Tăng cường quản trị dữ liệu của cơ quan nhà nước để nâng cao năng lực quản trị công
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 14:09, 31/05/2023
Tăng cường quản trị dữ liệu của cơ quan nhà nước để nâng cao năng lực quản trị công
Dữ liệu ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công tác quản trị công của các cơ quan nhà nước (CQNN) và phát triển kinh tế, xã hội.
Tóm tắt:
- Vai trò dữ liệu trong quản trị công của CQNN: Hỗ trợ xây dựng chính sách và ra quyết định; Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Chính phủ; Tăng cường trách nhiệm và tính minh bạch của CQNN.
- Giải pháp và định hướng tăng cường quản trị dữ liệu của CQNN: Thay đổi nhận thức về vai trò của dữ liệu; Xây dựng định hướng và chiến lược dữ liệu; Hoạch định và thu thập dữ liệu đáp ứng nhu cầu quản lý; Tổ chức hợp lý các cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung; Cung cấp, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông suốt; Quản trị và đảm bảo chất lượng dữ liệu; Sử dụng dữ liệu để cải cách hành chính (CCHC) và đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC( cho người dân, DN và khai phá dữ liệu để tạo ra giá trị mới hỗ trợ quản trị điều hành.
Tại Hoa Kỳ, năm 2019, các cơ quan chính phủ đã ước tính thiệt hại khoảng 175 tỷ USD do sự gian lận, lãng phí và lạm dụng ngân sách (đặc biệt liên quan đến chương trình y tế và thuế...).
Điều này đã tạo động lực cho Hoa Kỳ triển khai giải pháp phân tích dữ liệu để phòng chống gian lận [1]. Tại Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa vào vận hành hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế và đã ghi nhận giảm trừ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được 1.185 tỷ đồng năm 2021; trong 6 tháng đầu năm 2022 giảm trừ 255,3 tỷ đồng [2].
Đây là ví dụ cho việc dữ liệu được sử dụng rất đắc lực để phòng, chống gian lận, lãng phí và lạm dụng ngân sách nhà nước. Trên quy mô rộng hơn, dữ liệu là công cụ, nền tảng quan trọng để nâng cao năng lực quản trị công của cơ quan nhà nước tiến tới xây dựng một nền hành chính dựa trên quản trị số.
Thế giới đang trong cuộc chạy đua về xây dựng và khai thác dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế. Các nước EU dự báo đến năm 2025, giá trị dữ liệu giúp mang lại 1.075 tỷ EURO. Chiến lược xây dựng, khai thác dữ liệu quốc gia đã được các nước đặt ra trên diện rộng từ Mỹ, Anh, Úc, Trung Quốc, Canada, NewZealand... để khai thác giá trị tiềm năng của dữ liệu trong kinh tế cũng như chính phủ đã ước tính thiệt hại khoảng phục vụ quản trị công.
Đối với việc chỉ đạo điều hành của các CQNN, dữ liệu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ quá khứ, bám sát hiện tại và dự báo tương lai. Hiểu rõ quá khứ là chúng ta nắm bắt được nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề, nhanh chóng rút kinh nghiệm, tìm ra được quy luật phát triển. Bám sát hiện tại là biết được từ tổng quan tới chi tiết nhanh chóng theo thời gian thực. Dự báo tương lai là chúng ta có đủ thông tin để ra các quyết định, xây dựng được các chính sách đúng đắn, chính xác hơn, tránh được các sai lầm, thậm chí, chúng ta có thể mô phỏng được kết quả tương lai đạt được.
Vai trò dữ liệu trong quản trị công của CQNN
Hỗ trợ xây dựng chính sách và ra quyết định.
Để xây dựng được hệ thống hành lang pháp lý, lập kế hoạch và triển khai chính sách hiệu quả thì dữ liệu đóng vai trò đầu vào quan trọng. Dữ liệu cung cấp thông tin cho việc lập kế hoạch, triển khai chính sách và hoạt động quản lý công, đảm bảo tính hiệu quả và tính bền vững của các hoạt động này. Sử dụng dữ liệu còn giúp cho các quyết định được đưa ra nhanh chóng và chính xác hơn, từ đó đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động quản trị công.
