Tác động của thông tin trên không gian mạng đối với yêu cầu đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng
Truyền thông - Ngày đăng : 06:15, 15/06/2023
Tác động của thông tin trên không gian mạng đối với yêu cầu đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng
Trong thời đại Internet này, làm sao để sự phát triển của mạng xã hội (MXH) phục vụ tốt hơn cho việc xây dựng Đảng đã trở thành vấn đề quan trọng.
Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ứng dụng của công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành một trong những công cụ vô cùng phổ biến, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, đến các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất.
Cùng với đó, thông tin trên không gian mạng (thông tin mạng) trở thành phương thức chính để con người thu thập thông tin về mọi mặt đời sống. Đối với một đảng cầm quyền, thông tin mạng cũng có những đóng góp vô cùng lớn và sâu rộng trong việc thiết lập hình ảnh của đảng cầm quyền, trong việc truyền bá tư tưởng.
Trong thời đại Internet này, làm sao để sự phát triển của MXH phục vụ tốt hơn cho việc xây dựng Đảng đã trở thành vấn đề quan trọng. Bài viết góp phần phân tích ý những tác động của thông tin mạng đối với sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời đề xuất biện pháp nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng trong thời đại Internet hiện nay.
Vai trò của thông tin mạng đối với đảng cầm quyền
Không thể phủ nhận lợi ích mà thông tin trên không gian mạng đã làm thay đổi rõ rệt cuộc sống của con người, thúc đẩy xã hội phát triển. Tốc độ phát triển nhanh chóng của thông tin mạng trong một phạm vi nào đó có thể ảnh hưởng đến khoảng cách cũng như việc nhận thức vị trí của con người trong xã hội, có thể tác động đến ý thức chủ quan của tất cả “cư dân trong cộng đồng mạng”. Các nhà nghiên cứu phương Tây cho rằng, thông tin mạng đã trở thành “dây thần kinh” của xã hội thế kỷ XXI.
Tăng cường truyền bá văn hóa của đảng cầm quyền
Văn hóa của một đảng cầm quyền là văn hóa của một tổ chức chính trị, lấy việc giữ vững và bảo vệ chính quyền quốc gia làm mục đích, văn hóa đảng ưu tú là một đường dẫn quan trọng để đảng cầm quyền có được sự tín nhiệm trong xã hội; và ngược lại, sự khác biệt và thay đổi của văn hóa đảng cũng sẽ đem lại sự khác biệt và thay đổi cho sự tín nhiệm của chính đảng đó.
Trong thời đại mà văn hóa được Internet truyền bá trên phạm vị rộng khắp thì sự truyền bá văn hóa đảng cũng không ngoại lệ, đó là: Thông tin mạng thực hiện việc định hướng quần chúng một cách có ý thức; Thông tin mạng giúp bồi dưỡng văn hóa đảng cho quần chúng, nó vừa có thể tạo nên phẩm chất và năng lực của người dân tham gia chính trị, vừa góp phần ổn định trật tự chính trị xã hội; Góp phần duy trì và truyền bá văn hóa đảng.
Đảng dựa vào MXH nhiều hơn để công bố những tin tức về văn hóa đảng. Với ưu thế của mình, MXH thực hiện truyền bá văn hóa đảng trên mọi phương diện, trên phạm vi rộng khắp, giúp cho quần chúng kịp thời hiểu đảng và văn hóa đảng, từ đó tăng thêm sự đồng thuận, tín nhiệm của quần chúng.
Thúc đẩy xã hội hóa chính trị
Cùng với sự phát triển của CNTT, thông tin mạng và cách liên kết đặc biệt của nó tạo nên sự thống nhất trong đảng, có khả năng phát hiện, sửa chữa, phục hồi những kiếm khuyết của tổ chức đảng, thậm chí có thể kiến tạo lại nó. Chủ yếu bao gồm:
Cung cấp những thông tin về đảng. Thông tin mạng đã trở thành kênh thông tin chính trị quan trọng để quần chúng hiểu về đảng, về chính sách vận động bầu cử, tuyên truyền; về đường lối chính sách của đảng cầm quyền, v.v..
