Bắc Giang phát huy hiệu quả của thông tin đến vùng dân tộc thiểu số
Truyền thông - Ngày đăng : 07:49, 11/04/2023
Bắc Giang phát huy hiệu quả của thông tin đến vùng dân tộc thiểu số
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã làm tốt công tác đưa thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến đến cơ sở, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Đồng bào DTTS tỉnh Bắc Giang có hơn 257.000 người (14,26% số dân toàn tỉnh), cư trú tập trung ở 188 xã của 11 huyện, thành phố. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp luôn quan tâm thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách đối với vùng đồng bào. Trong đó, việc đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền các chính sách luôn được chú trọng.
Xác định thông tin cơ sở đối với thực hiện chính sách, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS có một vai trò vô cùng quan trọng. Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bắc Giang đã chủ trì thực hiện nội dung tăng cường cơ sở vật chất cho hệ thống TT&TT cơ sở thông qua các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia: “Đưa thông tin về cơ sở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo”; Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững.
Qua đó, Bắc Giang đã được đầu tư mới và sửa chữa nâng cấp cho 98 đài truyền thanh cấp xã, 04 đài truyền thanh cấp huyện. Phát huy vai trò của hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở giúp cho công tác truyền thông được lan tỏa và chuyển tải kịp thời nhiều thông tin hữu ích tới mọi người dân.
Triển khai thực hiện Quyết định số 279/QĐ-BTTTT ngày 08/3/2021, của Bộ TT&TT về kế hoạch thông tin, tuyên truyền thực hiện Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng DTTS giai đoạn 2021-2030”, Sở TT&TT đã xây dựng Kế hoạch số 60/KH-STTTT ngày 31/3/2021về triển khai thực hiện Đề án. Theo đó, ngành TT&TT chú trọng việc tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Tuyên truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, vùng DTTS; nâng cao vai trò của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; nhân rộng các mô hình Câu lạc bộ văn hóa, nghệ thuật ở thôn, bản, làng, khu dân cư; đặc biệt là tuyên truyền về ứng dụng công nghệ số trong xây dựng các sản phẩm văn hóa…
Hằng năm, các cơ quan báo chí, truyền hình của tỉnh đã tuyên truyền lồng ghép hàng nghìn tin, bài, chương trình, chuyên trang, chuyên mục có nội dung về giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, chăm sóc sức khỏe và phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc, khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh công tác giảm nghèo nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng đồng bào DTTS, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa các thành phần dân tộc, giữa vùng dân tộc với các vùng khác trong tỉnh và cả nước; tuyên truyền về các chính sách phát triển kinh tế - xã hội và các chính sách khác có liên quan đến vùng DTTS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh hệ thống báo chí, ngành TT&TT tỉnh, các huyện, thành phố cũng đa dạng hóa hình thức truyền tải thông tin, như thông tin trực tiếp (qua phát thanh di động; hội nghị, hội thảo…); in ấn, phát tờ rơi, sách báo, cẩm nang, sổ tay… Qua đó đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng và duy trì 2 chương trình phát hình, phát thanh tiếng dân tộc Sán Chí/tuần. Báo Bắc Giang xây dựng chuyên trang, chuyên mục dành riêng cho độc giả vùng đồng bào DTTS với cách tiếp cận và truyền tải thông tin độc đáo, dễ hiểu, nhẹ nhàng. Các chương trình, chuyên mục được xem như là “cẩm nang” của bà con trong việc phát triển kinh tế, giúp nhau xóa nghèo, làm giàu.
Có thể thấy, thông qua công tác truyền thông, góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng, Nhà nước; chấp hành tốt pháp luật; ổn định chính trị - xã hội; nâng cao đời sống văn hóa; tạo sự đồng thuận để thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế bền vững đối với vùng đồng bào./.