Chương trình Data-Driven Justice Initiative (DDJ) của Hoa Kỳ là một ví dụ về việc sử dụng dữ liệu để cải thiện các chính sách và thực thi liên quan đến người bị bắt giữ do các vấn đề về sức khỏe tâm thần và người nghiện. Chương trình này nhằm giảm số lượng người bị bắt giữ và thay vào đó cung cấp cho họ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Để làm được điều này, các cơ quan chính phủ liên bang, tiểu bang đã sử dụng dữ liệu để xác định những người có nguy cơ cao bị bắt giữ nhiều lần và phối hợp với các tổ chức phi lợi nhuận và các nhà cung cấp dịch vụ để tạo ra các giải pháp thay thế3. Kết quả số lượng người bị giam giữ đã giảm 40% mà không làm gia tăng tỉ lệ tội phạm [4].
Tại Việt Nam, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã đưa vào vận hành Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; khoảng 50 bộ, ngành, địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh của mình. Các hệ thống này là công cụ đắc lực để hỗ trợ lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các cấp trong chỉ đạo điều hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu.
Tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động của Chính phủ: Quản trị và sử dụng dữ liệu tốt giúp CQNN tiết kiệm thời gian và tài nguyên trong quá trình thực hiện các hoạt động quản trị công. Khi có sẵn dữ liệu chính xác và đầy đủ, các năng suất hoạt động của các cơ quan sẽ được thực hiện nhanh chóng và chính xác hơn, giảm thiểu các rủi ro và sai sót trong hoạt động quản lý nhà nước.
Một ví dụ về vai trò của dữ liệu trong việc hỗ trợ quyết định của CQNN là hệ thống dữ liệu về sức khỏe của người dân ở Singapore, được quản lý bởi Bộ Y tế Singapore. Hệ thống có tên là National Electronic Health Record (NEHR) cho phép các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe (CSSK) truy cập thông tin sức khỏe của bệnh nhân để giúp họ đưa ra quyết định CSSK cho người dân tốt hơn. Hệ thống đã giúp tăng tốc độ xác định các trường hợp bệnh lý hiếm gặp và giúp bác sĩ đưa ra quyết định chẩn đoán và điều trị chính xác. Ngoài ra, NEHR còn cho phép Bộ Y tế Singapore phân tích dữ liệu để đưa ra các chính sách y tế và lập kế hoạch phát triển y tế dựa trên nhu cầu thực tế CSSK của người dân.
Thành phố Boston, Hoa Kỳ đã phát triển hệ thống “CityScore”5. Hệ thống này thu thập và phân tích dữ liệu từ các nguồn khác nhau như đèn giao thông, đường phố, chất lượng không khí, nước sạch và an ninh, hệ thống đã giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của các cơ quan chức năng như Sở Giao thông, Sở An ninh công cộng và Sở Tài nguyên Môi trường. Cụ thể, hệ thống đã giúp cải thiện tốc độ giải quyết các vấn đề liên quan đến giao thông, cải thiện chất lượng môi trường và an ninh, an toàn của thành phố, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm. Ngoài ra, hệ thống CityScore còn cho phép chính quyền thành phố Boston đánh giá hiệu quả các chính sách và chiến lược phát triển, từ đó đưa ra các điều chỉnh và cải tiến để tối ưu hóa hoạt động của các cơ quan chức năng.
Tăng cường trách nhiệm và tính minh bạch của CQNN: Khi có sẵn dữ liệu chính xác và đầy đủ, việc đưa ra quyết định sẽ trở nên minh bạch và trách nhiệm hơn. Các quyết định sẽ dựa trên số liệu chính xác, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan, đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động quản trị công. Dữ liệu là công cụ hỗ trợ cho việc đánh giá tác động của quyết định. Nếu có sẵn dữ liệu chính xác, Chính phủ có thể đánh giá tác động của các quyết định và điều chỉnh khi cần thiết.
