệ. Sự hỗ trợ của công nghệ và máy móc sẽ giúp củng cố hơn nữa các di sản, văn hóa, truyền thống thủ công mỹ nghệ.
Nhận định về những khó khăn, thách thức, bà Vũ Lan Hương – Giám đốc Green Sun cũng cho biết, thách thức lớn nhất khi đưa các sản phẩm OVOP lên các nền tảng thương mại trực tuyến đó là vấn đề về nguồn nhân lực.
Theo bà Hương, để mở một cửa hàng trực tuyến thì dễ, nhưng bán các mặt hàng đó ra sao và duy trì cửa hàng như thế nào thì đó lại là câu chuyện khó hơn rất nhiều.
Thông thường, sản xuất sản phẩm OVOP cần những nghệ nhân có kỹ năng lành nghề. Trong khi đó, lực lượng lành nghề thì đa phần là lực lượng lao động trung niên có những hạn chế nhất định về mặt công nghệ và kỹ năng số. Do đó, để có được nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu để thúc đẩy phát triển OVOP trên TMĐT vẫn là một bài toán khó.
Cùng chia sẻ về những thách thức khi phát triển sản phẩm OVOP trên các sàn TMĐT, bà Nguyễn Huyền Châu, CEO Vạn Hoa cho biết: “Chúng tôi thường thiết kế các ý tưởng và khó khăn nhất đối với chúng tôi là quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), làm thế nào để có thể đảm bảo, bảo vệ quyền SHTT cho các làng, xã”.
Theo bà Châu, nhắc đến OVOP là chúng ta hiểu các sản phẩm của mỗi làng xã đều có những đặc điểm khác nhau, bối cảnh ra đời cũng khác nhau. Mỗi nền văn hóa có những biểu trưng gắn với bối cảnh lịch sử, bản sắc văn hóa của mỗi làng, xã. Do đó khi đưa sản phẩm lên các kênh thương mại trực tuyến thì chúng ta cũng phải tính đến việc làm thế nào để bảo vệ được bản sắc văn hóa của vùng miền này, bảo vệ được bản quyền các sản phẩm mang đặc trưng văn hóa đó.
Vì trên thực tế, đưa sản phẩm lên các sàn TMĐT, đồng nghĩa với việc đăng tải những thiết kế của sản phẩm với những đặc trưng và bản sắc của vùng miền lên trên môi trường mạng, do đó vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bản quyền sản phẩm là cực kỳ quan trọng trong việc phát triển các sản phẩm OVOP trên các nền tảng trực tuyến.
Đề cập đến vai trò quan trọng của bản quyền sản phẩm, đại diện của Nhật Bản cũng cho biết: “Vấn đề bản quyền là rất quan trọng đối với OVOP. Tại Nhật Bản, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản có chương trình cấp chứng nhận cho các sản phẩm OVOP trong lĩnh vực nông nghiệp”. Đây là hệ thống cho phép các DN đăng ký bản quyền cho các sản phẩm OVOP. Quyền SHTT của các sản phẩm của mỗi DN là khác nhau, và giải pháp này là chính sách bảo hộ của Nhà nước cho các sản phẩm OVOP.
Ngoài ra, đại diện của Nhật Bản cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực và coi đây là thách thức lớn không chỉ đối với OVOP mà còn là thách thức của nhiều ngành khác nữa. Do đó, các quốc gia cần phải có những chính sách để khuyến khích lực lượng lao động trẻ tham gia phát triển OVOP.
Một số khuyến nghị
Chia sẻ tại hội thảo, CEO Vạn Hoa cho biết, để biến các sản phẩm OVOP trở nên hấp dẫn và có thể cạnh tranh với các sản phẩm khác, chúng ta cần phải đưa văn hóa vùng miền, văn hóa địa phương vào sản phẩm, đồng thời khơi gợi sự quan tâm của người tiêu dùng bằng cách kể các câu chuyện hoặc những vấn đề liên quan tạo nên các sản phẩm đó.
Bên cạnh đó, để khơi gợi được sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sản phẩm OVOP, thiết kế sản phẩm phải luôn được câp nhật và đổi mới, cần có tư duy mới mẻ để có những mẫu mã sản phẩm tốt hơn, đột phá hơn. Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cũng có thể giúp cho sản phẩm xuất hiện trên môi trường trực tuyến nhưng vẫn đem lại cảm giác gần gũi, giống như sản phẩm khi mua trực tiếp.
Theo bà Châu, về cơ bản, các DN cần có tư duy mới, góc nhìn mới để có thể tận dụng tối đa hóa, tối ưu hóa các nguồn lực của mình và áp dụng tư duy mới để có thể biến các sản phẩm thành các thông tin, những câu chuyện hấp dẫn gắn với sản phẩm để có thể giao bán trên không gian trực tuyến.
Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để người trẻ có những phép thử cho ý tưởng của mình và sau đó đưa ra các sản phẩm có thể bắt kịp với các xu hướng và bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Đối với cấp độ chính phủ, theo bà Châu, các quốc gia cần có chính sách để thu hút lực lượng lao động trẻ có tài năng và ý tưởng đổi mới sáng tạo đến với các vùng nông thôn để tìm hiểu văn hóa, hiểu được vật liệu văn hóa địa phương để đưa vào các thiết kế sản phẩm phù hợp. Đồng thời, cũng cần có chính sách khuyến khích những người trẻ tốt nghiệp các trường đại học trở về quê hương, đến các vùng miền với mong muốn đóng góp để xây dựng một thương hiệu và thay đổi hình ảnh cho các vùng nông thôn.
Bên cạnh đó, theo CEO Vạn Hoa, chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ về nguồn lực cũng như là các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các DN khởi nghiệp với các ý tưởng sáng tạo và có cơ hội thí điểm ở các địa phương.
“Tùy thuộc vào chính sách khác nhau của các DN, tuy nhiên chính phủ có vai trò rất quan trọng trong việc giám sát, điều phối hướng phát triển và áp dụng các công nghệ khác nhau cũng như các kiến thức, kỹ năng số ở các cấp độ địa phương để đưa vào các sản phẩm OVOP”, bà Châu khẳng định.
Do vậy, hỗ trợ về tài chính và chính sách là rất quan trọng cho sự phát triển của OVOP bởi vì ngay từ đầu OVOP là một khái niệm dựa trên ý tưởng chính sách và nó hướng tới việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương./.