Tính nhân văn của báo chí truyền thông trong việc phản ánh về cộng đồng LGBT

Báo chí - Ngày đăng : 10:24, 14/05/2023

Báo chí truyền thông không chỉ cung cấp thông tin cho xã hội mà còn góp phần giáo dục, định hướng nhận thức của xã hội về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Trong khoảng 30 năm gần đây, cộng đồng người đồng tính (LGBT) ngày càng được báo chí truyền thông quan tâm phản ánh nhiều hơn.
Báo chí

Tính nhân văn của báo chí truyền thông trong việc phản ánh về cộng đồng LGBT

TS.Trần Thị Hòa, Trần Thị Diễm My, Đoàn Thu Trang, Nguyễn Thị Phụng Lý - Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng 14/05/2023 10:24

Báo chí truyền thông không chỉ cung cấp thông tin cho xã hội mà còn góp phần giáo dục, định hướng nhận thức của xã hội về những vấn đề quan trọng trong cuộc sống. Trong khoảng 30 năm gần đây, cộng đồng người đồng tính (LGBT) ngày càng được báo chí truyền thông quan tâm phản ánh nhiều hơn.

Tóm tắt:
- Các hoạt động báo chí truyền thông cần phải hướng đến những
giá trị mang tính phổ quát, hướng con người đến các giá trị chân - thiện - mỹ, bảo vệ quyền lợi chính đáng của con người, vì sự tiến bộ chung của loài người.

- Không chỉ các nhà báo, mà cả các Youtuber, Tiktoker hay bất
kì người sử dụng, chủ account Facebook, Instagram, Zalo nào cũng cần có ý thức nhân văn trong quá trình hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.

- Báo chí truyền thông đóng một vai trò trong việc hình thành nhận thức, thái độ của công chúng với cộng đồng LGBT; mạng Internet đóng vai trò quan trọng trong nhận thức về giới tính của người LGBT.

- Phản ánh đề tài về nhóm LGBT cần thể hiện tính nhân văn ở
sự kết nối, cung cấp thông tin, giúp cất tiếng nói một cách phù hợp.

Phản ánh của báo chí truyền thông về LGBT giúp xã hội tiếp cận và hiểu nhiều hơn về nhóm này. Tuy nhiên, người LGBT là nhóm xã hội có khả năng gặp một số vấn đề khó khăn trong cuộc sống, nên khi phản ánh về họ, báo chí truyền thông cần có sự quan tâm đặc biệt về tính nhân văn trong những tác phẩm của mình.

Báo chí truyền thông về vấn đề LGBT

Tính nhân văn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu của đạo đức báo chí. Trong bản 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo do Hội Nhà báo Việt Nam công bố năm 2016, điều 4 quy định báo chí “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Định hướng phát triển nền báo chí của nước ta hiện nay cũng nhấn mạnh yếu tố nhân văn bên cạnh các yếu tố chuyên nghiệp và hiện đại.

Hiện nay, trong thời đại công nghiệp 4.0, với sự phát triển như vũ bão của Internet và kỹ thuật số, đặc biệt dẫn đến sự bùng nổ của mạng xã hội, thì không chỉ báo chí nói riêng mà truyền thông nói chung cũng đứng trước yêu cầu đảm bảo và phát huy tính nhân văn trong các hoạt động của mình. Nghĩa là không chỉ các nhà báo, mà cả các YouTuber, Tiktoker hay bất kì người sử dụng, chủ account Facebook, Instagram, Zalo[1] cũng cần có ý thức nhân văn trong quá trình hoạt động truyền thông trên mạng xã hội.

Tính nhân văn tuy là một khái niệm khá trừu tượng nhưng lại được thể hiện cụ thể trong những hoạt động báo chí truyền thông cụ thể. Một ví dụ tiêu biểu thể hiện cho tính nhân văn trong hoạt động báo chí truyền thông chính là phản ánh của báo chí truyền thông về đề tài cộng đồng người LGBT.

