Cơ chế chia sẻ nguy cơ giúp phát hiện sớm các gian lận tài chính
An toàn thông tin - Ngày đăng : 17:14, 18/04/2023
Cơ chế chia sẻ nguy cơ giúp phát hiện sớm các gian lận tài chính
Theo đại diện Công ty An ninh mạng Viettel, để giảm thiểu rủi ro và phát hiện sớm các gian lận tài chính, cần có cơ chế để các tổ chức có thể chia sẻ thông tin nhưng vẫn đảm bảo thông tin khách hàng.
Gian lận tài chính tỷ lệ thuận quá trình bùng nổ chuyển đổi số
Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp (DN) đã và đang tích cực chuyển đổi số nhằm cung cấp dịch vụ cho khách hàng nhanh hơn, đa dạng sản phẩm hơn, qua nhiều kênh hơn. Hoạt động chuyển đổi số giúp DN tăng trưởng nhanh hơn nhưng cũng làm gia tăng sự cố gian lận, gây ra những tổn thất tài chính và phi tài chính cho DN.
Trong thời gian qua, để bảo vệ người dân, cộng đồng trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng, DN cung cấp dịch vụ an toàn, an ninh mạng đã triển khai nhiều biện pháp kỹ thuật, hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho khách hàng, người dân, một số biện pháp đã bước đầu mang lại hiệu quả nhất định. Theo số liệu từ Cục ATTT (Bộ TT&TT), trong năm 2022, lực lượng chức năng đã ngăn chặn, xử lý hơn 2.620 trang web lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật và bảo vệ hơn 4,7 triệu người dân (tương ứng 6,7% người dùng Internet Việt Nam) trước các tấn công lừa đảo trực tuyến, vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Cuối năm 2022, Cybersec Asia Readers’ Choice Awards 2022 – Sự kiện an ninh mạng uy tín hàng đầu châu Á công bố Công ty An ninh mạng Viettel (Viettel Cyber Security – VCS) đạt giải "Best in Online Fraud Management" (Sản phẩm Quản lý gian lận trực tuyến tốt nhất) cho Giải pháp phát hiện và phản ứng gian lận tài chính – Viettel Financial Fraud Detection and Response (VCS-F2DR). VCS là đơn vị duy nhất tại Việt Nam tham dự và xuất sắc đạt giải tại sự kiện. Đây là bộ giải pháp bao gồm cả quy trình, hệ thống và bộ tập luật do Công ty VCS nghiên cứu và phát triển nhằm cung cấp cho các DN đầy đủ tri thức và công cụ để phát hiện sớm và ứng phó kịp thời với rủi ro gian lận. Các hoạt động phát hiện, điều tra, phản ứng với gian lận được số hóa và tự động hóa khi DN áp dụng giải pháp.
Qua các vòng xét duyệt và bình chọn của giải thưởng, VCS-F2DR được giới chuyên môn đánh giá cao với điểm mạnh có thể linh hoạt tuỳ chỉnh theo yêu cầu của DN, liên tục cập nhật tập luật phù hợp, đảm bảo phát hiện sớm và phản ứng nhanh chóng với các chiến dịch tấn công lừa đảo. Với tính lợi thế của nhà mạng ISP lớn nhất Việt Nam, giải pháp cho phép phân tích dữ liệu theo thời gian thực trong vòng chưa tới 2 phút. Đặc biệt, VCS - F2DR được tối ưu hóa để phân tích 50.000 giao dịch mỗi giây và hỗ trợ tối đa 3 triệu người dùng chỉ với 2 - 3 máy chủ cơ bản trong khi độ trễ của thời gian phân tích sự kiện chỉ dưới 3 giây.
Chia sẻ về lý do ra mắt nền tảng, theo đại diện VCS, từ năm 2020, đơn vị này nhận thấy các ngân hàng liên tục cảnh báo khách hàng về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử. Vì vậy, VCS đã bắt đầu nghiên cứu về thị trường Việt Nam và các sản phẩm về phát hiện gian lận tài chính trên thế giới. Để rồi, công ty đã quyết định cho ra mắt sản phẩm VCS-F2DR để bảo vệ tiền cho khách hàng bên cạnh những sản phẩm bảo vệ hệ thống và dữ liệu cho khách hàng.
