Nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết trong lĩnh vực viễn thông

Diễn đàn - Ngày đăng : 14:35, 05/05/2023

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết các nội dung “nóng” trong lĩnh vực viễn thông.
Diễn đàn

Nhiều biện pháp đồng bộ, kiên quyết trong lĩnh vực viễn thông

Hoàng Linh 05/05/2023 14:35

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để giải quyết các nội dung “nóng” trong lĩnh vực viễn thông.

Tuyến cáp quang biển thứ 5 của Việt Nam được hoàn thành sửa chữa trong tháng 6

Việt Nam hiện có tổng số 5 tuyến cáp quang biển đi quốc tế bao gồm AAG (châu Á - Mỹ); APG (châu Á - Thái Bình Dương); SMW-3 (Đông Nam Á - Trung Đông - Tây Âu); IA (Liên Á) và AAE-1 (châu Á - châu Phi - châu Âu) và 2 trạm cập bờ ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Đà Nẵng. Vừa qua, đã xảy ra sự cố đồng thời với 5 tuyến cáp quang biển.

ong-nguyen-thanh-phuc-cuc-truong-cuc-vien-thong.jpg
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc: Trải nghiệm người dùng hiện nay tương đối ổn định và không nhận thấy ảnh hưởng do đứt cáp quang.

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2023 của Bộ TT&TT, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông cho biết: “Đây là sự cố bất khả kháng không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà còn đến các nước tham gia các tuyến cáp quang này”.

Sau khi xảy ra sự cố, Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp (DN) phối hợp triển khai nhanh chóng đo đạc vị trí, xác định, phân loại vị trí khắc phục. Theo báo cáo của các DN viễn thông, tính đến ngày 3/5 năm 2023 đã có 2 tuyến IA và SMW-3 đã hoàn thành việc sửa chữa. Các tuyến AA-E1, AAG dự kiến hoàn thành sửa chữa trong tháng 5 và tuyến AVG sẽ hoàn thành sửa chữa trong tháng 6/2023.

Ngoài ra, Cục Viễn thông cũng đã triển khai điều tiết, giảm tải đảm bảo lưu lượng đi quốc tế, phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ quốc tế về ưu tiên theo khung giờ để đảm bảo chất lượng dịch vụ, mua thêm dung lượng tuyến cáp quang trên đất liền để đảm bảo dung lượng, chất lượng dịch vụ. “Qua giám sát, Cục Viễn thông thấy rằng trải ngiệm người dùng hiện nay tương đối ổn định và không nhận thấy ảnh hưởng do đứt cáp quang”, ông Nguyễn Thành Phúc cho hay.

Cũng theo Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT đã xác định hạ tầng số là hạ tầng quan trọng của nền kinh tế số và tiêu chí đặt ra là tính bền vững, theo đó, Bộ TT&TT đã có kế hoạch xây dựng thêm mới 4 - 6 tuyến cáp quang biển, phù hợp với quy hoạch của ngành TT&TT giai đoạn 2021 - 2030.

Đến ngày 15/5, các thuê bao không chuẩn hoá thông tin thuê bao sẽ bị thu hồi

Cũng trong lĩnh vực viễn thông, về nội dung chuẩn hoá thông tin thuê bao di động, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết sau hơn 1 tháng triển khai từ ngày 15/3/2023, với sự phối hợp của các cơ quan báo chí, truyền thông, các DN viễn thông đã chủ động rà soát và đã chuẩn hoá chặn 1 chiều, 2 chiều, thu hồi hơn 3,8 triệu thuê bao. Các DN viễn thông đã xác định thông tin thuê bao không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có dấu hiệu thông tin không đúng quy định. Đến ngày 31/3, sau 15 ngày từ ngày thông báo, các DN viễn thông đã khoá 1 chiều lần thứ nhất đối với 1,6 triệu thuê bao. Đến ngày 15/4, đã có 1,15 triệu thuê bao bị khoá hai chiều do không thực hiện chuẩn hoá thuê bao. Đến hết ngày 4/5/2023, hiện còn hơn 1 triệu thuê bao thuộc tập thuê bao này đang bị khoá hai chiều. Nếu đến ngày 15/5, các thuê bao không chuẩn hoá thông tin thuê bao sẽ bị thu hồi theo quy định sau khi khoá 2 chiều theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017 của Chính phủ.

Cũng trong tháng 5 và 6/2023, theo Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc, Bộ TT&TT sẽ thanh tra diện rộng với sự tham gia của các Sở TT&TT trên cả nước về chuẩn hoá thông tin thuê bao.

tc1.jpg
Toàn cảnh buổi họp báo

6 biện pháp kiên quyết để xử lý tin nhắn rác, cuộc gọi rác

Trao đổi về hiện tượng cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn còn xảy ra dù đã có những chuẩn hoá thông tin thuê bao, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết giải quyết được thực trạng cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Cục Viễn thông đã xác định có 6 biện pháp kiên quyết. Đó là chỉ đạo DN viễn thông di động tiếp tục thực hiện chuẩn hoá thông tin thuê bao và xử lý tình trạng SIM và các thông tin thuê bao không đúng theo quy định gọi là SIM rác; tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Công an xử lý các cuộc gọi lừa đảo cũng như điều tra, xử lý các trạm BTS giả mạo. Đồng thời đôn đốc, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, triển khai hệ thống chống, ngăn chặn cuộc gọi rác ứng dụng các công nghệ tiên tiến như nhận dạng, dữ liệu lớn, AI; người dân sẽ được cung cấp các công cụ chủ động ngăn chặn từ thiết bị cá nhân.