Biểu đạt chính kiến một cách hiệu quả. Công nghệ và thông tin mạng không chỉ ảnh hưởng đến hình thức chế độ hiện hành mà còn tạo ra trình tự, quy tắc và tiêu chuẩn mới. Đi kèm với những ứng dụng về CNTT, thông tin mạng đã cung cấp một phương tiện để quần chúng tham gia vào hoạt động chính trị, nêu ý kiến, giao lưu, đồng thời cũng là một kênh quan trọng giúp đảng cầm quyền tiếp nhận thông tin.
Chỉ đạo, lãnh đạo quần chúng. MXH dùng ưu thế đặc biệt của mình để phát tán thông tin và dẫn dắt dư luận, hướng dẫn quần chúng vì sự phát triển tự thân của đảng.
Góp phần xoa dịu những căng thẳng xã hội. Người dân sử dụng diễn đàn trực tuyến, MXH, blog như: facebook, instagram, tiktok, douyin, weixin, weibo, zalo... để đăng những thông tin, ý kiến cá nhân, ở một mức độ nào đó việc này có tác dụng xoa dịu những căng thẳng xã hội, góp phần hóa giải xung đột xã hội, ổn định xã hội.
Góp phần xây dựng, củng cố hình ảnh đảng cầm quyền
Lãnh đạo của chính đảng là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng hình ảnh của đảng, là đại diện cho tinh thần và tổ chức đảng. Hình ảnh về các lãnh đạo chính đảng có trong sạch thì mới có thể nâng cao sự đoàn kết của các thành viên trong đảng và sức cảm hóa quần chúng xã hội, rất có lợi cho việc tạo nên sự tín nhiệm của quần chúng với đảng cầm quyền.
Những năm gần đây, để xây dựng hình tượng, các chính đảng đã tăng cường vận dụng sức mạnh của MXH. Lãnh đạo đảng đã truyền thông hóa quá trình ra ứng cử, một vài đảng ở các nước phương Tây đã bắt đầu lựa chọn những người nổi tiếng trên MXH và có hình ảnh xã hội tốt để làm lãnh đạo đảng.
Theo phân tích về tình hình tuyển cử tổng thống ở Mỹ năm 2012 có thể thấy trên thực tế bầu cử tổng thống chính là sự cạnh tranh trên MXH. Ở một quốc gia mà tổ chức đảng viên không chặt chẽ như Mỹ, các chính đảng đã vận dụng rộng rãi mạng xã hội như một kênh để truyền bá hình tượng lãnh đạo của đảng nhằm tăng sự đồng thuận của quần chúng đối với lãnh đạo đảng, từ nâng cao sự tín nhiệm của quần chúng đối với đảng.
Thông tin mạng và sự ảnh hưởng của nó đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam
Theo Smartinsights, tính đến tháng 4/2023, 64,6% dân số trên thế giới dùng Internet, trong đó số lượng người dùng MXH trên toàn cầu đã tăng từ 4,62 tỷ vào tháng 1/2022 lên 4,72 tỷ vào tháng 1/2023.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho thấy, tính tới tháng 9/2022, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là khoảng 70 triệu người, tăng 0,8% trong giai đoạn 2020 - 2021 (chiếm hơn 70% dân số); số người sử dụng MXH ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số).
Ở một nước có chế độ chính trị tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc, theo "Báo cáo thống kê về phát triển Internet ở Trung Quốc lần thứ 51" của Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc (CNNIC) công bố ngày 02/3/2023, tính đến tháng 12/2022, số lượng người sử dụng Internet ở Trung Quốc đạt 1,067 tỷ, tăng 35,49 triệu so với tháng 12/2021 và tỷ lệ sử dụng Internet sẽ đạt 75,6%.
Có thể thấy “cơn bão” của thời đại Internet đã hiện diện mọi lúc, mọi nơi trong đời sống xã hội. Chính vì vậy, mỗi thành viên trong xã hội đều trở thành một “nguồn thông tin” độc lập. Thông tin có thể chân thực hoặc giả tạo nhưng chỉ trong chớp mắt có thể được phát tán đến mọi ngóc ngách trên thế giới. Thông tin với nội dung bị xé vụn, lan truyền, đa chiều như vậy cũng tạo thách thức nghiêm trọng đối với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.
