Việt Nam khởi xướng tìm kiếm băng tần cho 6G

Diễn đàn - Ngày đăng : 11:23, 22/05/2023

Các chuyên gia về tần số vô tuyến (VTĐ) của Việt Nam cho biết Việt Nam đã sẵn sàng tần số cho 5G và khởi xướng tìm kiếm băng tần cho 6G.
Diễn đàn

Việt Nam khởi xướng tìm kiếm băng tần cho 6G

Hoàng Linh 22/05/2023 11:23

Các chuyên gia về tần số vô tuyến (VTĐ) của Việt Nam cho biết Việt Nam đã sẵn sàng tần số cho 5G và khởi xướng tìm kiếm băng tần cho 6G.

Từ ngày 22/5 - 26/5/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với tổ chức Viễn thông khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APT) tổ chức Hội nghị Nhóm thông tin vô tuyến của APT lần thứ 31 (AWG-31). Hội nghị được tổ chức kết hợp giữa hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị thu hút 545 đại biểu tham dự, trong đó có 264 đại biểu tham dự trực tiếp, các đại biểu còn lại tham dự dưới hình thức trực tuyến. Đây là các chuyên gia hàng đầu trong khu vực và thế giới về thông tin vô tuyến đến từ các quốc gia thành viên của APT và cùng nhiều doanh nghiệp (DN) viễn thông hàng đầu trong nước và quốc tế như Viettel, VNPT, GSMA, Ericsson, Huawei, Samsung, Qualcomm, Apple....

cac-dai-bieu-awc-31.jpg

Cùng nhau giải quyết các thách thức về thông tin vô tuyến

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết AWG là một hội nghị quan trọng của APT có sự tham dự của cả cơ quan quản lý các nước và khối công nghiệp để giải quyết các vấn đề thách thức của khu vực. AWG đã đạt được nhiều kết quả thành công như khuyến nghị về việc sử dụng băng tần 700 MHz; khuyến nghị về hệ thống an ninh công cộng và phòng chống thiên tai (PPDR), chuyển đổi GSM sang di động băng rộng. Các kết quả của AWG là nguồn thông tin giá trị giúp Việt Nam và các nước trong việc xây dựng các chính sách.

thu-truong-pham-duc-long.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long: Hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển đổi sang hạ tầng số được hỗ trợ bởi những công nghệ không dây

Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Hạ tầng viễn thông đang có sự chuyển đổi sang hạ tầng số được hỗ trợ bởi những công nghệ không dây như 5G, điện thoại thông minh, IoT, sạc không dây, vệ tinh băng rộng, thiết bị bay không người lái. Các hệ thống và công nghệ này đòi hỏi có các giải pháp về vô tuyến và sử dụng tài nguyên tần số một cách hiệu quả. Năm ngoái, Quốc hội Việt Nam đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện (VTĐ), thúc đẩy việc quản lý, sử dụng tần số VTĐ hiệu quả, góp phần phát triển hạ tầng số.

Thực tế, trong những năm qua, Bộ TT&TT đã có sự đầu tư phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây phục vụ chuyển đổi số và cung cấp các dịch vụ số cho sự phát triển kinh tế số và xã hội số.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 76% hộ gia đình sử dụng kết nối cáp quang. Để người sử dụng có trải nghiệm kết nối tốt, cần bổ sung thêm băng thông cho Wifi để giúp kết nối thống suốt thiết bị không dây của người dùng đầu cuối với đường truyền cáp quang. Việt Nam cũng đang sửa Luật Viễn thông trong đó xem xét đến yếu tố pháp lý trong quản lý các hệ thống vệ tinh băng rộng.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng nhận định hiện nay đang phải đổi mặt với nhiều vấn đề thách thức như sự phát triển nhanh chóng của các Microphone không dây có thể gây can nhiễu đến hệ thống di động IMT ở băng tần 700 MHz cũng như các thiết bị vô tuyến khác, việc chia sẻ hạ tầng viễn thông tích cực, giải pháp cấp phép vệ tinh băng rộng. Cộng đồng APT sẽ cùng nhau hỗ trợ các nước thành viên để giải quyết các khó khăn, thách thức này.

Trong những năm qua, Thứ trưởng khẳng định: “Việt Nam là một thành viên tích cực của APT và đã có nhiều đóng góp tích cực cho các hội nghị lớn như AWG và APG. Chúng tôi cam kết tiếp tục đóng góp tích cực cho các hoạt động của APT và cộng đồng quốc tế”.

