Đạo đức của nhà báo điều tra và vấn đề bảo vệ nguồn tin

Báo chí - Ngày đăng : 00:00, 25/05/2023

Trả lời phỏng vấn khảo sát của nhóm nghiên cứu, nhà báo, nhà văn Nguyễn Như Phong cho rằng mỗi nhà báo điều tra nói riêng và nhà báo nói chung đều phải có cái tâm trong hoạt động nghề báo, trong việc cầm bút, đại diện cho tiếng nói của nhân dân, của con người.
Báo chí

Đạo đức của nhà báo điều tra và vấn đề bảo vệ nguồn tin

TS. Nguyễn Nga Huyền, Đồng Lương Huyền Linh, Trần Thị Khánh Linh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền 25/05/2023 00:00

Trả lời phỏng vấn khảo sát của nhóm nghiên cứu, nhà báo, nhà văn Nguyễn Như Phong cho rằng mỗi nhà báo điều tra nói riêng và nhà báo nói chung đều phải có cái tâm trong hoạt động nghề báo, trong việc cầm bút, đại diện cho tiếng nói của nhân dân, của con người.

Tóm tắt:

- Báo chí điều tra là loại hình hoạt động báo chí khó và đòi hỏi sự dấn thân của nhà báo.

- Nhà báo điều tra bắt buộc phải đáp ứng yêu cầu đặc thù về phẩm chất, nhân cách.

- Xây dựng và bảo vệ nguồn tin là trách nhiệm hàng đầu của nhà báo điều tra.

Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả đưa ra kết quả đạt được dựa trên việc khảo sát các nhà báo điều tra về những vấn đề chủ quan mà nhà báo điều tra gặp phải trong quá trình hoạt động, đồng thời phân tích nội dung dựa trên tài liệu và các tình huống thực tế.

Phẩm chất, đạo đức của nhà báo điều tra

Bởi, những năm gần đây, có số ít các tờ báo, nhà báo thiếu trách nhiệm chính trị; thiếu cẩn trọng khi khai thác thông tin, xử lý thông tin trước khi quyết định loan tin. Nhiều thông tin không đúng bản chất sự vụ, sự việc, vấn đề đã ít nhiều gây nhiễu, làm phân tâm niềm tin của người đọc, người nghe, người xem. Cá biệt có nhà báo phai nhạt về bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống, luôn tạo cho mình thứ “quyền lực đen” để lợi dụng quyền hạn đó vụ lợi cá nhân, đánh mất bản thân và làm méo mó hình ảnh người làm báo cách mạng Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đơn cử như vào khoảng 8h45 ngày 26/3/2019, tại phường Đông Hải (TP Thanh Hóa), Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt quả tang Hà Văn K. đang có hành vi cưỡng đoạt tiền của một doanh nghiệp. Lực lượng công an đã thu giữ tại chỗ của Hà Văn K. một số giấy giới thiệu, 1 thẻ cộng tác viên của cơ quan báo chí và 50 triệu đồng tiền mặt.

Trước đó, Phòng Cảnh sát hình sự nhận được tin báo về việc có đối tượng tự xưng là phóng viên, nhà báo đến một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn để tìm hiểu thông tin sai phạm. Người này đe dọa viết bài, đăng tải trên một số trang thông tin điện tử để ép buộc doanh nghiệp phải đưa tiền thì mới gỡ bài xuống. Ngay sau khi nhận được tin báo, Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ lập án đấu tranh và bắt quả tang khi Hà Văn K. đang nhận tiền của DN.

Tại cơ quan công an, bước đầu Hà Văn K. khai nhận đang làm cộng tác viên cho Báo điện tử D… Lợi dụng danh nghĩa này, tại Thanh Hóa, K. đã gặp một số DN và các tổ chức chính trị - xã hội để tìm hiểu về các sai phạm, sau đó viết bài và câu kết với một số đối tượng khác gọi điện thoại đe dọa, cưỡng đoạt tiền của các đơn vị này. [1]

Một trường hợp khác, ngày 2/1/2020, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị T. về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Trước đó, khoảng 14h ngày 25/12/2019, tại một quán cafe ở TP Thanh Hóa, Công an tỉnh đã bắt quả tang Phạm Thị T. đang nhận số tiền 10 triệu đồng của anh C.Đ.A. - lái xe Công ty CP Xây dựng giao thông thủy lợi T.H..

Theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan chức năng, Phạm Thị T. là cộng tác viên của một tạp chí có địa chỉ tại TP Hà Nội. Trong quá trình làm việc tại Thanh Hóa, Phạm Thị T. cho rằng công trình nâng cấp tuyến đê tại huyện Hoằng Hóa do Công ty CP Xây dựng giao thông thủy lợi T.H. là nhà thầu thi công có biểu hiện sai phạm trong thi công công trình. Sáng 25/12/2019, T. gọi điện thoại cho ông C.M.Q. là giám đốc công ty để nói về việc phát hiện một số biểu hiện sai phạm trên. Khi ông Q. xin T. “tạo điều kiện không đăng báo” thì T. đưa ra yêu cầu ký hợp đồng tuyên truyền và ra giá 15 triệu đồng nhưng ông Q. từ chối ký hợp đồng và hỏi T. lấy bao nhiêu tiền nhưng T. không trả lời, nên ông Q. đưa ra đề nghị 10 triệu đồng và được T. đồng ý. Khoảng 14h cùng ngày, khi T. đến quán cafe nhận tiền thì bị cơ quan công an phát hiện, bắt quả tang. [2]

Trên đây là 2 trong số nhiều “cộng tác viên” tác nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nói riêng và nhiều địa phương trong cả nước nói chung trong thời gian qua. Họ đã lợi dụng nghề nghiệp, uy tín của cơ quan báo chí để “vòi” tiền cá nhân, DN, tổ chức và đã bị sa lưới pháp luật.

Một ví dụ khác, ngày 20/6/2019, TAND tỉnh Thanh Hóa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Ngô Văn Kh. (sinh năm 1984, thường trú tại thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) và bị cáo Vũ Thị Hải H., sinh năm 1990, ở phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng của Viện KSND tỉnh Thanh Hóa, Ngô Văn Kh. là phóng viên thử việc của một tờ báo có trụ sở tại TP Hà Nội. Vào tháng 7/2018, Ngô Văn Kh. đã tìm hiểu, phát hiện các sai phạm, thiếu sót của phòng khám răng, hàm mặt T.H. ở thị trấn Thọ Xuân, huyện Thọ Xuân do anh H.D.H. làm chủ, sau đó viết bài, đăng tin về các sai phạm làm cho anh H. lo sợ, ảnh hưởng đến uy tín của phòng khám. Lúc này Kh. liên lạc và yêu cầu anh H. phải đưa tiền cho Kh., nếu không sẽ tiếp tục đăng bài.

Để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của anh H., Kh. liên lạc với Vũ Thị Hải H., nhờ giả danh là “Thanh Thảo” - tác giả của bài viết về phòng khám T.H. đăng trên trang Phụ nữ 30.Plus. Sau đó Kh. cho anh H. số điện thoại của Vũ Thị Hải H. để anh H. liên lạc đàm phán gỡ bài viết về phòng khám. Kh. thông qua Vũ Thị Hải H. để thống nhất thỏa thuận về gỡ bài viết với số tiền 50 triệu đồng. Ngày 23/10/2018, Ngô Văn Kh. vào TP Thanh Hóa nhận 50 triệu đồng của anh H.D.H. thì bị bắt quả tang. Hành vi của các bị can đã phạm vào tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo quy định tại Điểm d, Khoản 2 Điều 170 Bộ luật Hình sự. Hội đồng xét xử tuyên phạt Ngô Văn Kh. 30 tháng tù giam; Vũ Thị Hải H. 24 tháng tù cho hưởng án treo. [2]

“Đã làm nhà báo, nhất là nhà báo điều tra, thì phải thực hiện bài viết bằng cái tâm trong sáng của mình. Còn nếu như viết bài điều tra bằng sự tính toán, thì sẽ dễ chuốc hại vào thân. Bây giờ cạm bẫy với nhà báo nhiều lắm, một cái phong bì năm, mười triệu là đủ khiến anh thân bại danh liệt rồi”. (Nhà báo Nguyễn Như Phong)

Luật Báo chí 2016 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã bổ sung những quy định bắt buộc về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. [3] Luật cũng quy định Hội Nhà báo Việt Nam có trách nhiệm ban hành, tổ chức thực hiện quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo. Thực hiện quy định của Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Thế nhưng vẫn còn những nhà báo, cộng tác viên là “con sâu làm rầu nồi canh” đã lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi cá nhân, làm xúc phạm báo giới, xúc phạm lòng tự trọng, uy tín của những nhà báo chân chính và cơ quan báo chí, đồng thời, làm mất đi niềm tin của công chúng vào những người cầm bút chân chính. [4]

Người làm nghề nghiệp gì trong xã hội cũng cần đòi hỏi phải có đạo đức. Với nghề báo, vốn được mệnh danh là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, nghề truyền tải thông tin, định hướng dư luận và phản biện xã hội thì càng phải đề cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp. Theo đuổi thể loại báo chí điều tra, trực tiếp đối diện với tiêu cực trong xã hội, đòi hỏi người làm báo phải luôn thận trọng, luôn tự răn đe phải tránh xa các lợi ích cá nhân để phục vụ một điều duy nhất là sự thật, không gì có thể can thiệp được, ngoài sự thật.

Hiện có rất nhiều quy định, biện pháp giám sát, chế tài riêng cho các nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên quan trọng nhất là bản thân mỗi nhà báo phải tự ý thức được nghề nghiệp của mình để hoạt động đúng pháp luật, đúng với quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

ag-2-_bpzy.jpg
(Hình minh họa: laodong.vn)

Xây dựng và bảo vệ nguồn tin của nhà báo điều tra

Không riêng nhà báo điều tra, nguồn tin có vai trò vô cùng quan trọng đối với tất cả những người làm báo, ở mọi lĩnh vực. Trong nhiều cách tiếp cận để khai thác thông tin thì nguồn tin có thể nói là đầu mối vững chắc nhất để duy trì hoạt động của người làm báo điều tra.

Ngoài vấn đề xây dựng mối quan hệ thân tình giữa nhà báo với nguồn tin thì việc bảo vệ nguồn tin của mình cũng được xem là một trong những thách thức cho bản thân nhà báo điều tra. Đơn cử như trong loạt bài “Bảo vệ người chống tiêu cực bị trù úm nhẫn tâm”, chị Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sông Cầu, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên là nguồn tin cung cấp dữ liệu cho nhà báo điều tra Đỗ Doãn Hoàng. [5] Việc bảo vệ nguồn tin được nhà báo thực hiện xuyên suốt quá trình điều tra bằng những quy tắc vô cùng nghiêm ngặt. Theo nhà báo, một người không liên quan (thậm chí là người mà nhà báo không có trách nhiệm bảo vệ) nhưng đều không nên đưa lên báo, bởi, họ không có nghĩa vụ phải lên. Nhất là khi câu chuyện trở thành thông tin nguy hiểm thì việc bảo vệ càng trở nên cấp thiết.

Theo quy định của Luật Báo chí và Luật về thông tin, nhà báo có quyền bảo vệ thông tin của mình đến mức thậm chí có thể không trả lời bất cứ ai rằng mình lấy nguồn tin này ở đâu. Nhưng bản thân nhà báo phải có trách nhiệm đảm bảo lấy nguồn tin này từ một nguồn đáng tin cậy, chính xác cao.

“Tuy nhiên, có một câu hỏi đặt ra là “Trường hợp nào thì nhà báo buộc phải tiết lộ nguồn tin?”. Ví dụ vụ chị Huyền chống tiêu cực, ai là người đưa cho tôi những văn bản mà chính quyền địa phương đã ký hoàn toàn sai? Những văn bản đó họ ký xong họ cất đi chứ đâu có đưa cho tôi, vậy ai là người có được những ăn bản đấy? Không có tài liệu, không có lời thừa nhận của người sử dụng tài liệu thì không bao giờ có bằng chứng về việc chị Huyền đã cung cấp cho chúng tôi và chị Huyền vẫn vô sự mặc dù bị nghi ngờ. Một là, các tài liệu đó nằm trong vụ việc quan trọng đang điều tra. Hai là, điều này liên quan đến an ninh quốc gia và những vấn đề của cộng đồng. Nhưng vụ chị Huyền không liên quan đến cộng đồng. Như vậy, cách bảo vệ nguồn tin được quy định rõ trong trường hợp nào thì mới phải cung cấp, bởi vì thẻ nhà báo đã ghi rất rõ quyền lợi nhà báo phải bảo vệ nguồn tin của mình, bảo vệ danh dự nhân phẩm của mình, và có quyền bảo vệ đạo đức nghề nghiệp của mình. Người ta ép bạn, nếu không làm thì người ta thu thẻ nhà báo, người ta cách chức không cho làm việc nữa. Nếu bạn đánh đổi quyền lợi của bạn lấy quyền lợi của người cung cấp nguồn tin thì toàn bộ danh dự của người làm báo sẽ mất. Theo đó, chúng ta còn phải bảo vệ danh dự của những người cầm bút nữa”. (Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)

