Cần những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng AI trong báo chí

Truyền thông - Ngày đăng : 08:09, 30/07/2023

Giờ đây, vô số lĩnh vực đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một hoặc nhiều khía cạnh công việc, trong đó có lĩnh vực báo chí.
Truyền thông

Cần những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng AI trong báo chí

TS. Nguyễn Nga Huyền - Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí & Tuyên truyền 30/07/2023 08:09

Giờ đây, vô số lĩnh vực đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào một hoặc nhiều khía cạnh công việc, trong đó có lĩnh vực báo chí.

Tóm tắt:
- Lợi ích của AI là rõ ràng nhưng không thể thiếu vai trò chuyên môn và trách nhiệm của phóng viên và biên tập viên trước một sản phẩm báo chí.

- Khi sử dụng AI một cách quá mức hoặc không cân nhắc có thể
dẫn đến sự phụ thuộc mạnh mẽ vào công nghệ và giảm đáng kể vai trò và trách nhiệm của con người.

- Để đảm bảo quyền lợi cũng như sự tin cậy công chúng, các nhà báo và cơ quan báo chí cần đưa ra những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức.

Việc sử dụng AI mang lại nhiều lợi ích và tiềm năng rõ ràng trong việc tăng cường hiệu suất của ngành báo chí, nhưng cũng đặt ra những vấn đề về đạo đức và trách nhiệm. Báo chí cần đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy và minh bạch trong việc sử dụng công nghệ này để duy trì niềm tin và giá trị của báo chí trong xã hội.

Ứng dụng AI nhưng vẫn cần sự kiểm soát của con người

Một số nghiên cứu cho rằng việc sử dụng AI trong báo chí có thể được khái quát thành ba bước của quy trình sản xuất tin tức: Một là tìm kiếm đề tài; Hai là sản xuất tin bài; Ba là phân phối tin tức.

Trong khâu tìm kiếm đề tài, khả năng phán đoán tin tức sẽ là điều mà trong tương lai gần khó có thể được tự động hóa và vẫn cần có sự tham gia của con người. Vì thế, nó khẳng định vai trò, giá trị của một biên tập viên trong việc đưa ra các đánh giá chuyên môn dựa trên các thuật toán. Những gì thuật toán đưa ra cũng phải được kiểm tra và xác thực giống như mọi đề xuất hoặc dẫn nguồn từ các phóng viên, nhà báo.

Về mặt sản xuất tin bài, AI được ứng dụng phổ biến nhất là ở khâu tạo nội dung tự động. Viết nội dung tự động thường được triển khai trong các lĩnh vực có sẵn dữ liệu sạch, chẳng hạn như thể thao, tài chính, tội phạm và thời tiết[1]. Hãng tin Associated Press (AP) của Mỹ bắt đầu tự động hóa các báo cáo thu nhập tài chính vào năm 2014, sử dụng Wordsmith từ Automated Insights.

ai-va-bao-chi.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: wavelabs.ai)

Năm 2014, trước khi sử dụng Automated Insights, mỗi quý AP xuất bản 300 bài về báo cáo thu nhập. Sau khi ứng dụng Automated Insights, AP xuất bản 3.700 bài mỗi quý[2]. Con số này có thể sẽ tăng lên, cả về số lượng bài báo cáo thu nhập được sản xuất và số lượng công ty được báo cáo trong đó.

Công nghệ tự động viết tin có thể dẫn đến sự lan truyền thông tin sai lệch và tin tức giả mạo. Một ví dụ điển hình là ứng dụng ChatGPT. Tuy có thể tổng hợp và cung cấp thông tin rất nhanh với khả năng diễn đạt cao, nhưng xuất xứ thông tin, tính chính xác của thông tin mà ứng dụng này cung cấp là điều hoàn toàn không được đảm bảo. Điều này đặt ra vấn đề về trách nhiệm của người viết và biên tập viên.

Cuối cùng, AI cũng được sử dụng trong phân phối tin tức. Các tập đoàn truyền thông đang tạo bot và tiện ích để theo dõi lịch sử đọc và giới thiệu các câu chuyện cho người dùng. Ví dụ, Clavis của The Washington Post sử dụng thuật toán tần suất tài liệu nghịch đảo (inverse document frequency algorithm), để “đọc” và phân loại các tin bài bằng cách sử dụng từ khóa[3]. Sau đó, nó làm điều tương tự cho độc giả của mình và sử dụng các từ khóa phù hợp để giới thiệu các tin tức cho họ. Cá nhân hóa trải nghiệm của người dùng giờ đây đã là điều mà nhiều cơ quan báo chí làm được.

Tuy nhiên, sự tiếp cận rộng rãi vào dữ liệu người dùng và khả năng phân tích tâm lý của AI đặt ra lo ngại về quyền riêng tư và an ninh thông tin của cá nhân. Trường hợp Facebook và Cambridge Analytica là một ví dụ. Năm 2018, công ty phân tích dữ liệu Cambridge Analytica đã lợi dụng dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng Facebook để tạo ra các chiến dịch quảng cáo chính trị có mục đích. Việc này đã khiến Facebook bị phạt hàng tỷ USD.

Một ví dụ khác là công nghệ nhận diện khuôn mặt. Công nghệ này đã gây tranh cãi về vấn đề đạo đức và quyền riêng tư khi có nhiều trường hợp hệ thống nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng một cách sai lầm hoặc thiên vị, dẫn đến phân biệt đối xử và vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Bên cạnh vấn đề trên, AI còn đặt ra những câu hỏi về sự thiếu minh bạch khi nó có thể tạo ra các kết quả mà người dùng không hiểu rõ lý do và quá trình mà AI đã sử dụng để đưa ra quyết định. Điều này đặc biệt nghiêm trọng khi AI được sử dụng trong các lĩnh vực cần thông tin có độ chính xác cao như chăm sóc sức khỏe, tài chính hay tư vấn pháp lý.

AI cũng đặt ra vấn đề về sự thiên lệch và phân biệt đối xử khi nó dựa trên dữ liệu để huấn luyện và đưa ra quyết định. Nếu dữ liệu có sự thiên lệch hoặc phân biệt đối xử, AI có thể phản ánh và gia tăng các thành kiến, định kiến, hoặc khuyến nghị không công bằng… có thể gây ra hậu quả đạo đức và tạo ra tác động tiêu cực cho những cá nhân hoặc nhóm bị ảnh hưởng.

“Nếu một phóng viên làm sai điều gì đó, rất dễ để phóng viên đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng khi một cỗ máy gặp sự cố, đó là điều bạn đổ lỗi cho tổ chức. Nó trở nên vô danh”.

Elite Truong, Phó Tổng Biên tập The Washington Post

Một vài khuyến nghị

Elite Truong, Phó Tổng Biên tập phụ trách các sáng kiến chiến lược của The Washington Post năm 2019, từng chia sẻ: “Nếu một phóng viên làm sai điều gì đó, rất dễ để phóng viên đó phải chịu trách nhiệm. Nhưng khi một cỗ máy gặp sự cố, đó là điều bạn đổ lỗi cho tổ chức. Nó trở nên vô danh[4]. Do đó, để đảm bảo quyền lợi cũng như sự tin cậy công chúng, các nhà báo và cơ quan báo chí cần đưa ra những nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm khi sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức. Dưới đây là một số khía cạnh cần quan tâm:

1. Kết hợp giữa con người và AI để đảm bảo tính chính xác và độ tin cậy của thông tin

Các nhà báo và biên tập viên cần kiểm tra và xác minh thông tin được tạo ra bởi AI để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của tin tức. Mỗi cơ quan báo chí cần thiết lập quy trình kiểm tra thông tin và phân tích tính chính xác của thông tin do AI tổng hợp, phân tích. Đồng thời, cần có cơ chế đối phó với sự lan truyền tin tức giả mạo.