Trong thời đại Internet, những yêu cầu, nguyện vọng của quần chúng nhân dân càng trở nên cấp bách
Trong một thời gian dài, Đảng dựa vào mạng lưới tổ chức vững mạnh của mình để thực hiện dân ý một cách tổng hợp từ dưới lên trên, từ đó duy trì sự thống nhất trong Đảng. Nhưng trong thời đại Internet, người sử dụng MXH phát tán thông tin dưới dạng bị xé vụn và có mục đích không giống nhau. Người sử dụng MXH có thể tham gia mọi hoạt động trên trên mạng với sự trợ giúp của máy tính, điện thoại thông minh bất kỳ lúc nào. Số lượng tham gia đã vượt quá số người có thể tham gia trong xã hội thật sự.
Điều này đã tạo áp lực cực kỳ lớn cho Đảng trong việc xử lý vấn đề nóng của xã hội. Đồng thời do tính độc lập, hiện đại và phức tạp của thông tin mạng khiến cho Đảng khó khăn trong việc định hướng dư luận, thông tin.
Đối diện với những thông tin mạng gia tăng theo cấp số nhân, thì khả năng dự báo, phân tích và phán đoán một cách có hiệu quả “điểm nóng”, sử dụng các công cụ để định hướng dư luận của Đảng còn hạn chế, làm tăng thêm độ khó cho việc đưa ra những hồi đáp thích hợp.
MXH khiến cho mối quan hệ giữa chủ thể chính trị cùng với vô số những mối quan hệ khác cạnh tranh với nhau, có thể dẫn đến tình trạng quần chúng sẽ không còn xem tổ chức đảng là kênh quan trọng để phản ánh thông tin, mà sẽ trực tiếp phản ánh thông qua MXH, từ đó làm ảnh hưởng đến chức năng, vị trí, vai trò của tổ chức đảng, giảm sức ảnh hưởng của Đảng đối với xã hội.
Hệ thống tổ chức đảng nếu không tự thích ứng với tình hình mới khó có thể xử lý hữu hiệu nguy cơ truyền thông mà thông tin mạng mang lại
Cùng với số lượng người sử dụng MXH ngày càng cao trong những năm gần đây, những thông tin trên không gian mạng một mặt thể hiện hình ảnh của sự phát triển, mặt khác cũng xuất hiện số lượng lớn những thông tin “mang tính thách thức” trái với pháp luật và đạo đức, cho đến số lượng lớn những tin đồn, thông tin sai sự thật về các hiện tượng chính trị, xã hội...
Tại Trung Quốc, kết quả một cuộc khảo sát cho thấy “có khoảng 62% công dân mạng Trung Quốc biểu thị rất sẵn lòng đăng tải những thông tin mặt trái, so với công dân mạng toàn cầu thì tỷ lệ này là 41%”. Nếu những thông tin trên không gian mạng không được kiểm soát thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín chính trị của chính phủ và đảng cầm quyền, làm giảm sự tín nhiệm của quần chúng xã hội đối với Đảng.
Cần thích nghi với yêu cầu của thời đại Internet
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự phát triển của CNTT đã làm tăng thêm khả năng nắm bắt thông tin chính trị của quần chúng, cũng mở rộng thêm phương thức để người dân tham gia vào hoạt động chính trị, quản lý xã hội.
Điều này khiến cho quần chúng càng trở nên lý trí và thực tế hơn, họ luôn dựa vào những nhu cầu cá nhân và lợi ích xã hội để tham gia vào hoạt động chính trị.
Đối diện với quần chúng nhân dân ngày càng có ý thức vị trí, vai trò của mình, cộng thêm sức mạnh to lớn của MXH, nếu Đảng không theo kịp thời đại, không chủ động thích ứng trước tác động, yêu cầu của MXH thì những áp lực mà Đảng phải đối mặt sẽ ngày càng tăng với biên độ rộng.
Ảnh hưởng đến phương thức truyền thông của Đảng
Phương thức truyền thông của MXH cho đến những hình thức ngôn ngữ đặc trưng của nó giúp truyền tải thông tin nhanh hơn, quần chúng nhân dân có sự trao đổi thông tin một cách trực tiếp hơn, vì vậy chúng có sức hấp dẫn lớn hơn, điều đó khác với việc tổ chức đảng sử dụng kênh báo đài theo cách truyền thống để tạo sự ảnh hưởng đến quần chúng.
