Biện pháp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, tạo khác biệt cho kinh doanh TMĐT

Kinh tế số - Ngày đăng : 10:58, 10/04/2023

Thương mại điện tử (TMĐT), xu hướng mua sắm đa kênh đã tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm qua.
Kinh tế số

Biện pháp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, tạo khác biệt cho kinh doanh TMĐT

Tâm An {Ngày xuất bản}

Thương mại điện tử (TMĐT), xu hướng mua sắm đa kênh đã tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam trong những năm qua.

Tuy nhiên, việc kiểm soát và ngăn chặn tình trạng hàng giả, hàng nhái trên các nền tảng TMĐT để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn và cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, các sàn TMĐT và cả người tiêu dùng.

9.jpg

Tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận TMĐT diễn biến phức tạp

Theo Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hoạt động TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng. Bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19, TMĐT là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số.

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Trong khi đó, công tác TMĐT cũng đạt được nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đối với công tác quản lý hoạt động TMĐT, năm 2022, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 7.893 doanh nghiệp (DN) và tổ chức và 2.609 cá nhân đăng ký tài khoản; thực hiện thủ tục thông báo cho 10.146 website TMĐT và 660 website cung cấp dịch vụ TMĐT.

Báo cáo do eMarketer công bố tháng 1/2022 cho biết, Việt Nam được xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới và dẫn dắt chuyển đổi số (CĐS) trong DN. Đây cũng là một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Công Thương trong năm 2022.

Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô khoảng 250 tỷ USD, tạo không gian tăng trưởng rộng lớn cho TMĐT. Có thể thấy, TMĐT Việt Nam đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng, như làn sóng CĐS, hạ tầng công nghệ, kết nối Internet phổ cập, thanh toán trực tuyến được triển khai mạnh mẽ,… Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số nói chung và TMĐT nói riêng.

Tuy nhiên, bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, TMĐT cũng phải đối mặt với tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp với những phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi.

Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt hàng, hàng hóa phân tán nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng; hay chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian, nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để kiếm lời… Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại nhanh chóng khiến lực lượng chức năng cũng rất khó kiểm soát.

Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy TMĐT phát triển, công tác giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật và phối hợp xử lý vi phạm về TMĐT được đẩy mạnh. Trong năm 2022, Cục TMĐT và Kinh tế số đã rà soát và yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động TMĐT gỡ bỏ/khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; Chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Bên cạnh đó, Cục cũng chủ trì thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật TMĐT đối với 08 đơn vị theo kế hoạch năm 2022 và đã xử phạt vi phạm hành chính 222 triệu đồng.

Năm 2023, hoạt động TMĐT được dự báo sẽ tiếp tục phát triển bùng nổ, do vậy, Cục TMĐT và Kinh tế số đặt mục tiêu tiếp tục thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

a85ac38b1232bf718ebd14dd7512e616.jpg
Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong TMĐT cần sự vào cuộc tích cực từ các bên. (Ảnh minh họa: tuoitrethudo)

Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trong TMĐT cần sự vào cuộc tích cực từ các bên

Hàng giả, hàng nhái không chỉ là vấn đề nhức nhối của thị trường nói chung mà nó cũng là vấn nạn lớn trong TMĐT. Để giải quyết tình trạng này cần sự vào cuộc của các cơ quan bộ, ngành, các đơn vị tham gia để đưa ra được các khung pháp lý, cơ chế chính sách cũng như các giải pháp phù hợp…

100% sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả

Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức để các cấp, các ngành, người dân, DN tự giác, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định phê duyệt Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025.

Đề án giúp nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT, tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động giao dịch, mua bán trực tuyến; quyền và lợi ích hợp pháp của DN, người tiêu dùng được bảo đảm; Bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của DN và người tiêu dùng; thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững tại Việt Nam.

Theo đó, mục tiêu cụ thể của Đề án là hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa trong hoạt động TMĐT; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; đẩy mạnh hoạt động triển khai áp dụng mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa.

