Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Lấy người dân, DN là trung tâm để phục vụ

Truyền thông - Ngày đăng : 06:58, 09/06/2023

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đang đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Lãnh đạo Thủ đô xác định, mô hình này phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm để phục vụ, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).
Truyền thông

Mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội: Lấy người dân, DN là trung tâm để phục vụ

Đỗ Thêu 09/06/2023 06:58

Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hà Nội đang đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Lãnh đạo Thủ đô xác định, mô hình này phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) là trung tâm để phục vụ, qua đó thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH).

anh-10.2.jpg
Hà Nội quyết tâm xây dựng thành công, hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH.

Chính sách đúng đắn

Theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, bám sát các chỉ đạo từ Trung ương, Thành uỷ Hà Nội đã đề nghị các quận, thị xã trên địa bàn triển khai thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị gắn với phát huy dân chủ nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hướng đến phục vụ người dân, DN tốt hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP. Hà Nội, Nghị định số 32/2021/NĐ-CP của Chính phủ và các chỉ đạo của Thành phố, UBND các quận, thị xã Sơn Tây đã hoàn thành công tác rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tại 175 UBND phường trực thuộc, ban hành quyết định bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch phường để đi vào hoạt động theo cơ chế quản lý mới.

Chế độ hoạt động của UBND phường được xây dựng trên cơ sở quy chế làm việc mẫu của thành phố. Quy chế xác định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc của UBND phường với vị trí là một cơ quan hành chính thuộc UBND quận, thị xã.

Chủ tịch UBND phường điều hành hoạt động của đơn vị trên cương vị là thủ trưởng cơ quan hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND, Chủ tịch UBND quận, thị xã và trước pháp luật về toàn bộ chỉ đạo, điều hành, quyết định về các lĩnh vực công tác của phường. Đồng thời, từng bước đổi mới công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, quy định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian và phân công người phụ trách, định kỳ kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện.

Đến nay, việc triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của TP. Hà Nội bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định, khi giảm được hơn 120 biên chế Phó Chủ tịch UBND phường và các chức danh khác; Tổ chức chính quyền tại phường được tinh gọn nhưng vẫn đảm bảo hoạt động hiệu quả, thông suốt. Cơ quan hành chính phường đã tích cực, chủ động điều hành, quyết định nhanh những vấn đề cấp bách tại địa bàn trên cơ sở xác định rõ trách nhiệm, rõ người, rõ việc.

Nhận được sự đồng thuận cao từ người dân

Theo bà Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP. Hà Nội, việc vận hành mô hình chính quyền đô thị ở Thủ đô cơ bản diễn ra thuận lợi, hiệu quả, mang lại sự hài lòng cho người dân khi tới làm thủ tục hành chính thông qua việc ủy quyền chứng thực. Cơ chế giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của nhân dân đã được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể chính trị - xã hội của phường thực hiện tốt thông qua nhiều hình thức.

Tại UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), đội ngũ công chức phường đã bước đầu bắt nhịp được yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Đặc biệt, việc triển khai nội dung ủy quyền ký chứng thực của công chức tư pháp - hộ tịch mang lại hiệu quả tốt.

Ông Đỗ Tuấn Anh, công chức tư pháp - hộ tịch phường Tây Mỗ cho biết, phường hiện có khoảng 40.000 dân nên việc ủy quyền ký chứng thực (gồm chứng thực bản sao từ bản chính và chứng thực chữ ký) tại bộ phận “một cửa” vừa giúp giải quyết công việc nhanh chóng cho người dân, vừa giúp lãnh đạo có thêm thời gian xử lý các nhiệm vụ khác.

Từ khi được ủy quyền đến nay, trung bình tôi ký hơn 100 hồ sơ/ngày, chiếm gần 80% tổng số hồ sơ chứng thực nên không hồ sơ nào chậm muộn. Công việc này đòi hỏi công chức phải nắm chắc chuyên môn nghiệp vụ, đồng thời sắp xếp thời gian khoa học để đạt hiệu quả tốt nhất”, ông Đỗ Tuấn Anh chia sẻ thêm.

Tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), dù không tổ chức HĐND phường nhưng quyền dân chủ và giám sát của người dân vẫn được bảo đảm bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện truyền thông, thông qua các cuộc họp tổ dân phố, giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam và cộng đồng dân cư...

Ngoài việc bố trí hàng chục buổi tiếp công dân mỗi năm tại trụ sở, phường Hoàng Liệt còn thường xuyên tổ chức các hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND phường với nhân dân. Việc giải quyết các kiến nghị của người dân tại hội nghị đối thoại đạt kết quả 99% tổng số kiến nghị.

Ở góc độ người dân, anh Nguyễn Văn Định (trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) phấn khởi chia sẻ: “Việc triển khai mô hình chính quyền đô thị là một chính sách đúng đắn của trung ương và Hà Nội. Khi bộ máy chính quyền tinh gọn, các thủ tục hành chính được cắt giảm nhiều, người dân và DN cảm thấy thuận lợi, thoải mái hơn trong quá trình thực hiện hồ sơ giấy tờ. Kết quả nhận nhanh chóng, giúp công việc thông suốt hơn”.

anh-10.1.jpg
Hà Nội quyết tâm xây dựng thành công, hiệu quả mô hình chính quyền đô thị, qua đó thúc đẩy phát triển KT-XH.

Đánh giá việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến cho rằng, qua triển khai cho thấy, trách nhiệm của Chủ tịch UBND phường đã nâng lên một bước. Việc quyết định các chủ trương, biện pháp thực hiện nhanh hơn nhưng vẫn giữ được nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ quy định pháp luật./.

Đỗ Thêu