Giải pháp phát triển doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam ra thế giới

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 06:13, 12/06/2023

Hiện nay, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam.
Doanh nghiệp số

Giải pháp phát triển doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm của Việt Nam ra thế giới

Trịnh Thị Hiền - Viện nghiên cứu Châu Âu, Trương Hữu Chung - Cục Công nghệ thông tin và Truyền thông 12/06/2023 06:13

Hiện nay, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài đang là định hướng của nhiều doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam.

Tóm tắt:
* Thực trạng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam
- Số lượng DN phần mềm: 2022: 18.138, trong đó, có hơn 16.000 DN siêu nhỏ;
- Doanh thu của ngành phần mềm: 2021: 5,728 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 4,958 tỷ USD;
- Thị trường: Thị trường truyền thống: Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản; đang mở rộng nhanh chóng ra các thị
trường mới như Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia, châu Âu, Đông Nam Á.
- Nhân lực lao động xuất khẩu phần mềm: 2022: hơn 100 nghìn.
* Điểm mạnh và điểm yếu trong xuất khẩu phần mềm của DN Việt Nam
- Điểm mạnh: (i) Việt Nam có vị trí trên bản đồ thế giới; (ii) Đã có bước phát triển về năng lực và trình độ; (iii) Áp
dụng các tiêu chuẩn quản lý công nghệ phần mềm tiên tiến; (iv) Chiến lược tiếp cận thị trường đa dạng và linh hoạt; (v) Vai trò của các Hội, hiệp hội lớn.
- Khó khăn, hạn chế: (i) Năng lực mỏng cả về nhân lực, tài chính, công nghệ và sức cạnh tranh thấp; (ii) Thiếu thông tin về đối tác nước ngoài; (iii) Thủ tục quy trình pháp lý về việc lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh còn khó khăn đối với các DN nhỏ và vừa; (iv) Thiếu hụt lao động có trình độ và chất lượng; (v) Chất lượng đào tạo của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu DN.
* Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNTT của DN phần mềm Việt Nam
- Đối với Nhà nước: Xây dựng Đề án cụ thể về thúc đẩy phát triển phần mềm; Rà soát tháo gỡ khó khăn để tạo điều kiện cho DN phần mềm Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phải là “thuyền trưởng” đưa DN ra nước ngoài; Xây dựng, duy trì và phát triển một nền tảng số về xuất khẩu phần mềm; Hình thành những trung tâm phần mềm xuất khẩu tập trung; Hỗ trợ DN phần mềm xây dựng năng lực, phát triển thương hiệu; Tổ chức các hoạt động kết nối cho DN.
- Đối với Hiệp hội: Cần nâng cao vai trò của hội/hiệp hội nhằm tạo sự đồng thuận với các DN thành viên; Chủ động nghiên cứu và theo dõi sát những diễn biến của thị trường quốc tế; Đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.
- Đối với DN: Cần tăng cường khả năng thích ứng với các mô hình kinh doanh mới; Cần tìm hiểu kỹ thị trường.

Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, định hướng phát triển nền kinh tế Việt Nam hướng tới một nền kinh tế số dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số (CĐS) với nòng cốt là các DN (DN) công nghệ và đổi mới, sáng tạo nuôi dưỡng khát vọng lớn. Việc các DN không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà chủ động tìm kiếm và nắm bắt các cơ hội do công nghệ số và thị trường mang lại, nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới (năng lượng mới), đổi mới tổ chức, đổi mới phương thức quản lý không chỉ diễn ra đối với bất kỳ trong nội bộ một nền kinh tế nào mà đây là xu hướng phát triển chung trên toàn cầu. Với xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN4.0), nền kinh tế số, các DN công nghệ sẽ đóng vai trò bản lề cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hiện nay, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra nước ngoài đang là định hướng của nhiều DN công nghệ số Việt Nam. Các DN đang vươn ra thị trường nước ngoài rất mạnh mẽ cả về quy mô hiện diện và tốc độ tăng trưởng. Dẫn đầu xu hướng là các tập đoàn, DN lớn như Viettel, VNPT, FPT. Các DN lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ tại thị trường nước ngoài, các DN vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án, cung cấp dịch vụ CNTT hoặc cung cấp dịch vụ trong một chuỗi cung ứng cụ thể. Đây là bước tiến khởi đầu tốt để các sản phẩm, dịch vụ CNTT Make in Viet Nam từng bước chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới. Do đó, việc xây dựng chủ trương, định hướng và giải pháp phù hợp để thúc đẩy phát triển các DN phần mềm trong nước liên kết với nhau, hợp tác với nhau nhằm hình thành hệ sinh thái khai phá thị trường nước ngoài là rất cần thiết.