2733_7390aba4cf6aeafadcdbcb67954cc245.jpg

LGBT (lesbian, gay, bisexual, transgender) là cộng đồng người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và người chuyển giới... Nhóm này tồn tại không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Do sự khác biệt về xu hướng tính dục (xu hướng tính dục của LGBT khác với người dị tính vốn phổ biến và chiếm đa số trong xã hội), người thuộc cộng đồng LGBT thường thuộc nhóm thiểu số và trước đây thường phải giấu giới tính thật của mình, thậm chí chịu nhiều đau khổ trong đời sống cá nhân [2].

Trong những năm gần đây, với sự cởi mở của xã hội, người LGBT đã dần xuất đầu lộ diện (come out), công khai giới tính thật của mình và được xã hội chấp nhận, tôn trọng. Một trong những kênh giúp người LGBT come out là thông qua báo chí truyền thông.

Nếu như thời kì những năm 1980, LGBT là đề tài hiếm gặp trên báo chí, thì ngày nay đã trở nên khá phổ biến. Các báo mạng có uy tín lớn như Thanh niên, Tuổi trẻ, VnExpress đều có nội dung tin tức thời sự, bài viết… liên quan đến hoạt động của người thuộc cộng đồng LGBT.

Sự vươn mình ra khỏi bóng tối của nhóm xã hội này có vai trò quan trọng của báo chí truyền thông. Trên thực tế, nhận thức của xã hội tại Việt Nam về LGBT đã và đang dần thay đổi. Cuộc khảo sát trên 400 công chúng trẻ ở tỉnh Quảng Nam (vùng nông thôn) và thành phố Đà Nẵng (khu vực thành thị) cho thấy trên 70% công chúng trẻ tham gia khảo sát cho rằng báo chí truyền thông có vai trò quan trọng trong việc đưa hình ảnh cộng đồng LGBT đến với công chúng. Tại Đà Nẵng, con số này đạt trên 80%.

Như vậy, đa số công chúng đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc truyền thông về cộng đồng LGBT. Bản thân người thuộc cộng đồng tham gia trả lời phỏng vấn sâu cũng cho rằng báo chí gần đây có nhiều tiến bộ trong việc phản ánh về đề tài này, có nhiều tin bài hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những tin bài mang tính khách quan, người này cũng về việc sử dụng ngôn từ hoặc thái độ, cách nhìn của nhà báo về người LGBT mà họ cho là chưa phù hợp, chưa có bằng chứng khoa học xác thực.

Khảo sát cũng cho thấy hiện nay giới trẻ đã không còn xa lại với cộng đồng LGBT cũng như những hoạt động nổi bật của cộng đồng này. Phần lớn công chúng thấy thoải mái khi tiếp xúc với họ. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy mức độ quen biết người thuộc cộng đồng này còn tương đối ít, chứng tỏ những người LGBT chưa thể hiện bản thân nhiều trong cộng đồng xã hội nói chung (trừ những người thuộc giới showbiz, người nổi tiếng...). Phỏng vấn sâu cho thấy người LGBT có thể vấp phải kì thị, thành kiến hoặc hiểu lầm, hoặc đã có những trải nghiệm chứng kiến trường hợp người thuộc nhóm này bị đối xử không tốt, bị tổn thương, nên họ thận trọng không muốn bộc lộ bản thân.

Nhìn chung giữa hai địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam tỉ lệ các bạn trẻ thực hiện khảo sát xem các chương trình có sự xuất hiện của những người thuộc cộng đồng LGBT đều đạt hơn 50%. Con số này chứng tỏ việc những người thuộc cộng đồng LGBT xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã không còn quá xa lạ và dần trở thành điều bình thường đối với công chúng trẻ hiện nay. Truyền thông đã thể hiện cách nhìn tiến bộ hơn, nhanh chóng tiếp cận và bắt đầu thể hiện những hình ảnh hiện đại văn minh của người thuộc cộng đồng LGBT lên để điều này trở nên gần gũi với xã hội hơn.

