Thế giới số, vật lý và con người sẽ được tích hợp chặt chẽ trong kỷ nguyên 6G
Diễn đàn - Ngày đăng : 16:03, 07/06/2023
Thế giới số, vật lý và con người sẽ được tích hợp chặt chẽ trong kỷ nguyên 6G
Đây là chia sẻ của ông Terence McCabe, Giám đốc công nghệ (CTO) khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản của Nokia về 6G và xu hướng ứng dụng AI và máy học (ML) trong viễn thông với sinh viên Học viện công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT).
Mỗi thế hệ công nghệ di động như là một bộ phim viễn tưởng
Với hơn 25 năm kinh nghiệm và được công nhận là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực truyền thông thông tin, ông Terence McCabe đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển và tiến bộ của ngành công nghệ thông tin và viễn thông.
Theo ông Terence McCabe, 2G và 3G giải phóng tiềm năng kết nối và di chuyển của con người; 4G giải phóng tiềm năng thông tin và tương tác xã hội; 5G giải phóng tiềm năng của máy móc và cảm biến. Còn 6G sẽ kết nối thế giới kỹ thuật số, vật lý và con người để giải phóng tiềm năng bẩm sinh của con người.
Sự chuyển đổi giữa các thế hệ mạng cần các khả năng mạng lưới mới như công suất và thông lượng, quy mô và độ linh hoạt, độ tin cậy và độ trễ thấp. Các động lực cốt lõi của 6G là khả năng bền vững, bao trùm số, an ninh và bảo mật. Bền vững là công suất tăng 10 lần, giảm thiêu thụ nguồn 50% so với 5G. Bao trùm số nhằm mục đích giải quyết ba khả năng chính là: tiếp cận, chi trả và tiêu thụ. Trong khi đó, rủi ro bảo mật và quyền riêng tư ngày càng tăng đòi hỏi mức độ kiểm soát cao hơn.
Sáu lĩnh vực công nghệ chính cho cơ sở hạ tầng thiết yếu 6G gồm: Công nghệ phổ tần; Bảo mật, tin cậy và quyền riêng tư; Kiến trúc nhận thức, tự động và chuyên biệt; Khả năng kết nối cực cao; Mạng như một cảm biến; Giao diện vô tuyến gốc AI.
Theo ông Terence McCabe, trên thế giới đang triển khai 5G và Việt Nam cũng đang triển khai thí điểm. Châu Âu đã triển khai 5G thương mại nhưng Nokia đã nghiên cứu 6G, được xem là nơi thế giới kỹ thuật số, vật lý và con người kết hợp với nhau. 6G không đơn thuần chỉ là về thông tin liên lạc và băng thông.
“Tôi thường nghĩ rằng mọi thế hệ công nghệ giống như một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó mà bạn có thể liên hệ về trải nghiệm có thể là gì. Tôi nghĩ đến một trong những bộ phim là “Người Dơi” (Batman). Người Dơi sử dụng điện thoại di động để phát hiện hoặc sử dụng nó như sóng âm phản xạ trong một tòa nhà để phát hiện vị trí của kẻ xấu. Chúng tôi đã chứng minh 6G như một phương tiện để phát hiện các đối tượng vật lý trong một môi trường và do đó để tạo ra bản sao số để phát hiện các đối tượng chuyển động”.
Ông Terence chia sẻ 6G không chỉ còn là khoa học viễn tưởng. Các tiêu chuẩn 6G đang được phát triển và Hàn Quốc đặt kế hoạch ra mắt 6G vào năm 2029. Vì vậy, 6G là một cái gì đó mà Nokia với tư cách là một công ty đã đầu tư rất nhiều vào việc phát triển các tiêu chuẩn và Nokia có các trung tâm nghiên cứu gần đây ở Đức, Mỹ và Phần Lan, ở Trung Quốc và Hàn Quốc, tất cả đều đang làm việc trên các bộ phận của hệ sinh thái 6G này.