hinh-1_xkpm.png
Hình 1. Cơ cấu DN phần mềm theo quy mô

Thực trạng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam

Về số lượng DN: Theo cơ sở dữ liệu công nghiệp Make in Viet Nam do Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và Truyền thông (CNTT-TT) quản lý (tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đến năm 2022, có 18.138 DN phần mềm, trong đó, có hơn 16.000 DN siêu nhỏ chiếm 91,1%, 1.221 DN nhỏ chiếm 6,75%, hơn 150 DN vừa chiếm 0,85% và hơn 50 DN lớn chiếm 0,3%.

Trong 18.138 DN nói trên, có 1.330 DN có hoạt động xuất khẩu phần mềm, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn là Hà Nội: 509, Hồ Chí Minh: 623 và Đà Nẵng: 112 DN. Cụ thể như sau:

co-cau-dn-phan-mem.png

Ghi chú: Tiêu chí xác định DN theo quy mô (Điều 6 Nghị định số 80/2021/NĐ-CP):

DN siêu nhỏ DN nhỏ: Doanh thu <=3 tỷ
DN vừa: Doanh thu > 3 tỷ <=50 tỷ
DN lớn: Doanh thu > 50 tỷ <=200 tỷ Doanh thu > 200 tỷ

doanh-thu-va-tang-truong-dn-phan-mem.png
Nguồn: Sách Trắng CNTT-TT Việt Nam 2022

Về thị trường: Các thị trường truyền thống lớn nhất bao gồm: Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản. Việt Nam là đối tác được ưa thích nhất của Nhật Bản từ năm 2009. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản về dịch vụ ủy thác phát triển phần mềm. TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội đứng trong Top 20 thành phố hấp dẫn nhất thế giới về ủy thác phát triển phần mềm và dịch vụ.

Trong những năm gần đây, các DN đang mở rộng nhanh chóng ra các thị trường mới như Hàn Quốc, Hồng Kông, Australia, châu Âu. Cũng có những DN hướng tới thị trường Đông Nam Á.

Chưa có số liệu thống kê cụ thể cho từng thị trường nói trên. Tuy vậy các DN và hiệp hội cho rằng nhu cầu về phần mềm của thị trường toàn cầu là rất lớn, rất hứa hẹn cho ngành phần mềm Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa trong thời gian tới.

Về doanh thu của các DN: Theo số liệu Sách Trắng CNTT-TT 2022, doanh thu của ngành phần mềm Việt Nam năm 2021 là 5,728 tỷ USD, trong đó xuất khẩu là 4,958 tỷ USD.

Về nhân lực: Lao động xuất khẩu phần mềm đã liên tục phát triển với tốc độ rất nhanh, trở thành một ngành tăng trưởng nóng trong 2 năm gần đây. Năm 2019, số người hoạt động trong các DN ước 40 nghìn người, năm 2022 đã có hơn 100 nghìn người đang làm việc trong các DN xuất khẩu phần mềm, chưa kể freelancer - những cá nhân làm phần mềm độc lập.

bang-nhan-luc.png
Bảng nhân lực trong các DN xuất khẩu phần mềm năm 2021 (Đơn vị tính: người)

Những điểm mạnh và điểm yếu trong xuất khẩu phần mềm của các DN Việt Nam

(i) Phần mềm Việt Nam có vị trí trên bản đồ thế giới. Theo báo cáo “Đánh giá các quốc gia về dịch vụ ủy thác CNTT tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương” do Gartner công bố năm 2021, Việt Nam được xếp là một trong 6 địa điểm hàng đầu về chuyển giao công nghệ toàn cầu tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Báo cáo xếp hạng công bố đầu năm 2021 về xuất khẩu dịch vụ CNTT do Công ty tư vấn A.T. Kearney thực hiện, Việt Nam xếp thứ 6/50, chỉ sau Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia, Brazil.

(ii) Các DN phần mềm Việt Nam đã có bước phát triển về năng lực và trình độ, đặc biệt có những bước tiến trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp phần mềm toàn cầu. Không chỉ cung cấp những dịch vụ đơn giản như số hóa, kiểm thử, hay coding, nhiều DN phần mềm Việt Nam đã có thể cung cấp những dịch vụ cao cấp, phức tạp, đòi hỏi kinh nghiệm, nghiệp vụ và công nghệ cao như tư vấn công nghệ, nghiên cứu phát triển, thiết kế hệ thống, phát triển giải pháp trọn gói cho khách hàng, hỗ trợ kỹ thuật tại thị trường nước ngoài.

