Dữ liệu số là “xương sống” để ứng dụng AI, blockchain… vào đời sống

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:53, 13/06/2023

Dù dữ liệu chính là “xương sống” để doanh nghiệp (DN) ứng dụng các công nghệ mới nhưng các đơn vị này cũng đang gặp không ít thách thức như không có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, không đảm bảo tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu.
Chuyển đổi số

Dữ liệu số là “xương sống” để ứng dụng AI, blockchain… vào đời sống

Thế Phương {Ngày xuất bản}

Dù dữ liệu chính là “xương sống” để doanh nghiệp (DN) ứng dụng các công nghệ mới nhưng các đơn vị này cũng đang gặp không ít thách thức như không có hệ thống quản lý chuyên nghiệp, không đảm bảo tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu.

01_1.1.1(1).jpg
Tuỳ theo quy mô mà DN có những bài toán liên quan đến dữ liệu số khác nhau.

Dữ liệu số sẽ giúp DN khám phá cơ hội kinh doanh mới

Đánh giá về tầm quan trọng của dữ liệu số, ông Ngô Minh Quân, Giám đốc Chuyển đổi số (CĐS) Rikkeisoft kiêm CEO của Rikkei Digital cho biết, đây được coi là nguồn tài nguyên mới của thế kỷ 21, đặc biệt trong thời kỳ CĐS vì mọi tương tác đều tạo ra dữ liệu. Nhờ dữ liệu, DN có thể đưa ra quyết định liên quan đến kinh doanh một cách xác thực, có căn cứ. Dữ liệu cho phép các DN đón đầu các thách thức, cơ hội và xu hướng mới nổi. Điều đó có nghĩa là họ có thể khám phá các cơ hội kinh doanh mới.

Trong đó, việc ứng dụng số hoá khi CĐS là bước đầu tiên và tất yếu để có thể thu thập dữ liệu. Sau đó, DN mới có thể nghĩ đến bước tiếp theo là khai thác nguồn dữ liệu này. “Để có thể triển khai hiệu quả, trong kế hoạch CĐS DN luôn cần tính đến việc thu thập và xây dựng dữ liệu từ sớm và có kế hoạch cho việc khai thác. Nếu không, rất khó đưa vào sau khi mọi thứ đã được vận hành”, ông Quân nói.

Mặc dù vậy, chỉ có khoảng 13% DN Việt Nam đã triển khai các dịch vụ CNTT để quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, theo ông Quân, hiện cũng có không ít DN đã nhận ra tầm quan trọng của dữ liệu số và đang dần chuyển đổi sang mô hình kinh doanh số hoặc tập trung phát triển các sản phẩm, dịch vụ công nghệ. Các DN đã bắt đầu có thu thập dữ liệu từ việc ứng dụng hệ thống số hóa, dù vẫn chưa khai thác được.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang có những bước đi quan trọng để đẩy mạnh việc thu thập, quản lý và sử dụng dữ liệu số như việc triển khai Chính phủ điện tử, thúc đẩy kinh tế số, khuyến khích phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ chuỗi khối (blockchain) và dữ liệu lớn (big data). Với những công nghệ này, dữ liệu chính là “xương sống” để có thể ứng dụng vào đời sống xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để đạt được hiệu quả cao hơn trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu số khi dữ liệu còn rời rạc, chưa đào tạo được hệ thống khai thác dữ liệu. Về bản chất, tuỳ loại dữ liệu sẽ cần độ dày nhất định để có thể khai thác hay xa hơn là ứng dụng học máy và dự đoán.

Vì vậy, để đạt mục tiêu về chính phủ số, nền kinh tế số, việc cần làm đầu tiên là xây dựng cơ sở dữ liệu tạo nền tảng. Dữ liệu này không chỉ chính xác mà còn theo đúng các trường thông tin, và luôn được cập nhật.

ngo-minh-quan-1639732143-8543-9364-7833-1648697038.jpg
Ông Ngô Minh Quân: Với AI, IoT, blochain... dữ liệu chính là “xương sống” để có thể ứng dụng vào đời sống xã hội.