5 nội dung lớn được bàn thảo

ong-le-van-tuan-22052023.jpg
Cục trưởng Lê Văn Tuấn: hội nghị lần này thảo luận 141 tài liệu về các chủ đề khác nhau do các nước thành viên đề xuất

Thông tin thêm về Hội nghị lần này, ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số VTĐ - Bộ TT&TT cho biết hội nghị lần này thảo luận 141 tài liệu về các chủ đề khác nhau do các nước thành viên đề xuất, trong đó có 5 nội dung đang chú ý:

Thứ nhất là tìm kiếm băng tần cho 6G. Công nghệ 6G đâu đó được dự kiến sẽ hoàn thành vào 2030, thời điểm này là lúc nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho nó, trong đó có vấn đề tần số. AWG đang tiên phong nghiên cứu nội dung này.

Thứ hai, vấn đề tăng thêm băng tần cho công nghệ WiFi. WiFi được sử dụng rất phổ biến, là điểm kết nối giữa cáp quang và các thiết bị. Cho dù tốc độ các quang có cải thiện lên rất nhiều mà tốc độ WiFi không được cải thiện thì trải nghiệm của người dùng về tốc độ truy cập internet khó thể cải thiện được. Vì vậy, cần tính tới giải pháp đồng bộ là tăng tốc độ của wifi lên và một trong những giải pháp cơ bản là bổ sung thêm băng tần cho công nghệ này.

Thứ ba, là tìm giải pháp của khu vực xử lý vấn đề ngừng sản xuất, lưu thông các microphone không dây, sử dụng tần số 700 MHz và 600 MHz để không gây nhiễu cho các hệ thống di động 4G, 5G. Các băng tần này vốn trước đây dùng cho truyền hình mặt đất nên rất nhiều chủng loại mic không dây được sản xuất trong băng tần này. Phổ biến nhất chung ta bắt gặp ở Việt nam là các mic dùng cho loa kéo hay trong các hội trường. Nay các băng tần chuyển sang dùng cho di động 4G, 5G nên cần sự phối hợp đồng bộ của các nước từ khâu quy hoạch tần số, sản xuất.

Thứ tư là chia sẻ giải pháp về phát hiện và chống BTS giả. Vừa qua, đã phát hiện ra rất nhiều đối tượng sử dụng BTS giả để phát tán các tin nhắn lừa đảo. Việt Nam chúng ta đã tìm ra giải pháp hiệu quả để nhanh chóng phát hiện, truy tìm được các đối tượng phát tán. Kinh nghiệm này được chia sẻ đối với hội nghị.

Thứ năm là vấn đề sử dụng chung tần số giữa các nhà mạng di động. Trong bối cảnh các nhà mạng cần phải tăng cường sử dụng hạ tầng để tiết kiệm chi phí, đặc biệt là khi triển khai 5G và sau này là 6G. Một trong những giải pháp để tăng cường dùng chung hạ tầng là các nhà mạng dùng chung tần số. Vấn đề này liên quan tới cả pháp lý và công nghệ, do đó AWG sẽ nghiên cứu, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm.

toan-canh-awc-31.jpg
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tiếp tại Hà Nội

Chuẩn bị sẵn sàng tần số cho 6G

Tham gia Hội nghị lần này, Cục Tần số VTĐ sẽ có 10 đề xuất lên Hội nghị về các vấn đề: phương pháp và giá phổ tần IMT; hiện trạng và kế hoạch sử dụng trong tương lai ở các dải tần 7.125-24 GHz và 92-300 GHz; sử dụng tần số cho PMSE trong băng tần 470-806 MHz; hệ thống truy cập không dây (Mạng truy cập cục bộ vô tuyến - WAS/RLAN); lập kế hoạch phổ tần trong tương lai để cải thiện công suất và vùng phủ sóng IMT vào năm 2025-2030; hiện trạng yêu cầu chứng nhận tự nguyện đối với việc chấp nhận thiết bị di động trong các nhà khai thác mạng di động; kỹ thuật giám sát và định vị trạm gốc giả; kỹ thuật và quy định chia sẻ cơ sở hạ tầng mạng di động đang hoạt động ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương; truy cập mạng đa lớp sử dụng hệ thống vệ tinh và hệ thống vệ tinh băng tần Ka.

Trao đổi thêm về các nội dung bàn thảo tại AWC-31, ông Bùi Hà Long, Cục Tần số VTĐ cho biết thông thường một thế hệ di động ra đời cần một thời gian khá dài để chuẩn bị. AWC-31 là diễn đàn để chuẩn bị tần số cho thế hệ di động mới. Việt Nam là một trong những nước khởi xướng tìm kiếm chuẩn bị tần số cho 6G, như thế đáp ứng được việc chủ động tham gia của Việt Nam vào cùng quá trình phát triển công nghệ mới.

