Các startup châu Á thúc đẩy ngành du lịch Nhật Bản trong kỷ nguyên số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:18, 11/04/2023
Các startup châu Á thúc đẩy ngành du lịch Nhật Bản trong kỷ nguyên số
Nhận thấy tiềm năng phát triển ở Nhật Bản, các công ty khởi nghiệp (startup) du lịch châu Á đang nỗ lực thúc đẩy ngành du lịch của quốc gia này trong kỷ nguyên số thông qua các nền tảng du lịch và đặt phòng trực tuyến.
Nhật Bản thúc đẩy chi tiêu của du khách
Ngành du lịch Nhật Bản đã hồi phục mạnh mẽ trong những tháng gần đây sau khi Chính phủ nước này nới lỏng các hạn chế về đại dịch. Theo dữ liệu sơ bộ của tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, quốc gia này đã đón hơn 1 triệu lượt du khách quốc tế trong ba tháng liên tiếp tính tới tháng 2/2023. Nhật Bản cũng đã nới lỏng những biện pháp kiểm soát biên giới đối với các du khách đến từ Trung Quốc đại lục từ ngày 5/4. Theo đó, các du khách đến từ Trung Quốc đại lục chỉ cần xuất trình chứng nhận tiêm đủ 3 mũi vaccine phòng COVID-19 khi nhập cảnh vào Nhật Bản.
Mới đây, Chính phủ Nhật Bản đã thông báo sẽ chấm dứt các biện pháp kiểm soát biên giới phòng, chống dịch COVID-19 kể từ ngày 8/5 - thời điểm nước này chính thức hạ cấp dịch COVID-19 xuống ngang với cúm mùa. Đây là một thay đổi mang tính bước ngoặt của Nhật Bản nhằm bình thường hóa các hoạt động kinh tế - xã hội sau đại dịch.
Các chuyên gia cho biết những thay đổi này nhằm mục đích thúc đẩy du lịch quốc tế. Khoảng 9,6 triệu người Trung Quốc đã đến thăm Nhật Bản vào năm 2019, chi tiêu tổng cộng 1,7 nghìn tỷ yên (12,5 tỷ USD). Các hạn chế nới lỏng dự kiến sẽ đẩy nhanh sự trở lại của những khách du lịch chi tiêu lớn. Nhật Bản hy vọng rằng khi chi tiêu du lịch tăng lên sẽ thúc đẩy nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh dân số quốc gia này ngày càng giảm.
Các startup châu Á thúc đẩy ngành du lịch Nhật Bản trong kỷ nguyên số
Tuy nhiên, có một thực tế là các doanh nghiệp (DN) trong ngành dịch vụ Nhật Bản đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ tăng trưởng khách du lịch khi đất nước mở cửa hoàn toàn từ tháng 10/2022. Trong hơn 10.000 nhà trọ cũng như khách sạn mà công ty nghiên cứu và cung cấp dữ liệu Teikoku Databank của Nhật Bản khảo sát hồi tháng 1 vừa qua, gần 78% cho biết không đủ nhân viên toàn thời gian. Hơn 81% nói rằng không đủ cả nhân viên bán thời gian và thời vụ. Sự thiếu hụt này càng cao hơn nữa khi du lịch nội địa dự kiến tăng trong kỳ nghỉ Tuần lễ vàng (vào tháng 5) và mùa hè.
Trước tình hình này, Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JTA) đang xây dựng Kế hoạch cơ bản thúc đẩy quốc gia du lịch mới, trong đó khuyến khích các DN trong lĩnh vực này số hóa để phục vụ nhiều du khách hơn.
Trao đổi với Nikkei Asia trong các cuộc phỏng vấn gần đây, đại diện của startup du lịch Klook của Hồng Kông và KKday của Đài Loan - hai ứng dụng du lịch trực tuyến - cho biết rằng phần lớn doanh thu của họ đến từ khách du lịch ở Nhật Bản.
Giám đốc điều hành (CEO) Klook Ethan Lin cho biết doanh thu tại Nhật Bản của công ty đã vượt qua mức của năm 2019 và đạt mức tăng trưởng hai con số. Trong khi đó, theo Victor Tseng, giám đốc tài chính của KKday, trong vài tháng qua, Nhật Bản chiếm khoảng 50% hoạt động kinh doanh tổng thể của công ty, tăng từ mức 40% trước đại dịch.
Klook và KKday cho biết họ đang tìm cách mở rộng thị phần ở Nhật Bản bằng cách tập trung vào các DN lâu đời hoặc nhỏ hơn, ít được số hoá hơn so với các khách sạn và hãng hàng không lớn.
Theo báo cáo của JTA, 78% cơ sở lưu trú ở Nhật Bản như nhà nghỉ, nhà trọ truyền thống, homestay có ít hơn 10 nhân viên. Những cơ sở lưu trú như vậy có xu hướng dựa vào "kinh nghiệm và trực giác lâu năm" với phương thức hoạt động truyền thống như quản lý đặt chỗ thủ công bằng sổ sách, giấy tờ.
CEO của Klook cho biết trong thời kỳ hậu COVID, khách du lịch muốn khám phá nhiều hơn ngoài các điểm du lịch nổi tiếng ở Tokyo và Osaka. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở lưu trú ở các khu vực khác "chưa sẵn sàng cải cách" và "do dự" trong việc phục vụ du khách. Lin cho biết việc thu thập dữ liệu sẽ giúp họ đưa ra các chiến lược định giá có lợi hơn bởi nhiều chủ cơ sở lưu trú ở Nhật Bản hiện đang phải đối mặt với "tình thế tiến thoái lưỡng nan" - họ muốn tăng đơn giá phòng nghỉ và dịch vụ nhưng lại sợ phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng trong nước.
Trong khi, Tseng cho biết công việc của KKday tại Nhật Bản sử dụng nhiều lao động hơn so với các thị trường khác. Ông cho biết các đơn đặt hàng từ các DN Nhật Bản - từ dịch vụ chụp ảnh kimono đến hướng dẫn viên lướt sóng - đôi khi phải được xử lý thủ công. Vì vậy, KKday đang cố gắng tuyên truyền, giáo dục nhiều nhà cung cấp địa phương hơn về lý do tại sao họ cần số hóa, điều đó không chỉ giúp các nhà cung cấp bán được nhiều sản phẩm hơn mà còn từng bước tạo cơ sở dữ liệu về tất cả các dịch vụ và sản phẩm hiện có liên quan đến du lịch.
Cuối cùng, theo Tseng, các nền tảng số sẽ giúp thu hút nhiều du khách quốc tế từ nhiều quốc gia khác nhau đến với Nhật Bản trong các kỳ nghỉ lễ và tạo ra "nhu cầu ổn định", kể cả vào các ngày trong tuần khi ít khách du lịch nội địa.
Nhật Bản đang có kế hoạch cơ bản thúc đẩy quốc gia du lịch mới, trong đó mục tiêu đến năm 2025, thúc đẩy chi tiêu từ du khách nước ngoài đạt 5.000 tỷ yên. Theo JTA, khi dân số Nhật Bản giảm, du lịch sẽ là "con át chủ bài cho sự phát triển".
Báo cáo của cơ quan này cho biết việc cải thiện hiệu quả hoạt động cũng sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nhân sự trong các DN du lịch vào thời điểm mà nhiều DN đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần và ngày lễ bận rộn./.