Cách nghĩ khác, làm khác để giải bài toán thiếu hụt nhân lực ICT

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:53, 24/05/2023

Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023, nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) chất lượng cao đang thiếu hụt và phải cùng hợp tác để giải bài toán này.
Diễn đàn

Cách nghĩ khác, làm khác để giải bài toán thiếu hụt nhân lực ICT

Hoàng Linh 24/05/2023 21:53

Theo các chuyên gia tham dự Diễn đàn cấp cao CĐS Việt Nam - Châu Á 2023 (Vietnam - ASIA DX Summit 2023, nhân lực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) chất lượng cao đang thiếu hụt và phải cùng hợp tác để giải bài toán này.

Thiếu hụt nhân lực ICT trầm trọng

Hàn Quốc là quốc gia đi đầu về ICT nhưng theo ông John Choi, Ủy viên Liên đoàn Công nghiệp CNTT Hàn Quốc (FKII), nước này đang thiếu hụt nghiêm trọng lập trình viên, đặc biệt lập trình viên cho các ngành, lĩnh vực như bán dẫn, sản xuất ô tô, chăm sóc sức khoẻ, sinh học… Sự thiếu hụt này đến từ sự tăng trưởng chuyển đổi số (CĐS) trong các ngành, do chính sách giáo dục truyền thống nghiêm ngặt, kiến thức không mở, tập trung vào lý thuyết… dẫn đến thiếu hụt nhân lực.

ong-hoang-nam-tien.jpg
Ông Hoàng Nam Tiến: giải bài toán nhân lực chất lượng cao ICT cần nghĩ khác, làm khác

Sự thiếu hụt nhân lực ICT cũng diễn ra với các nước như Thái Lan, Malaysia… Còn tại Việt Nam, lấy ví dụ từ FPT, ông Hoàng Nam Tiến, Phó chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho biết FPT hiện có 65.000 nhân lực và có khát vọng là vào năm 2035, FPT sẽ có 1 triệu nhân lực làm việc trên toàn thế giới. Đội ngũ của FPT làm việc tại 90 văn phòng ở 29 quốc gia, trong đó tại Nhật Bản, FPT hiện diện tại 11 thành phố lớn. Đối tác của FPT là hơn 90 công ty trong danh sách Fortune 500. Hiện nay, trên thế giới chỉ có 2 công ty trên toàn cầu có hơn 1 triệu người là Walmart có khoảng 1,3 triệu lao động và Amazon có 1,4 triệu người.

Với khả năng đào tạo trong nước hiện nay, ông Tiến cho biết mới chỉ đáp ứng được rất ít nhu cầu nhân lực, trong khi FPT đang cần nhân lực ICT rất lớn, chất lượng cao.

Ông Tiến lấy ví dụ về một trong đối tác ô tô lớn của FPT đã đặt hàng FPT Software về phần mềm cho xe không người lái. FPT phải cạnh tranh với 10 công ty lớn khác nhau trên thế giới từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nga và nhiều quốc gia khác để được chọn làm phần mềm nền tảng xây dựng ô tô không người lái của hãng ô tô đó. Tại Mỹ, 1 công ty ô tô trong top 3 công ty ô tô của nước Mỹ cũng đã chọn phần mềm cho hệ thống thông tin giải trí (infortainment) do FPT thực hiện. FPT cũng là đơn vị thực hiện hệ thống hướng dẫn người lái của Boeing hay Airbus.

“Chúng tôi đang phải làm việc với những công ty hàng đầu thế giới với những yêu cầu công nghệ, kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu thế giới, vì vậy, FPT đứng trước thách thức về nhân lực ICT khi Việt Nam chưa đáp ứng được”, ông Tiến chia sẻ.

Lời giải cho bài toán

Để hóa giải về nhân lực và khả năng đào tạo của các trường đại học trong nước, ông Hoàng Nam Tiến cho biết FPT nhận thức phải đảm nhiệm việc đào tạo đó, tức là đào tạo theo kiểu coaching ngay trong nội bộ tập đoàn để đáp ứng được yêu cầu cao nhất của thế giới.

