Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí
Truyền thông - Ngày đăng : 07:00, 09/07/2023
Luật Báo chí cần tạo điều kiện để phát triển kinh tế báo chí
Bên cạnh những thành công nhất định trong thời gian qua, hiện nay, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, thậm chí là có biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ để tác động vào báo chí truyền thông nhằm những mục đích vụ lợi đang diễn ra.
Tóm tắt:
Tình trạng lợi dụng báo chí để vụ lợi gia tăng: Thực tế và nguyên nhân.
Mối quan hệ giữa kinh tế báo chí và cơ chế tự chủ tại cơ quan báo chí.
Phân tích những quy định của Luật Báo chí 2016 liên quan đến kinh tế báo chí và đưa ra một số khuyến nghị.
Trong những năm qua, các cơ quan báo chí cả nước bao gồm cả phát thanh, truyền hình, báo in và báo điện tử đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước; thông tin, tuyên truyền kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế; là cơ quan ngôn luận của Đảng và Nhà nước, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân, là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội.
Cùng với những thành công nhất định trong thời gian qua, không thể phủ nhận rằng hiện nay, tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, thậm chí là có biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí, nhận nguồn tài trợ để tác động vào báo chí truyền thông nhằm những mục đích vụ lợi đang diễn ra. Có hiện tượng phóng viên “làm tiền” doanh nghiệp hoặc trao đổi bài viết, đường link bằng những hợp đồng quảng cáo, tài trợ… Nhiều phóng viên đã vướng vòng lao lý khi bị phát hiện, tố cáo. Dù là “con sâu đổ rầu nồi canh” nhưng hiện tượng này đã khiến cho xã hội hiểu sai về báo chí và ảnh hưởng tới uy tín của các nhà báo chân chính khác.
Theo số liệu thống kê, từ 2017 - 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành 65 cuộc thanh tra, 48 cuộc kiểm tra; ban hành 306 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 8,618 tỷ đồng. Con số này chưa phản ánh hết những “góc khuất” trong hoạt động báo chí hiện nay. Việc các nhà báo, phóng viên có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp, lợi dụng tư cách người làm báo để dọa dẫm, sách nhiễu cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để trục lợi là có thật, vào diễn ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực tế trên, mà ở đó, theo chúng tôi, vấn đề quan trọng nhất là do vấn đề về ngân sách hoạt động. Chi đầu tư phát triển báo chí chỉ chiếm dưới 0,3% tổng chi đầu tư ngân sách nhà nước. Không nhiều cơ quan chủ quản bố trí ngân sách, nguồn lực để đặt hàng hoặc hỗ trợ cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền. Nhiều cơ quan chủ quản thậm chí không những không giúp gì về nguồn lực tài chính để hoạt động, ngược lại còn áp đặt cơ quan báo chí phải có một số khoản đóng góp để bổ sung chi hoạt động của cơ quan chủ quản. Câu chuyện về kinh tế với đầy rẫy những áp lực là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến những sai phạm của báo chí trong thời gian qua.
Kinh tế báo chí là vấn đề tương đối phức tạp, liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của báo chí. Nếu xem báo chí là một ngành kinh tế, sản phẩm báo chí là một loại hàng hóa thì nó phải vận hành theo những quy luật của nền kinh tế, chịu sự điều chỉnh của các quy định về kinh doanh.
Như vậy, việc thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ của cơ quan báo chí sẽ nảy sinh nhiều bất cập. Sự phát triển kinh tế báo chí dẫn đến sự tác động có tính hai mặt vào đời sống báo chí truyền thông.
Mặt thứ nhất, nó mang lại nguồn lực tài chính quan trọng, bảo đảm cho sự tiếp tục phát triển, tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới kỹ thuật tiếp cận công nghệ, mở mang thêm các nguồn thông tin, tài liệu cũng như công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo.
Mặt thứ hai, sự phát triển kinh tế báo chí dẫn tới hiện tượng thương mại hóa báo chí, hay sự xuất hiện những sản phẩm báo chí thuần tuý mang tính hàng hóa, chỉ quan tâm thu lợi nhuận, không quan tâm đến chức năng thông tin tuyên truyền hoặc coi chức năng thông tin tuyên truyền như vỏ bọc cho hoạt động kinh tế.
