Dữ liệu số ở Việt Nam đang đi theo theo lộ trình phát triển
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:15, 04/06/2023
Dữ liệu số ở Việt Nam đang đi theo theo lộ trình phát triển
Việc tập hợp dữ liệu số bao giờ cũng có quá trình và theo lộ trình phát triển của xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là cách khai thác và tận dụng dữ liệu để tạo ra giá trị, thay vì trở thành "đầm lầy".
Nếu không khai thác và tạo ra giá trị, dữ liệu sẽ trở thành “đầm lầy”
Theo ông Bùi Đức Tân, Giám đốc công nghệ Fujitsu Việt Nam, dữ liệu của các đơn vị ở Việt Nam còn đang nằm ở nhiều hệ thống khác nhau và chưa được tập hợp một cách đầy đủ. Như các doanh nghiệp (DN) lớn đang sử dụng hàng trăm ứng dụng và mỗi nền tảng lại có nguồn dữ liệu, cơ sở dữ liệu (CSDL) khác nhau.
Tuy nhiên thời gian gần đây, các đơn vị đã bắt đầu quan tâm hơn đến dữ liệu và coi như nó nguồn dầu mỏ hay tài sản. Nhất là khi việc tập hợp được dữ liệu rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi số (CĐS).
Để rồi, các DN cũng đã bắt đầu tích hợp và sử dụng giải pháp về dữ liệu lớn để khai thác và tổng hợp từ các nguồn thông tin trong công ty mình. Ví dụ, tại Fujitsu, Tập đoàn đã phải chuyển đổi và xây dựng nền tảng liên thông OneERP để kết nối tất cả các ứng dụng, dữ liệu của mình, để từ đó giao tiếp thông tin một cách thông suốt hơn.
Hay với khối Chính phủ, họ cũng đang xây dựng các đề án về CSDL chuyên ngành, CSDL quốc gia, trong đó việc chuẩn hoá, tập trung hoá, phân tán dữ liệu… để có thể liên thông từ những nguồn khác nhau là vấn đề then chốt.
Chưa kể đến, mặc dù dữ liệu là nguồn tài nguyên mà bất kì DN nào cũng có, nhưng quan trọng nhất là có chuyển hoá được những dữ liệu đó thành thông tin, các tiêu chuẩn hay xây dựng được kho tri thức của công ty đó hay không. Từ đó phân tích, hỗ trợ người lãnh đạo đưa ra quyết định.
Cũng theo ông Tân, một vấn đề hiện nay của các DN Việt Nam là việc thu thập dữ liệu nhưng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, các đơn vị cần áp dụng những công nghệ, giải pháp để tập hợp được đầy đủ dữ liệu nhất có thể.
“Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là các quy trình nghiệp vụ, các bộ tiêu chuẩn để đánh giá dữ liệu một cách xuyên suốt và đem lại giá trị, nâng cao năng suất, hiệu năng cho DN”, ông Tân cho biết thêm.
Bởi vì, nếu dữ liệu dù có được tập hợp về mà không được phân tích một cách đầy đủ cũng như khai thác một cách hiệu quả trong từng lĩnh vực khác nhau của DN thì nó cũng sẽ trở thành một “đầm lầy” dữ liệu thay vì một hồ dữ liệu (data lake).
Bên cạnh đó, việc tập hợp xuyên suốt dữ liệu trong tổ chức cũng phụ thuộc vào dư duy của những người lãnh đạo, có đề cao việc liên thông dữ liệu của các hệ thống với nhau. Còn về mặt kinh phí, nếu tài chính chưa cho phép thì có thể tiến hành từng bước một, liên thông những ứng dụng quan trọng trước rồi dần dần bổ sung sau.
Trước những ý kiến trái chiều cho rằng dữ liệu ở Việt Nam đang còn manh mún, Giám đốc công nghệ Fujitsu Việt Nam cho rằng, điều này không hoàn toàn chính xác vì việc tập hợp dữ liệu bao giờ cũng có quá trình và theo lộ trình phát triển của xã hội. Khi các đơn vị ứng dụng công nghệ, dần thay cho giấy tờ và quy trình thủ công trước đó, thì sẽ bắt đầu sinh ra dữ liệu số từ các nguồn ứng dụng khác nhau.
Sau đó, các công ty sẽ dần dần chuẩn hoá và tập hợp dữ liệu, trước khi bắt đầu chuyển đổi dữ liệu để khai thác nguồn tài nguyên mới này cho hoạt động của mình.
Trên thế giới, do họ đi trước nên quá trình này diễn ra sớm và tập hợp được nhiều dữ liệu hơn ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi các hoạt động của DN, cơ quan nhà nước diễn ra trên môi trường số nhiều hơn, cùng với việc số hoá những dữ liệu cũ thì CSDL ở Việt Nam cũng sẽ được tập hợp nhiều hơn.
“Việc làm giàu dữ liệu cũng cần có thời gian chứ không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Quá trình khai thác dữ liệu cũng cần diễn ra xuyên suốt trong hoạt động của DN hay tổ chức”, ông Tân đánh giá.
Chưa kể, các DN ở trong nước cũng đã đón đầu những công nghệ mới để áp dụng vào đơn vị mình và bước đầu có được những nền tảng tiêu chuẩn của các Bộ ban ngành. Thời gian tới, nếu các DN không có sự CĐS, ứng dụng dữ liệu vào hoạt động, thì sẽ có hiệu năng và năng suất sẽ giảm hơn so với những đơn vị biết chuyển đổi, áp dụng công nghệ.
Nên thực hiện từng bước một với những bài toán dữ liệu vừa phải
Với kinh nghiệm hơn 15 năm hoạt động về vấn đề dữ liệu, ông Tân cho rằng, để khai thác tài nguyên này hiệu quả, đầu tiên, DN cần phải xây dựng một nền tảng tổng quát cho việc khai thác dữ liệu lâu dài trong tương lai. Sau đó, các đơn vị cần thực hiện từng bước một với những bài toán về dữ liệu ở mức độ vừa phải/nhỏ trước, thay vì một bài toán rất lớn, triển khai ồ ạt, để rồi tập hợp được rất nhiều dữ liệu nhưng tính hiệu quả, khai thác cho các phòng ban lại rất hạn chế.
Để dẫn chứng, ông Tân cho biết trước đây đã từng triển khai các các dự án về kho dữ liệu (data warehouse) khi mà ngân hàng nào cũng xây dựng các hệ thống này một cách ồ ạt nhưng giá trị thực sự đem lại còn rất hạn chế. Tương tự, hiện nay, mọi người nhắc rất nhiều đến CSDL quốc gia, dữ liệu chuyên ngành hay kho dữ liệu/hồ dữ liệu của các DN. Nếu sau khi xây dựng được một khung/chiến lược dữ liệu tổng quát, các tổ chức triển khai từng bước một để thấy được hiệu quả của việc khai thác dữ liệu. Từ đó áp dụng nhuần nhuyễn vào các quy trình nhỏ trước thì việc sử dụng đem lại nhiều giá trị hơn.
Mô hình trên thế giới về khai thác dữ liệu hiện nay là xây dựng những công cụ có thể triển khai một cách nhanh chóng và dễ dàng, thay vì cần đến các chuyên gia cao cấp. “Đây là yếu tố then chốt giúp các tổ chức biến các dữ liệu thành thông tin có ích cũng như thành tiền cho đơn vị mình”, ông Tân bày tỏ.
Các DN lớn có thể xây dựng các giải pháp dữ liệu lớn (big data) của Việt Nam kết hợp với nước ngoài sao cho phù hợp với quy định của cơ quan quản lý, để tập hợp dữ liệu trên các nền tảng của mình. Còn các công ty vừa và nhỏ với lượng thông tin chưa nhiều có thể áp dụng các hệ thống trên môi trường đám mây để tiết kiệm chi phí.
Còn đối với các cơ quan nhà nước, hiện nay Chính phủ đã đưa ra những quy định về trục tích hợp quốc gia, liên thông giữa các Bộ ban ngành. Điểm mấu chốt cho sự thành công của dự án này là thiết lập được bộ chuẩn giao tiếp dữ liệu quốc gia mang tính tổng quan để các DN, cơ quan nhà nước có thể trao đổi thông tin một cách thông suốt.
“Đây là một điểm cực kì quan trọng để giúp cho quá trình liên thông dữ liệu, tập hợp thông tin được dễ dàng”, ông Tân nói./.