Nhân sự số thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng và CĐS thành công
Diễn đàn - Ngày đăng : 20:32, 12/04/2023
Nhân sự số thúc đẩy doanh nghiệp tăng trưởng và CĐS thành công
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều biến động bất ngờ và khó lường, tiến trình chuyển đổi số (CĐS) gia tăng, nhân sự số được coi là yếu tố then chốt cấu thành nên năng lực cạnh tranh doanh nghiệp (DN) nói riêng và quốc gia nói chung.
Thúc đẩy phát triển nhân sự số và tăng cường năng lực cạnh tranh cho DN trong thời đại mới
CĐS là xu hướng tất yếu đối với sự phát triển của DN hiện nay. Xu hướng ứng dụng công nghệ số đang ngày càng lan tỏa trong các quy trình hoạt động của DN, kể cả việc quản lý, đào tạo nhân sự. Trong đó, nhân sự số chính là chìa khóa quyết định thành công trong CĐS của DN. Việc đánh giá hiện trạng nhân lực cũng như tìm ra các giải pháp để xây dựng nhân sự số là rất cần thiết để đảm bảo DN có thể tận dụng được các công nghệ mới và cải tiến quy trình kinh doanh một cách hiệu quả.
Trên thực tế, việc sở hữu lực lượng nhân sự số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hoạt động của DN từ điều hành quản lý đến nghiên cứu và kinh doanh. Những lợi ích dễ nhận biết nhất là cắt giảm chi phí vận hành, tăng khả năng tiếp cận nhiều khách hàng hơn, mở rộng thị trường kinh doanh thông qua việc am hiểu, sử dụng hiệu quả công nghệ để khai thác nhu cầu thị trường, thiết lập, củng cố mối quan hệ giữa các đối, khách hàng… Từ đó giúp tăng năng suất lao động, hiệu quả hoạt động và nâng cao tính cạnh tranh của tổ chức, DN.
Chia sẻ tại hội thảo "Nhân sự số - Năng lực nào thúc DN tăng trưởng" do Tạp chí Kinh tế Sài Gòn và Le & Associates tổ chức sáng 12/4, GS. TS. Trần Văn Thọ, Giáo sư danh dự Đại học Waseda, Nhật Bản, cho biết: "Với trào lưu mới, yếu tố quyết định năng suất lao động nói riêng và năng lực cạnh tranh nói chung của quốc gia và DN chính là tài sản vô hình và nguồn nhân lực mới". Trong đó, tài sản vô hình bao gồm: tài sản đẩy mạnh các tân công nghệ (như nghiên cứu và phát triển, khả năng thiết kế,..); tài sản có thể thông tin hoá (như phần mềm, cơ sở dữ liệu (CSDL),...) và tải sản tổng hợp (như năng lực quản lý, tổ chức,...). Còn nguồn nhân lực mới chính là nguồn nhân lực đáp ứng được sự thay đổi của công nghệ và thế giới hiện nay.
Chia sẻ về trường hợp của Nhật Bản, theo GS. TS. Trần Văn Thọ, có không ít những DN Nhật Bản đã thành công trong chiến lược tăng cường tài sản vô hình và xây dựng nguồn nhân lực mới tuỳ theo đặc thù của từng DN. Các công ty thành công tiêu biểu là Hitachi, Sony, Ricoh, Itochu,...
Thông tin cụ thể hơn về Hitachi, GS. TS. Trần Văn Thọ cho biết tập đoàn này hiện có 36 vạn nhân viên. Từ năm 2011, Hitachi đã đẩy mạnh cách tân công nghệ mà tiền đề là nguồn nhân lực mới như lập CSDL của 25 vạn nhân tài toàn cầu, trong đó 500 người thuộc top toàn cầu, để có kế hoạch thu hút nhân tài khi cần. Đồng thời, Tập đoàn còn thiết lập hệ thống học tập cho nhân viên với chương trình giáo dục kỹ thuật số nhằm tăng dần khả năng lãnh hội và sử dụng công nghệ số cho toàn nhân viên. Đến đầu năm 2021, Hitachi đã đạo tào/thu hút 35.000 chuyên gia kỹ thuật số, trong đó số nhà khoa học dữ liệu lên tới 3.000 người.