Tăng cường sự tương tác với người dân và huy động sự tham gia của người dân vào hoạt động của CQNN. Quản trị dữ liệu cho phép Chính phủ tương tác và giao tiếp với cộng đồng thông qua việc cung cấp thông tin và dữ liệu công khai, từ đó tăng cường sự tham gia và đóng góp của cộng đồng trong hoạt động quản trị công. Cung cấp dữ liệu mở của CQNN cũng là một giải pháp để huy động nguồn lực của người dân, doanh nghiệp (DN) tham gia thực hiện các hoạt động quản lý xã hội của CQNN. Nhà nước cung cấp dữ liệu của mình để làm nền tảng cho cộng đồng xây dựng các ứng dụng, giải pháp đóng góp cho cộng đồng. Chính vì vậy, hơn 80% các nước trên thế giới đã xây dựng các cổng dữ liệu mở quốc gia để cung cấp dữ liệu mở rộng rãi.
Từ năm 2020, Cổng dữ liệu quốc gia đã được khởi động. Đây là điểm cung cấp dữ liệu mở tập trung của CQNN cho người dân, DN. Đến nay, đã có hơn 15 bộ, ngành, địa phương tích cực xây dựng các cổng dữ liệu mở của mình vừa công khai thông tin, vừa cung cấp dữ liệu để cộng đồng khai thác, phục vụ nghiên cứu và triển khai các sáng kiến phục vụ xã hội.
Burkina Faso là một quốc gia ở Tây Phi thường xuyên gặp phải tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Chỉ 40% người dân tại thủ đô Ouagadougou được sử dụng điện, cả nước chỉ 3% số người dân được sử dụng lưới điện quốc gia. Nhóm cộng đồng Open Burkina đã nghiên cứu sử dụng nguồn dữ liệu mở được cung cấp từ Công ty điện lực quốc gia SONABEL để xây dựng ứng dụng di động giúp người dân thích ứng với tình trạng mất điện. Qua ứng dụng này, thông báo được gửi đến người dân về lịch trình giảm tải cấp điện để người dân điều chỉnh lịch trình cá nhân của mình6. Đây là một điển hình hợp tác theo chủ trương Sáng kiến dữ liệu mở Burkina do cơ quan xúc tiến CNTT của Burkina Faso thúc đẩy cung cấp dữ liệu mở trên cổng dữ liệu quốc gia để người dân tái sử dụng dữ liệu mở của chính phủ.
Tăng cường khả năng dự đoán và phòng ngừa rủi ro. Quản trị dữ liệu giúp Chính phủ đánh giá và dự đoán các rủi ro trong hoạt động quản trị công, từ đó phòng ngừa các vấn đề tiềm tàng và tăng cường khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Ví dụ, dữ liệu về tình hình kinh tế, tài chính, và dự báo thị trường được sử dụng để xác định chính sách tài chính và ngân sách của Chính phủ. Ngoài ra, dữ liệu về môi trường, khí hậu, và tình trạng thiên tai được sử dụng để phát triển các kế hoạch phòng ngừa và ứng phó với các tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Nhật Bản đã triển khai hệ thống cảnh báo sớm đối với các trận động đất và sóng thần. Hệ thống này sử dụng các dữ liệu thu thập từ các cảm biến địa chấn và sóng thần để dự đoán và cảnh báo sớm cho người dân và cơ quan chức năng về các trận động đất và sóng thần tiềm ẩn. Hệ thống này đã giúp Nhật Bản giảm thiểu thiệt hại và tử vong đáng kể trong những trận động đất và sóng thần đã xảy ra.
Nhận thức được vai trò của dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước, những năm qua Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp xây dựng và khai thác dữ liệu phục vụ nâng cao năng lực quản trị công và đạt được nhiều kết quả rõ rệt. Dữ liệu đã từng bước khẳng định được vai trò quan trọng, cốt lõi trong cải cách hành chính và nâng cao năng lực của Chính phủ. Điểm nổi bật có thể kể đến là Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đang được triển khai mạnh mẽ.
