Thị trường nước ngoài sẽ là mục tiêu của OplaCRM sau khi nhận đầu tư từ GOSU
Make in Vietnam - Ngày đăng : 05:56, 25/04/2023
Thị trường nước ngoài sẽ là mục tiêu của OplaCRM sau khi nhận đầu tư từ GOSU
Theo đại diện OplaCRM, khoản đầu tư từ GOSU sẽ giúp tận dụng những thế mạnh về game hoá ứng dụng (gamification), kinh nghiệm quốc tế, khi mà chinh phục thị trường nước ngoài sẽ là mục tiêu của công ty trong thời gian tới.
Ra đời với mục đích để đội ngũ bán hàng thích thú khi sử dụng
Mới đây, nền tảng quản trị đội ngũ bán hàng dành riêng cho các doanh nghiệp (DN) kinh doanh theo mô hình B2B OplaCRM đã công bố nhận đầu tư chiến lược từ Gosu trong vòng hạt giống.
Theo ông Nguyễn Bình Nam, sáng lập viên kiêm CEO OplaCRM, ngoài mặt tài chính, khoản đầu tư này còn giúp tận dụng những thế mạnh về xây dựng trải nghiệm người dùng thông qua việc game hoá ứng dụng (gamification), kinh nghiệm thị trường quốc tế, bảo mật và hiệu suất xử lý dữ liệu lớn của GOSU. “Sắp tới, mọi người sẽ chứng kiến sự kết hợp thú vị giữa công ty chuyên làm game và nền tảng CRM (Quản trị quan hệ khách hàng - Customer Relationship Management) định hướng sử dụng gamification để phục vụ triết lý thích làm việc (enjoy your work) của công ty”, ông Nam bày tỏ.
Trong khi các nền tảng CRM hiện có tập trung vào việc tối ưu tìm kiếm cơ hội bán hàng thông qua marketing đa kênh hoặc chăm sóc khách hàng cá nhân thông qua tổng đài thì OplaCRM chọn đại dương xanh, một hướng đi khác biệt đó là “quản trị đội ngũ bán hàng”.
Lợi ích của việc quản trị hiệu suất đội ngũ bán hàng rất rõ ràng cho cả nhân viên kinh doanh, cấp quản lý lẫn phục vụ đắc lực chiến lược DN. Mặc dù vậy, các giải pháp hiện nay lại không đu việc ứng dụng nó lại vô cùng phức tạp. Khó khăn lớn nhất không phải là vì phần mềm thiếu tính năng, giá cả hay sự tùy biến, mà chính là người dùng - nhân viên kinh doanh - không thật sự sử dụng, họ xem CRM như một sự phiền hà hơn là một sự thích thú.
OplaCRM là một sự đột phá về phương án quản trị dựa trên khoa học dữ liệu, được sự hỗ trợ sâu của trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng ở phía trải nghiệm, người dùng vẫn cảm thấy sự đơn giản, hào hứng, thích thú thông qua gamification. Nhờ vậy, OplaCRM nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều DN lớn và uy tín.
Sau hơn 1 năm hoạt động, OplaCRM đã giúp hàng chục DN B2B với đa dạng quy mô nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ bán hàng.
Theo ông Lê Thanh Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP trực tuyến GOSU, khoản đầu tư chiến lược mà phía GOSU kỳ vọng rất lớn vào nội lực và cách thức xây dựng, phát triển sản phẩm của đội ngũ OplaCRM. GOSU tin tưởng, đồng hành và cam kết hỗ trợ tối đa về kinh nghiệm, nguồn lực để nâng cao hiệu quả hoạt động của OplaCRM trong hành trình chinh phục thị trường nước ngoài.
OplaCRM được ông Nguyễn Bình Nam và 3 người bạn cùng lớp Đại học thành lập. Ông Nguyễn Bình Nam đã có hơn 12 năm kinh nghiệm tư vấn và kinh doanh các giải pháp CRM hàng đầu thế giới theo mô hình phần mềm như là dịch vụ (SaaS) tại Oracle Việt Nam, Salesforce Singapore…
Chia sẻ lý do quyết định khởi nghiệp với OplaCRM, ông Nam cho biết, trong quá trình tư vấn các giải pháp SaaS từ 2011 và thấy được sự chuyển mình mạnh mẽ của cả thế giới để thích ứng với các nền tảng này. Trong khi đó, các giải pháp SaaS trên thế giới cũng như ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, với nhiều cơ hội để phát triển.
Ngoài ra, hiện đội ngũ bán hàng ngày càng trẻ hóa cùng sự hỗ trợ ngày càng đắc lực của các giải pháp công nghệ nên tư duy bán hàng cũng đã thay đổi. Họ không đơn thuần cần một công cụ chỉ để ghi nhận các thông tin về khách hàng, công việc, dự án... Tuy nhiên, dù có đầy đủ tính năng, sự tuỳ biến và giá cả phù hợp nhưng hầu hết các hãng CRM đều gặp phải vấn đề về tỉ lệ người dùng thấp do nhân viên kinh doanh không cảm thấy hài lòng (enjoy) khi sử dụng. Thậm chí, họ xem CRM như một sự phiền hà hơn là một sự thích thú.
“Đó là lý do tại sao tôi quyết định khởi nghiệp OplaCRM và xây dựng một bộ công cụ dựa trên sự tối ưu các chỉ số đo lường, nhằm phục vụ sứ mệnh giúp các nhân viên kinh doanh cảm thấy hài lòng khi sử dụng, qua đó làm việc thông minh và bán hàng hiệu quả hơn”, ông Nam bày tỏ.