Đề xuất cách báo chí truyền thông phản ánh về đề tài LGBT

Tính nhân văn của tin bài báo chí truyền thông về chủ đề người LGBT nên được thể hiện qua:

- Chọn những nội dung có ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng LGBT nói riêng và cộng đồng xã hội nói chung. Tin bài về đề tài LGBT cần cung cấp những thông tin đúng đắn, thông tin chân thực, đúng đắn, khoa học. Để làm được điều này, bản thân người viết về đề tài LGBT phải tích cực tìm hiểu, tích lũy các thông tin, kiến thức khoa học về vấn đề này. Các cơ quan báo chí nên tổ chức thường xuyên các hội thảo bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng viết tin bài về đề tài LGBT với sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về giới để giúp phóng viên, người viết kịp thời bổ sung những kiến thức khoa học mới về đề tài này, từ đó nâng cao chất lượng các bài viết liên quan.

- Xác định một thái độ phù hợp khi chọn viết tin bài về chủ đề này, tránh tình trạng để định kiến, cảm tính hay sự kì thị cá nhân ảnh hưởng đến tính khách quan của bài viết. LGBT là một nhóm người trong xã hội, họ học tập, lao động như bao người và nhiều người trong số họ còn có những đóng góp quan trọng với xã hội (nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, nhà thiết kế, người dẫn chương trình nổi tiếng thuộc cộng đồng LGBT). Họ là công dân của xã hội và cần được sự tôn trọng, yêu thương như những người khác. Ngược lại, LGBT như những người khác, trong cuộc sống cá nhân cũng như trong đời sống tương tác với xã hội nói chung, cũng cần tôn trọng pháp luật, đạo đức chung của xã hội, nên tích cực tu dưỡng bản thân, làm việc và đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

- Sử dụng ngôn từ phù hợp, tránh những từ ngữ mang tính xúc phạm, thô tục, mang nặng định kiến. “Viết đúng để tránh gây hiểu sai” nên là tiêu chí được tuân thủ trong quá trình sản xuất, đăng tải các tin, bài về chủ đề LGBT.

- Cung cấp thông tin đúng đắn, giúp mọi người hiểu đúng về LGBT cũng như chính LGBT hiểu đúng về bản thân, từ đó biết cách cư xử đúng đắn, phù hợp với nhau.

- Cung cấp thông tin vừa để người LGBT được kết nối nhiều hơn với xã hội, ngày càng hòa nhập với xã hội, thể hiện được những điểm tích cực, đóng góp của bản thân đối với cộng đồng, từ đó giành được sự chấp nhận, sự tôn trọng ngày càng tăng của xã hội, đồng thời giúp họ có thông tin về chính cộng đồng của họ, được hướng dẫn cách thức ứng xử phù hợp, qua đó chứng tỏ vai trò, vị trí của mình trong xã hội và biết cách sống hòa đồng trong xã hội trong khi cũng biết cách tổ chức tốt đời sống cá nhân và giải quyết một cách hợp lý các vấn đề cá nhân sao cho phù hợp với các quy định pháp luật và quy tắc đạo đức chung của xã hội, góp phần xây dựng một cộng đồng xã hội chung nhân ái, ổn định, đoàn kết.

- Báo chí truyền thông nên giúp cộng đồng LGBT thể hiện bản thân một cách phù hợp, để những người khác hiểu được những nỗi niềm của họ, từ đó có sự hiểu đúng, thông cảm, chấp nhận. Báo chí cũng nên duy trì sự khách quan, công bằng, đúng mực, không nên “thổi phồng” vấn đề, không lạm dụng LGBT như là yếu tố giật gân, câu khách, câu view. Những thành tích, cống hiến, việc làm tốt được khen ngợi thì những việc làm chưa tốt, vi phạm pháp luật… cũng cần được chỉ ra với một thái độ đúng mực, xây dựng để cảnh báo, sửa chữa, giáo dục chứ không nhằm vào chỉ trích, dè bỉu hay kì thị, vì những nhóm xã hội khác cũng có thể có những người làm sai, việc làm sai.