Vai trò của dữ liệu phục vụ nâng cao quản trị công được khẳng định trong nhiều văn bản chương trình, chiến lược. Cụ thể là chương trình CĐS quốc gia, chiến lược phát triển chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới chính phủ số và chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số và nhiều chiến lược chuyên ngành đều lấy trọng tâm xây dựng các CSDL nhằm tạo nền tảng và động lực để cải cách và đổi mới hoạt động, mang lại hiệu quả cao hơn.
Chủ trương, định hướng về sử dụng dữ liệu để nâng cao năng lực quản trị của CQNN
Chiến lược phát triển CPĐT hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ định hướng về phát triển và sử dụng dữ liệu để phục vụ nâng cao năng lực quản trị công, chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu:
Phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, để có khả năng cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn, kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề mang tính vĩ mô trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Dữ liệu là tài nguyên mới có thể coi là đất đai trên không gian số. CQNN xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các CQNN kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các CQNN và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu.
CQNN thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn.
Giải pháp và định hướng tăng cường quản trị dữ liệu của CQNN
Để thực hiện chủ trương định hướng trên, cần nhiều biện pháp tăng cường quản trị dữ liệu để xây dựng và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên mới, đáp ứng được nhu cầu trong giai đoạn tới. Dữ liệu trong CQNN cần phải quản trị và đáp ứng nhu cầu quản trị công: đảm bảo sẵn sàng dữ liệu khi cần; dữ liệu đảm bảo chất lượng; dữ liệu thông suốt và nhất quán; đưa dữ liệu sử dụng chính thức trong các hoạt động của Chính phủ. Vì vậy, cần triển khai một số biện pháp sau:
- Thay đổi nhận thức về vai trò của dữ liệu:
Phải thay đổi nhận thức về tư duy sử dụng dữ liệu trong chỉ đạo điều hành. Các hoạt động ra quyết định, xây dựng chính sách phải lấy cơ sở là số liệu làm dẫn chứng và kiểm chứng. Từ nhận thức vai trò về số liệu sẽ dẫn đến nhu cầu về dữ liệu; từ nhu cầu về dữ liệu sẽ có cách khai khác, sử dụng dữ liệu hiện có.
- Xây dựng định hướng và chiến lược dữ liệu:
Việc triển khai xây dựng và sử dụng dữ liệu để tăng cường năng lực quản trị công cần phải triển khai từng bước và có tầm nhìn. Chiến lược dữ liệu giúp định hình mục tiêu và kế hoạch cho các hoạt động liên quan đến dữ liệu, từ đó tăng cường khả năng quản lý và sử dụng dữ liệu của cơ quan, tổ chức. Chiến lược cũng định hướng cho việc thu thập, lưu trữ, sử dụng và phân tích dữ liệu trong một cách nhìn tổng thể để khai thác tiềm năng của dữ liệu, giải quyết các bài toán kinh tế - xã hội dựa trên các công nghệ số mới.
- Hoạch định và thu thập dữ liệu đáp ứng nhu cầu quản lý: Trong quản lý nhà nước, chúng ta quản lý đối tượng nào trên thực tế thì phải xác định được một cơ sở dữ liệu lưu trữ dữ liệu đó làm gốc. Hiện tại chúng ta đã xác định được con người, đất đai, DN. Còn nhiều đối tượng nhà nước cần quản lý nữa trong các lĩnh vực như hạ tầng không gian địa lý; bảo hiểm, y tế, an sinh xã hội; tài chính; căn cước; hộ tịch; giáo dục đào tạo; cán bộ công chức, viên chức; nông nghiệp; lao động, việc làm; phương tiện giao thông; xây dựng; xuất nhập khẩu... cần phải xây dựng. Khi xây dựng dữ liệu, các đối tượng quản lý được số hóa phải được đánh mã duy nhất để quản lý.
