Bốn nội dung lớn cần chỉnh sửa trong Luật Báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 14:35, 06/06/2023

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển và quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật Báo chí cũng bộc lộ một số quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình mới, trong khi nhiều vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực báo chí cần được điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo mới.
Truyền thông

Bốn nội dung lớn cần chỉnh sửa trong Luật Báo chí

TS. Nguyễn Minh Phong 06/06/2023 14:35

Luật Báo chí năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển và quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Luật Báo chí cũng bộc lộ một số quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình mới, trong khi nhiều vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực báo chí cần được điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo mới.

Tóm tắt:
- Cần phân định minh bạch và cập nhật hơn sự khác biệt đặc trưng giữa các loại hình báo chí;
- Cần đảm bảo sự thống nhất và thuận lợi thực thi về Quyền tự do ngôn luận của công dân theo Luật Báo chí năm 2016 với Hiến pháp Việt Nam năm 2013;
- Cần siết chặt quản lý Nhà nước nhằm giảm thiểu kẽ hở, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, tham nhũng trong báo chí;
- Cần tạo môi trường thể chế bảo vệ quyền tự do tác nghiệp, mục tiêu cống hiến xã hội và sự an toàn của nhà báo.

Luật Báo chí năm 2016 (gọi tắt là Luật Báo chí) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật này đã và đang có những đóng góp tích cực vào sự phát triển và quản lý Nhà nước đối với hoạt động báo chí theo hướng chuyên nghiệp, kỷ cương, có trách nhiệm và hiệu quả hơn; góp phần thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của nhân dân trong khuôn khổ Hiến pháp và luật định; các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu và hợp tác, hỗ trợ cơ quan báo chí, tác nghiệp của phóng viên; các cơ quan hành chính Nhà nước bước đầu thực hiện nghiêm chỉnh việc cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất, phản hồi thông tin cho báo chí; nâng cao vị thế và trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của người làm báo...

dsc09654.jpg
(Ảnh minh họa: Việt  Tuấn/vneconomy)

Trên thực tế triển khai, Luật Báo chí cũng bộc lộ một số quy định hiện hành không còn phù hợp với tình hình mới, trong khi nhiều vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực báo chí cần được điều chỉnh, bổ sung vào dự thảo mới của Luật này, nổi bật là những vấn đề sau:

Thứ nhất, cần phân định minh bạch và cập nhật hơn sự khác biệt đặc trưng giữa các loại hình báo chí, tránh sự mập mờ và lúng túng khi triển khai và quản lý hoạt động báo chí trong thực tiễn.

Trước hết, các thuật ngữ được giải thích trong Luật Báo chí cần được sự rà soát, sắp xếp theo một thứ tự logic phù hợp, có tính nguyên tắc, tiện cho tra cứu và bảo đảm tính khoa học, ví dụ theo trật tự a, b, c của các thuật ngữ, tránh cảm giác tùy tiện và lộn xộn.

Đặc biệt, cần bổ sung, cập nhật thêm nội dung và cụ thể hóa các tiêu chí phân biệt, lượng hóa rõ ràng giữa loại hình Báo, Tạp chí, Báo điện tử và Tạp chí điện tử, Chuyên trang điện tử, Báo in và Tạp chí in, vì chưa có mục nào giải thích về báo, tạp chí, mà mới chỉ có giải thích báo chí, trong đó còn lẫn lộn nội hàm giữa báo chí và báo khi giải thích “Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in”. Điều này sẽ tạo ra cách hiểu trong báo in có tạp chí in, trong khi tư duy và quản lý thực tế Nhà nước về báo chí lại thì có sự phân biệt “cứng rắn” và khá rạch ròi giữa báo và tạp chí...

Bên cạnh đó, cần có quy định về chế độ lưu chiểu đối với loại hình đặc san, bản tin, trang thông tin điện tử tổng hợp... để bảo đảm sự bình đẳng trong quản lý Nhà nước chung về thông tin báo chí.

Thứ hai, cần đảm bảo sự thống nhất và thuận lợi thực thi về Quyền tự do ngôn luận của công dân theo Luật Báo chí năm 2016 với Hiến pháp Việt Nam năm 2013. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân đã được quy định trong Điều 25 Hiến pháp năm 2013 nhằm đáp ứng các cam kết quốc tế, đảm bảo quyền công dân và phát huy vai trò tích cực của báo chí, vai trò giám sát của người dân trong quá trình phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước hiện nay.

Luật Báo chí hiện hành tuy đã cụ thể hóa nhiều nội hàm biểu hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, song cần bổ sung các quy định cụ thể hóa điều kiện người dân được in và phát hành báo in; sản xuất và phát hành báo chí điện tử, v.v... để người dân không lúng túng và bị hạn chế quyền tự do báo chí và ngôn luận trong thực tế.

Thứ ba, cần siết chặt quản lý Nhà nước nhằm giảm thiểu kẽ hở, ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, tham nhũng trong báo chí. Quyền lực của báo chí trong đời sống kinh tế - xã hội nói chung và đối với doanh nghiệp (DN) nói riêng trong kinh tế thị trường hiện nay dễ gây ra một số tác động mặt trái từ những ngộ nhận hay lạm dụng của giới báo chí cho các DN, người tiêu dùng và cả xã hội.

Bởi vậy, cần bổ sung quy định rõ ràng và cụ thể hóa các hành vi, chế tài xử lý nghiêm khắc để khắc phục triệt để các vấn đề và tình trạng nêu trên khi sửa Luật Báo chí.

Thứ tư, cần tạo môi trường thể chế bảo vệ quyền tự do tác nghiệp, mục tiêu cống hiến xã hội và sự an toàn của nhà báo. Về quy định loại hình hoạt động của cơ quan báo chí và cơ chế tài chính tương ứng, nên có sự cân nhắc điều chỉnh trong Luật Báo chí theo hướng coi báo chí là cơ quan sự nghiệp có thu, hoặc DN xã hội, thay vì là đơn vị kinh doanh có điều kiện như quy định hiện hành.

Sự điều chỉnh này là đòi hỏi thực tế nhằm cân bằng lợi ích xã hội và lợi ích người hoạt động báo chí, giảm bớt tính thương mại, định hướng hoạt động thuần túy vì lợi nhuận trong hoạt động báo chí, với các hệ lụy to lớn khó lường do chức năng định hướng dư luận và bảo vệ các giá trị, đạo đức xã hội tốt đẹp của báo chí.

Luật Báo chí hiện hành dù đã quy định rõ khi phóng viên đến làm việc với cơ quan, chính quyền chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc cung cấp thông tin cho báo chí... Tuy nhiên, trên thực tế, việc tác nghiệp của các nhà báo vẫn còn gặp không ít khó khăn do bị yêu cầu thêm các giấy tờ không cần thiết nhằm cản trở hoạt động của nhà báo, như giấy giới thiệu, yêu cầu xác minh nhân thân, hoặc tình trạng né tránh, trốn tránh, không cung cấp thông tin cho báo chí vì lý do bận công tác, bí mật công vụ...

Bên cạnh đó, Luật Báo chí chưa quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cộng tác viên trong khi thực tế đội ngũ này ở văn phòng đại diện các địa phương khá nhiều.

Vì vậy, cần bổ sung trong Luật Báo chí các nội dung cụ thể liên quan về chế tài đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân cố tình “né” báo chí và cung cấp thông tin sai sự thật; về cộng tác viên báo chí; về nhận diện bổ sung các hành vi bị cấm và chế tài tương xứng với các hành vi này nhằm phòng ngừa cả sự cản trở hoạt động của báo chí, đe dọa, hành hung nhà báo khi tác nghiệp, hoặc lợi dụng hoạt động báo chí để phục vụ mục đích cá nhân, tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động báo chí và quản lý Nhà nước về báo chí.

Đặc biệt, nên mở rộng việc cấp Thẻ nhà báo và trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp báo chí” cả cho các cộng tác viên báo và tạp chí in và điện tử, đài phát thanh và truyền hình cấp Trung ương và cấp tỉnh trực thuộc Trung ương thỏa mãn các tiêu chí về thời gian, số và chất lượng sản phẩm theo quy định. Quy định này sẽ có ý nghĩa thực tiễn rất tốt, trước mắt phục vụ việc xây dựng đội ngũ và hình thành các nhóm chuyên gia - cây bút có thẩm quyền chuyên môn cao và ảnh hưởng xã hội tích cực mạnh để chuyên trách những mảng hoạt động báo chí trong các vấn đề đặc thù liên quan đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và bảo vệ an ninh, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.

Ngoài ra, việc giải quyết khiếu nại và tố cáo trong hoạt động báo chí cũng cần phù hợp với Luật Tố cáo 2018 và Luật Khiếu nại 2011. Tuy nhiên, báo chí là hoạt động đặc thù, nên vấn đề này cũng cần cụ thể hơn trong Luật Báo chí để hoạt động báo chí có hiệu quả hơn.

Hơn nữa, Luật Báo chí cần bổ sung thêm những quy định riêng về chính sách quản lý tài chính kết hợp với Luật An ninh mạng để hỗ trợ và khuyến khích các cơ quan báo chí đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao trang thiết bị, công nghệ có đủ năng lực để cạnh tranh với các cơ quan truyền thông và trang mạng xã hội.

Với tinh thần đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí để ngày càng hoàn thiện hành lang pháp lý đầy đủ, hiện đại cho hoạt động báo chí được kỳ vọng sẽ là động lực và nền tảng vững chắc cho sự phát triển và hiện đại hóa nền báo chí nước nhà, giúp báo chí Việt Nam hoàn thành tốt sứ mệnh và sánh vai, hội nhập cùng báo chí thế giới..../.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)

TS. Nguyễn Minh Phong