Cùng với đó là phát triển hạ tầng, cải tiến công nghệ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng để quản lý tập trung, xuyên suốt, đồng bộ phục vụ hiệu quả công tác chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu, 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực thi công vụ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT được đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; 100% các sàn giao dịch TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT lớn được tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về TMĐT, pháp luật chuyên ngành đối với các hàng hóa do tổ chức, cá nhân kinh doanh; 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo vệ quyền lợi của mình.

Một trong các giải pháp thực hiện Đề án là xây dựng CSDL tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT (sàn giao dịch TMĐT, hệ thống thông tin giao dịch điện tử, dữ liệu giao dịch điện tử, cơ chế kiểm soát hàng hóa trong giao dịch điện tử,...) và kết nối, chia sẻ với các CSDL liên quan của các lực lượng chức năng thuộc các bộ, ngành.

Đồng thời, xây dựng hệ thống giám sát, thu thập dữ liệu về giao dịch TMĐT trên các nền tảng mạng xã hội để bổ sung nguồn dữ liệu đầu vào cho CSDL liệu tập trung về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong hoạt động TMĐT; Xây dựng cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT cho phép kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Đề án cũng nêu rõ cần nâng cao hiệu quả trong công tác phối hợp, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có liên quan; Tăng cường hoạt động phối hợp, thanh tra, kiểm tra, phát hiện, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa, mã số, mã vạch và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong hoạt động TMĐT; Xây dựng kênh thông tin chính thống của Bộ Công Thương và các lực lượng chức năng để thường xuyên cập nhật, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và các thông tin cảnh báo người tiêu dùng; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm buôn bán hàng giả trong hoạt động TMĐT.

Đặc biệt, nhằm lành mạnh hóa môi trường TMĐT, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực TMĐT... trong thời gian tới, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài và hoạt động TMĐT trên mạng xã hội. Tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường TMĐT.

Các sàn TMĐT tích cực tham gia ngăn chặn hàng giả, hàng nhái

Thực tế, thời gian vừa qua có không ít sàn TMĐT vì chạy theo mục tiêu mở rộng và thu hút thêm nhiều người bán nên chưa chặt chẽ trong các khâu kiểm soát, xác minh các loại hàng hóa. Điều này tạo ra tình trạng trong số các hàng hóa được đưa lên sàn có rất nhiều hàng giả, hàng nhái, và hàng kém chất lượng.

Nhìn chung, phương thức gian lận phổ biến nhất là bán những sản phẩm không giống như quảng cáo. Các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, video của những sản phẩm chính hãng để thu hút khách hàng. Tuy nhiên, hàng hóa sau khi đến tay người tiêu dùng lại khác biệt cả về mẫu mã và chất lượng.

Nhìn nhận về thực trạng này tại đối thoại chuyên đề “Chống hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT” do VnEconomy tổ chức, ông Vũ Anh - Giám đốc chiến lược TMĐT Vỏ Sò khẳng định, hàng giả, hàng nhái là vấn đề rất nhức nhối của thị trường nói chung cũng như trong TMĐT nói riêng.

Để kiểm soát hàng giả hàng nhái, đại diện Vỏ Sò cho biết, khi các đối tác đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn bán, điều đầu tiên phải làm là mã số thuế, các thông tin của DN bán hàng phải đầy đủ. Trước thông tin hàng giả, hàng nhái tràn lan, Vỏ Sò cũng có các công cụ như eKYC, có chứng minh thư nhưng vẫn phải chụp ảnh… xác minh thông tin từ người bán.

Đặc biệt, đối với vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa, ông Vũ Anh cho biết, các sàn nên hợp tác, phối hợp với các đơn vị truy xuất nguồn gốc, hoặc các tổ chức tiêu chuẩn chất lượng… để xác minh đúng tiêu chuẩn và nguồn gốc hàng hóa. Ở Vỏ Sò đã có các hoạt động liên kết như vậy. Giải pháp này giúp khách hàng cập nhật thông tin đơn hàng một cách chính xác, có thể kiểm tra được chất lượng một số mặt hàng cũng như nguồn gốc sản phẩm.