Nhìn chung, trong phản ánh về LGBT, báo chí truyền thông nên có sự đối xử công bằng, thiện chí và mang tinh thần xây dựng, vì một xã hội ngày càng phát triển, văn minh, nhân ái. Đặc biệt, báo chí cần đóng vai trò đầu tàu, gương mẫu, dẫn dắt về thông tin, thể hiện thái độ phù hợp, đúng đắn, cung cấp thông tin chính xác về LGBT, để các kênh truyền thông khác như mạng xã hội cũng theo đó mà tăng cường sự phản ánh đúng đắn về chủ đề này, tránh hiện tượng fake news (tin giả), bóp méo sự thật hay kì thị, thể hiện định kiến với cộng đồng LGBT trên không gian mạng và các kênh truyền thông khác./.

Tài liệu tham khảo:
[1]. Trên đây chỉ liệt kê một số mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam. Trên thực tế, còn có nhiều mạng xã hội khác cũng đang hoạt động, nhưng do phạm vi hạn chế của bài viết nên chúng tôi không thể trình bày toàn bộ các mạng xã hội đang được sử dụng ở Việt Nam hiện nay.

[2]. Ví dụ, xem các trường hợp được trình bày trong công trình nghiên cứu Khát vọng được là chính mình do nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương - Mai Thanh Bình - Lê Thanh Tú thuộc Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường thực hiện năm 2012 (tài liệu tham khảo số 5)

1. Hồ Chí Minh (2004) (Tạ Ngọc Tấn tuyển chọn và giới thiệu), Hồ Chí Minh về báo chí, NXB Chính trị quốc gia.

2. Hồ Quang Lợi (2017), “Báo chí nhân văn trên nền tảng đạo
đức và luật pháp”, Người làm báo, https://nguoilambao.vn/bao-chi-nhan-van-tren-nen-tang-dao-duc-va-phapluat-n4641.html xem ngày 12/4/2023.

3. Lê Quốc Lý, Lê Văn Toan, Ngô Kim Ngân, Nguyễn Thị Phương
Thảo (2011), Quan điểm của C. Mác, Ph. Ăngghen, V.I. Lê nin, Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam về báo chí, NXB Chính trị quốc gia.

4. Ngô Thùy An (2017), Thông điệp truyền thông về cộng đồng
LGBT trên báo mạng điện tử ở Việt Nam hiện nay (Luận văn Thạc sĩ Báo chí học), Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

5. Nguyễn Thùy Vân Anh (2022), “Xây dựng nền báo chí, truyền
thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”, Tạp chí Lý luận chính trị và truyền thông, lyluanchinhtrivatruyenthong. vn, https://lyluanchinhtrivatruyen..., xem ngày 11/4/2023.

6. Phạm Quỳnh Phương, Lê Quang Bình & Mai Thanh Tú (2012), Khát vọng được là chính mình Người chuyển giới ở Việt Nam - những vấn đề thực tiễn và pháp lý, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, https://thuvienso.quochoi.vn/handle/11742/46699, xem 12/4/2023.

7. Trần Hoàng Hoàng (2022), “Giữ vững tính nhân văn của báo chí cách mạng”, Quân đội nhân dân, qdnd.vn, https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/giu-vung-tinh-nhan-van-cua-bao-chi-cach-mang-697724, xem ngày 11/4/2023.

8. Trương Thị Kiên (2022), “Đảm báo tính nhân văn trong ảnh
báo chí”, Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền Thông, https://lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/dam-bao-tinh-nhan-van-trong-anh-bao-chi-p26562.html, xem ngày 11/4/2023.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2023)

TS.Trần Thị Hòa, Trần Thị Diễm My, Đoàn Thu Trang, Nguyễn Thị Phụng Lý - Trường Đại học Sư Phạm - Đại học Đà Nẵng