3 học sinh tỉnh Quảng Bình, Lạng Sơn đạt giải Nhất cuộc thi học sinh với ATTT 2023
An toàn thông tin - Ngày đăng : 13:42, 25/05/2023
3 học sinh tỉnh Quảng Bình, Lạng Sơn đạt giải Nhất cuộc thi học sinh với ATTT 2023
Cuộc thi “Học sinh với an toàn thông tin (ATTT) năm 2023 đã trao 03 Giải Nhất, 08 Giải Nhì, 15 Giải Ba và 74 Giải khuyến khích tại Lễ tổng kết – trao giải cuộc thi ngày 25/5/2023.
Đây là lần thứ hai Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam (VNISA) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN) có liên quan tổ chức cuộc thi trực tuyến “Học sinh với ATTT” dành cho học sinh THCS trên toàn quốc.
Cuộc thi đã thu hút đông đảo thí sinh tham dự với số lượng rất đáng phấn khởi. Trong đó: Số thí sinh dự thi là 740.250 của 5.417 của 63 tỉnh/thành phố.
Kết quả top 100 thí sinh (xét trên điểm thi và thời gian dự thi) phân bố ở 41/63 địa phương (theo cơ cấu giải, các tỉnh có hơn 10% thí sinh dự thi sẽ có ít nhất 1 thí sinh đạt giải cá nhân). Địa phương có nhiều thí sinh tham dự nhất là TP HCM với TP. Hồ Chí Minh với 90.648 thí sinh. Trường có nhiều thí sinh dự thi nhất là THCS Trung Mỹ Tây 1, THCS Trung Mỹ Tây 1, TP HCM với 2323 thí sinh.
Theo Ban Tổ chức, đã có gần 2 triệu lượt truy cập website thihsattt.vn từ hơn 1 triệu người dùng. Ngoài ra thông tin về cuộc thi, hướng dẫn đăng ký, dự thi được đăng tải trên mạng xã hội với rất nhiều lượt xem, cụ thể: Trên Tittok với hơn 1 triệu lượt xem các video liên quan đến cuộc thi; Trên youtube với hơn 400.000 lượt xem video hướng dẫn thi; trên facebook là 7.000 lượt xem và tương tác
Ba em đạt giải Nhất cuộc thi năm nay gồm: Nguyễn Trần Lê Na, lớp 8.3, Trường THCS Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình; Phạm Anh Tú, lớp 6A, trường THCS xã Vạn Linh, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn; Nguyễn Nhật Phú, lớp 6A, trường THCS Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
03 Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đạt giải Nhất tập thể gồm các Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Giang, Bắc Kạn và Hậu Giang; 08 Trường đạt giải Nhất, Nhì tập thể và 100 em học sinh đạt giải cá nhân.
Cấp thiết trang bị kiến thức, kỹ năng về ATTT cho trẻ em
Phát biểu tại lễ tổng kết - trao giải, ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA cho biết năm nay, cuộc thi được tổ chức lần thứ hai với mục tiêu xuyên suốt là tạo điều kiện cho các em học sinh THCS trên toàn quốc có thêm kiến thức, kỹ năng nhận để tự bảo vệ khỏi những nguy cơ mất an toàn khi học tập, vui chơi, tương tác trên môi trường mạng Internet.
Với ba tuần tổ chức thi chính thức, Cuộc thi đã được sự hưởng ứng hết sức nhiệt tình của các em học sinh THCS trên toàn quốc, với những con số rất ấn tượng: hơn 700.000 học sinh của hơn 5.000 Trường THCS thuộc 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Bên cạnh đó là sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của biết bao thầy cô giáo, phụ huynh trên các địa phương.
Qua hoạt động này, Chủ tịch VNISA khẳng định: “Bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ, cạm bẫy trên Internet và kiến tạo cho các em một môi trường mạng an toàn, lành mạnh là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta, của toàn xã hội".
Ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc VNERT - Bộ TT&TT cho biết Internet hiện đang đi vào mọi mặt đời sống xã hội. 2/3 trẻ em có thể tiếp cận Internet, trong đó phần lớn trẻ em sử dụng Internet hàng ngày. Cơ hội tiếp cận Internet nhiều, bên cạnh những lợi ích sẽ là vô vàn các mối nguy hiểm, từ việc tiếp cận tới thông tin tiêu cực, độc hại tới nguy cơ bị bắt nạt, lừa đảo, thậm chí bị xâm hại, gây nguy hiểm tới tính mạng. Điều đó cho thấy, việc trang bị cho trẻ em kiến thức, kỹ năng về ATTT mạng là rất quan trọng. Trong việc xây dựng “năng lực số”, một năng lực thiết yếu của công dân trong thời đại hiện nay thì ATTT luôn là một trụ cột quan trọng.
Cuộc thi học sinh với ATTT không chỉ nhằm mục đích tuyên truyền mà còn cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng internet an toàn, hiệu quả cho học sinh và phụ huynh; Cuộc thi đã tạo ra một sân chơi sáng tạo, lành mạnh, bổ ích cho học sinh, giúp các em nhận biết và phòng ngừa các rủi ro trên môi trường mạng. Thêm nữa, việc cuộc thi tập trung vào đối tượng học sinh THCS là rất phù hợp, vì đây là đối tượng bắt đầu sử dụng Internet như là công cụ chính trong học tập, giao tiếp, vui chơi, giải trí.
Ông Tuân cho biết bằng hình thức thi trắc nghiệm trực tuyến với các câu hỏi phong phú, hấp dẫn, các tình huống cụ thể, dễ hấp thụ, dễ truyền đạt, phù hợp với lứa tuổi trung học cơ sở chính là một cách thức tuyên truyền kiến thức về ATTT, các rủi ro và cách thức phòng chống một cách rất hiệu quả. Giải thưởng dành cho cả học sinh và khối đơn vị cấp trường khiến cuộc thi lan tỏa tới không chỉ cho trẻ em là học sinh cơ sở mà cả phụ huynh, giáo viên, những người có vai trò quan trọng nhất trong sự phát triển của trẻ.
Giám đốc VNCERT cũng nhấn mạnh cuộc thi chính là hoạt động thiết thực, nổi bật để triển khai “Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025”, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 830/QĐ-TTg, ngày 1/6/2021.
Chung tay kiến tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên không gian mạng
Cuộc thi của VNISA đã được sự ủng hộ, bảo trợ của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), đồng hành trực tiếp là: Vụ Giáo dục chính trị Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), Cục ATTT (Bộ TT&TT), và Cục Trẻ em (Bộ LĐ, TB-XH).
Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của nhiều DN như: Công ty Cổ phần Bkav, Tiktok Việt Nam, CMC Telecom, Công ty giải pháp an ninh mạng thông minh SCS, Công ty Cốc Cốc... tổ chức như World Vision Việt Nam, Childfund tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững, Plan International Việt Nam...;
Trong khuôn khổ buổi Lễ, VNISA đã tổ chức phiên tọa đàm với chủ đề “Bảo vệ dữ liệu trẻ em và phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng: Từ chính sách, nhận thức đến công nghệ ”.
Với sự chủ trì của lãnh đạo VNISA và tham dự của đại diện các đơn vị: Cục Trẻ em, Cục ATTT, Childfund, WoldVision, Cốc Cốc, CMC Telecom, SCS… , các vấn đề được đàm luận nhằm phản ánh thực trạng vấn đề bảo vệ dữ liệu trẻ em và phòng chống thông tin độc hại trên không gian mạng tại Việt Nam (về chính sách và thực tế), những kết quả và bất cập; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường, phụ huynh; đề xuất, kiến nghị về các giải pháp trong thời gian tới….
Đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức cuộc thi cũng đã cùng cam kết "Chung tay kiến tạo môi trường an toàn cho trẻ em trên không gian mạng" và sẽ xây dựng những chương trình phối hợp hành động trong thời gian tới.
Theo cam kết, các bên thống nhất: (1). Tham gia hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý cuả Việt Nam về bảo vệ trẻ em trên mạng; (2). Hợp tác, huy động sự tham gia của xã hội; (3). Tuyên truyền, thúc đẩy nâng cao nhận thức kỹ năng bảo đảm an toàn trên mạng./.