(iii) Công nghệ số, cơ hội cho các DN Việt Nam.

Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số của CMCN4.0, lợi thế đổi mới sáng tạo, cơ hội cho các DN Việt Nam đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào các công nghệ số mới có thể cạnh trang sòng phẳng với các DN nước ngoài. Các DN phần mềm Việt Nam với thế mạnh về nhân lực đã nhanh chóng tiếp thu và phát triển sản phẩm dựa trên những nền tảng, xu hướng công nghệ mới tiên tiến như AI, Big Data, Blockchain, IoT, Robotics, VR/AR, RPA (Robotic process automation...). Có những công ty đã được tin tưởng cung cấp dịch vụ tư vấn, triển khai chuyển đổi số cho các tập đoàn trong Global Fortune 500. Ví dụ, FPT Software trở thành một trong năm đối tác đầu tiên trên thế giới cùng Airbus khởi động chương trình đối tác nền tảng Skywise, VMO Holdings xây dựng phần mềm cho một tập đoàn logistics ở Mỹ sử dụng drone của Intel...

vmo-holdings.jpeg

(iv) Áp dụng các tiêu chuẩn quản lý công nghệ phần mềm tiên tiến. Hiện nay với sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, đã có nhiều DN phần mềm Việt Nam đạt chứng chỉ CMMi (Capability Maturity Model Integration), trong đó có 5 DN đạt CMMi mức5 là cấp độ cao nhất về mức độ trưởng thành năng lực công nghệ phần mềm (FPT Software, Luxoft, Global Cybersoft, Harvey Nash Việt Nam, Toshiba Việt Nam), đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á về số công ty phần mềm đạt chứng chỉ CMMi, vượt trên cả Singapore, Philippines và Malaysia (toàn thế giới chỉ có 377 công ty đạt chứng chỉ CMMI cấp độ 5 trong đó Ấn Độ có 34). Ngoài CMMi, các công ty phần mềm vừa và nhỏ áp dụng các quy trình quản lý linh hoạt hơn như Agile/Scrum.

(v) Chiến lược tiếp cận thị trường đa dạng và linh hoạt. Các DN có sự chuyển biến và linh hoạt trong cách tiếp cận thị trường trong thời gian qua. Tùy theo thị trường, khách hàng, mối quan hệ mà các DN có cách tiếp cận đa dạng. Có những DN sử dụng kỹ sư cầu nối là người bản địa, việt kiều hoặc người Việt đã học tập tại nước đó, có những DN không hướng tới khách hàng nhỏ mà chỉ tập trung vào những tập đoàn lớn đa quốc gia.

(vi) Vai trò của các Hội, hiệp hội: Các hội, hiệp hội CNTT như Vinasa trong 2 năm qua rất tích cực tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, online forum, online exhibition để hỗ trợ các DN thành viên tiếp cận thị trường, khách hàng nước ngoài.

Mặc dù có nhiều bước tiến lớn trong việc thâm nhập thị trường nước ngoài nhưng các DN của Việt Nam vẫn gặp một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể:

(i) Phần lớn các DN phần mềm của Việt Nam qui mô ở mức nhỏ và siêu nhỏ nên năng lực mỏng cả về nhân lực, tài chính, công nghệ và sức cạnh tranh thấp; khó tham gia thắng thầu hoặc đủ nguồn lực thực hiện các dự án lớn của nước ngoài. Cũng bởi qui mô nhỏ nên phần lớn các DN không đầu tư được nhiều cho hoạt động R&D.

(ii) Nhiều DN thiếu thông tin về đối tác nước ngoài, không có hiểu biết về văn hóa và môi trường hoạt động ở nước ngoài.

(iii) Thủ tục quy trình pháp lý về việc lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh còn khó khăn đối với các DN nhỏ và vừa do chưa thể đảm bảo về kinh phí.

(iv) Thiếu hụt lao động có trình độ và chất lượng đáp ứng yêu cầu DN. Các DN lớn trả lương cao để săn lao động chất lượng dẫn đến tình trạng đẩy mặt bằng lương cao lên khiến tính cạnh tranh của lao động Việt giảm xuống, nhiều DN mất người cũng khiến cho việc triển khai dự án khó khăn.