Chính AI cũng có thể được sử dụng để phát hiện và ngăn chặn tin giả trong quy trình sản xuất và phân phối tin tức. AI có thể sử dụng các thuật toán và mô hình máy học để phân tích nội dung tin tức và đánh giá tính xác thực của thông tin dựa trên việc xác định các yếu tố đáng ngờ như mâu thuẫn thông tin, nguồn gốc không rõ ràng hoặc mô hình ngôn ngữ không tự nhiên. Nó có thể cung cấp đánh giá sơ bộ về khả năng tin tức là tin giả, tạo ra cảnh báo cho nhà báo và biên tập viên.

Ngoài ra, AI cũng có thể theo dõi và phân tích hoạt động trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến khác để phát hiện các xu hướng lan truyền tin giả hoặc các hoạt động không chính thống. Công nghệ này có thể giúp xác định các tài khoản giả mạo, hệ thống bình luận tự động hoặc sự phân phối rộng của thông tin không chính xác, để cảnh báo cho các cơ quan chức năng, cơ quan báo chí và người dùng mạng xã hội.

AI có thể hỗ trợ trong việc xác minh nguồn tin bằng cách tự động kiểm tra và so khớp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Công nghệ này có thể phân tích độ tin cậy của nguồn tin, lịch sử hoạt động và sự tương quan với các nguồn tin đáng tin cậy khác. Điều này giúp nhà báo và biên tập viên xác định và loại bỏ các nguồn tin không đáng tin cậy. Đồng thời, AI có thể được sử dụng để gợi ý và đề xuất các nguồn tin đáng tin cậy và chính thống cho người đọc. Công nghệ này có thể phân tích sở thích đọc tin của người dùng, lịch sử tương tác và đánh giá độ tin cậy của các nguồn tin để tạo ra gợi ý thông tin đáng tin cậy và đa dạng.

Tuy nhiên, AI không phải là giải pháp tuyệt đối trước tin giả và không thể thay thế hoàn toàn sự can thiệp và đánh giá từ con người. Cần kết hợp AI với sự kiểm tra và xác minh từ nhà báo và biên tập viên để đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin.

2. Thiết lập chính sách, hướng dẫn và cơ chế vận hành toàn diện về việc ứng dụng AI trong cơ quan báo chí

Các cơ quan báo chí nên đề ra chính sách và hướng dẫn rõ ràng về việc sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức. Chính sách này nên bao gồm các quy định pháp lý, các nguyên tắc đạo đức, quy trình kiểm soát và giám sát, cũng như các tiêu chuẩn chất lượng và tính chính xác của thông tin.

Cần có quy định pháp lý rõ ràng và cập nhật để định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các bên liên quan đến việc sử dụng AI; bao gồm việc xác định quyền riêng tư, bảo vệ dữ liệu, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, và xử lý các vấn đề đạo đức liên quan. Theo đó, các nhà báo, biên tập viên và nhân viên liên quan khác cần được đào tạo về kiến thức pháp lý, đạo đức và trách nhiệm trong việc sử dụng AI; ví dụ như việc cung cấp kiến thức về ứng dụng AI trong báo chí, các vấn đề đạo đức liên quan và cách áp dụng các tiêu chuẩn đạo đức trong công việc hàng ngày.

Song song với đó, các cơ quan báo chí cần thiết lập quy trình để quản lý và kiểm soát dữ liệu được sử dụng bởi AI, bao gồm thu thập dữ liệu một cách hợp pháp, đảm bảo tính bảo mật và quyền riêng tư của dữ liệu, và đảm bảo rằng dữ liệu không chứa sự thiên lệch hoặc kỳ thị. Các quy trình kiểm soát và giám sát để theo dõi việc sử dụng AI của mỗi một vị trí công việc trong tòa soạn cũng cần được thiết lập để đảm bảo rằng việc sử dụng AI tuân thủ các tiêu chuẩn đạo đức.