Tổ chức hợp lý các CSDL dùng chung:
Khi xây dựng các cơ sở dữ liệu, chúng ta cần hoạch định cụ thể: dùng chung nhiều giữa các bộ ngành địa phương thì đưa vào CSDL quốc gia; dùng chung hẹp hơn thì đưa vào các CSDL của bộ, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, CSDL địa phương. Lấy CSDL quốc gia làm gốc và các CSDL khác là mở rộng dần theo nhu cầu quản lý của các cơ quan nhưng đảm bảo sự thông suốt và thống nhất trong toàn bộ chính phủ từ trung ương tới địa phương.
- Cung cấp, chia sẻ, khai thác dữ liệu thông suốt: Lưu thông dữ liệu là huyết mạch trong hệ thống CPĐT. Luồng dữ liệu chia sẻ trong CQNN thể hiện mức độ hiệu quả trong việc phối hợp giữa các hoạt động của các cơ quan khi thực thi các hoạt động quản trị công. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia là hạ tầng cơ bản để chia sẻ, khai thác dữ liệu cần đảm bảo vận hành thông suốt và quản trị hiệu quả. Các CQNN cần tích cực xây dựng kế hoạch về dữ liệu mở và triển khai cung cấp dữ liệu mở theo kế hoạch cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
- Quản trị và đảm bảo chất lượng dữ liệu
Chất lượng của hoạt động quản trị công gắn liền với chất lượng của dữ liệu cung cấp thông tin phục vụ hoạt động đó. Vì thế, việc quản trị chất lượng dữ liệu cần phải quan tâm thực hiện. Nhận thức về vai trò của chất lượng dữ liệu, phương châm về đảm bảo chất lượng “đúng, đủ, sạch, sống” đã được đề cao trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, điều quan trọng là việc đảm bảo chất lượng phải được tiến hành đầy đủ theo các quy định của pháp luật về kiểm tra, đánh giá, duy trì dữ liệu và sự tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn về dữ liệu [7].
- Sử dụng dữ liệu để cải cách hành chính và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân, DN và khai phá dữ liệu để tạo ra giá trị mới hỗ trợ quản trị điều hành.
CCHC, đơn giản hóa TTHC cho người dân, DN là vai trò cơ bản và thiết thực nhất của dữ liệu. Vì vậy, hoạt động quản trị dữ liệu cần thực rà soát, triển khai hiệu quả công tác số hóa hồ sơ, kết quả thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả vào CSDL dùng chung; lưu trữ bản mềm giấy tờ người dân đã nộp để sử dụng trong các lần kế tiếp; lưu trữ bản mềm kết quả giải quyết TTHC chung trong các hoạt động quản lý; triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo hướng thông suốt trong phạm vi quản lý của mình.
Triển khai thiết lập CSDL tích hợp dùng chung và nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung cấp bộ, cấp tỉnh để cung cấp thông tin tổng hợp, thống kê, dự đoán, dự báo phục vụ chỉ đạo, điều hành.
Cần triển khai nhiều sáng kiến sử dụng dữ liệu. Để làm việc này, các CQNN cần xác định và công bố các vấn đề, bài toán tiềm năng mà dữ liệu lớn có thể hỗ trợ giải quyết; đồng thời tạo điều kiện cho các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu, DN, cá nhân tham gia phát triển các giải pháp tạo lập, khai thác dữ liệu lớn để giải quyết các vấn đề, bài toán thực tế trong quản lý nhà nước và trong xã hội.
Và cuối cùng là tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng phân tích, khai thác dữ liệu và công nghệ số cho cán bộ, công chức, viên chức để có năng lực kiến tạo, làm chủ công nghệ, tự chủ phát triển các giải pháp và dẫn dắt chuyển đổi số trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. https://www.gao.gov/improper-p...
2. https://tuoitrethudo.com.vn/he...
3. https://www.govexec.com/assets...
4. https://obamawhitehouse.archiv...
5 https://www.boston.gov/innovat...6. https://opennorth.ca/reports/o...
south7. Điều 16, Nghị định 47/2020/NĐ-CP ngày 9/5/2020 về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của CQNN
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2022)