Mạng 6G sẽ nhanh hơn, sẽ có thể hỗ trợ nhiều điểm hơn, vùng phủ sóng lớn hơn. Đây sẽ là một sự phát triển tiếp của mạng 5G, mà không phải bỏ đi những gì chúng ta đã đầu tư vào 5G. Vì vậy, 6G thực sự là một sự phát triển dựa trên 5G. Nó sẽ cho phép bản sao số và cộng tác mở, thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường (AR/VR) được tách rời khỏi mạng Internet tại nhà của bạn, ông Terence cho hay.
Tầm quan trọng của AI và máy học trong phát triển viễn thông
“Đối với 5G, khi trọng tâm là băng thông rộng di động cực cao hoặc băng thông rộng di động nâng cao. 6G là điện toán độ trễ thấp, có khả năng bền vững, kỹ thuật số bao trùm, bảo mật và quyền riêng tư, tất cả những điều này đều yêu cầu trí tuệ nhân tạo và máy học để phát huy khả năng”, ông Terence nhấn mạnh.
Thông qua mạng 6G, ông Terence cho biết chúng ta sẽ tạo ra tập hợp thông tin số trên toàn cầu, cho phép giải quyết các vấn đề trong thế giới thực thông qua ứng dụng công nghệ AI, sau đó ánh xạ những gì chúng ta đã làm trong thế giới số sang thế giới thực. “Đó là một cái gì đó thực sự biến đổi ở cấp độ xã hội và đòi hỏi một thế hệ sinh viên và kỹ sư hoàn toàn mới với kỹ năng và tư duy về AI vô cùng cao”.
Ông Terence cũng nhận định có sự chuyển giao về kiến thức, kỹ năng viễn thông truyền thống sang khả năng có thể phản ứng ở một cấp độ khác, có thể đào tạo một mô hình AI xử lý các sự cố và lỗi có thể sảy ra một cách tự động. Theo đó, ông nhấn mạnh rằng: “Các sinh viên viễn thông cần phải nắm được các kỹ năng AI, ML”.
Theo chia sẻ của ông Terence, “Ngành viễn thông đang khát vọng lớn hướng tới tự động hoá và hoạt động không chạm, nơi các mạng phát hiện lỗi và tự sửa chữa. Viễn thông cũng có động lực thúc đẩy việc áp dụng AI và ML để giảm chi phí vận hành, các lỗi và bảo mật mạng”.
Một số sự cố mạng trên toàn quốc đã xảy ra với một số mạng viễn thông ở Canada, Úc hay Hàn Quốc. Các lỗi vận hành do con người thực hiện, làm thay đổi cấu hình trong mạng dẫn đến các hậu quả như toàn bộ mạng lưới bị sập, làm gián đoạn kết nối IP trên toàn quốc. Việc tự động hoá, ứng dụng AI, ML giúp giảm tác động do lỗi của con người đối với mạng. Bên cạnh đó, việc ứng dụng AI, ML cũng giúp tăng năng suất lao động và tự động hóa càng nhiều quy trình càng tốt.
Trao đổi với PV Tạp chí TT&TT, PGS. TS. Nguyễn Tiến Ban, Trưởng khoa Viễn thông 1 - PTIT cho biết ông Terence McCabe là chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này và của Nokia. Việc mời các chuyên gia hàng đầu về trao đổi công nghệ với giảng viên, sinh viên của PTIT và khoa là công việc được thực hiện suốt thời gian qua và trong thời gian tới nhằm giúp các các giảng viên, sinh viên tiệm cận với những xu hướng công nghệ mới nhất.
Cũng theo PGS. TS. Nguyễn Tiến Ban, buổi trao đổi hôm nay rất hữu ích cho các bạn sinh viên viễn thông, nhất là các sinh viên năm cuối được tiếp cận với xu hướng phát triển viễn thông hội tụ như là một nền tảng để các sinh viên có thể định hướng rõ ràng hơn về nghề nghiệp của mình trong tương lai. Học viện và khoa đã tổ chức nhiều sự kiện như thế này với việc mời các chuyên gia không chỉ các công ty viễn thông trong nước mà còn các công ty hàng đầu thế giới như Samsung, Naver… để các em sinh viên có cơ hội tiếp cận, cọ sát về chuyên môn và cả tiếng Anh../.