Không dễ dàng một kỹ sư tốt nghiệp ở Việt Nam có thể được chấp nhận làm việc tại các công ty hàng đầu ở châu Âu, Nhật Bản... Theo đó, với kinh nghiệm, FPT thấy cần phải thay đổi phương thức đào tạo từ training (truyền thụ kiến thức, dạy năng lực) sang coaching - tức là dạy về thực chiến. Những người đi trước của tập đoàn trở thành người hướng dẫn (coach/mentor) để dạy các sinh viên trong 1 - 3 năm trở thành những những chuyên gia trong lĩnh vực.

“Điều này không dễ dàng nhưng phải thực hiện và phải thực hiện với quy mô hoàn toàn khác khi Chủ tịch FPT đã đặt ra 1 yêu cầu rất thách thức là cứ 3 năm nhân lực tăng trưởng gấp 3 lần. Vì vậy, việc đào tạo nhân lực ICT chất lượng cao trở thành áp lực, đặc biệt là phải ứng dụng công nghệ như công nghệ AI vào đào tạo”, ông Tiến cho hay.

Cũng theo ông Tiến, FPT Education có hơn 100.000 sinh viên, nhiều trường đại học, cao đẳng công nghệ, nhiều trường phổ thông trên đất nước… và đặt mục tiêu đào tạo sinh viên ra trường phải làm việc được. Sinh viên năm thứ 3, 4 của FPT đã phải sẵn sàng làm việc tại các doanh nghiệp (DN) (on job training) là yêu cầu bắt buộc. FPT cũng đang làm việc với hàng trăm DN công nghệ tại Việt Nam và đưa yêu cầu đào tạo công nghệ dữ liệu lớn (big data), chuỗi khối (blockchain), AI… và sử dụng chính những giáo trình của các hãng công nghệ lớn trên thế giới để đào tạo trực tiếp cho sinh viên.

FPT có triết lý giáo dục là dạy sinh viên cách tự học, tự nghiên cứu, tự trưởng thành với triết lý “life long learning” - học tập suốt đời cần phải thấm vào từng sinh viên, và từng giáo viên. Các thầy cô giáo là tấm gương học tập suốt đời cho các sinh viên. Điều này đang làm thay đổi FPT, nền công nghiệp ICT và phần mềm của FPT và lan rộng sang các DN.

FPT cũng đào tạo STEM vào trong đào tạo MBA gọi là SEMBA bởi thế giới đã thay đổi rất nhanh và phải dựa trên dữ liệu. Bên cạnh đó, là kinh doanh dựa trên công nghệ. Một lớp lãnh đạo tương lai phải dựa trên dữ liệu và công nghệ (data driven business/technology driven business). Công nghệ giờ không phải là công cụ mà là vũ khí để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau nên phải đưa nội dung STEM, đặc biệt là dữ liệu (data), AI vào chương trình đào tạo MBA để có thể tạo ra thế hệ lãnh đạo mới.

“Để đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành ICT, phải nghĩ khác và làm khác. Nếu đào tạo nhân lực chất lượng cao ICT cũ thì rất lâu, chờ các trường đại học cũng rất lâu. Ngày nay, các DN phải trở thành các trường campus”, ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ.

Ông John Choi cho rằng để phát triển được nhân lực thì phải áp dụng các biện pháp linh hoạt, mở rộng lớp học và cần thời gian để thay đổi hệ thống giáo dục. Bên cạnh đó, có thể thuê ngoài nhân lực, triển khai chiến lược low-code, hay có thể hướng các sinh viên thuộc ngành khác sang đào tạo về CNTT và khai thác nội dung chatGPT đưa vào giảng dạy trong chương trình học.

Trong khi đó, ông Sutthipong Kuruhongsa, sáng lập và Giám đốc điều hành Digital Dialouge cho biết kinh tế số phát triển rất cần thêm nhiều nhân lực ICT. Thái Lan có nhiều nhân lực ICT đến từ Việt Nam trong số hơn 4 triệu nhân lực từ nước ngoài, tuy vậy, vẫn chưa thể đáp ứng được cơn khát nhân lực trong một số ngành chủ chốt.

Theo đó, ông Sutthipong Kuruhongsa đề xuất 24 thành viên của Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) cần cùng nhau xác định thế mạnh của mỗi quốc gia về giá trị trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực ICT. Việc này cần thời gian nhưng tốt cho các thành viên./.

Hoàng Linh