Tăng cường xử lý vi phạm về thương mại điện tử trên không gian mạng

An toàn thông tin - Ngày đăng : 09:43, 11/05/2023

Lợi dụng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, sử dụng dịch vụ du lịch thời gian qua đã phát sinh hiện tượng lừa đảo hoặc bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng trên không gian mạng. Các bộ, ngành chức năng, trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp để xử lý.
An toàn thông tin

Tăng cường xử lý vi phạm về thương mại điện tử trên không gian mạng

Bình Minh {Ngày xuất bản}

Lợi dụng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, sử dụng dịch vụ du lịch thời gian qua đã phát sinh hiện tượng lừa đảo hoặc bán các sản phẩm không đảm bảo chất lượng trên không gian mạng. Các bộ, ngành chức năng, trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp để xử lý.

Từ những “chiêu trò” lừa đảo khách hàng đặt tour du lịch trực tuyến…

Trước dịp nghỉ lễ 30/4 – 01/5 vừa qua và kỳ nghỉ hè sắp tới đang đến gần, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật thông qua các website/ứng dụng thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội đang diễn ra phổ biến. Thực tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo những thủ đoạn chiếm đoạt tài sản trên website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội.

a60.jpg
Trang thông tin điện tử Công an Đà Nẵng đưa ra cảnh báo lừa đảo bán tour du lịch trực tuyến (Ảnh: CATPĐN)

Thứ nhất, phương thức lừa đảo phổ biến mà các đối tượng thường sử dụng bao gồm việc đăng tải bài quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn với giá rẻ trên website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội, đề nghị nạn nhân chuyển tiền đặt cọc (từ 30-50% giá trị) để đặt cọc tour du lịch, phòng khách sạn, sau đó lừa đảo chiếm đoạt số tiền đặt cọc.

Thứ hai, các đối tượng cũng có thể đăng bài quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài trên website/ứng dụng TMĐT và mạng xã hội cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí hoặc một phần chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ… Sau đó lấy lý do nạn nhân khai thông tin bị thiếu và không trả lại tiền.

Thứ ba, các đối tượng có thể làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả hình ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Thứ tư, các đối tượng cũng có thể làm giả/chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội, liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè cho biết đang bị mắc kẹt khi du lịch tại nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Đối tượng có thể sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo).

Trong khi đó, Cổng thông tin Quản lý hoạt động TMĐT cũng đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo của công ty bán tour du lịch trực tuyến như: Cố tình nhầm lẫn hoặc sai sót về tên khách hoặc code (mã vé) máy bay cho đến sát ngày bay khách hàng mới nhận được code vé chuẩn; khách hàng đã đóng đủ tiền vé máy bay khứ hồi (2 chiều) và tiền phụ thu (ví dụ phòng cho trẻ nhỏ) nhưng chỉ nhận được code vé máy bay 1chiều và khách sạn báo không nhận được phụ thu từ phía chủ sở hữu website.

Hoạt động của công ty bán tour du lịch trực tuyến còn có thể tồn tại dưới dạng gửi cho khách hàng code vé máy bay và mã đặt chỗ đầy đủ, nhưng đến gần trước khi chuyến bay khởi hành đột ngột báo hoãn do phía hãng hàng không. Khách hàng kiểm tra lại thông tin bên hãng hàng không thấy không có việc này, và lại nhận được câu trả lời từ chủ sở hữu website là hoãn chuyến bay và chuyển sang mua vé hãng khác vì lý do giá vé máy bay quá đắt.

Ngoài trường hợp nêu trên, nhiều website lừa đảo tiến hành đăng tải các tour giá rẻ trên các diễn đàn hoặc mạng xã hội để quảng cáo. Người dân nào không chú ý, ham rẻ lập tức sẽ bị sập bẫy…

Đến những thủ đoạn mới trong buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, khi các hoạt động TMĐT phát triển nhanh chóng trở nên phổ biến, tiện lợi đối với người tiêu dùng thì cũng xuất hiện các thủ đoạn mới về buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Các đối tượng lập nhiều tài khoản mạng và chạy quảng cáo, sử dụng những cá nhân nổi tiếng, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực y tế, xã hội để làm nhân vật quảng cáo sai sự thật về hàng hóa đặc biệt đối với mặt hàng thuốc đông y sản xuất gia truyền, thuốc chữa bệnh dân gian, các dược liệu quý tự nhiên như nhân sâm, nấm, thực phẩn chức năng và mỹ phẩm; chụp ảnh sản phẩm bằng công nghệ; sử dụng nhà ở, chung cư làm kho chứa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng.

Bên cạnh đó, lợi dụng hoạt động dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, dịch vụ giao nhận hàng tại nhà với đội ngũ người giao hàng (shipper) đông đảo… các đối tượng đưa hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào các kho chứa bưu kiện, bưu phẩm. Đây là ranh giới không rõ ràng cho việc xác định trách nhiệm chủ thể đối với hàng hóa vi phạm.

Xử lý nghiêm vi phạm, tăng cường quản lý nhà nước

Thực tế, những vi phạm về lừa đảo khách hàng đặt tour du lịch trực tuyến hay buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên không gian mạng đã được các ngành chức năng xử lý nghiêm thời gian qua. Số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý đều giảm rõ năm sau thấp hơn năm trước.

Để làm tốt hơn trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao chỉ đạo các cơ quan báo chí phối hợp với các lực lượng chức năng tăng thời lượng, dung lượng đẩy mạnh phổ biến kiến thức, tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan nhóm mặt hàng điều chỉnh tại Chỉ thị 17/CT-TTg (nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền). Đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng giám sát và quản lý chặt chẽ hoạt động quảng cáo của các đơn vị phát hành quảng cáo, đặc biệt với thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược liệu và thuốc cổ truyền/gia truyền; nghiên cứu tổng đài được thiết lập, giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán các mặt hàng giả, kém chất lượng trên không gian mạng. Bên cạnh đó đánh giá, phân tích tình hình, đưa ra dự báo sát hợp, đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm của các trang tin điện tử, trang cá nhân trên mạng xã hội./.

Bình Minh