IoT có thể thúc đẩy các dịch vụ tài chính toàn diện như thế nào?

Kinh tế số - Ngày đăng : 14:54, 28/04/2023

Sự bùng nổ của IoT có tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống và xã hội. Đặc biệt, việc mở rộng  IoT còn thúc đẩy chuyển đổi các dịch vụ tài chính, mang lại những cơ hội mới cho tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế số

IoT có thể thúc đẩy các dịch vụ tài chính toàn diện như thế nào?

Ngọc Diệp {Ngày xuất bản}

Sự bùng nổ của IoT có tác động mạnh mẽ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, đời sống và xã hội. Đặc biệt, việc mở rộng  IoT còn thúc đẩy chuyển đổi các dịch vụ tài chính, mang lại những cơ hội mới cho tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế.

picture1.png

Thúc đẩy việc sử dụng thanh toán số trên toàn cầu

Internet vạn vật (IoT - Internet of Things) là một mạng lưới các đối tượng vật lý được trang bị các cảm biến, phần mềm hoặc các công nghệ khác và được kết nối với Internet để chúng có thể trao đổi dữ liệu, thông tin nhằm cải thiện năng suất, hiệu quả, dịch vụ hoặc tùy theo các mong muốn của con người. Hiện có khoảng  21,5 tỷ thiết bị được kết nối với nhau trên toàn thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của IoT có thể giúp đưa các dịch vụ tài chính đến những người cần thiết nhất.

Theo cơ sở dữ liệu toàn cầu về tài chính toàn diện của Ngân hàng thế giới (Global Findex) được tiến hành trong năm 2021, tính đến hết năm 2021 có khoảng 1,4 tỷ người trưởng thành vẫn chưa được tiếp cận các dịch vụ ngân hàng, trong đó phần lớn là phụ nữ. 76% người trưởng thành trên toàn cầu có ít nhất 1 tài khoản tại một ngân hàng, tổ chức tài chính khác hoặc với nhà cung cấp dịch vụ tiền di động (mobile money), tăng từ mức 68% năm 2017 và 51% vào năm 2011.

Khảo sát cũng cho thấy đại dịch COVID-19 là cú hích cho quá trình thực hiện tài chính toàn diện, thúc đẩy sự gia tăng lớn trong các khoản thanh toán số. Ở các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình (ngoại trừ Trung Quốc), hơn 40% người trưởng thành đã thực hiện thanh toán tại cửa hàng hoặc thanh toán trực tuyến bằng thẻ, điện thoại hay lần đầu tiên thanh toán qua Internet kể từ khi đại dịch xảy ra. Điều này cũng xảy ra với hơn 1/3 số người trưởng thành ở tất cả các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình, những người thanh toán hóa đơn điện, nước trực tiếp từ một tài khoản chính thức. Ở Ấn Độ, hơn 80 triệu người trưởng thành đã thực hiện thanh toán kỹ thuật số lần đầu tiên sau khi đại dịch khởi phát, trong khi ở Trung Quốc, con số này là hơn 100 triệu người.

Theo Chủ tịch Nhóm Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass đánh giá, cuộc cách mạng số đã thúc đẩy sự gia tăng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính trên toàn thế giới, thay đổi cách thức mà mọi người thực hiện và nhận thanh toán, đi vay và tiết kiệm. 

Mặc dù đạt được nhiều tiến bộ, báo cáo cũng cho thấy nhiều người trưởng thành trên thế giới gặp khó khăn khi tiếp cận nguồn tiền trong trường hợp khẩn cấp. Và khoảng 850 triệu người trên toàn cầu không có ID chính thức, chứ chưa nói đến ID số. Điều này mang đến cơ hội để chuyển đổi thẳng sang ID số và tận dụng IoT để thực hiện các giao dịch tài chính, nhằm mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính và tăng cường trao quyền kinh tế cho người dùng.

Tận dụng IoT để cải thiện các dịch vụ tài chính

 Làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ và tác động lên mọi mặt của đời sống xã hội, với trụ cột cơ bản là IoT, trí tuệ nhân tạo... Những ứng dụng công nghệ này được vận dụng vào tài chính làm tài chính truyền thống phải thay đổi.

Đó cũng là câu chuyện tại Papua New Guinea. Chính phủ nước này đang nỗ lực để cung cấp quyền tiếp cận các dịch vụ tài chính cho cộng đồng người dân không có tài khoản ngân hàng hoặc không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ ngân hàng. Theo đó, ID ngân hàng số mới đã được thử nghiệm, nhằm hỗ trợ khách hàng về các yêu cầu thẩm định của các tổ chức tài chính thông qua sử dụng nhận dạng sinh trắc học duy nhất. Chương trình đã tiếp cận được 2.548 người, trong đó 47% là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa trước đây không thể mở tài khoản ngân hàng. Điều này mang lại lợi ích cho 80% dân số phi chính thức và nông thôn. 

ID số mới không chỉ cho phép nhận dạng sinh trắc học, giúp mọi người dễ dàng truy cập các dịch vụ ngân hàng mà còn làm đảm bảo quy trình an toàn hơn và cho phép thu thập dữ liệu về hành vi của khách hàng. Các mô hình chi tiêu có thể giúp đánh giá mức độ tín nhiệm cũng như rủi ro chính xác hơn và cho phép các dịch vụ tài chính được cá nhân hóa.

Trong khi tỷ lệ thâm nhập Internet và kết nối di động đang gia tăng ở Papua New Guinea, số lượng người dùng các thiết bị hỗ trợ IoT cũng đang tăng lên, đồng thời các thiết bị đầu cuối tại điểm bán hàng (POS) và đầu đọc thẻ thông minh hỗ trợ IoT đang được triển khai rộng rãi.

Hiện nay, các khoản thanh toán có thể được xử lý một cách an toàn và hiệu quả bằng cách sử dụng các công nghệ như Bluetooth, giao tiếp trường gần NFC và WiFi. Những công nghệ này giúp kết nối điện thoại thông minh, thẻ không tiếp xúc hoặc thiết bị đeo được với các thiết bị POS.

Lịch sử tín dụng thông qua các khoản thanh toán vi mô có thể hỗ trợ những người không có tài khoản ngân hàng hoặc mức lương ổn định (khu vực chính thức) thực hiện các khoản vay tín dụng. Một ví dụ như vậy là mô hình pay-as-you-go tiên phong bởi M-KOPA ở châu Phi, và sau đó được phát triển ở những nơi khác, bao gồm cả MiBank ở Papua New Guinea. Ví dụ, M-KOPA cho phép khách hàng thực hiện các khoản thanh toán một cách linh hoạt cho các tài sản gia đình, chẳng hạn như tấm pin mặt trời, điện thoại thông minh, tủ lạnh và TV. Theo đó, khách hàng sẽ phải thanh toán một khoản đặt cọc ban đầu, tiếp đến là các khoản thanh toán nhỏ theo định kỳ cho đến khi hoàn thành thanh toán tổng giá trị của tài sản.

Ngược lại, dữ liệu về tỷ lệ trả nợ có thể được sử dụng để chấm điểm tín dụng, cho phép khách hàng tiếp cận các khoản vay tiền mặt từ M-KOPA sau khi tài sản đã được thanh toán đầy đủ, với tài sản đảm bảo được sử dụng làm tài sản thế chấp. MiBank cũng có cách tiếp cận tương tự.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các thiết bị IoT thu thập dữ liệu về năng suất cây trồng, điều kiện đất đai và thời tiết, cho phép các tổ chức tài chính cung cấp các dịch vụ tài chính phù hợp cho nông dân và giúp họ đưa ra các quyết định tài chính sáng suốt, bao gồm cả khả năng tiếp cận tín dụng và bảo hiểm.

Ví dụ, ở Bangladesh, bảo hiểm mùa màng được cung cấp dựa trên chỉ số thời tiết từ Cục Khí tượng Bangladesh, nhằm hỗ trợ thiệt hại cho người nông dân khi gặp tổn thất do thời tiết, thiên tai gây ra. Các chỉ số này xác định điểm kích hoạt cho các khoản thanh toán, chẳng hạn, khi lượng mưa tăng cao hơn hoặc giảm xuống dưới các mức ngưỡng nhất định.

Sau khi một thảm họa thiên tai xảy ra, các trạm thời tiết được kết nối với IoT có thể ngay lập tức kích hoạt các yêu cầu bồi thường và dàn xếp. Hơn 9.500 nông dân đã được bảo hiểm và cung cấp các dịch vụ ngân hàng di động, giúp thu phí bảo hiểm và thanh toán các yêu cầu bồi thường một cách hiệu quả và minh bạch. Thành công này đạt được cũng nhờ mức độ phủ sóng và kết nối di động cao ở Bangladesh.

Khi công nghệ phát triển sẽ càng có nhiều phương thức sáng tạo hơn nữa để tận dụng IoT nhằm cải thiện các dịch vụ tài chính và trao quyền cho các cá nhân cũng như doanh nghiệp trên toàn thế giới. Tuy nhiên, nó sẽ đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện để giải quyết các vấn đề về cơ sở hạ tầng, năng lực, tiêu chuẩn hóa và khung pháp lý.

Việc mở rộng của IoT có thể chuyển đổi các dịch vụ tài chính, mang lại những cơ hội mới cho tài chính toàn diện và tăng trưởng kinh tế./.

Ngọc Diệp