“Mặc dù chưa thể cải thiện hoàn toàn 100% không có tình trạng hàng giả, hàng nhái trên sàn nhưng các hoạt động này sẽ là hình thức góp phần làm giảm bớt, tiến tới xóa bỏ hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng”, đại diện Vỏ Sò chia sẻ.

Với tư cách là đơn vị đứng giữa để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhiều sàn TMĐT hiện cũng đã và đang bắt đầu triển khai các hoạt động rà soát sản phẩm đầu vào cũng như quá trình vận hành để từ đó hạn chế tối đa số lượng hàng hóa không đảm bảo chất lượng.

Cụ thể, để lọc hàng giả, hàng kém chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số sàn TMĐT đã ứng dụng các biện pháp lọc kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo và hình thức thủ công để kiểm tra sản phẩm hàng hóa đang bán có chính xác như mô tả, quảng cáo hay không; các thông tin cung cấp có chính xác so với tính chất của sản phẩm đang bán hay không.

Đồng thời, các sàn cũng thường dựa vào những báo cáo, nhận xét đánh giá của khách hàng về chất lượng sản phẩm hàng hóa để thực hiện hoàn tiền cho khách hàng, cũng như xác minh để gỡ sản phẩm không đảm bảo.

Do đó, bên cạnh trách nhiệm và nỗ lực của các sàn TMĐT, người tiêu dùng cũng cần thể hiện vai trò trách nhiệm của mình. Khi gặp tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng trong khi mua sắm, khách hàng cần gửi báo cáo, phản hồi ngay cho sàn. Đây là cách bảo vệ quyền lợi của chính mình cũng như góp phần tạo ra môi trường mua sắm lành mạnh và an toàn.

Trong khu vực Đông Nam Á, hoạt động ngăn chặn hàng giả, hàng nhái trên các sàn TMĐT cũng được triển khai rộng rãi. Năm 2022, các “ông lớn” TMĐT cũng đã hợp tác với nhau thành lập hiệp hội chống hàng giả, hàng nhái TMĐT đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á.

Các nền tảng TMĐT tham gia Hiệp hội này bao gồm Lazada, AliExpress, Carousell, WeChat, TikTok và Tokopedia, cùng một số thành viên khác là nhà sản xuất đồ thể thao Puma, nhà sản xuất ô tô BMW và gã khổng lồ hàng tiêu dùng Procter & Gamble. Công ty luật Robinson LLC cũng tham gia điều phối hoạt động của các thành viên trong nhóm.

Chia sẻ về sáng kiến này, đại diện của Robinson LLC cho biết: “TMĐT tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế số, các DN cần quan tâm nhiều hơn đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề buôn bán hàng giả”.

Theo đó, Hiệp hội thành lập nhằm thiết lập một tập hợp các thông lệ và tiêu chuẩn tốt nhất về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong TMĐT. Các thành viên của hiệp hội đã cam kết hợp tác với các bên liên quan để giải quyết nạn buôn bán hàng giả trong ngành bán lẻ trực tuyến và hỗ trợ lẫn nhau trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và người tiêu dùng.

Hay mới đây, “ông lớn” Amazon cũng đã phát hành Báo cáo bảo vệ thương hiệu hàng năm lần thứ ba, nhấn mạnh những nỗ lực của công ty trong việc bảo vệ khách hàng, thương hiệu và đối tác bán hàng khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Amazon đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để đảm bảo khách hàng có thể yên tâm mua sắm trên nền tảng này. Năm 2022, Amazon đã đầu tư hơn 1,2 tỷ USD và tuyển dụng hơn 15.000 người - bao gồm các nhà khoa học học máy, nhà phát triển phần mềm và chuyên gia điều tra - nhằm bảo vệ khách hàng, thương hiệu, đối tác bán hàng khỏi hàng giả, gian lận và các hình thức lạm dụng khác.

Chiến lược kết hợp giữa công nghệ tiên tiến và các chuyên gia đã ngăn chặn hiệu quả các hình thức gian lận, và tạo ra sự khác biệt trong hoạt động TMĐT trên nền tảng Amazon./.

Tâm An