Lâm Đồng: Dữ liệu chính là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của đô thị
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:05, 21/04/2023
Lâm Đồng: Dữ liệu chính là hạ tầng thiết yếu, quan trọng của đô thị
Muốn tạo ra hệ sinh thái số trong quá trình xây dựng, vận hành, quản lý các thành phố thông minh, đô thị thông minh (TPTM/ĐTTM) thì yếu tố dữ liệu có vai trò quan trọng.
Và yếu tố quan trọng này cần phải được đẩy mạnh, tập trung gắn liền trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh Lâm Đồng, và khi làm tốt sẽ thúc đẩy ngành du lịch thông minh, nông nghiệp thông minh… tạo ra nền kinh tế số tuần hoàn.
Đó là quan điểm của ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng khi nói về hướng đi, giải pháp phát triển đô thị theo hướng TPTM/ĐTTM của địa phương hiện nay.
TPTM/ĐTTM giúp minh bạch thông tin
Theo ông Nguyễn Dũng, Lâm Đồng từ lâu đã coi việc phát triển, xây dựng TPTM/ĐTTM chính là một nhiệm vụ được ưu tiên trong chiến lược phát triển chung của địa phương. Với mục tiêu này, từ năm 2018, Lâm Đồng đã triển khai phát triển ĐTTM/TPTM tại TP. Đà Lạt, tập trung chuyên sâu trên 09 lĩnh vực: Chính quyền số; quy hoạch đô thị; du lịch thông minh; nông nghiệp thông minh; giao thông thông minh; thành phố an toàn; y tế thông minh, giáo dục thông minh; môi trường. Còn lại, tại một số các đô thị trên địa bàn tỉnh cũng đã triển khai theo 04 lĩnh vực: Chính quyền điện tử, quy hoạch đô thị, y tế và giáo dục.
Với việc triển khai nhiệm vụ theo hướng tập trung, địa phương bước đầu đã thu được những kết quả tích cực như:
Về chính quyền điện tử: 100% cơ quan, đơn vị có mạng nội bộ kết nối Internet cáp quang tốc độ cao và sử dụng đồng bộ các ứng dụng CNTT (thư điện tử công vụ, chứng thư số, hệ thống văn phòng điện tử …). Đặc biệt, hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được triển khai đến 100% các phòng, ban, UBND cấp xã, phường và các thủ tục hành chính được tiếp nhận thông qua hệ thống một cửa điện tử (đạt tỷ lệ 100%).
Về quy hoạch đô thị, hoàn thiện và sử dụng hiệu quả cổng thông tin công bố quy hoạch TP. Đà Lạt (http://quyhoach.dalatcity.org; http://quyhoach.dalat.vn). Đến nay, đã có dữ liệu của 16 phường, xã, công bố thông tin dữ liệu các lĩnh vực như: quy hoạch đất đai, quy hoạch kiến trúc xây dựng, dữ liệu lớp giao thông, thông tin giá đất… trên nền tảng, công cụ thu thập, quản lý và phân tích dữ liệu (GIS).
Ngoài ra, trên hệ thống cổng thông tin còn cung cấp các thông tin liên quan đến các dự án về chỉnh trang đô thị như: Xây dựng các khu chung cư mới, quy hoạch các đô thị, di dời nhà ở, tái kiến thiết các khu vực… “Chính nhờ việc công khai các thông tin góp phần xây dựng thành phố minh bạch”, ông Nguyễn Dũng nhấn mạnh.
Về nông nghiệp: Các giải pháp IoT ứng dụng trong nông nghiệp theo hướng nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn trong nông nghiệp (như diện tích canh tác cây trồng có áp dụng ứng dụng công nghệ cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng trong canh tác 376,6 ha).
Nhờ việc ứng dụng công nghệ điều khiển tự động giúp người sản xuất thiết lập dữ liệu trên phần mềm điện tử đối với các yếu tố khí hậu, môi trường, dinh dưỡng cây trồng… Điển hình, TP. Đà Lạt đã triển khai đề tài “Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý và dự báo dịch hại trên cây dâu tây” và xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu và bản đồ về vùng sản xuất, tình trạng sâu bệnh hại, thực trạng sản xuất cụ thể đến từng trang trại sản xuất dâu tây của địa phương.