Trên thực tế, để bảo vệ được nguồn tin còn khó hơn nhiều, người làm báo phải xem đó là nguyên tắc hàng đầu, luôn luôn là nguyên tắc hàng đầu thì mới không gây hại cho nguồn tin.

Theo ý kiến của nhà báo Mai Thúc Long, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam trong một lần chia sẻ với truyền thông về nguồn tin: “Người dân có số liệu, tài liệu để cung cấp cho báo chí, có nghĩa là họ mong muốn cơ quan báo chí cùng họ điều tra để đưa được vụ việc tiêu cực ra ánh sáng, họ muốn báo chí cùng họ làm sáng tỏ một số bức xúc trong họ. Và từ những nguồn tin riêng, báo chí đã triển khai thành những tuyến bài, đóng góp rất lớn trong việc đấu tranh chống tiêu cực nảy sinh trong một số cơ quan công quyền và điều chỉnh một số chính sách bất cập của cơ quan nhà nước. Người dân nhận thức rõ điều đó và họ nhận thấy việc cung cấp thông tin cho báo chí mang lại hiệu quả đấu tranh cao”.

Nhà báo Mai Thúc Long cũng chỉ rõ hơn: Trong bất kỳ tình huống nào, lẽ phải cũng cần được xác định một cách rõ ràng. Tất nhiên, cũng có người tố cáo sai, đưa thông tin sai lên các trang mạng, lợi dụng sự tự do báo chí và diễn đàn đưa thông tin không đúng sự thật. Nhưng nhà báo bằng nghiệp vụ có thể xác minh việc tố cáo đúng có sự thật không, có oan sai không...

Ngoài những quy định của luật pháp, bảo vệ nguồn tin còn là trách nhiệm, đạo đức, nguyên tắc nghề. Nhiều tờ báo ở Việt Nam đã có chế độ trả thù lao cho nguồn tin cung cấp, cho nên, không lý gì người phóng viên lại không có trách nhiệm bảo vệ nguồn tin của mình. Nuôi dưỡng và giữ được quan hệ mật thiết với nguồn tin (ở đây được hiểu là cung cấp thông tin vì sự phát triển chung của xã hội, không vụ lợi...), phóng viên sẽ được khẳng định uy tín, danh dự và trách nhiệm của chính người đi thực hiện điều tra. Điều này sẽ giúp người cung cấp tin tưởng và được tôn trọng hơn./.

Tài liệu tham khảo:

1. Văn Thanh, Báo Thanh tra, Bắt một cộng tác viên nhận 50 triệu đồng của doanh nghiệp, (https://baotuyenquang.com.vn/an-ninh-trat-tu/bat-mot-cong-tac-vien-nhan-50-trieu-dong-cua-doanh-nghiep-115052.html), ngày 27-03-2019

2. Thanh Phương, Báo Công luận, Bắt giữ nữ cộng tác viên tạp
chí cưỡng đoạt tài sản, (https://congly.vn/bat-giu-nu-c...), ngày 04- 01-2020

3. Quốc hội (2016), Luật Báo chí 2016, Hà Nội.

4. Nguyễn Thị Trường Giang (2011), Đạo đức nghề nghiệp của
nhà báo, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội

5. Lam Anh, Chiên Hoàng, Vụ Phó Chủ tịch thị trấn Sông Cầu
(Thái Nguyên) chống tiêu cực: Kiểm điểm 4 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo liên quan (https://danviet.vn/vu-pho-chu-...), ngày 18-9-2020.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2023)

TS. Nguyễn Nga Huyền, Đồng Lương Huyền Linh, Trần Thị Khánh Linh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền