Nghiên cứu, phát triển nghiệp vụ báo chí số ở các cơ quan báo chí hiện nay

Báo chí - Ngày đăng : 15:36, 31/05/2023

Vấn đề đặt ra với các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số hiện nay là nghiên cứu nhận diện báo chí số, xác định rõ yêu cầu của nghiệp vụ báo chí số là như thế nào để có kế hoạch phát triển nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo của mình, đáp ứng những yêu cầu của nền báo chí số.
Báo chí

Nghiên cứu, phát triển nghiệp vụ báo chí số ở các cơ quan báo chí hiện nay

Bình Minh {Ngày xuất bản}

Vấn đề đặt ra với các cơ quan báo chí trong chuyển đổi số hiện nay là nghiên cứu nhận diện báo chí số, xác định rõ yêu cầu của nghiệp vụ báo chí số là như thế nào để có kế hoạch phát triển nghiệp vụ cho đội ngũ làm báo của mình, đáp ứng những yêu cầu của nền báo chí số.

Nhận diện về mô hình toà soạn số và hệ sinh thái số

Điều kiện thực thi báo chí số là có một toà soạn số đặt trong một hệ sinh thái số và nguồn nhân lực có năng lực tổ chức, thực hiện các hoạt động nghiệp vụ báo chí số. Theo Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, mô hình truyền thông đa phương tiện, từ góc nhìn khoa học truyền thông dưới đây là gợi ý cho các cơ quan báo chi nhận diện cơ chế vận hành của toà soạn số.

Mô hình toà soạn số ứng dụng các thành tựu công nghệ số, báo chí dữ liệu và truyền thông đa phương tiện được mô tả với các thành tố: (1). Chủ thể truyền thông: (2). Dữ liệu đa phương tiện; (3) Chương trình tương tác; (4) Thành tựu cách mạng công nghệ; (5) Sản phẩm – kênh – nền tảng truyền thông đa phương tiện; (6) Công chúng truyền thông đa phương tiện; (7) Dự án Phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện; (8) Truyền dẫn và Hệ thống điều khiển.

image(1).png
Sản xuất tác phẩm báo chí tại hiện trường ứng dụng công nghệ số. Ảnh: Bình Minh

Trong đó, chủ thể truyền thông: bao gồm chủ thể quản lý, quản trị truyền thông hoặc chủ thể tham gia các bước, các khâu của truyền thông đa phương tiện. Chủ thể truyền thông đa phương tiện có thể là con người hoặc máy/robot hoặc cả hai.

Dữ liệu đa phương tiện: Để thực hiện truyền thông đa phương tiện, dữ liệu đầu vào phải được định dạng số, qua quá trình xử lý, phân tích, thao tác, mã hoá, tích hợp, nén... rồi được lưu trữ tại kho dữ liệu và kho dữ liệu theo thư mục. Dữ liệu bao gồm có dữ liệu nội bộ (dữ liệu độc quyền mà tổ chức sở hữu, ví dụ: thông tin cá nhân của nhân viên, dữ liệu đánh giá định kỳ, khảo sát nhân viên, kinh doanh, tài chính, phản hồi khách hàng) và dữ liệu bên ngoài (gồm toàn bộ dữ liệu ngoài tổ chức, thường là dữ liệu công khai được sử dụng miễn phí hoặc được cho phép sở hữu riêng. Theo các chuyên gia, tất cả dữ liệu bên ngoài và dữ liệu nội bộ đều được phân thành 3 loại dữ liệu: Có cấu trúc, Có cấu trúc một phần và Không có cấu trúc.

Chương trình tương tác được hiểu là các chương trình tạo sự tương tác dữ liệu – công chúng truyền thông - chủ thể truyền thông, từ đó công chúng có thể tham gia vào quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất. Nhờ có các chương trình tương tác và các thành tựu cách mạng công nghệ được cơ quan báo chí truyền thông lựa chọn sử dụng và ứng dụng như: iclound computing, VR/AR, Dữ liệu lớn, AI (chat bot, báo chí tự động...), IoT, quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất sản phẩm trở nên linh hoạt, đa dạng, phong phú và hiệu quả cao.

Sản phẩm – kênh – nền tảng truyền thông đa phương tiện: Sản phẩm báo chí truyền thông đa phương tiện bao gồm 5 nhóm chính: Text +Audio; Sound + Visual; Text +Visual; Text + Audio + Visual; Tích hợp đa loại hình. Các sản phẩm này được sản xuất, phân phối và phát hành trên các kênh, các nền tảng số đa dạng. Phân chia theo kênh/ nền tảng, có 3 nhóm sản phẩm truyền thông đa phương chính bao gồm: Báo chí và các phương tiện truyền thông đại chíng; Truyền thông liên cá nhân; Truyền thông xã hội.

Trong khi đó, công chúng truyền thông đa phương tiện là công chúng chủ động và cần đáp ứng những điều kiện nhất định cho tiếp cận, tiếp nhận sản phẩm và sự tham gia tương tác đối với quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Nếu đáp ứng được những điều kiện nhất định (tâm thế, nhu cầu, năng lực sử dụng các thiết bị thông minh và năng lực thiết kế thông điệp...), công chúng truyền thông đa phương tiện có thể sử dụng và ứng dụng tốt các sản phẩm truyền thông đa phương tiện, phục vụ cho mục tiêu học tập, nghiên cứu, kinh doanh, giải trí...; thậm chí có thể tham gia hoặc thiết kế các dự án phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện.

Truyền dẫn và Hệ thống điều khiển bao gồm: Chủ thể, công chúng, dữ liệu đầu vào, chương trình tương tác, quá trình sáng tạo nội dung, tổ chức sản xuất, phát hành, phân phối sản phẩm, tiếp cận, tiếp nhận sản phẩm, tương tác và đo hiệu ứng, hiệu quả truyền thông đa phương tiện đều được điều khiển bởi một hệ thống điều khiển tại chỗ hoặc từ xa. Nền tảng và cơ chế vận hành các yếu tổ của truyền thông đa phương tiện đều được thực hiện trên các công nghệ truyền dẫn và trong hệ sinh thái truyền thông đa phương tiện...

Theo nhận định của các chuyên gia, Mô hình truyền thông đa phương tiện hiệu quả luôn bao gồm yếu tố Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Sự khác biệt có tính bản chất của truyền thông đa phương tiện với các loại hình truyền thông truyền thống là dựa trên nền tảng của khoa học dữ liệu và các thành tựu cách mạng công nghệ. Đặc tính của chủ thể, kênh, nền tảng và sự phát triển mạnh các dòng sản phẩm truyền thông đa phương tiện phụ thuộc nhiều nhất vào các hoạt động nghiên cứu sáng tạo. Điều này gợi ý yêu cầu của mô hình toà soạn hội tụ, đa phương tiện luôn cần có bộ phân nhân sự làm công tác nghiên cứu và đổi mói sáng tạo. Bộ phân này đồng thời đảm nhiệm đề xuất các sự án phát triển và ứng dụng truyền thông đa phương tiện trên các lĩnh vực khác nhau như: báo chí truyền thông chính trị, ngoài giao, an ninh, quốc phòng; kinh doanh; văn hoá, gíao dục; nghệ thuật, biểu diễn, giải trí...

Một số vấn đề đặt ra đối với yêu cầu về nghiệp vụ báo chí số

Theo Ban Nghiệp vụ (Hội Nhà báo Việt Nam), mô hình toà soạn báo chí ứng dụng công nghệ số tối thiểu có 7 lớp tương ứng với 7 khối chức năng.

Thứ nhất, lớp chức năng quản lý, chỉ đạo: Lớp này thể hiện mô hình quản lý, chỉ đạo của tòa soạn; Tòa soạn này sáp nhập và tối ưu các quy trình sản xuất nội dung trên các phương tiện truyền thông; Mọi hoạt động quản lý được thực hiện tập trung tại bàn Tổng biên tập/ hoặc bàn “Super-dest”.

Thứ hai, lớp Hạ tầng kỹ thuật: Bao gồm các thiết bị phần cứng và hệ thống truyền dẫn phục vụ quá trình trao đổi các loại nội dung số; ví dụ như máy tính cá nhân, máy chủ lưu trữ, thiết bị kết nối mạng, thiết bị an ninh an toàn, thiết bị ngoại vi (máy in, máy fax...) và thiết bị phụ trợ, mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng (WLAN).

Thứ ba, lớp các dịch vụ dùng chung: Bao gồm các phần mềm ứng dụng phục vụ hoạt động chung của tòa soạn; ví dụ như Hệ thống phân phối thông tin; hệ thống khai thác dữ liệu thông minh; hệ thống xác thực một cửa; hệ thống thống kê, báo cáo; hệ thống quản lý định danh người dùng...

Thứ tư, lớp ứng dụng và cơ sở dữ liệu gồm: Hệ thống quản trị nội bộ tòa soạn; Hệ thống quản lý nội dung (CMS) chung hoặc riêng cho từng loại hình xuất bản (báo in, báo điện tử, chuyên san, e magazine...); Ngân hàng dữ liệu (Kho thông tin đa phương tiện; kho thông tin lưu trữ...); Các phần mềm tích hợp khác, ví dụ như phần mềm phân tích dữ liệu độc giả (sử dụng các công nghệ AI, Big Data, tìm kiếm thông minh); các hệ thống thu thập thông tin...

Thứ năm, lớp dịch vụ cổng thông tin: Lớp giao diện giữa người dùng và hệ thống máy móc. Được định nghĩa là điểm truy cập tập trung và duy nhất, tích hợp các kênh truyền thông, các dịch vụ và ứng dụng, phân phối tới người sử dụng thông qua một phương thức thống nhất và đơn giản trên nền tảng web.

Thứ sáu, kênh phân phối: Lớp này thể hiện các loại hình truyền thông được sử dụng để phân phối nội dung của tòa soạn.

Thứ bảy, lớp người dùng: Lớp này thể hiện các người dùng (có thể) của hệ thống thông tin tòa soạn. Ví dụ bạn đọc, nhân viên của tòa soạn, quản lý tòa soạn...

Với từng cơ quan báo chí, để tổ chức, thực hiện báo chí số, trước hết cần xây dựng đề án mô hình toà soạn số. Trên cơ sở nghiên cứu các khối chức năng và các thành tố của mô hình toà soạn số như đã nêu trên, cần xác định được những nội dung kế hoạch ở 4 khu vực toà soạn, bao gồm: Khu vực sản phẩm, dịch vụ số; khu vực nghiệp vụ báo chí số, khu vực công chúng/ khách hàng số và khu vực tài chính số. Nói cách khác, khu vực nghiệp vụ số luôn phải nằm trong mối quan hệ tổng thể với 3 khu vực còn lại.

Tiếp theo, các cơ quan báo chí cần có khảo sát thực trạng năng lực chuyển đổi số của cơ quan báo chí, phân tích để xác định tiêu chí cho từng lớp chức năng trong mô hình toà soạn, có lộ trình cho quá trình tổ chức, thực hiện.

Theo TS. Trần Bá Dung, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, về góc độ kĩ năng nghề nghiệp, nhà báo cần trang bị kiến thức để viết đúng, viết sâu về Chính phủ số, phát triển kinh tế bền vững, kinh tế số, về doanh nghiệp, doanh nhân, môi trường, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác.

Theo nhiều chuyên gia, về dòng chảy văn hóa báo chí toàn cầu với các đặc điểm: Văn hóa công nghiệp chuyển sang văn hóa tin học và văn hóa truyền thông; đông đảo công chúng tham gia vào sáng tạo, tiếp nhận, hưởng thụ và chi phối văn hóa… Đặc biệt, về phương pháp: Từ phân tích chuyển sang tổng hợp… Ảnh hưởng của văn hóa tinh thần ngày càng trực tiếp và quan trọng đối với con người do kinh tế tri thức ngày càng phát triển… 

“Công nghệ và máy móc có thể mua được. Cần hiểu đúng để có giải pháp cho một toà soạn số với các lớp chức năng cơ bản trên cơ sở nhận diện đúng các thành tổ và cơ chế vận hành. Điều quan trọng là đào tạo nghiệp vụ báo chí số cho tất cả các vị trí công việc, đào tạo năng lực quản trị toà soạn số theo đúng nguyên tắc vận hành, trong điều kiện đặc thù của từng cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số hiện nay”, đại diện Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Bình Minh