Đến nay, đã có 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 12:14, 19/04/2023

Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.
Chuyển đổi số

Đến nay, đã có 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa

PV {Ngày xuất bản}

Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo.

1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ, chủ trì Phiên họp thứ 4 của Ban Chỉ đạo

Con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy

Theo Văn phòng Chính phủ (VPCP), thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm, coi trọng việc đẩy mạnh cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh gắn với chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) với nguyên tắc "Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy". Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết, chiến lược, chương trình về CCHC, CĐS quốc gia phục vụ người dân, DN. Nhờ đó đã đạt được các kết quả nổi bật về cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh gắn với CĐS; CĐS trong thực hiện TTHC; phân cấp trong giải quyết TTHC, đơn giản hóa TTHC nội bộ.

Đến nay, các bộ đã công khai, cập nhật hơn 17.800 quy định về kinh doanh, gần 150 quy định chuẩn bị ban hành và cắt giảm, đơn giản hóa hơn 1.000 quy định trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Các bộ, ngành cũng đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật (QPPL).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 quy định của 10, bộ, cơ quan, theo đó phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản QPPL, các bộ đã cắt giảm, đơn giản hóa 396 quy định kinh doanh tại 54 văn bản QPPL. Một số bộ, cơ quan thực hiện tốt như: Giao thông vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế, Thông tin và Truyền thông...

Về CĐS trong thực hiện TTHC, việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC được đẩy mạnh. Đến nay, có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả, tăng 4 lần so với tháng 9/2022.

Về đẩy mạnh tái cấu trúc quy trình, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT)... Đến nay, đã có 62/63 địa phương và 10/21 bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Cung cấp hơn 4.400 DVCTT trên Cổng DVC quốc gia (DVCQG)… Cổng DVCQG đã có hơn 6 triệu tài khoản đăng ký, tăng 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 186 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái, tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 12,5 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng, tăng hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm 2022; hơn 7,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 4,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó, Cổng Thông tin một cửa quốc gia đã thực hiện 250/261 DVCTT của 13 bộ, ngành theo cơ chế một cửa với hơn 55.000 DN tham gia. Kết quả này có sự đóng góp, tổ chức triển khai tích cực, hiệu quả của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Việc thí điểm 2 DVC liên thông "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi" và "đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí" được tích cực triển khai tại 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam). VPCP đã ban hành quy trình liên thông điện tử đối với 2 nhóm DVC liên thông để triển khai thống nhất trên toàn quốc.

“TTHC đã được công khai, minh bạch; tạo thuận lợi cho người dân giám sát. Đến nay, đã công khai hơn 6.400 TTHC. Nhiều bộ, ngành, địa phương định kỳ háng tháng công khai danh sách cơ quan, tổ chức, cá nhân chậm muộn trong giải quyết TTHC, DVC, 100% hồ sơ TTHC để chậm, muộn có báo cáo giải trình với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và thực hiện xin lỗi người dân”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Đề án 06 triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số

VPCP cũng cho biết, Đề án 06 được triển khai đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT. Đến nay, đã cấp hơn 79,5 triệu thẻ căn cước gắn chip điện tử, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID); hoàn thành tích hợp 21/25 DVCTT thiết yếu lên Cổng DVCQG; CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin, CSDL của 13 bộ, ngành, 3 DN viễn thông và 63 địa phương…

6.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn phát biểu tại phiên họp

Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương đang rà soát, ban hành danh mục TTHC nội bộ thuộc phạm vi quản lý; các bộ, cơ quan ngang bộ đã tập trung rà soát, đơn giản hóa đối với 59 nhóm TTHC trọng tâm ưu tiên trên 12 lĩnh vực theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022…

Việc gửi, nhận, xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử và chuẩn hóa báo cáo là bước số hóa quan trọng phục vụ cho quá trình CĐS trong nội khối hành chính nhà nước. Đến nay, đã có hơn 21 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia; việc khai thác sử dụng Trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm 1.200 tỷ/năm. Hầu hết các bộ, cơ quan, địa phương đã chú trọng việc chuẩn hóa báo cáo theo yêu cầu. Có 69/179 chế độ báo cáo được tích hợp hoặc nhập liệu trực tiếp trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ./.

PV