Việc ra đời những sản phẩm như VCS-F2DR sẽ giúp tổ chức khách hàng số hóa cũng như tự động hóa hoạt động về phát hiện và ứng phó gian lận. “Qua đó sẽ giúp phát hiện, chống các loại hình gian lận từ bên ngoài và nội bộ tổ chức như lừa đảo chiếm đoạt tài khoản, mở và sử dụng tài khoản trái phép”, đại diện VCS chia sẻ thêm.
Sản phẩm có các tính năng bao gồm: Quản lý nguồn dữ liệu; Quản lý kịch bản phát hiện gian lận; Quản lý cảnh báo; Quản lý sự cố; Quản lý kịch bản phần cứng.
Liên tục điều chỉnh, cập nhật các kịch bản gian lận phát sinh trên thị trường Việt Nam
Cũng theo đại diện VCS, mặc dù hiện các ngân hàng tại Việt Nam áp dụng các tiêu chuẩn kiểm soát nội bộ ngày càng chặt chẽ theo yêu cầu của ngân hàng nhà nước và các tiêu chuẩn quốc tế nhưng các loại hình gian lận cũng ngày càng tinh vi hơn, áp dụng nhiều công nghệ hơn, có tổ chức hơn để vượt qua các lớp phòng thủ của tổ chức tài chính.
Rào cản lớn nhất trong việc ứng dụng giải pháp là nhận thức, khi mà DN không biết họ đang bị gian lận tài chính như thế nào và công nghệ có thể hỗ trợ đến đâu. Điều này khiến cho việc áp dụng giải pháp như VCS-F2DR chưa được chú trọng.
Theo đại diện VCS, ưu điểm lớn nhất của VCS – F2DR là khả năng tùy chỉnh. Công ty có thể điều chỉnh, phát triển thêm một số tính năng theo yêu cầu của khách hàng cũng như có các tri thức riêng để phát hiện gian lận đặc trưng của thị trường Việt Nam. Những tri thức này do các chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính phát triển dựa trên các hướng dẫn của các tổ chức hàng đầu về phát hiện, phòng chống gian lận và liên tục cập nhật các kịch bản phát sinh trên thị trường.
“Giải pháp cho phép người dùng tạo luật (rule) bằng ngôn ngữ nghiệp vụ. Đồng thời thường xuyên được nâng cấp về tính năng và giao diện để hệ thống ngày càng thân thiện với người sử dụng cuối”, đại diện VCS chia sẻ thêm.
Mặc dù vậy, do dòng sản phẩm về gian lận nói riêng và quản trị rủi ro nói chung là dòng sản phẩm mới của công ty nên sẽ cần nhiều thời gian hơn thuyết phục để các đối tác trải nghiệm và tin dùng sản phẩm này.
Đến thời điểm hiện tại, sản phẩm cũng đã đạt một số giải thưởng cả trong nước và quốc tế, như giải thưởng Sản phẩm Quản lý gian lận trực tuyến tốt nhất tại sự kiện Cybersec Asia Readers’ Choice Awards 2022 vào tháng 11/2022, giải vàng tại Giải thưởng Cybersecurity Excellence Awards 2022,...
Công ty sẽ tiếp tục cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm VCS – F2DR nhằm đáp ứng được nhu cầu của nhiều DN hơn. Công ty cũng lên kế hoạch giới thiệu sản phẩm VCS – F2DR tới một số thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á trong ngắn hạn.
Để giảm thiểu rủi ro gian lận tài chính, đại diện VCS cho rằng, cần có cơ chế chia sẻ các nguy cơ và dấu hiệu nhận biết gian lận giữa các DN vì điều này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát hiện sớm. Tuy nhiên, các DN sẽ không thể có sự chia sẻ lẫn nhau nếu không có hàng lang pháp lý. “Cơ quan quản lý cần xây dựng cơ chế để các ngân hàng có thể chia sẻ thông tin về nguy cơ và dấu hiệu nhận biết gian lận tài chính nhưng vẫn đảm bảo thông tin khách hàng”, đại diện VCS kiến nghị.
Khi được hỏi nếu người dùng và DN ngày càng có ý thức hơn, làm giảm các nguy cơ gian lận tài chính thì có cần đến những giải pháp như VCS-F2DR hay không, đại diện VCS khẳng định, nền tảng này giống như “camera để phát hiện kẻ trộm lẻn vào nhà nên dù tòa nhà có cửa sắt kiên cố và dùng nhiều lớp khóa đến mấy thì vẫn phải lắp”. Vì vậy nếu DN có ý thức hơn, cẩn thận hơn thì chắc chắn sẽ dùng nhiều các giải pháp như VCS – F2DR./.