(iv) Việt Nam hiện có 168/242 trường đại học đang đào tạo CNTT, hàng năm hơn 50.000 cử nhân tốt nghiệp. Bên cạnh đó còn có 520/846 trường đào tạo nghề CNTT bậc cao đẳng và trung cấp, hàng năm cung cấp khoảng 12.000 nhân lực cho ngành CNTT. Tuy số lượng đào tạo lớn nhưng chất lượng đào tạo của nhiều trường chưa đáp ứng yêu cầu DN. Các DN hầu như đều phải đào tạo lại cho sinh viên mới tốt nghiệp từ 3-6 tháng. Một số DN lớn đã xây dựng cơ sở đào tạo để trước hết cung cấp cho nội bộ, sau sẽ đến cung cấp cho DN khác.

Giải pháp nào thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNTT
của DN phần mềm Việt Nam

Trong thời gian quan, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển DN công nghệ số Việt Nam nói chung, trong đó có công nghiệp phần mềm. Để hỗ trợ các DN thâm nhập và mở rộng thị trường nước ngoài, cần triển khai một cách hệ thống các giải pháp.

Đối với Nhà nước

Chính phủ giao các Bộ, ngành và địa phương triển khai một số hoạt động cụ thể như sau:

- Xây dựng Đề án cụ thể về thúc đẩy phát triển phần mềm của Việt Nam trong đó: Xác định những sản phẩm giải quyết những bài toán cụ thể của nước ngoài; những dịch vụ CNTT mà DN Việt Nam có khả năng cung cấp, tham gia những mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; có chiến dịch quảng bá thương hiệu quốc gia về xuất khẩu phần mềm, đặc biệt là xuất khẩu dịch vụ cao cấp như dịch vụ tư vấn, triển khai chuyển đổi số; Phối hợp liên ngành, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại cấp quốc gia định kỳ, thường xuyên tại các thị trường lớn trong khu vực và thế giới như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu, châu Úc; Nâng cao năng lực xuất khẩu dành cho DN Việt Nam...

- Rà soát, tổng hợp các vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật CNTT để đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn hoặc sửa đổi pháp luật có liên quan, tạo điều kiện cho DN phần mềm Việt Nam đầu tư ra nước ngoài hoặc cung cấp sản phẩm, dịch vụ ra thị trường thế giới.

- Bộ TT&TT phải là “thuyền trưởng” đưa DN ra nước ngoài: cung cấp thông tin, phổ biến chính sách của các quốc gia có tiềm năng để DN Việt Nam có thể cung cấp sản phẩm, trở thành nhà cung cấp dịch vụ CNTT; quy tụ mạng lưới chuyên gia tư vấn xuất khẩu để hướng dẫn, hỗ trợ các DN phần mềm về thị trường, xuất khẩu, marketing, xây dựng thương hiệu.

- Xây dựng, duy trì và phát triển một nền tảng số về xuất khẩu phần mềm, kết nối cung cầu giữa DN phần mềm trong nước với thị trường nước ngoài. Nền tảng số này là công cụ nhanh chóng phổ biến thông tin thị trường, tư vấn trực tuyến cho DN, tiếp cận thị
trường nước ngoài, tạo diễn đàn hiệu quả cho việc kết nối các DN xuất khẩu và các DN, khách hàng nước ngoài.

- Hình thành những trung tâm phần mềm xuất khẩu tập trung của Việt Nam theo 03 vùng để quy tụ DN cũng như nhân lực CNTT.

- Hỗ trợ DN phần mềm xây dựng năng lực cung ứng cho thị trường nước ngoài: đào tạo, hỗ trợ nâng cao năng lực R&D sản phẩm, dịch vụ CNTT phù hợp, đáp ứng nhu cầu thị trường nước ngoài; Hỗ trợ DN phần mềm nâng cao năng lực thiết kế sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế thông qua các chương trình đào tạo, thông tin, hướng dẫn DN áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến chất lượng theo tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới; Hỗ trợ DN phần mềm đạt các chứng chỉ tiêu chuẩn về công nghệ số theo chuẩn nước ngoài.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu phần mềm Việt Nam trên bản đồ thế giới: Hỗ trợ DN đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, bảo vệ bản quyền; nâng cao vị thế, hình ảnh sản phẩm Việt Nam; Xây dựng ấn phẩm truyền thông, cẩm nang giới thiệu về quy mô, năng lực, danh mục sản phẩm, dịch vụ CNTT tiêu biểu của Việt Nam có khả năng giải các bài toán thị trường nước ngoài.
- Tổ chức các hoạt động kết nối cho DN phần mềm thông qua các hội thảo kết nối giữa DN phần mềm và thị trường nước ngoài, tổ chức đưa DN phần mềm trong nước đi khảo sát thị trường một số quốc gia nhằm nắm bắt yêu cầu thị trường; tổ chức các tập đoàn, DN nước ngoài tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ CNTT của DN Việt Nam.