Nhiều người băn khoăn, có nên đánh đồng kinh tế báo chí và tự chủ hay không? Thực chất đây là hai khái niệm khác nhau nhưng có mối liên hệ với nhau. Các cơ quan báo chí tự chủ thì phải tiến hành làm kinh tế báo chí, nhưng không phải cơ quan báo chí nào làm kinh tế báo chí cũng là cơ quan báo chí phải tự chủ. Chính vì vậy, cần phải quy định rất rõ cơ chế tự chủ trong báo chí để tránh những sự hiểu lầm hoặc lợi dụng “cơ chế tự chủ” để thực hiện những mục đích kinh tế khác nhau.
Hiện nay, do cơ chế tự chủ nên không ít các tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết.
Luật Báo chí cần làm rõ khái niệm về kinh tế báo chí và quy định rõ hơn về vấn đề này. Một hiện tượng khác phát sinh từ việc lợi dụng “cơ chế tự chủ” là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành “xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa “nuôi sống tòa soạn”. Hiện tượng này gọi là “báo hóa” tạp chí gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín các nhà báo chân chính, làm xã hội hiểu sai lệch vai trò của báo chí.
Trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Luật Báo chí còn chưa có những quy định chặt chẽ về kinh tế báo chí và vai trò của báo chí trong việc làm kinh tế.
Luật Báo chí 2016 đã có những quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển kinh tế báo chí, cụ thể tại Điều 21 “Loại hình hoạt động và nguồn thu của cơ quan báo chí”; Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí”. Tuy nhiên, các quy định này vẫn chưa đầy đủ, chưa cụ thể, dẫn đến việc các cơ quan báo chí lúng túng trong hoạt động, mặt khác, tạo điều kiện cho một số cơ quan báo chí, một số nhà báo lợi dụng để vi phạm.
Cụ thể như sau:
Khoản 1 Điều 21 Luật Báo chí 2016 quy định: “Cơ quan báo chí hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu. Tạp chí khoa học hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”. Đơn vị sự nghiệp có thu là một loại đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập và là đơn vị dự toán độc lập, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức của bộ máy kế toán thực hiện theo quy định của của Luật kế toán. Tuy nhiên, do được định danh là đơn vị sự nghiệp, nên các cơ quan báo chí phải thực hiện đúng các quy định về kinh tế, tài chính như các đơn vị sự nghiệp khác, đơn cử như mức thuế thu nhập DN từ 10-20%, trong khi vẫn phải thực hiện chức năng thông tin tuyên truyền theo nhiệm vụ chính trị.
Các tạp chí của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, viện nghiên cứu (không thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội) không phải là đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa quy định loại hình của các tạp chí khoa học, mà chỉ quy định chung chung “hoạt động phù hợp với loại hình của cơ quan chủ quản”, dẫn đến khó khăn cho các tạp chí trong việc phát triển kinh tế.
Vấn đề phân định rõ ràng loại hình đơn vị sự nghiệp có thu của các cơ quan báo chí với loại hình (có thể coi là DN) đối với các tạp chí có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu coi các tạp chí là DN thì các tạp chí sẽ thực hiện theo các quy định của pháp luật kinh tế, và có thể, sẽ có những mâu thuẫn đối với quy định của Luật Báo chí.
Bên cạnh đó, việc coi các tạp chí là DN sẽ dẫn tới việc khó kiểm soát, chỉ đạo nội dung tuyên truyền. Tuy nhiên, nếu không phải là DN thì các tạp chí hoạt động theo mô hình gì. Đây là vấn đế tối quan trọng trong việc chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, “báo hóa” mạng xã hội của báo chí nói chung trong thời gian qua.
Khoản 2 Điều 21 Luật Báo chí 2016 quy định: Nguồn thu của cơ quan báo chí gồm: a) Nguồn thu do cơ quan chủ quản báo chí cấp; b) Thu từ bán báo, bán quyền xem các sản phẩm báo chí, quảng cáo, trao đổi, mua bán bản quyền nội dung; c) Thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ của cơ quan báo chí, các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí; d) Nguồn thu từ tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước.
Tuy nhiên, đã 7 năm trôi qua kể từ khi Luật Báo chí ra đời, chưa có văn bản nào giải thích và hướng dẫn thực hiện các quy định này, đặc biệt là các quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các cơ quan báo chí và các đơn vị trực thuộc.