Bên cạnh đó sẽ ngăn chặn xử lý vi phạm gọi điện quảng cáo và số điện thoại không thuộc danh sách quảng cáo theo Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Đặc biệt, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, là cơ sở pháp lý để xây dựng, hướng dẫn triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân trong hoạt động của ngành TT&TT. Đây là căn cứ để các cơ quan chức năng có thể xử lý mạnh tay với việc vi phạm dữ liệu cá nhân.

Mặt khác, Cục Viễn thông sẽ đôn đốc kiểm tra ngăn chặn xử lý các cuộc gọi rác. Biện pháp cuối cùng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia mạng viễn thông, ngăn chặn cuộc gọi rác và người dân có ý thức không dễ dãi cung cấp thông tin trên môi trường mạng.

Ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh: “Đồng bộ các giải pháp được kỳ vọng có thể giảm bớt các vi phạm”.

Hai dự thảo luật có tác động lớn

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết kỳ họp Quốc hội tới, Bộ TT&TT trình 2 dự thảo luật sửa đổi là Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và Luật Viễn thông (sửa đổi).

ong-nguyen-thanh-lam-thu-truong-bo-tt-tt.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm: Bộ TT&TT sẽ trình 2 dự thảo luật sửa đổi là Luật giao dịch điện tử sửa đổi và luật Viễn thông sửa đổi, kỳ vọng sẽ có tác động lớn đối với xã hội.

Theo Thứ trưởng, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sửa đổi nhiều nội dung, trong đó có nội dung được báo chí, truyền thông, xã hội quan tâm nhiều đó là phổ cập chữ ký số (CKS) đến toàn dân. CKS hiện đã là một công việc bình thường trong cơ quan nhà nước và trong DN nhưng chưa phải phải cơ quan nào cũng đã phổ cập CKS và thực hiện giao dịch trên trục liên thông văn bản điện tử toàn quốc. Thời gian sắp tới, việc phổ cập CKS, đưa giao dịch trên môi trường điện tử sẽ thường xuyên, bắt buộc và dự thảo Luật giao dịch điện tử có những nội dung sẽ giải quyết được việc CKS có giá trị tương đương chữ ký “tươi”, giải quyết thực trang hiện nay vừa ký số vừa lưu các văn bản có chữ ký thực, đã tạo ra một khối lượng công việc lớn cho cả xã hội nói chung.

“Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ giải quyết nhiều vấn đề, trong đó có nội dung CKS được kỳ vọng sẽ có tác động lớn đối với xã hội”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ hiện nay xu hướng của các nhà mạng viễn thông trên thế giới đang trở thành những nền tảng số, thành những công ty công nghệ số. Trên nền tảng số có rất nhiều dịch vụ từ nội dung số đến dịch vụ Internet đặt ra những bài toán quản lý nhà nước, theo đó, quy định pháp lý phải được sửa đổi để bảo vệ những đơn vị đang cung cấp dịch vụ viễn thông hoạt động đúng quy định pháp luật và quản lý, xử lý được những đơn vị cung cấp các dịch vụ, ứng dụng viễn thông trên nền tảng Internet xuyên biên giới chưa tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.

Theo Thứ trưởng, trong dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cũng đề cập rõ những hành vi bị cấm trong hoạt động viễn thông. Hành vi bị cấm không chỉ của những DN, tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông mà cả hành vi bị cấm đối với cả những người sử dụng mạng viễn thông bởi đã có hành vi sử dụng mạng viễn thông để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, bôi nhọ, nói xấu người khác, tung tin giả mạo, lan truyền những thông tin thất thiệt, chống nhà nước.

Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này đã đề ra quy định nhưng làm rõ hơn về xử lý đối với cá nhân, tổ chức sử dụng mạng viễn thông công cộng để thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật. Nhà mạng cũng có quyền, nghĩa vụ, thực hiện các biện pháp xử lý, trong đó có biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ.

“Đây là một xu hướng phổ biến trên thế giới và các nhà cung cấp dịch vụ khác cũng đã thực hiện như trong lĩnh vực hàng không. Người đi máy bay vi phạm đã bị xử phạt, từ chối dịch vụ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm chia sẻ và kỳ vọng việc sửa đổi Luật Viễn thông với các nội dung quy định sẽ đồng bộ với các nhóm giải pháp khác cho phát triển của lĩnh vực./.

Hoàng Linh