Trên cơ sở nguồn nhân lực mới, Tập đoàn này đã tiến hành đổi mới sáng tạo (ĐMST), kết nối các cơ sở sản xuất và quản lý thông qua IoT. Kết quả mang lại rất khả quan, cụ thể cắt giảm chi phí trong công trình thiết kế là 20%, trong điều động vật tư là 20%, trong chế tạo là 10% và giảm 50% thời gian sản xuất của các sản phẩm. Nhờ vậy, giá cổ phiếu của Hitachi đã tăng nhanh đáng kể.
Tại Việt Nam, theo GS. TS. Trần Văn Thọ, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua tiếp tục cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động khá cao trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, đó là nhờ chuyển dịch cơ cấu lao động, ví dụ từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ.
Để tăng năng suất trên bình diện quốc gia, theo GS. TS. Trần Văn Thọ cần thúc đẩy công nghiệp hoá theo chiều sâu để tăng hàm lượng giá trị gia tăng của mỗi sản phẩm công nghiệp; đẩy mạnh ĐMST; tăng cường giáo dục, đào tạo trong thời đại kỹ thuật số; tổ chức, lập các cơ sở tái đào tạo kỹ năng cho người lao động.
Trong khi đó, để tăng cường năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam, cần tập trung vào tài sản vô hình, nhân tài gắn với DN và đổi mới sáng tạo.
Nhân sự số thúc đẩy DN tăng trưởng và CĐS thành công
Tuy nhiên, vẫn còn không ít DN chưa nhận thức đúng đắn, đầy đủ ý nghĩa và tầm quan trọng của một nhân sự số. Điều này dẫn đến sự hời hợt, thiếu bài bản khi hoạch định chiến lược và triển khai kế hoạch kinh doanh, từ đó làm “tiêu hao” năng lực, cơ hội tăng trưởng của DN.
Tại hội thảo, các diễn giả và DN đã cùng bàn luận xoay quanh câu chuyện về năng lực của nhân viên, năng lực của bộ phận quản lý nhân sự, năng lực của tổ chức đang thiếu gì, cần cải thiện ra sao trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và CĐS gia tăng, năng lực nào là trọng tâm và có vai trò thúc đẩy DN tăng trưởng.
Theo bà Đinh Kim Nhung, Giám đốc nhân sự của VNG, tất cả các DN trong thời đại hiện nay đều đứng trước rất nhiều thay đổi và thử thách, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của DN, đội ngũ nhân viên và đối tượng khách hàng phục vụ. Những thay đổi này yêu cầu DN phải nhanh chóng nắm bắt được sự thay đổi, lựa chọn và sử dụng khối lượng thông tin đồ sộ để đưa ra chiến lược phát triển phù hợp. Hơn thế nữa, đội ngũ nhân sự cũng phải phù hợp với chiến lược và tiến trình phát triển của DN.
Ông Nguyễn Công Tẩn, CEO Citek cũng cho rằng, chỉ có CĐS mới giúp DN phát triển bền vững và để nâng cao năng lực cạnh tranh thì DN cần phát triển nhân sự phục vụ tầm nhìn và chiến lược của mình. Trong bối cảnh đó, nhân sự không chỉ cần giỏi công nghệ thông tin mà còn phải có thói quen tư duy số.
Chia sẻ về kinh nghiệm CĐS tại công ty PNJ, ông Lê Trí Thông, Tổng Giám đốc PNJ, cho rằng yếu tố then chốt giúp DN CĐS thành công nằm ở tầm nhìn chiến lược. Hơn 2 năm đại dịch cũng là giai đoạn PNJ nỗ lực làm mới mình tích cực nhất, trong đó trọng tâm là CĐS hoạt động của DN, nhờ đó doanh số và doanh thu tăng vượt trội. Đồng thời, PNJ cũng nỗ lực thúc đẩy tiến trình số hóa tại DN mình nhằm phát triển, tối ưu hóa các nguồn lực và hoàn thiện mô hình bán hàng đa kênh.
Theo ông Lê Trí Thông, tư duy chiến lược và sự đồng lòng của đội ngũ nhân viên là yếu tố căn cơ để CĐS thành công. Trong đó, các lãnh đạo phải đi đầu và phải là những người tham gia vào CĐS tích cực nhất. Ngoài ra, cần thường xuyên tổ chức những buổi đào tạo về tư duy - công nghệ hay các hoạt động chia sẻ - nói chuyện về CĐS cho nhân viên, từ đó tạo sự đồng thuận từ trên xuống dưới, một điều kiện quan trọng để CĐS thành công./.