5 thách thức Rạng Đông cần vượt qua trong hành trình CĐS phía trước

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 15:14, 28/04/2023

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng đã nhận định 5 thách thức mà Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cần giải quyết trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trong giai đoạn tới.
Chuyển đổi số

5 thách thức Rạng Đông cần vượt qua trong hành trình CĐS phía trước

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng đã nhận định 5 thách thức mà Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông cần giải quyết trong tiến trình chuyển đổi số (CĐS) trong giai đoạn tới.

Ngày 28/4, Rạng Đông đã tổ chức hội nghị báo cáo kết quả CĐS giai đoạn 2020 - 2023 và đón nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT về thành tích xuất sắc trong thành tích CĐS. Sự kiện cũng được tổ chức để kỷ niệm 59 năm ngày Bác Hồ về thăm nhà máy Rạng Đông (28/4/1964 - 28/4/2023).

rang-dong-nhan-bang-khen-bt-28042023.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ TT&TT cho Rạng Đông

Rạng Đông là mô hình tiên phong trong CĐS doanh nghiệp 

Với những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng bày tỏ vui mừng được chứng kiến kết quả, tiến trình, bước đi của Rạng Đông trong giai đoạn 2020 - 2023 và nhấn mạnh: “Rạng Đông đã và đang trở thành mô hình tiên phong trong CĐS trong các doanh nghiệp (DN)”.

thu-truong-nguyen-huy-dung-28042023.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng: Rạng Đông đã và đang trở thành mô hình tiên phong trong CĐS trong các DN

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chia sẻ thước đo CĐS của Việt Nam chính là kết quả của CĐS của các tổ chức, DN và thường là khối DN sẽ tiên phong lĩnh vực này. “Thật đáng mừng vì cùng với Rạng Đông, chúng ta đang có thêm nhiều mô hình CĐS ở các DN”.

Các DN tiêu biểu CĐS có thể kể đến như: Rạng Đông tiên phong CĐS trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; Retex là DN dệt may truyền thống đưa toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý của chuỗi cung ứng của DN, xưởng dệt may lên môi trường số; Gamadept với nền tảng CĐS các cảng biển (smartport), giúp rút ngắn thời gian, nâng cao tiến độ thông quan hàng hoá khi đi qua các cảng biển Việt Nam (Việt Nam có khoảng 151 cảng biển, bao gồm cả cảng cạn, cảng nước. Hiện nay đã có 15 DN thực hiện CĐS cảng biển trên nền tảng CĐS của Gamadept); Công ty CP Giao hàng tiết kiệm (GHTK) là DN CĐS trong lĩnh vực giao vận với sứ mệnh là phân phối gói kiện hàng hoá từ nhà bán lẻ cho đến người tiêu dùng nhanh, hiệu quả, thông minh hơn.

“Bộ TT&TT sẽ liên tục tìm ra những mô hình như Rạng Đông để phổ biến, nhân rộng”, Thứ trưởng chia sẻ.

CĐS không có điểm kết thúc

Trong tiến trình dài của CĐS, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết “CĐS chỉ có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc. Một hành trình dài khi mà kết thúc vòng lặp này thì lại mở ra vòng lặp tiếp theo và thông thường độ khó của các vòng lặp sẽ tăng theo cấp số nhân. Chúng ta càng bước đi thì chặng đường sẽ càng gian nan hơn”.

Theo Thứ trưởng, CĐS mà Rạng Đông đã làm được trong những năm vừa qua là phần dễ và đã thu được nhiều kết quả, tư tưởng đã thông, lý luận đã bước đầu hình thành, con đường đi tiếp của Rạng Đông trong vòng lặp thứ hai đã rõ ràng.

Thứ trưởng nhận định “đi tiếp thì khó khăn nhiều hơn” và cho biết cùng với sự phát triển của các cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN), đặc biệt là CMCN lần thứ 2, 3 thì nền kinh tế được định hình bên cạnh giao dịch giữa con người với con người thì nền kinh tế còn có giao dịch giữa con người và máy.

Trong CMCN 4.0 sẽ có không gian tăng trưởng đặc biệt mới, đó là các giao dịch giữa máy với máy, mà gọi là nền kinh tế máy tới máy (machine to machine economy), có nước gọi là nền kinh tế API (API economy), nền kinh tế token (token economy), nghĩa là các giao dịch được diễn ra tự động hoá giữa các nền tảng, giữa máy với máy nên không gian tăng trưởng sẽ mở rộng vô hạn chứ không chỉ giới hạn giao dịch giữa người với người, người với máy nữa.

Thứ trưởng hy vọng trong vòng lặp thứ hai, Rạng Đông có thể đi cùng nhịp với xu hướng này để qua đó thì mở rộng không gian tăng trưởng cho mình.

Thứ trưởng cũng chia sẻ 5 thách thức mà Rạng Đông cùng các DN công nghệ số Việt Nam có thể gặp phải trong thời gian tới.

Đầu tiên là thách thức kết nối thông suốt giữa các máy móc, giữa các hệ thống CNTT để có thể vận hành, luân chuyển thông suốt dữ liệu trong toàn bộ hệ thống giống như luân chuyển máu trong cơ thể của mình. “Đây là một thách thức mà Rạng Đông có thể gặp phải trong thời gian rất gần và DN nào CĐS qua vòng lặp thứ nhất đến vòng lặp thứ hai sẽ gặp phải. Đây là câu chuyện phải giải quyết. Bộ TT&TT có thể đồng hành với Rạng Đông để giải quyết bài toán kết nối dữ liệu thông suốt giữa tất cả các loại máy móc, các loại hệ thống của Rạng Đông để đúc rút thêm kinh nghiệm hình thành lý luận để giúp cho cơ quan, tổ chức khác”.

Thách thức thứ hai, theo Thứ trưởng, là Rạng Đông phải tìm mọi cách để tăng độ phân giải của dữ liệu. Dữ liệu đã có nhưng độ phân giải rất thấp và chúng ta có ảnh rất mờ về các thực thể vật lý và để có thể chuyển thành nhà máy CĐS đúng nghĩa thì phải tăng độ phân giải của dữ liệu lên nhiều. Cùng với đó, bên cạnh đội ngũ kỹ sư phần mềm, chắc chắn Rạng Đông phải bắt đầu quan tâm phát triển đội ngũ kỹ sư dữ liệu của mình.

Thách thức thứ ba là Rạng Đông sẽ sớm trở thành mô hình điển hình về nhà máy kỹ thuật số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Theo Thứ trưởng, Việt Nam chưa có mô hình như vậy, thế giới cũng rất ít mô hình như vậy. Mô hình nhà máy BMW (Đức) rất ấn tượng. Rạng Đông được kỳ vọng với quy mô và cách tiếp cận đặc thù khác biệt để sớm có nhà máy thực sự kỹ thuật số được hiện thực hoá trong vòng lặp thứ hai.

Thách thức thứ tư là DN tiên phong trong CĐS hướng tới trở thành DN công nghệ số. Nhiều bài toán của Rạng Đông hiện chưa có bất cứ DN nào giải quyết được vì các DN công nghệ số chỉ quan tâm và giải quyết tốt nhu cầu phổ biến của tất cả các cơ quan, tổ chức, chứ đặc thù của 5000 – 7000 DN thì chỉ có DN tiên phong trong CĐS mới giải quyết được bài toán của chính mình. Rạng Đông có thể trở thành DN cung cấp dịch vụ cho 5000 - 7000 DN trong lĩnh vực ngành nghề công nghiệp này. Hiện đã và đang có nhiều DN đang phát triển theo hướng đó.

Thứ trưởng cho biết: “Giải quyết nỗi đau của chính DN trong lĩnh vực ngành nghề mình sau đó chuyển ngành nghề kinh doanh để giải quyết nỗi đau của những người trong ngành nghề của mình là hướng đi mới”.

Thách thức thứ năm mà Rạng Đông phải giải quyết trong ngành nghề của mình là trong tiến trình CĐS lâu dài có điểm bắt đầu mà không có điểm kết thúc và vì vậy, cần có sự tiếp sức. Theo đó, Thứ trưởng mong muốn, hy vọng Rạng Đông xây dựng được đội ngũ công nghệ phục vụ kinh doanh, dữ liệu và mang tính kế thừa để 5, 10, 15, 20 năm nữa, Rạng Đông vẫn tiếp tục hành trình này.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chúc Rạng Đông hoàn thành vòng lặp CĐS thứ hai của mình vào cuối năm 2025, đầu năm 2026 như một công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV vào năm 2026.

CĐS giúp Rạng Đông tăng trưởng kép

Trong tiến trình CĐS của Rạng Đông, CĐS đã giúp công ty nâng cao trình độ công nghệ số phục vụ điều hành sản xuất; xây dựng hệ thống sản xuất thông minh, linh hoạt, hướng tới đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt cho các nhu cầu cá biệt hóa của khách hàng.

dai-dien-rang-dong-28042023.jpg
Ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông chia sẻ về những thành quả CĐS

Rạng Đông tập trung 3 lĩnh vực: Sản phẩm cho nhà thông minh, sản phẩm cho thành phố thông minh và sản phẩm cho nông nghiệp thông minh. Trong đó, công ty đã cung cấp 27 đơn hàng cho các địa phương triển khai thành phố thông minh với các thiết bị cảm biến môi trường, cảm biến an ninh; hoặc cung cấp giải pháp chiếu sáng cho tàu cá phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản…

Trước CĐS, Rạng Đông tăng trưởng doanh thu 8-10%/năm, sau CĐS nhất là trong thời gian dịch COVID-19, doanh thu công ty tăng trưởng tới 21%/năm./.

Hoàng Linh