Thời đại Internet, mạng xã hội: Thời đại của gắn kết hay chia rẽ?

Truyền thông - Ngày đăng : 14:36, 25/06/2023

Điểm lại lịch sử phát triển của Internet sau 2 thập kỷ phát triển mạnh mẽ, từ giai đoạn Web 2.0, sau đó chuyển sang phương tiện truyền thông xã hội, ngày nay chúng ta có trí tuệ nhân tạo rồi đang nóng lên câu chuyện Chat GPT. Chúng ta đang ở giai đoạn với nhiều chuyển biến, những mặt tốt - xấu, mặt còn tồn tại của mạng xã hội (MXH(, cần có một khoảng ngừng và thiết nghĩ rằng đây là thời điểm để rút ra một số kết luận.
Truyền thông

Thời đại Internet, mạng xã hội: Thời đại của gắn kết hay chia rẽ?

Nguyễn Thị Hồng Chi - Giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh 25/06/2023 14:36

Điểm lại lịch sử phát triển của Internet sau 2 thập kỷ phát triển mạnh mẽ, từ giai đoạn Web 2.0, sau đó chuyển sang phương tiện truyền thông xã hội, ngày nay chúng ta có trí tuệ nhân tạo rồi đang nóng lên câu chuyện Chat GPT. Chúng ta đang ở giai đoạn với nhiều chuyển biến, những mặt tốt - xấu, mặt còn tồn tại của mạng xã hội (MXH(, cần có một khoảng ngừng và thiết nghĩ rằng đây là thời điểm để rút ra một số kết luận.

Tóm tắt:
- Phương tiện truyền thông xã hội cung cấp những cơ hội mới và dễ tiếp cận hơn để tạo điều kiện kết nối xã hội;
- Sự ra đời của MXH là một kết quả tích cực, nhưng đã đến lúc vạch ra ranh giới dưới, nhìn nhận lại những mối đe dọa, nguy cơ tiềm ẩn ở nhiều cấp độ;
- Cần sự nỗ lực hợp tác giữa Chính phủ, xã hội, các nhà lập pháp và các bên liên quan chính khác đưa ra các giải pháp quản lý hiệu quả hơn các nền tảng truyền thông xã hội.

Khi được phỏng vấn trong bộ phim tài liệu “The Social Dilemma” (tạm dịch: Tiến thoái lưỡng nan của xã hội) của Netflix, nhà khoa học máy tính người Mỹ Tristan Harris bày tỏ sự hoài nghi của mình đối với khả năng đối phó về mặt tinh thần và cảm xúc của xã hội trong một cộng đồng rộng lớn, bị thao túng nặng nề là MXH. Thời đại toàn cầu hóa, mọi người kết nối nhau qua những cú nhấp chuột, MXH là con dao hai lưỡi sắc bén, luôn cần được sử dụng cẩn trọng. Vì vậy, để sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách hiệu quả, người dùng cần thu theo các phương pháp hay nhất, hữu ích nhất, hiểu rõ những rủi ro tiềm ẩn. Có nhiều khía cạnh cần bàn, nhưng dưới góc nhìn chuyên ngành truyền thông, các nhà nghiên cứu truyền thông nổi lên các vấn đề mấu chốt sau khi nhắc đến sự gắn kết, sự chia rẽ gây nên bởi các nền tảng xã hội hiện nay.

Sự gắn kết

Công bố mới nhất từ hãng nghiên cứu thị trường Statista liên quan đến các MXH phổ biến nhất trên toàn thế giới tính đến tháng 1/2023 cho thấy Facebook vẫn được xếp hạng là nền tảng truyền thông xã hội phổ biến nhất trên toàn cầu với hơn 2,9 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng. Tranh giành vị trí thứ hai và thứ ba là YouTube với 2,5 tỷ người dùng và khoảng trên dưới 2 tỷ người dùng trên ứng dụng WhatsApp Messenger. Theo sát phía sau là Instagram (2 tỷ), Wechat (1,3 tỷ), và một trong những bổ sung mới nhất cho kho vũ khí truyền thông xã hội, TikTok (1,1 tỷ).

Ở Việt Nam, với dân số xấp xỉ 100 triệu người, Việt Nam đứng thứ 12 trên thế giới về lượng người dùng Internet, chiếm đến 73% dân số với khoảng 71 triệu người dùng, số liệu được công bố vào tháng 9/2022.

Dễ dàng nhận thấy, Internet và MXH đóng vai trò quan trọng trong mọi hoạt động của đời sống. Có một chút nghi ngờ rằng MXH là một lực lượng ảnh hưởng đến cách xã hội hình thành và cảm nhận một phần của đời sống xã hội hiện nay.