- Truyền thông để thay đổi cách tiếp cận và thái độ với software outsourcing: Không nên coi “software outsourcing” là hoạt động đơn giản, có giá trị thấp. Hiện nay, nhiều DN Việt Nam đã thực hiện cung cấp những dịch vụ cao cấp, phức tạp, đòi hỏi trình độ cao. Hơn nữa, thông qua hoạt động outsourcing, DN Việt Nam đã nhanh chóng đặt chân vào được thị trường nước ngoài, tích lũy được năng lực tài chính, năng lực quản trị và năng lực công nghệ, làm quen được văn hóa nước ngoài, tích luỹ được portfolio đẹp để có thể tham gia được những dự án cao cấp hơn thay vì thế giới không biết mình là ai.

sohoaquantria.jpeg

Đối với Hiệp hội

- Cần nâng cao vai trò của hội/hiệp hội nhằm tạo sự đồng thuận với các DN thành viên, tạo môi trường và cơ chế để có thể liên kết chặt chẽ các DN tham gia hoạt động xuất khẩu phần mềm, đảm bảo hiệu quả lợi ích chung của DN và quốc gia.

- Chủ động nghiên cứu và theo dõi sát những diễn biến của thị trường quốc tế liên quan đến lĩnh vực phần mềm; nắm bắt những khó khăn vướng mắc của DN khi tham gia thị trường nước ngoài để có thể đề xuất với Nhà nước những kiến nghị, giải pháp tháo gỡ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.

- Đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu cho các sản phẩm, dịch vụ CNTT Make in Viet Nam với thị trường quốc tế.

Đối với DN

- Muốn “cải biến/thay đổi” thế giới, trước tiên hãy thay đổi chính mình. Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các DN phần mềm Việt Nam cần tập trung nguồn lực, tăng cường chất lượng sản phẩm, dịch vụ, mở rộng quy mô, cơ cấu lại đầu ra, khả năng ứng biến, đồng thời làm mới mình với những sản phẩm, dịch vụ có chất lượng. Các DN cần triển khai quyết liệt các giải pháp để tự đưa DN của mình theo chủ trương, định hướng của Nhà nước về phát triển, mở rộng thị trường nước ngoài.

- Các DN cần tăng cường khả năng thích ứng với các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ số mới trong môi trường số. Tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, cả nhà nước và DN cùng chung tay, chung sức phát triển các sản phẩm công nghệ số giải các bài toán đặc thù trong nước, cung cấp các dịch vụ CNTT, nâng cao giá trị Việt Nam và trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Cần phát triển các mô hình kinh doanh gắn liền với sự ưu việt để đưa công nghệ số vào phục vụ cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế xã hội trong nước, đem lại cuộc sống hạnh phúc ấm no của người dân và toàn xã hội.

- DN phần mềm Việt có thế mạnh về nguồn nhân lực năng động, sáng tạo và có khả năng cạnh tranh về giá cả so với thị trường CNTT toàn cầu. Do vậy, muốn kinh doanh thành công tại nước ngoài cần tìm hiểu kỹ thị trường, thế mạnh của mình để xác định các hướng đi trúng, học hỏi kinh nghiệm của DN đi trước từ đó tạo tiền đề cho DN mình tại thị trường nước ngoài.

Năm 2023, Bộ TT&TT đã xác định chiến dịch tập trung hỗ trợ DN công nghệ số đi ra nước ngoài, mang tri thức, công nghệ số Việt Nam đi mở cõi. Dư địa thị trường nước ngoài cho DN, sản phẩm, dịch vụ Make in Viet Nam còn rất lớn. Với sự quyết tâm, đồng hành của BộTT &TT, sự chung sức của các hiệp hội và cộng đồng DN công nghệ số, tri thức và công nghệ số Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên bản đồ CNTT thế giới, mang giá trị Việt Nam đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội quốc gia trong thời gian tới.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2023)

Trịnh Thị Hiền - Viện nghiên cứu Châu Âu, Trương Hữu Chung - Cục Công nghệ thông tin và Truyền thông