Để áp dụng và triển khai các hoạt động này, cơ quan báo chí cũng cần phải tạo ra cơ chế phản hồi và cải thiện. Cơ chế này không chỉ lấy phản hồi từ công chúng và độc giả, mà còn lấy phản hồi nội bộ từ các nhà báo, biên tập viên để theo dõi và cải thiện việc sử dụng AI. Phản hồi này có thể bao gồm việc thu thập ý kiến, phản ánh và đề xuất về việc sử dụng AI trong báo chí, trong từng công đoạn, từng khía cạnh của quy trình sản xuất tin tức. Dựa trên phản hồi này, các cơ quan báo chí có thể điều chỉnh và cải thiện quy trình sử dụng AI để đáp ứng các tiêu chuẩn đạo đức và yêu cầu của công chúng.

Ngoài ra, cần thiết lập các biện pháp kiểm soát rủi ro để đối phó với các vấn đề đạo đức có thể xảy ra trong quá trình sử dụng AI tại các cơ quan báo chí. Như việc tiến hành đánh giá tác động đạo đức trước khi triển khai AI, xác định các rủi ro và đề xuất biện pháp giảm thiểu, cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả của các biện pháp kiểm soát. Để thực hiện việc này, các cơ quan báo chí có thể sử dụng cơ chế kiểm tra độc lập từ bên ngoài và đánh giá hiệu quả của các hệ thống AI một cách khách quan.

Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí có thể hợp tác với các cơ quan báo chí khác, các tổ chức và hiệp hội báo chí… để đề ra các chuẩn mực và hướng dẫn ngành về việc sử dụng AI và đạo đức trong báo chí. Bằng cách tham gia vào các cuộc thảo luận và hội thảo, các cơ quan báo chí có thể chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ những người đồng nghiệp để nâng cao tiêu chuẩn và thực thi đạo đức trong việc sử dụng.

Trên thực tế, AI mang lại nhiều cơ hội và thách thức đối với báo chí. Việc sử dụng AI trong báo chí có thể nâng cao hiệu suất, tăng cường trải nghiệm đọc tin và cung cấp thông tin nhanh chóng cho công chúng. Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng của AI một cách đúng đắn, chúng ta cần đặt ra các nguyên tắc đạo đức và trách nhiệm. Báo chí cần đảm bảo tính chính xác, đáng tin cậy và truyền đạt rõ ràng trong việc sử dụng công nghệ này để duy trì niềm tin và giá trị của báo chí trong xã hội. Điều này càng đúng khi xét đến bối cảnh bùng nổ thông tin và hạn chế trong năng lực kiểm soát thông tin tại Việt Nam./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. Miroshnichenko, A. (2018), AI để vượt qua sự sáng tạo. Liệu Robots có thay thế nhà báo? (Câu trả lời là “Có) (AI to Bypass Creativity. Will Robots Replace Journalists? (The Answer Is “Yes”)). Information, 9(7), https://www.mdpi.com/2078-2489.

[2]. Peiser, J. (05/02/2019), Sự trỗi dậy của phóng viên robot (The Rise of the Robot Reporter), The New York Times, https://www.nytimes.com/2019/0... robots.html

[3]. Graff, R. (03/6/2015), Cách Washington Post ứng dụng xử lý dữ liệu và ngôn ngữ tự nhiên để khiến mọi người đọc tin tức nhiều hơn (How the Washington Post used data and natural language processing to get people to read more news), https://knightlab.northwestern... helps-to-make-news-personal/

[4]. Haley Kim (05/01/2019), AI trong báo chí: Tạo khuôn khổ đạo đức (AI in journalism: Creating an Ethical Framework), Syracuse University Honors Program Capstone Projects. 1083, https://surface.syr.edu/honors...

(Bài viết ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)

TS. Nguyễn Nga Huyền - Khoa Phát thanh Truyền hình, Học viện Báo chí & Tuyên truyền