Cũng giống như tên gọi Opla (trứng ốp la), đội ngũ phát triển cũng hướng đến một giải pháp đơn giản và hiệu quả, giống như món ăn này.
Chuyển đổi số (CĐS) đội ngũ bán hàng sẽ được ưu tiên trong giai đoạn khó khăn
Cũng theo ông Nam, OplaCRM đặt ra một lộ trình dài 10 năm, gồm các mốc tăng trưởng với doanh thu tăng dần. Trong đó, mỗi chặng đường lại có những mục tiêu rõ ràng, cụ thể và vừa sức nên không gặp nhiều khó khăn đáng kể. Đồng thời, trong quá trình phát triển gần 2 năm qua, nhờ định hướng phát triển sản phẩm và chiến lược đi ra thị trường (go to market) tốt nên đáp ứng được mong đợi của khách hàng từ chất lượng sản phẩm lẫn dịch vụ mà vẫn tối ưu chi phí. Hiện tại OplaCRM đang trên đà phát triển, mở rộng mạnh mẽ và chuẩn bị đi ra thị trường quốc tế (go global).
Về lý do tại sao OplaCRM lại chọn nhắm đến đội ngũ bán hàng, ông Nam khẳng định, do trong DN B2B, các nhân sự này đang trở thành lực lượng tiền tuyến, đem lại hợp đồng và là nguồn sống nuôi DN. Nhất là trong bối cảnh suy thoái kinh tế như hiện nay, các tổ chức sẽ ưu tiên việc “sống” trước khi tính tới những tham vọng lớn hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc “bán hàng” sẽ được chú trọng đầu tiên. Vì vậy, việc tối ưu sức mạnh, trang bị công cụ CĐS để đội ngũ bán hàng hiệu quả trở thành vấn đề quan tâm nhất trong DN B2C, nhưng trên thị trường lại có rất ít công cụ hỗ trợ.
Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn, những công cụ nào sớm thấy được hiệu quả khi CĐS sẽ được ưu tiên trước. Khác với các giải pháp phức tạp như ERP hay nhân sự, thời gian triển khai của các giải pháp CRM ngắn hơn nhiều. Cụ thể như với OplaCRM, thời gian triển khai chỉ khoảng 2-3 tuần, sau khi sử dụng 1-2 tháng đã thấy ngay kết quả.
“OplaCRM đặt cược vào thị trường phục vụ đội ngũ bán hàng nên sẽ tập trung và dành toàn bộ nguồn lực. Do đó, trong kế hoạch ngắn và trung hạn của mình, công ty chưa có ý định hướng đến phục vụ tập khách hàng khác, mà sẽ mở rộng ra các thị trường có quy mô lớn hơn”, ông Nam cho biết thêm.
DN cần CĐS nhanh nhất có thể và đừng sợ sai
Nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù CĐS đã được nhắc đến rất nhiều nhưng thực tế hầu hết DN hiện mới chỉ đang ở giai đoạn số hóa. Về vấn đề này, ông Nam cho rằng, bên cạnh việc số hoá là giai đoạn đầu tiên của lộ trình CĐS, mỗi đơn vị sẽ có những cách tiếp cận riêng tùy theo tình hình thực tế của đơn vị mình. Do đó, thay vì tranh cãi/đặt câu hỏi “khi nào mới được gọi là CĐS” thì DN cần bắt tay vào thực hiện việc thay đổi ngay, cái này dễ thì làm trước, để “ngày mai sẽ tốt hơn ngày hôm qua”.
Trong quá trình làm việc với các DN/khách hàng nước ngoài trước đây, ông Nam thấy rằng, để chuyển đổi hiệu quả, các đơn vị này thường không ngại trong việc làm sai và liên tục nâng cấp, thay đổi và điều chỉnh các phương án khi thấy không hiệu quả.
“Vì vậy, các DN Việt đừng tốn thời gian định nghĩa, hay đắn đo lộ trình nào tốt hơn lộ trình nào, mà hãy tăng tốc để ngang bằng, hay thậm chí vượt qua các đối thủ, các công ty đang làm hiệu quả hơn. Chuyển đổi theo cách nhanh nhất để bắt lấy cơ hội mới chính là lộ trình hợp lý trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, ông Nam chia sẻ thêm.
Bởi vì, thế giới không ngừng thay đổi, công nghệ mỗi năm đều cải tiến chóng mặt. Tiêu biểu như sự xuất hiện của COVID-19, sức nóng của chuỗi khối (blockchain) hay sự có mặt của ChatGPT đều đã thay đổi tất cả những dự đoán từ trước đó. hãy chuyển đổi theo cách nhanh nhất để bắt lấy cơ hội.
Một vấn đề khác ở Việt Nam là quá trình CĐS mới chỉ diễn ra ở các tỉnh, thành phố lớn. Các địa phương khác sự chuyển đổi còn rất chậm chạp. Nguyên nhân là do sự không đồng bộ về hạ tầng công nghệ, trình độ sử dụng hay thậm chí do đặc thù của các DN tỉnh đa phần thường liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nên việc áp dụng công nghệ còn hạn chế, chưa đem lại nhiều khác biệt ngay lập tức.
Cuối cùng, đối với các quy định hiện nay, mặc dù các luật, nghị định liên quan đến dữ liệu, bảo mật, quyền riêng tư… đều đã có những chưa đem lại nhiều hiệu quả, nhất là với các DNp nhỏ, công ty khởi nghiệp./.