Trong hội nghị này, ông Bùi Hà Long cho biết các đại biểu cũng thảo luận vấn đề sạc không dây cho điện thoại hoặc là các robot hoặc thậm chí cả ô tô điện. Việt Nam và một số nước đang có khó khăn triển khai một số băng tần di động mới do ảnh hưởng của các thiết bị cũ, đặc biệt là các micro không dây nên hội nghị tìm cách xử lý sắp xếp lại tần số của micro không dây để triển khai các thế hệ công nghệ mới.

Ở góc độ chuyên gia, ông Long cũng cho biết thời điểm này công nghệ 5G sẵn sàng cho triển khai nhưng ngay cả trên thế giới cũng đang gặp khó khăn trong giải bài toán kinh doanh 5G. Các nước cùng tìm kiếm cách triển khai 5G vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm. Về tần số cho 5G, Bộ TT&TT đã chuẩn bị sẵn sàng để cấp tần số triển khai 5G tại Việt Nam.

Với công nghệ 6G, ông Bùi Hà Long cho biết một thế hệ công nghệ di động mới như 6G cần 7 – 10 năm. Việt Nam xác định 6G sẽ xuất hiện vào năm 2030 và là nước khởi sướng tìm kiếm tần số để quy hoạch tần số cho 6G và dự kiến là 2027 - 2028 có thể quy hoạch tần số cho 6G.

Việt Nam tích cực xây dựng nhiều nội dung đóng góp vào các hoạt động nghiên cứu của AWG

AWG là nhóm chuyên sâu của Cộng đồng thông tin khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APT) về các vấn đề liên quan đến VTĐ như thúc đẩy việc triển khai và ứng dụng các công nghệ vô tuyến mới, thúc đẩy triển khai một cách có hiệu quả các hệ thống VTĐ, thúc đẩy quản lý tần số… cho đến nay đã có 12 Khuyến nghị, 122 Báo cáo của APT liên quan tới các chủ đề khác nhau về vô tuyến đã được AWG xây dựng.

AWG là nhóm xây dựng ra quy hoạch băng tần 700 MHz cho di động IMT và ngày nay được chấp nhận rộng rãi trên thế giới. Các nghiên cứu của AWG giúp cho công nghệ sạc điện không dây trở nên phổ biến ngày nay không chỉ đối với cho điện thoại, mà còn dần dần cho các thiết bị điện khác, trong đó có ô-tô điện.

Hội nghị lần này được tổ chức tại Việt Nam vào thời điểm quan trọng khi hạ tầng viễn thông đang được chuyển sang hạ tầng số giúp thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Sự phát triển đa dạng của các dịch vụ nội dung số và ứng dụng di động đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các hệ thống thông tin di động băng rộng. Yêu cầu phát triển của các hệ thống thông tin di động thế hệ tiếp theo và các công nghệ thông tin vô tuyến mới đặt ra đòi hỏi ngày càng cao về nguồn tài nguyên tần số. Các nội dung làm việc của Hội nghị AWG sẽ góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng quy hoạch, lựa chọn công nghệ và phổ tần cho các hệ thống IMT thế hệ tiếp theo (6G), các hệ thống thông tin vô tuyến mới đồng thời nâng cao khả năng sử dụng phổ tần hài hòa trong khu vực và quốc tế.

cac-dai-bieu-awc-31_2.jpg
Các chuyên gia hàng đầu thế giới và khu vực về thông tin vô tuyến tham dự Hội nghị

AWG-31 là cơ hội để các cơ quan quản lý, tổ chức, DN có cơ hội thảo luận và cập nhật các hoạt động nghiên cứu đang diễn ra trong khu vực và trên toàn thế giới đối với các vấn đề mà Việt Nam đặc biệt quan tâm như triển khai các công nghệ mới, quy hoạch tần số, xu hướng lựa chọn băng tần và công nghệ phù hợp, khả năng dùng chung giữa các nghiệp vụ,...

Là thành viên của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam luôn thể hiện vai trò là một cơ quan quản lý uy tín có đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của quốc tế và khu vực. Ông Lê Văn Tuấn - Cục trưởng Cục Tần số VTĐ hiện là Chủ tịch của AWG. Đoàn Việt Nam tích cực tham gia và xây dựng nhiều nội dung đóng góp vào các hoạt động nghiên cứu của AWG. Hội nghị AWG-31 được tổ chức tại Việt Nam đã góp phần khẳng định sự tích cực và nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực về quản lý tần số và thông tin vô tuyến.

Các thông tin, kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu của Hội nghị giúp cơ quan quản lý tần số các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu xây dựng chính sách, định hướng chiến lược cho các hệ thống di động băng rộng, thông tin vô tuyến trong tương lai./.

Hoàng Linh