Tháo gỡ rào cản, đưa DVCTT tới gần người dân hơn

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:13, 21/04/2023

Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố mới đây, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng Internet hiện nay.
Chuyển đổi số

Tháo gỡ rào cản, đưa DVCTT tới gần người dân hơn

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

Theo báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2022 được công bố mới đây, các cấp chính quyền địa phương vẫn còn nhiều việc phải làm để người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) nhiều hơn, tương xứng với tỉ lệ lớn người dân đang sử dụng Internet hiện nay.

khai-truong-dich-vu-cong-quoc-gia3110090700-16527785426181774962970.jpeg
Thúc đẩy hiệu quả cung cấp, sử dụng DVCTT (Nguồn: baochinhphu)

Khoảng cách giữa tỉ lệ người sử dụng cổng DVCTT và tỉ lệ sử dụng Internet còn rất lớn

Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ra quyết định chọn ngày 10 tháng 10 hằng năm là “Ngày Chuyển đổi số quốc gia”, nhấn mạnh sự cần thiết phải cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến hơn, đồng thời kêu gọi người dân tích cực tham gia sử dụng và thụ hưởng lợi ích từ các dịch vụ đó.

Trong nỗ lực đó, Chính phủ đã và đang yêu cầu các ngành, các địa phương điện tử hóa, số hóa các quy trình thủ tục hành chính và kêu gọi người dân sử dụng nhiều hơn Cổng DVC Quốc gia và cổng DVC cấp tỉnh. Thậm chí, Chính phủ đã đưa ra công khai hệ thống giám sát để theo dõi tiến độ thực hiện DVCTT của 63 tỉnh/thành phố trên Cổng DVCTT quốc gia. 

Tuy nhiên, kết quả phân tích dữ liệu PAPI 2022 lại cho thấy điểm hai nội dung thành phần về tiếp cận và sử dụng cổng thông tin điện tử và dịch vụ công điện tử cũng như tiếp nhận và phúc đáp ý kiến của người dân trên môi trường điện tử của chính quyền địa phương hầu như không có biến chuyển qua ba năm từ 2020 - 2022. Trong khi đó, điểm nội dung thành phần về tiếp cận và sử dụng Internet của người dân tại địa phương tiếp tục gia tăng đáng kể.

Cụ thể, kết quả khảo sát PAPI năm 2022 cho thấy việc tiếp cận và sử dụng Internet trong dân cư tiếp tục gia tăng. Tỉ lệ người sử dụng mạng Internet tại nhà thông qua máy tính cá nhân hoặc điện thoại thông minh tăng lên đến gần 76% trong năm 2022, cao hơn 2% so với tỉ lệ của năm 2021. Mặc dù điều kiện truy cập và sử dụng Internet cải thiện nhưng việc sử dụng DVCTT vẫn còn rất hạn chế.

screen-shot-2023-04-20-at-16.33.46.png
Xu thế trong việc người dân sử dụng DVCTT, 2016-2022

Năm 2022, tỉ lệ người đã làm thủ tục xin chứng thực, xác nhận của chính quyền địa phương hay xin cấp mới/cấp đổi giấy chứng nhân quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho biết họ đã lên các cổng dịch vụ công trực tuyến để tìm hiểu thông tin và làm thủ tục giảm so với năm 2021. Có thể nói, việc phổ biến thông tin về DVCTT tới người dân còn rất hạn chế, và đây là việc các cấp chính quyền cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Đưa DVCTT tới gần người dân hơn

Theo ông Edmund Malesky, thành viên nhóm nghiên cứu PAPI từ năm 2009, nhiều chính quyền địa phương đã có nỗ lực lớn trong những năm qua để mang lại lợi ích cho người dân, đặc biệt cải thiện về DVCTT. Yếu tố này có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế vừa qua, khi tăng cường hiệu quả quản trị điện tử chính là động lực để tăng tính minh bạch, giảm tham nhũng. Mặc dù vậy, khảo sát thực tế PAPI 2022 cho thấy, mặc dù tỷ lệ người dân sử dụng Internet tại nhà tăng lên nhưng tỷ lệ DVCTT phục vụ người dân lại không tăng. Tỷ lệ người dùng có sử dụng DVCTT đã giảm từ 16% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022. Chỉ có 4,85% người trả lời cho biết có sử dụng cổng DVCTT. Tỷ lệ lên DVC làm thủ tục hành chính có tăng từ 27% trong năm 2021 lên 38% trong năm 2022.

screen-shot-2023-04-20-at-16.35.34.png
Tỉ lệ người dùng Cổng Dịch vụ công Quốc gia theo các mục đích, 2020-2022

TS. Đặng Hoàng Giang - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng - Thành viên nhóm nghiên cứu PAPI cho biết: "Có 3 câu trả lời cho việc này: Thứ nhất, đó là có nhiều thông tin không được đưa lên mạng nên người dân không thể dùng; thứ hai, có đưa thông tin lên nhưng không thân thiện; thứ ba, là có thân thiện nhưng không được truyền thông đến người dùng”.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), cho biết đây cũng là một trong những vấn đề được nêu trong loạt nghiên cứu thực tế trong chương trình nghiên cứu PAPI tại một số tỉnh trong năm 2020 và 2022. Trong thời gian vừa qua, UNDP đã và đang phối hợp cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đi nghiên cứu sâu hơn để tìm hiểu tại sao chúng ta đầu tư rất nhiều cho chính phủ điện tử, cho ICT ít nhất là hơn 10 năm qua, tuy nhiên, hiệu quả cho đến bây giờ còn thấp và số lượng người dùng còn thấp hơn.

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, có rất nhiều lý do và một trong những lý do căn bản nhất là theo thiếu đầu tư cho cấp xã, nơi sát với dân nhất, hiện nay chúng ta mới chỉ tập trung đầu tư cho cấp tỉnh và trung ương nhưng phần tương tác thường ngày với người dân lại chưa được chú trọng.

Thứ hai là năng lực tự thân của chính đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, họ cần được nâng cấp trình độ tin học hoá để hướng dẫn và hỗ trợ người dân thực hiện các dịch vụ trên cổng DVCTT. Các nghiên cứu chỉ ra một thực tế là các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường trực tuyến cho đến nay hầu hết là do đội ngũ công chức, viên chức làm thay người dân, dẫn tới thực tế là công chức, viên chức cấp xã bị quá tải trong công việc.

Thứ ba, phát hiện từ những nghiên cứu này cũng cho thấy, các cấp chính quyền cần cải thiện các cổng DVCTT ở các khía cạnh như độ thân thiện với người dùng, tính khả dụng và tính dễ tiếp cận, cũng như việc chia sẻ thông tin tới mọi người dân về sự tồn tại của các cổng DVC này tới cấp cơ sở để mọi công dân thuộc mọi thành phần dân tộc, điều kiện sinh hoạt được biết và sử dụng. 

Trên đây là những rào cản cần tháo gỡ. Theo đó, trong thời gian tới việc đầu tư cho chính phủ điện tử, chính phủ số cần đi từ dưới lên tức là đi từ cấp xã lên nhằm thực hiện tốt quản trị điện tử, hướng tới quản trị số trong khu vực công, một điều kiện cần cho việc phát triển chính quyền điện tử ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần đầu tư nhiều hơn vào việc cải thiện tính khả dụng, tính dễ tiếp cận của các cổng DVCTT, đồng thời đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính cho đối tượng thực hiện là người dân để người dân có thể sử dụng các tiện ích của chính quyền điện tử dễ dàng, thuận tiện hơn./.

Ngọc Diệp