Trong một bài báo được xuất bản trên Hiệp hội Tư vấn Mỹ, có tiêu đề Truyền thông xã hội như một con đường để đạt được cảm giác thân thuộc giữa các sinh viên Đại học (tựa gốc: “Social Media as an avenue to achieving sense of belonging among college students”), tác giả Elizabeth A.Vincent, nhận định rằng “phương tiện truyền thông xã hội cung cấp những cơ hội mới và dễ tiếp cận hơn để tạo điều kiện kết nối xã hội”. Cho nên, các phương tiện truyền thông mới đã được sử dụng như một công cụ để nâng cao cảm giác thân thuộc kể từ khi các trang MXH đầu tiên xuất hiện vào đầu thế kỷ 21, chẳng hạn như MySpace và Facebook.

Nhờ tác động tích cực của MXH mà nhiều cá nhân đã tìm thấy và đoàn tụ những thành viên gia đình đã mất, họ đã tìm được người hiến tạng. Có những thay đổi mang tính hệ thống, có ý nghĩa đang diễn ra trên khắp thế giới nhờ những nền tảng tích cực này. Điều này cũng trùng hợp với những suy nghĩ của ông Tim Kendall, cựu Chủ tịch của Pinterest và Giám đốc hiện đại hóa của Facebook trong 5 năm, trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim tài liệu "The Social Dilemma" năm 2020 của Netflix đã kể trên.

Đã có những phong trào đáng kinh ngạc được bắt đầu bởi phương tiện truyền thông xã hội mà dường như không thể nhìn thấy ánh sáng ban ngày khi sử dụng phương tiện truyền thống. Tôi đang nghĩ đến phong trào #BlackLivesMatter và vụ sát hại George Floyd. Phong trào #MeToo. Qua đó, các chuyên gia truyền thông phát hiện rằng, rõ ràng có những tia lửa đoàn kết vì các nguyên nhân trên mạng xã hội, đặc biệt là khi một thảm kịch, hay những bất bình xảy ra trong xã hội.

Cũng cần nhắc thêm, trong thế giới ngày nay, phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một công cụ giao tiếp quan trọng cho các học giả, những người làm công tác nghiên cứu khoa học. Các nền tảng truyền thông xã hội khác nhau đang được sử dụng làm công cụ giảng dạy và mở rộng phạm vi tiếp cận của các kết quả nghiên cứu. Điều này được thấy rõ nhất trong thời gian khủng hoảng của đại dịch COVID-19. Các cơ quan tài trợ ngày càng khuyến khích các học giả sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để quảng bá các công trình nghiên cứu, chia sẻ kết quả nghiên cứu của họ, tương tác với các đồng nghiệp và cập nhật những phát triển mới nhất, chia sẻ kết quả với công chúng.

Thêm nữa, các học giả ngày càng sử dụng các trang mạng chuyên nghiệp để kết nối với các chuyên gia khác trong lĩnh vực này, xây dựng mối quan hệ và tìm các cộng tác viên tiềm năng hoặc cơ hội tài trợ.

social-media-addiction-4040.png
(Hình minh họa)

Sự chia rẽ

Rõ ràng, mặc dù sự ra đời của MXH là một kết quả tích cực, nhưng đã đến lúc vạch ra ranh giới, nhìn nhận lại những mối đe dọa, nguy cơ tiềm ẩn ở nhiều cấp độ. Kết nối xã hội, yếu tố quan trọng vượt qua các ranh giới kinh tế - xã hội, địa lý và chủng tộc, đơn giản là không thể đạt được thông qua các thuật toán được thiết lập để hướng mọi người tránh xa những sự thật khó chịu, dẫn đến nhiều sự phân chia, chia rẽ. Nếu bạn xem mạng xã hội là nơi giúp kết nối thì những phân tích sau sẽ khiến bạn thay đổi suy nghĩ.

Đầu tiên, cần nhắc đến, theo nghiên cứu của trường Đại học (ĐH) New York (NYU) và ĐH Cambridge, hầu hết người Mỹ thừa nhận họ sử dụng MXH ít nhất một lần mỗi ngày, nhưng họ cũng tin rằng các nền tảng như Facebook và Twitter đang gây chia rẽ quốc gia nhiều hơn là gắn kết những công dân lại với nhau. Có thể tranh cãi rằng các mô hình và thuật toán truyền thông xã hội cố ý hoạt động dựa trên các lỗ hổng trong tâm lý con người để tìm cách thao túng.