Trong thời đại Internet, hình thức cổ động và những chương trình dưới hình thức tuyên truyền truyền thống sẽ trở nên khó thực hiện và không đạt nhiều hiệu quả truyền thông nữa. Do vậy, nếu vẫn sử dụng những hình thức tuyên truyền như truyền bá một chiều, áp đặt, duy ý chí, nặng về lý thuyết… đối với quần chúng, mà không kịp thời thay đổi tư duy và thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ, phương thức truyền thông của Đảng có khả năng sẽ tạo nên xung đột, hạn chế việc tiếp cận nắm bắt tư tưởng quần chúng.
Yêu cầu đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự tác động của thông tin mạng
Theo nhiều báo cáo thống kê tình hình phát triển của MXH trên thế giới cũng như ở Việt Nam cho thấy, “thời đại mạng Internet đã đến”. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc cấp bách trước mắt đó là tích cực hướng dẫn quần chúng tham gia các hoạt động chính trị, tìm ra cách thức đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trước sự tác động to lớn của thông tin mạng một cách hiệu quả.
Nhìn nhận một cách biện chứng về “tác động tiêu cực” của thông tin mạng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng
Thời đại Internet, con người thông qua các trang mạng để thực hiện việc đăng tải truyền tải thông tin, điều này khiến cho tốc độ truyền bá thông tin nhanh hơn, người xem vì vậy cũng gia tăng nhanh chóng.
Tuy vậy, một số nơi vẫn còn hiểu lầm và nhìn nhận MXH một cách phiến diện, chỉ nhìn được số lượng thông tin bùng phát và khó khăn trong vấn đề quản lý, từ đó phản ứng một cách tiêu cực.
Do vậy quan tâm theo dõi, phát triển MXH chính là quyết sách chiến lược, yêu cầu Đảng cần thay đổi cách thức tư duy truyền thống, tôn trọng quy luật phát triển của mạng Internet, tận dụng triệt để ưu thế và thế mạnh của các trang MXH, giữ vững sự minh bạch, công khai của thông tin, kịp thời ứng phó với những sự kiện xã hội đa dạng. Ngoài ra còn cần phải chú ý đến những vấn đề sau:
- Nhìn nhận đúng đắn về tư tưởng mang tính phê phán của công dân mạng, phải có thái độ bao dung để tiếp nhận sự phê phán của những người sử dụng mạng, nếu một xã hội thiếu đi những tư tưởng mang tính phê phán, mang tính sáng tạo thì sẽ trở nên khiếm khuyết.
- Nhìn nhận đúng đắn những cái được gọi là “thông tin mặt trái”, “giả tạo” là kết quả tất yếu của dư luận MXH theo chiều hướng cực đoan hóa, đồng thời trên MXH thường xuất hiện những thông tin không chính xác như thiên tai, những vấn đề đột biến của xã hội, v.v., nhưng chỉ cần các tổ chức chính quyền kịp thời xác minh sự thật thì có thể nhanh chóng loại bỏ những thông tin không chính xác đó. Kinh nghiệm về phương diện này đã cho thấy, Đảng ta đã công khai thông tin kịp thời và chính xác để tạo sự ổn định của xã hội.
- Nhìn nhận đúng đắn sự giám sát MXH. Sự giám sát này tuy có một số đặc điểm như mang tính lạc hậu, không chân thật, nhưng cùng với sự kiện toàn của giám sát MXH sẽ góp phần xây dựng Đảng vững mạnh.
Giữ vững nguyên tắc thông tin mạng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng
Tôn trọng sự phát triển của MXH đồng thời cũng cần phải đảm bảo nguyên tắc Đảng lãnh đạo thông tin trên không gian mạng. Cụ thể:
- Làm tư tưởng chính thống của dư luận trở nên lớn mạnh. Cần phải kiên trì sự chỉ đạo đúng đắn, nâng cao năng lực dẫn dắt dư luận. Các ban ngành có liên quan của Đảng cần phải kịp thời nắm bắt những động thái trên MXH, nhất là đối với một số sự kiện mang tính tập thể và những động thái về mặt tư tưởng của quần chúng nhân dân... Cần sử dụng triệt để các phương tiện truyền thông chính thống để tiến hành dẫn dắt dư luận.
