Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số
Báo chí - Ngày đăng : 10:30, 28/04/2023
Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, muốn chuyển đổi số thì người lãnh đạo cơ quan báo chí trước hết phải thay đổi tư duy, tìm tòi, xây dựng kế hoạch dài hạn và biết cách tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới, gắn với đội ngũ làm báo được đào tạo - đào tạo liên tục phù hợp với điều kiện của đơn vị mình và phù hợp với môi trường chuyển đổi số.
Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí Nguyễn Thị Hải Vân phát biểu tại Tọa đàm về đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo nhu cầu hiện nay.
Vấn đề chuyển đổi số luôn được nhắc đến trong các cơ quan báo chí trong những năm gần đây. Việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho các hội viên Hội Nhà báo trong bối cảnh kỷ nguyên số nhằm đáp ứng với sự thay đổi của công nghệ nói chung và sự thay đổi về công nghệ làm báo nói riêng là việc làm rất cần thiết.
Các cơ quan báo chí luôn quan tâm đến vấn đề đào tạo và đào tạo liên tục, đó là nhu cầu thường xuyên để báo chí theo kịp, chủ động định hướng với nhu cầu của độc giả. Trong gần 10 năm qua, từ năm 2014 đến nay, trung bình mỗi năm Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí - Hội Nhà báo Việt Nam (Trung tâm) đã tổ chức hơn 100 khoá bồi dưỡng với các chủ đề khác nhau cho các hội viên Hội Nhà báo trên cả nước. Tuy nhiên, các khoá bồi dưỡng đó mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của hội viên cũng như của các cơ quan báo chí.
Thực tế, lãnh đạo các Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí luôn nhấn mạnh các chủ đề mà Trung tâm cần tổ chức trong giai đoạn hiện nay, Trung tâm cần tổ chức các khóa học với nhiều chủ đề khác nhau, từ các kỹ năng cơ bản về báo chí - truyền thông đến các chủ đề về xu hướng báo chí mới, chuyển đổi số báo chí, báo chí đa nền tảng. Việc đào tạo tập trung vào các kỹ năng thực hành, phải đào tạo và đào tạo liên tục. Việc đào tạo phải từ cấp lãnh đạo xuống đến các phóng viên trẻ, và phải gắn chặt với nhu cầu của các cơ quan báo chí. Bên cạnh việc đào tạo các kỹ năng về báo chí cũng cần lồng ghép vấn đề đạo đức và văn hóa báo chí trong tác nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam, để đáp ứng với yêu cầu của các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí trong thời kỳ chuyển đổi số, Trung tâm đã thay đổi và tổ chức hình thức giảng dạy trực tiếp sang trực tuyến - kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến cho phù hợp với từng nội dung, bắt kịp và hội nhập với xu thế đổi mới của giáo dục hiện đại. Trung tâm cũng đã phối hợp chặt chẽ với Hội Nhà báo địa phương chuẩn bị kỹ các phương tiện kỹ thuật và hướng dẫn các học viên làm quen với hình thức học mới.
Ngoài ra, trên nền tảng số, Trung tâm cũng đã cùng với các giảng viên kiêm nhiệm thiết kế bài giảng điện tử hấp dẫn và sinh động; làm các video bài giảng, tổ chức các hoạt động kết nối, tạo nhóm lớp để tương tác, giúp các học viên hứng thú với phương pháp học tập mới nhằm từng bước chuyển đổi trong việc học của các hội viên.
Do xu hướng phát triển của báo chí - của công nghệ số, bên cạnh việc tổ chức các lớp học về các kỹ năng cơ bản về báo chí, nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng với nội dung mới, cập nhật, đáp ứng xu thế của công nghệ làm báo hiện đại đã được tổ chức như: Làm báo đa phương tiện, sản xuất bài long-form, e-magazine, podcast, đồ họa động cho báo điện tử, tòa soạn hội tụ, làm báo di động, sử dụng mạng xã hội trong tác nghiệp, livestream trong tác nghiệp báo chí,... Chính vì vậy, rất nhiều cơ quan báo chí đã chủ động cử phóng viên tham dự các khoá học về chuyển đổi số do Trung tâm tổ chức hoặc chủ động đề nghị tổ chức riêng khoá bồi dưỡng về chủ đề này.