Phân tích một hiện tượng phổ biến sau để dẫn chứng. Một cá nhân gia nhập một nhóm kín trên Facebook vì yêu mèo. Điều đó thật tuyệt vời miễn là bạn chỉ nói về mèo. Một ngày nọ, ai đó đưa ra một bình luận trong cuộc trò chuyện nói rằng họ rất thất vọng về cuộc bầu cử Tổng thống tại Mỹ và thất bại của Trump, chỉ trích sự thất vọng và phán quyết ép buộc tiêm vaccine. Từ đó, sẽ phát sinh những suy nghĩ liên quan đến quan điểm chính trị, góc nhìn xã hội khác nhau. Cá nhân kia tham gia nhóm vì mối quan hệ thân thiết với người xoay quanh vấn đề về mèo nhưng chợt nhận ra có lẽ bạn không có điểm chung nào với một số người. Từ đây, mâu thuẫn, tranh cãi có thể phát sinh gay gắt và kéo theo nhiều bình luận ác ý, tranh cãi nảy lửa, tệ hơn là các phát ngôn thù địch, sự bắt nạt trực tuyến. Sự rời rạc, ẩn mình của thế giới ảo đã cướp đi sự kiên nhẫn và lòng trắc ẩn của nhiều cá nhân.

Vấn đề đáng quan tâm thứ hai có mối liên hệ với những ý vừa nêu. Rõ ràng, MXH đóng vai trò lớn trong việc tạo nên những bạo lực trực tuyến, làm tăng khả năng có những suy nghĩ và hành vi hung hãn, cảm giác tức giận. Về lâu dài, nó có thể dẫn đến việc vô cảm với nạn bạo lực, thiếu sự đồng cảm với những đau khổ, khó khăn của người khác, của đồng loại.

Yếu tố thứ ba cần nhắc đến. Đó là truyền thông xã hội có xu hướng làm mờ nhạt ranh giới giữa cuộc sống cá nhân, nghề nghiệp, dẫn đến xung đột lợi ích tiềm ẩn. Một số nền tảng truyền thông xã hội thường là nguồn cung cấp thông tin sai lệch, chưa được cơ quan có chức năng hay những người có kinh nghiệm chuyên môn kiểm chứng. Vì vậy, mỗi cá nhân cần thận trọng trong việc kiểm tra thông tin xác thực trước khi chia sẻ thông tin đó. Đối với giới học thuật, tri thức, sự khác biệt duy nhất trên MXH là những lời chỉ trích, ý kiến chỉ dẫn đóng góp thường đến từ những người mà các nhà nghiên cứu, các giáo sư hay giới chuyên môn không coi là đủ hiểu biết để bình luận hay đưa ra lời khuyên về một vấn đề cụ thể.

Tìm giải pháp dung hòa

Xã hội nhìn nhận MXH là sự pha trộn giữa tốt và xấu, giữa sự gắn kết và chia rẽ, hay khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa một cộng đồng. Những điều này đã được ghi nhận rõ ràng, không phải mới được mọi người biết tới hay chưa từng “va chạm”.

Trên thế giới, mọi người chưa bao giờ được kết nối nhiều hơn ngày nay. Internet, truyền thông xã hội và các công nghệ khác cho phép chúng ta gửi tin nhắn ngay lập tức trên khắp thế giới và tìm hiểu về những thông tin nóng hổi ngay khi nó xảy ra.

Giống như lửa là một trợ thủ đắc lực cho con người, nhưng là một ông chủ tồi, mạng Internet, các nền tảng xã hội, rõ ràng cũng là một trợ thủ đắc lực. Miễn sao, mỗi cá nhân có thể sử dụng một cách khôn ngoan để mang lại lợi ích cho mình. Khi không được áp dụng một cách đúng mực, lệch lạc, không nằm trong tầm kiểm soát thì nó có thể dẫn đến nhiều vấn đề.

Một điều quan trọng nữa là cần có sự hợp tác giữa Chính phủ, xã hội, các nhà lập pháp và các bên liên quan để đưa ra các giải pháp quản lý ngày càng hiệu quả hơn các nền tảng truyền thông xã hội. Làm được như vậy, mới có thể phát triển được những mặt tích cực và rút hẹp khoảng cách chia rẽ cùng những mâu thuẫn có thể phát sinh giữa các cá nhân, giữa những cộng đồng hay quốc gia.

Điều này có thể đòi hỏi thời gian, phức tạp và khó khăn, nhưng đáng để nỗ lực./.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)

Nguyễn Thị Hồng Chi - Giảng viên Khoa Truyền thông, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh