Khát vọng của công ty Việt cung cấp hạ tầng số Make in Việt Nam
Make in Viet Nam - Ngày đăng : 06:08, 27/05/2023
Khát vọng của công ty Việt cung cấp hạ tầng số Make in Việt Nam
Xuất phát điểm là công ty viễn thông cung cấp dịch vụ truyền dẫn, CMC Telecom sớm chuyển mình thành công trở thành nhà cung cấp dịch vụ hội tụ, cạnh tranh bằng sự khác biệt để trở thành một thương hiệu mạnh trên thị trường.
Trải qua 15 năm thành lập, tại mỗi thời điểm CMC Telecom đều có những hướng đi riêng để tạo dấu ấn ở những lĩnh vực công ty đang hoạt động. Ở vị trí một nhà cung cấp dịch vụ Internet, năm 2017, CMC Telecom đưa vào vận hành tuyến cáp đường trục CVCS (Cross Vietnam Cable System) kết nối với mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á (A-Grid). Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có tuyến cáp đất liền kết nối trực tiếp với vành đai khu vực Đông Nam Á đi qua 5 quốc gia Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaysia.
Là doanh nghiệp (DN) hạ tầng viễn thông duy nhất của Việt Nam có cổ đông nước ngoài, CMC Telecom đã từng bước đầu tư mở rộng mạng lưới hạ tầng kết nối tại khắp các nước trong khu vực và thế giới.
CMC Cloud được CMC Telecom đầu tư từ năm 2018, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng kép trên 100% trong 5 năm giúp công ty giữ vị trí số 1 về điện toán đám mây (ĐTĐM) tại Việt Nam. Tháng 5/2022, CMC Telecom đưa vào vận hành trung tâm dữ liệu (TTDL) (DC) Tân Thuận (TP.HCM) với diện tích 10.000m² cung cấp 1.200 rack, công suất điện lớn lên tới 20kw/rack. TTDL Tân Thuận được đánh giá là TTDL hiện đại, an toàn nhất Việt Nam và khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC)…
Theo Phó Tổng Giám đốc/Giám đốc kinh doanh và marketing CMC Telecom - ông Đặng Tùng Sơn, xét về thời điểm gia nhập thị trường hay về quy mô thì Tập đoàn CMC nói chung và CMC Telecom nói riêng khó có thể cạnh tranh được với các ông lớn khác. Công ty tạo dấu ấn riêng cho mình bằng sự khác biệt, bằng chiến lược đầu tư hướng đến nhu cầu của khách hàng và tạo nên sức mạnh từ tinh thần máu lửa của đội ngũ nhân sự.
‘Nắm bắt xu thế thị trường, mạnh dạn đầu tư sớm’
Dẫn đầu về hạ tầng số về công nghệ ĐTĐM là thành quả của gần 1.000 cán bộ nhân viên đang làm việc tại CMC Telecom, là niềm tự hào của lãnh đạo tập đoàn nhưng theo chia sẻ của Phó Tổng giám đốc Đặng Tùng Sơn, đây là kết quả của cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, của một chiến lược đầu tư đúng hướng.
“Chúng tôi bắt đầu kinh doanh các dịch vụ số từ năm 2020, đến nay đã chiếm 40% tổng doanh thu. Công ty may mắn có bước chuyển mình sớm khi nhận thấy thị trường rất cạnh tranh và nhu cầu của khách hàng ngày một cao hơn, nhưng quá trình chuẩn bị thì đã diễn ra từ trước đó khá lâu rồi. Thực sự chúng tôi đã mất nhiều năm để chuẩn bị cho sự thay đổi trong chiến lược hoạt động và mô hình kinh doanh”, ông Đặng Tùng Sơn chia sẻ.
Ở thời điểm 2015, khi nhận thấy dịch vụ hội tụ là xu hướng không thể thay đổi CMC Telecom đã dám bỏ ra khoản đầu tư có thể nói là khổng lồ so với quy mô một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông (DVVT) còn non trẻ với con số hàng trăm tỷ đồng cho hạ tầng đám mây (cloud) và cho TTDL. Cùng với đó là sự chuẩn bị về nhân sự, từ những người làm viễn thông thuần túy sang một đội ngũ nhân sự đủ trình độ công nghệ, bổ sung số lượng lớn và liên tục nhân sự lĩnh vực ĐTĐM và nhân sự vận hành hệ thống lớn.
Ngay từ những năm 2017 - 2018, công ty đã đề cập với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) về khát vọng đưa Việt Nam thành trung tâm số (digital hub) của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và thế giới, đưa Việt Nam trở thành điểm tập trung dữ liệu và trung chuyển lưu lượng Internet của các nhà cung cấp DVVT, CNTT, nội dung số toàn cầu, cung cấp dịch vụ trên địa bàn rộng nhiều quốc gia lân cận, vùng và khu vực, cũng như góp phần sớm đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ tại Việt Nam.
“Để hiện thực hóa mục tiêu này cần phải xây dựng các TTDL quy mô lớn, hiện đại và an toàn. Thứ hai phải đầu tư thật nhiều tuyến cáp quang biển kết nối về các TTDL đó”, Phó Tổng Giám đốc Đặng Tùng Sơn chia sẻ thêm đồng thời cho biết công ty đã có lộ trình hiện thực hóa mục tiêu này.
Định hướng xây dựng đội ngũ con người đáp ứng các giá trị cốt lõi, và chuẩn hóa sản phẩm dịch vụ hướng tới đạt tiêu chuẩn quốc tế, đến nay, CMC Telecom đã có đội ngũ nhân sự chất lượng cao đạt các chứng chỉ năng lực chuẩn quốc tế. Hiện tại, đội ngũ vận hành DC của CMC Telecom có 2 trong số 10 người ở Việt Nam sở hữu chứng chỉ CDCE (Certified Data Center Expert) - chứng nhận cao cấp nhất thế giới cho các chuyên gia trong việc thiết kế và xây dựng TTDL. Với các kiến thức và kỹ năng đạt được khi sở hữu chứng chỉ CDCE, chuyên gia của CMC Telecom có trình độ cao nhất để thẩm định, thiết kế, xây dựng và vận hành TTDL theo chuẩn quốc tế.
CMC DC Tân Thuận là DC đầu tiên có chứng chỉ bảo mật thanh toán PCI DSS, chứng chỉ TVRA - chứng chỉ bảo mật và phòng chống rủi ro cao nhất cho TTDL. Đây cũng là TTDL đầu tiên tại Việt Nam sở hữu bộ chứng chỉ Tier III chính thức cao cấp hàng đầu thế giới của Uptime cả về thiết kế, xây dựng TTDL.
Phó Tổng giám đốc Đặng Tùng Sơn chia sẻ: “Chúng tôi xác định đã làm thì phải làm tập trung, đầu tư phải có chọn lọc với công nghệ hiện đại nhất, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế, quyết tâm trở thành nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số (CĐS) tốt nhất Việt Nam, cung cấp cho khách hàng dịch vụ với tiêu chuẩn chất lượng cao nhất. Từ chiến lược đó sẽ dẫn đến các hành động tích cực để dịch chuyển từ công ty viễn thông trở thành công ty công nghệ hàng đầu, thay đổi hình ảnh nhận diện của mình với khách hàng”.
Chuẩn bị kỹ càng, đầu tư đúng hướng và “bung” dịch vụ ở thời điểm chín muồi, CMC Telecom đã được ghi nhận và vinh danh với nhiều danh hiệu cao quý, có thể kể đến giải Thương hiệu Quốc gia Việt Nam 2022 cho nền tảng CMC Cloud; “Top 10 nhà cung cấp giải pháp hạ tầng số hàng đầu APAC 2022 - Top 10 Digital Infrastructure Solution Providers in APAC 2022”. Đầu tháng 4 vừa qua, CMC Telecom là đại diện Việt Nam duy nhất nhận 2 giải thưởng sáng tạo về Cloud và Hạ tầng của Asian Telecom Awards: Cloud Initiative of the Year (Nhà cung cấp Dịch vụ Cloud sáng tạo của năm) và Infrastructure Initiative of the Year (Nhà cung cấp hạ tầng sáng tạo của năm). Và mới đây nhất, trong dịp kỷ niệm 30 năm thành lập Tập đoàn CMC cũng là 15 năm thành lập CMC Telecom, công ty đã được Bộ trưởng Bộ TT&TT tặng bằng khen cho thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành TT&TT Việt Nam.
‘Dữ liệu khách hàng là trung tâm’
Nằm trong xu hướng kiến tạo các giá trị số của tập đoàn, đồng thời nắm bắt xu hướng CSDL phát huy vai trò và sức mạnh đang tạo những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho DN và cho nền kinh tế - xã hội, CMC Telecom đặt trọng tâm vào dữ liệu của khách hàng với đầy đủ các khâu lưu trữ, kết nối, đảm bảo an toàn và dịch vụ vận hành (managed service).
Về hạ tầng lưu trữ dữ liệu, CMC Telecom đang sở hữu hệ sinh thái gồm 3 TTDL: TTDL CMC Tower (Hà Nội), TTDL SHTP (TP.HCM), TTDL Tân Thuận (TP.HCM). Các TTDL của CMC Telecom đều được chứng nhận theo các tiêu chuẩn đặc biệt về bảo mật dành riêng cho một TTDL như PCI DSS, TVRA, Chứng chỉ Uptime Tier III (TCDD & TCCF), tiêu chuẩn TIA 942, PCI DSS, ISO... Trong đó, TVRA (Threats, Vulnerability and Risk Assessment) là tiêu chuẩn bảo mật và chống rủi ro cấp độ cao áp dụng cho TTDL được Ngân hàng Nhà nước Singapore đề xuất áp dụng cho các DC trong nước và quốc tế.
Đáng chú ý hiện CMC Telecom đang nắm đến 50% thị phần TTDL của các ngân hàng – một con số đáng nể khi quy mô công ty được coi là nhỏ bé so với các ông lớn khác hoạt động trong lĩnh vực này.
Việc chủ động xây dựng nền tảng ĐTĐM Make-in-Vietnam như CMC Cloud cũng khẳng định quyết tâm kéo dữ liệu về lưu trữ tại “đám mây” Việt của CMC Telecom.
Về hạ tầng kết nối, CMC Telecom sở hữu hệ thống mạng đường trục CVCS - Tuyến cáp Việt Nam kết nối trực tiếp vào mạng lưới cáp đất liền Đông Nam Á - A Grid, kết nối trực tiếp đến TTDL của các nhà cung cấp cloud lớn trên thế giới như AWS thông qua kết nối Direct Connect, Google Cloud thông qua kết nối Interconnect, Microsoft Azure thông qua kết nối ExpressRoute và Oracle thông qua OCI FastConnect với băng thông lên đến 10Gbps.
Để biến dữ liệu thành sức mạnh cạnh tranh, các tổ chức lẫn DN phải hoàn thiện nhiều công đoạn, từ quy hoạch, phân tích cho đến xử lý và tối ưu. CMC Telecom với lợi thế về hạ tầng dịch vụ và đội ngũ nhân sự chuyên môn cao sẽ giúp các DN xây dựng chiến lược “tài sản số” đặc thù nhằm tiết kiệm thời gian vận hành, giám sát và tối ưu hiệu suất.
Chia sẻ về mục tiêu trong thời gian tới, ông Đặng Tùng Sơn cho biết trong 3 năm vừa qua, công ty luôn có mức tăng trưởng kép trên 25% và hiện đạt mức doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng, đóng góp 60% lợi nhuận của tập đoàn. Trong 4 5 năm tới CMC Telecom sẽ tiếp tục duy trì tăng trưởng 25 - 30% và đạt ngưỡng doanh thu 8.000 tỷ đồng./.