Điều 37 Luật Báo chí 2016 mới chỉ quy định về liên kết trong hoạt động báo chí, chưa hề có quy định về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các cơ quan báo chí.
Cũng từ cơ chế tự chủ đã phát sinh ra nhiều cách thức giúp báo chí làm kinh tế, trong đó có việc liên kết, xã hội hóa. Việc liên kết, xã hội hóa (XHH) trong hoạt động báo chí nói chung và hoạt động phát thanh nói riêng nhằm huy động các nguồn từ các tổ chức, đơn vị bên ngoài tham gia vào quá trình sản xuất các sản phẩm báo chí, giúp cho các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương giảm tải nguồn kinh phí, tăng thêm nguồn lực cả vật chất, phương tiện và nhân lực trong quá trình sản xuất. Đây là điều rất cần thiết và đã giúp cho các cơ quan báo chí có thêm nguồn lực để tăng năng lực sản xuất và có những sản phẩm báo chí đạt chất lượng.
Khoản 1 Điều 37 “Liên kết trong hoạt động báo chí” quy định “Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật”. Nếu chỉ được phép liên kết với pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh thì điều này giới hạn phạm vi liên kết của cơ quan báo chí, đặc biệt trong lĩnh vực quảng cáo, sản xuất chương trình, sản xuất sản phẩm báo chí như quy định tại điểm b, c, d và đ khoản 1 Điều này.
Khoản 2 Điều 37 quy định các lĩnh vực được phép liên kết: điểm a mới có quy định về Thiết kế, trình bày, in, quảng cáo, phát hành báo chí, chưa có những quy định liên kết trong các công đoạn sản xuất của phát thanh, truyền hình. Đây là điều gây khó khăn cho việc phát triển của báo nói, báo hình.
Các quy định tại khoản 3, 4, 5, 6 Điều 37 Luật Báo chí năm 2016 về liên kết trong hoạt động báo chí quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí trong việc liên kết còn chung chung, chưa quy định cụ thể về hình thức (hợp đồng liên doanh hay hợp tác kinh doanh...), chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cũng như hành lang pháp lý cần tuân thủ khi tiến hành liên kết; chưa có quy định cụ thể về những điều kiện, năng lực, và những cam kết cần phải có của đối tác liên kết cho nên dẫn đến hiện tượng doanh nghiệp ép báo chí sản xuất theo nội dung của mình hoặc can thiệp quá sâu vào công đoạn sản xuất, thậm chí là cả ở khâu kiểm duyệt… Khi có những quy định rõ, cụ thể thì sẽ đảm bảo tính khách quan và định hướng trong sản xuất báo chí khi có liên kết.
Một vấn đề nữa liên quan đến kinh tế báo chí, đó là việc đặt hàng sản xuất. Đề nghị cơ quan chức năng khi sửa đổi Luật Báo chí cần làm rõ hơn chính sách hỗ trợ, đặt hàng của Nhà nước đối với các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, ưu tiên hỗ trợ đối với cơ quan báo chí chủ lực, cơ quan báo chí có ảnh hưởng lớn, hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng tổ hợp truyền thông mạnh, có sức lan tỏa và ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, các cơ quan báo chí phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu. Đề nghị việc đặt hàng cần được quy định rõ trong luật và các bộ, ngành sớm xây dựng cơ chế, quy định mức kinh phí hỗ trợ, đặt hàng các cơ quan báo chí tham gia truyền thông chính sách như: Các chính sách mới, Chương trình mục tiêu Quốc gia, công tác phòng chống thiên tai, dịch bệnh... Từ đó các cơ quan báo chí có cơ sở xây dựng các đề án tuyên truyền phù hợp, hiệu quả.
Luật Báo chí là cơ sở quan trọng để các cơ quan báo chí và nhà báo hoạt động. Với vấn đề mới và quan trọng như kinh tế báo chí rất cần quy định cụ thể, nếu được có thể quy định thành một chương trong luật. Chỉ khi có những quy định cụ thể thì các cơ quan báo chí mới phát huy được vai trò làm kinh tế của mình và làm kinh tế báo chí một cách lành mạnh góp phần tạo môi trường báo chí xanh như chúng ta mong muốn./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)