- Nâng cao năng lực sử dụng MXH của cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực sử dụng MXH của các cán bộ trong Đảng với mục đích xây dựng vị trí cầm quyền của Đảng, gia tăng sự đồng thuận của quần chúng đối với Đảng, từ đó nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Các cán bộ của Đảng đều phải không ngừng nâng cao khả năng sử dụng mạng xã hội, bao gồm cả việc sử dụng MXH để đăng tải những ý kiến cá nhân nhằm giải thích đường lối, phương châm, chính sách của Đảng và Nhà nước; có khả năng giao lưu cùng với đại đa số quần chúng trên không gian mạng.
- Hoàn thiện việc Đảng sử dụng MXH như một công cụ, phương thức nhằm tuyên truyền về đường lối, chính sách. CNTT từ lâu nay chính là yếu tố mạnh mẽ và hiệu quả để thực hiện việc cổ động chính trị. Trong môi trường Internet, thông tin mạng đã trở thành phương tiện truyền thông có tính khai phóng, lý luận được đại chúng hóa.
Nâng cao “năng lực mềm” của Đảng
Các nhà chính trị học đều tin rằng, trong xã hội ngày nay, các phương tiện truyền thông có thể tạo nên thái độ chính trị, tín ngưỡng chính trị của công dân. Trong thời đại Internet, nuôi dưỡng giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, hoàn thiện hệ thống chế độ dân chủ, cho đến xây dựng hình ảnh của đảng cầm quyền là một trong số những con đường phải đi để tăng cường sức mạnh của một đảng cầm quyền.
Xây dựng giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội, tạo nên sự đồng thuận của quần chúng đối với Đảng. Giá trị cốt lõi của một xã hội là lý tưởng chung của xã hội đó, bao hàm cả niềm tin chung của công dân, là giá trị cơ sở mà cả quốc gia đó đồng thuận. Làm tốt công tác định hướng dư luận trên MXH là một nhiệm vụ lâu dài; cần phải sáng tạo, cải tiến việc tuyên truyền trên mạng, tận dụng MXH để truyền bá những đường lối, chính sách, pháp luật, phát huy mạnh mẽ những sự vận động tích cực, những năng lượng tích cực. Đây không chỉ là cách chủ yếu để nâng cao “năng lực mềm” của Đảng, mà đó cũng là con đường để tạo nên sự tin tưởng, đồng thuận của quần chúng đối với Đảng.
Tạo sự đồng thuận về mặt lợi ích của quần chúng đối với Đảng. Điều này yêu cầu Đảng phải thực sự làm cho dân, vì dân, trung thực, tin cậy; Đảng là đại diện xứng đáng cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và cả dân tộc, vì vậy cần đảm bảo lợi ích của Đảng hài hòa với lợi ích chung của quần chúng; tạo nên sự tin tưởng đồng thuận của quần chúng đối với Đảng./.
Tài liệu tham khảo
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Luật An ninh mạng, ngày 12 tháng 6 năm 2018.
2. Huỳnh Thanh Hiếu: “Mạng xã hội và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên khi tham gia”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1/11/2018.
3. TS Nguyễn Duy Hạnh, ThS Đinh Thị Thu Nga: “Văn hóa mạng ở Việt Nam, thực trạng và giải pháp quản lý”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 1/3/2017.
4. Khánh Minh: “Trách nhiệm cá nhân khi tham gia mạng xã hội”, Báo Nhân dân điện tử, ngày 6/4/2017.
5. Báo cáo thống kê lần thứ 51 của CNNIC về phát triển Internet tại Trung Quốc, Trung tâm Thông tin mạng Trung Quốc.
6. Trịnh Vĩnh Niên: “Trao quyền công nghệ: Internet, xã hội và quốc gia của Trung Quốc”, bản dịch tiếng Trung của Khưu Đạo Long, Nxb. Phương Đông, Bắc Kinh, 2014./.