Xây dựng giải pháp dữ liệu số ngay khi mới thành lập

Giám đốc CĐS Rikkeisoft khẳng định, hiện có nhiều công cụ, dịch vụ với giá thành rẻ giúp DN khai thác, số hoá dữ liệu số nên chi phí không còn là một rào cản lớn như trước. Do đó, lý do khiến DN Việt chưa thực sự quan tâm số hóa dữ liệu vì chưa hiểu đúng về giá trị và tiềm năng hay được biết đến những câu chuyện chuyển đổi thành công, bài học thành công (case study) tương tự. Ngoài ra, cách khai thác dữ liệu cũng cần có tư duy (mindset) và bộ kỹ năng (skillset).

Trong quá trình khai thác, sử dụng dữ liệu số, bên cạnh những thuận lợi như dữ liệu dễ dàng được thu thập, các công cụ và giải pháp, hạ tầng ngày càng nhiều với chi phí rẻ, các DN Việt cũng gặp không ít những thách thức: Đầu tiên là chưa có hệ thống quản lý dữ liệu chuyên nghiệp cũng như không biết cách đảm bảo tính bảo mật và riêng tư của dữ liệu. Điều này khiến các hệ thống, giải pháp thường không đồng bộ và phân mảnh.

Khó khăn tiếp theo đến từ việc nhiều hệ thống không cho phép truy cập dữ liệu, thiếu nhân lực kỹ sư liên quan đến dữ liệu và đặc biệt là nhà quản lý chưa có nhận thức đúng đắn. “Đây cũng là điểm yếu lớn nhất, khi mà ý chí của người lãnh đạo rất quan trọng”, ông Quân bày tỏ.

Cuối cùng, do việc sử dụng dữ liệu có nhiều quy định cụ thể, nên các DN cần phải đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.

Đại diện Rikkeisoft cũng cho biết, tuỳ theo quy mô mà DN có những bài toán liên quan đến dữ liệu khác nhau. Dẫn đến mức độ quan tâm, đầu tư chi phí khác nhau về dữ liệu số. Như với các DN nhỏ, họ sẽ xử lý và khai thác dữ liệu thu thập được dễ dàng hơn. Đổi lại, do bài toán quy mô nhỏ, DN sẽ không thấy được tác động rõ ràng. Điều này khiến cho lãnh đạo sẽ chưa nhận thức đủ tầm quan trọng của dữ liệu số. Dẫn đến việc sẽ ưu tiên hơn cho quá trình tối ưu, phát triển những yếu tố khác tạo ra doanh thu, lợi ích nhanh hơn.

Ngược lại, DN ở quy mô lớn gặp nhiều vấn đề hơn trong năng lực xây dựng, khai thác với lượng dữ liệu gấp nhiều lần các đơn vị nhỏ. Vì vậy, bài toán thiếu nguồn lực con người và công nghệ sớm xuất hiện với DN lớn.

Do mọi hoạt động phát triển của đều cho ra dữ liệu nên để có thể tận dụng nguồn tài nguyên này, ngay khi mới thành lập, DN nên bắt đầu xây dựng hệ thống hoặc giải pháp để tổng hợp và đồng nhất dữ liệu. “Vì một kho dữ liệu đảm bảo yếu tố về chất lượng và số lượng sẽ có thể tạo điều kiện DN đưa ra quyết định chính xác, tiếp bước cho lộ trình CĐS sau này”, ông Quân lý giải.

Để sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên mới này, ông Ngô Minh Quân cho rằng, những DN đang ở bước đầu của dữ liệu số, việc tham khảo đơn vị tư vấn để đưa ra những giải pháp, lộ trình chuyển đổi phù hợp với tình hình DN đó. Sau đó, có thể dùng dữ liệu để từng bước khai thác những mục tiêu cụ thể, học cách quyết định phải dựa trên dữ liệu.

Nên tạo điều kiện cho DN sử dụng dữ liệu an toàn và hiệu quả

Là một DN khai thác thị trường quốc tế, đại diện Rikkeisoft cho biết, các DN nước ngoài đã tận dụng rất tốt nguồn dữ liệu số của đơn vị mình để cải thiện hiệu quả hoạt động và tăng trưởng doanh thu. Đầu tiên, đó là việc phân tích dữ liệu, để tìm ra các xu hướng và mối quan hệ giữa các biến, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn.

Tiếp theo, họ sẽ sử dụng dữ liệu số để: Tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn thông qua các kênh trực tuyến; Quản lý và điều hành quá trình sản xuất, vận chuyển và lưu trữ hàng hoá một cách hiệu quả hơn, giảm thiểu các rủi ro và chi phí lưu kho; Cải thiện chất lượng và dịch vụ.

Cuối cùng, các DN nước ngoài thường sử dụng dữ liệu số để giám sát hoạt động của các đối thủ cạnh tranh và phát triển các chiến lược đối đầu thông minh để tăng cường tính cạnh tranh trên thị trường.

Đối với DN Việt, tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của dữ liệu số, CĐS là điều kiện quan trọng cho những người lãnh đạo, đứng đầu các đơn vị. Chỉ khi đó các đơn vị mới có quy trình khai thác dữ liệu để đem lại hiệu quả kinh doanh”, ông Quân cho biết thêm.

Đồng thời, để có thể khai thác dữ liệu số hiệu quả như cách các DN nước ngoài đang triển khai, các DN Việt cần xác định mục tiêu được định hình rõ ràng và có tính khả thi để tạo động lực cho các nhân viên tham gia vào quá trình khai thác dữ liệu số.

Ngoài ra, các DN cần đầu tư vào các công nghệ khai thác dữ liệu, bao gồm cả phần mềm và phần cứng để thu thập, xử lý và phân tích dữ liệu. Việc phân tích và ứng dụng dữ liệu giúp DN đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác và nhanh chóng. Các DN cần đảm bảo bảo mật và quản lý dữ liệu một cách chặt chẽ để tránh rủi ro về an ninh thông tin và sự phá hoại của dữ liệu.

Đánh giá các quy định hiện đối với việc phát triển dữ liệu số ở Việt Nam, ông Quân cho rằng, mặc dù đã có những quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ, chia sẻ dữ liệu nhưng còn thiếu sự đồng bộ và đầy đủ để đảm bảo quyền lợi cũng như lợi ích của các bên liên quan. Ví dụ, như chưa có quy định cụ thể về bảo về quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân. Điều này dẫn đến nhiều DN còn sợ sai, chưa thể lên kế hoạch lâu dài cho số hóa dữ liệu.

Để nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu số hiện nay, theo ông Quân, cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế pháp lý và quy định liên quan đến dữ liệu số, đảm bảo tính đồng bộ và phù hợp với quy định quốc tế. Qua đó tạo điều kiện cho các DN và tổ chức sử dụng dữ liệu một cách an toàn và hiệu quả.

Tiếp theo, cần thúc đẩy đào tạo và nâng cao năng lực cho các nhân viên giúp tăng cường khả năng khai thác, xử lý và quản lý dữ liệu số.

Cơ quan quản lý cũng cần tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm liên quan đến dữ liệu số, đảm bảo an toàn, bảo mật và chia sẻ thông tin một cách hợp pháp và công bằng.

Cuối cùng, đó là việc tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức và DN để tiếp cận cũng như sử dụng dữ liệu một cách hiệu quả, bằng cách thúc đẩy đổi mới công nghệ và xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số phát triển.

Những kiến nghị trên sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu số hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế số và góp phần đưa Việt Nam trở thành một quốc gia ứng dụng công nghệ số hiệu quả trong tương lai”, ông Quân kết luận./.

Thế Phương