Được biết, Trung tâm đã và đang tổ chức, xây dựng kho dữ liệu về báo chí, về các bài giảng nghiệp vụ để tạo điều kiện cho giảng viên, học viên chủ động tiếp cận với các kiến thức báo chí mà mình quan tâm...Việc đào tạo và đào tạo liên tục sẽ giúp lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số, đáp ứng nhu cầu thiết thực của hội viên và của các cơ quan báo chí.
Trong thời đại công nghệ 4.0, báo chí phát triển theo xu hướng đa phương tiện, đa nền tảng, đa thiết bị để đáp ứng được nhu cầu của công chúng, công chúng ở đâu-báo chí ở đó. Chính vì vậy, ngoài việc đầu tư về trang thiết bị, máy móc, kỹ thuật cho các tòa soạn thì việc đầu tiên và quan trọng nhất là sự thay đổi về tư duy làm báo từ cấp lãnh đạo đến cấp phóng viên - nhân viên của tòa soạn. Việc đào tạo và đào tạo liên tục sẽ giúp lãnh đạo, cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí được đào tạo, cập nhật kiến thức, kỹ năng quản lý số, tổ chức sản xuất và phát hành nội dung báo chí trên nền tảng số. Khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen. Thách thức lớn nhất của chuyển đổi số là có nhận thức đúng.
Cẩm nang chuyển đổi số do NXB Thông tin và Truyền thông phát hành nêu rõ: “Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của một tổ chức. Chuyển đổi số là vấn đề nhận thức chứ không phải chỉ là vấn đề công nghệ, là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo”. Trong khi đó, lãnh đạo các cơ quan báo chí cũng có những đề nghị, Hội Nhà báo Việt Nam cần chú trọng đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng cho phóng viên đa năng, nghĩa là một phóng viên có thể thực hiện nhiều loại hình báo chí như tin text, ảnh, video, đồ họa, báo chí dữ liệu... nhằm tăng hiệu quả khi tác nghiệp và tiết kiệm nhân lực. Hội Nhà báo Việt Nam có thể mời các chuyên gia quốc tế, đại diện các cơ quan báo chí nước ngoài tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ, trao đổi về vấn đề chuyển đổi số báo chí, mô hình và cách thức hoạt động của các tòa soạn báo trên thế giới, các hình thức kinh doanh báo chí hiệu quả có thể áp dụng vào Việt Nam...
Thực tế, bên cạnh nguồn kinh phí nhà nước cấp để tổ chức các lớp học đáp ứng nhu cầu của các cấp Hội địa phương, Trung tâm cũng đẩy mạnh tổ chức các lớp học thu phí nhằm mở rộng đối tượng học và tăng thêm nguồn thu để Trung tâm mời được những giảng viên có chất lượng cao tham gia giảng dạy cho Trung tâm.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Vân, để mỗi cơ quan báo, tạp chí thành công trong công tác chuyển đổi số thì trước hết phải thay đổi tư duy của lãnh đạo trong công tác quản lý và tạo ra một quy trình tác nghiệp mới phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số báo chí. Tiếp đó, cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho toà soạn phải đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ người làm báo bởi con người là yếu tố quan trọng nhất. Đối với đội ngũ phóng viên, việc bồi dưỡng cũng cần bắt đầu từ đổi mới tư duy cho họ, giúp họ nhận thức đầy đủ yêu cầu đặt ra đối với người làm báo trong quá trình chuyển đổi số, tiếp đó giúp họ nâng cao khả năng sử dụng thành thạo các công cụ số, hiểu sâu về nhu cầu của công chúng báo chí và cách thức tiếp cận với công chúng trong thời đại số.
“Việc chuyển đổi số đối với mỗi cơ quan báo chí cũng có sự khác nhau, tùy thuộc nhu cầu của từng tòa soạn. Muốn chuyển đổi số thì người lãnh đạo cơ quan báo chí trước hết phải thay đổi tư duy, tìm tòi, xây dựng kế hoạch dài hạn và biết cách tạo ra một quy trình sản xuất mới, sản phẩm thông tin mới mẻ, gắn với đội ngũ làm báo được đào tạo - đào tạo liên tục phù hợp với điều kiện của đơn vị mình và phù hợp với môi trường chuyển đổi số”, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh./.