Về du lịch, trang, hệ thống cổng thông tin du lịch (https://dalatcity.org, http://dalat.vn) và phần mềm ứng dụng (Dalat City) đã cập nhật được 1.284 cơ sở lưu trú, 778 cơ sở ăn uống, 107 địa điểm du lịch, 85 địa điểm mua sắm, 506 điểm giải trí và 523 địa điểm tiện ích công cộng (danh bạ công an, ATM, cây xăng, bệnh viện, nhà thuốc, nhà xe, bãi đỗ xe,…)... Điều này giúp du khách có thể thực hiện một chương trình du lịch toàn trình qua Internet.
Về y tế: Đến nay, các đơn vị khám chữa bệnh trong ngành Y tế đã triển khai và duy trì phần mềm quản lý khám chữa bệnh HIS tích hợp liên thông cổng dữ liệu thanh toán BHYT (00%); người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử (80%) và trẻ em sinh ra được tạo lập ngay hồ sơ sức khỏe (100%)…
Về giáo dục, cổng thông tin điện tử giáo dục hỗ trợ điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động, giúp các cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở giáo dục phân tích chất lượng giáo dục, tổng hợp dữ liệu thống. “Ngành giáo dục của tỉnh đang hoàn thiện chuyển đổi hệ thống quản lý trường học online phiên bản 3.0 lên vnEdu4.0 dựa trên chuẩn cơ sở dữ liệu ngành giáo dục để kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT”, ông Nguyễn Dũng cho biết.
“Dữ liệu” giúp thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Dũng, với những kết quả tích cực đạt đươc, đây vẫn chưa phải là sự kỳ vọng, mong đợi của tỉnh. Và khi chỉ ra những nguyên nhân, tồn tại, hạn chế của vấn đề nêu trên, theo ông Nguyễn Dũng, công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị (quy hoạch, hạ tầng giao thông,..) chưa tương xứng; chưa có chiến lược hình thành, sử dụng dữ liệu; chưa quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị thống nhất…
Hơn nữa, nguồn nhân lực CNTT của các sở, ban, ngành và các địa phương còn thiếu, nên chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu ứng dụng CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương. Đặc biệt, nguồn vốn cho xây dựng hạ tầng thông minh còn hạn hẹp, chủ yếu
vẫn từ vốn ngân sách nhà nước, nguy cơ không đủ nguồn lực để duy trì và phát triển hạ tầng và ứng dụng CNTT.
Để loại bỏ, khắc phục những hạn chế nêu trên, ông Nguyễn Dũng cho biết, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo mạnh mẽ đối với công tác xây dựng, vận hành hiệu quả các ĐTTM/TPTM trong hiện tại và tương lai.
Thể hiện rõ điều này, về mặt văn bản, điển hình là Nghị quyết số 01 của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã được ban hành và tỷ lệ mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đạt tỷ lệ đô thị hóa tỉnh khoảng gần 60% và tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Lạt trở thành TPTM minh giai đoạn 2018- 2025”, trong đó, tập trung ứng dụng mạnh mẽ CNTT, viễn thông để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền điện tử.
Trên cơ sở các văn bản quan trọng được ban hành, theo ông Nguyễn Dũng, các đơn vị trong tỉnh lưu ý khi thực hiện nhiệm vụ phải tích cực, bám sát và thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định và cần đẩy mạnh quá trình báo cáo theo địnhh kỳ việc thực hiện nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, việc phát triển ĐTTM phải được bắt đầu từ khâu quy hoạch theo tinh thần Đề án 950. Quyết tâm xây dựng ĐTTM phải được khẳng định trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị.
“Cần coi ĐTTM/TPTM như một phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả và coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số (dữ liệu) như một hạ tầng thiết yếu, quan trọng của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế xã hội khác”, ông Nguyễn Dũng đề xuất./.