Hà Nội phát triển du lịch nông nghiệp gắn với quá trình chuyển đổi số
Truyền thông - Ngày đăng : 07:38, 15/06/2023
Hà Nội phát triển du lịch nông nghiệp gắn với quá trình chuyển đổi số
Trong chiến lược phát triển của ngành du lịch Thủ đô, du lịch nông nghiệp, nông thôn là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, loại hình du lịch này phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Nền tảng vững chắc để phát triển
Du lịch nông nghiệp là loại hình dựa trên nền tảng khai thác hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu. Mặt khác, du lịch nông nghiệp còn là chuỗi hoạt động dịch vụ và tiện nghi được cung cấp để khai thác các giá trị ở nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, giáo dục, vui chơi cho du khách, từ đó tạo ra thu nhập cho nông dân và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Hà Nội được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nông nghiệp gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới. Theo Sở Du lịch Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 11 trang trại nông nghiệp sinh thái hoạt động theo mô hình giáo dục, du lịch trải nghiệm. 4 hợp tác xã nông nghiệp khai thác mô hình trang trại đồng quê, tiêu biểu như: Công viên nông nghiệp Long Việt (huyện Sóc Sơn), Trang trại đồng quê (huyện Ba Vì), Trang trại học đường Vạn An (huyện Thanh Trì), Vườn sinh thái Phúc Thọ Hoa Bay (huyện Phúc Thọ).
Ngoài ra, một số điểm được du khách biết đến nhiều như: Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây), làng gốm Bát Tràng, làng hoa giấy Phù Đổng (huyện Gia Lâm), làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân (huyện Thường Tín), hồ Đồng Đò, núi Hàm Lợn (huyện Sóc Sơn)...vv.
Ông Nguyễn Hải Đăng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) cho biết, địa phương xác định đẩy mạnh du lịch nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, xã đã hoàn thiện xây dựng khu trải nghiệm Sen Hồng thuộc quần thể chùa Khánh Vân, trùng tu đình Cả, đầu tư xây dựng khu Đảo hoa tiên - Xứ mây hồng (diện tích 2ha ở khu vực bãi sông Hồng - nơi gắn với truyền thuyết về Chử Đồng Tử gặp Tiên Dung).
Để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, xã Hồng Vân còn cải tạo trụ sở UBND xã cũ làm nơi lưu trú. Ngoài ra, xã cũng chú trọng công tác tập huấn cho đội ngũ hướng dẫn viên và thành viên Ban quản lý Du lịch của địa phương về nghiệp vụ đón khách.
Hiện, Hà Nội đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Dự kiến đến hết năm 2023, thành phố có tổng số 53 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là cơ sở quan trọng để Thủ đô lựa chọn xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.
Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp
Trước đó, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 73/KH-UBND, “Về phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó, Hà Nội đề ra mục tiêu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã có tiềm năng và thế mạnh về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn triển khai ít nhất từ 1 - 3 sản phẩm “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”.
Thành phố cũng đặt mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng thí điểm 6 mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch cộng đồng, làng du lịch thông minh... theo hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, thời gian tới Hà Nội sẽ tập trung vào nhiều giải pháp cụ thể. Đầu tiên cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin để thu thập thông tin, điều tra, xử lý, đánh giá hiện trạng du lịch nông nghiệp phục vụ quy hoạch, quản lý hiệu quả mô hình du lịch nông nghiệp. Việc phát triển du lịch nông nghiệp gắn với quá trình chuyển đổi số (CĐS) được coi là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp phát triển nhanh và hiệu quả.
Tiếp theo, tính toán, lựa chọn các mô hình du lịch phù hợp với văn hóa từng địa phương, trên cơ sở đó hình thành các vùng du lịch mang tính đặc thù riêng nhằm thu hút du khách tới tham quan.
Muốn vậy, trong quá trình xây dựng, phát triển đầu tư các điểm du lịch nông nghiệp cần gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bố trí và tổ chức không gian lãnh thổ các khu du lịch, các điểm du lịch phù hợp với tiềm năng phát triển du lịch và bảo đảm kết nối các tuyến du lịch trọng điểm giữa các địa phương; Cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các điểm du lịch, bảo đảm hài hòa với không gian, cảnh quan và gắn với đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng, miền.
Sự khác biệt mang tính đặc trưng của địa phương, vùng, miền sẽ nâng cao tính cạnh tranh cho du lịch nông nghiệp, bắt kịp xu hướng và thị hiếu của du khách.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần tăng cường quảng bá du lịch thông qua đẩy mạnh CĐS, tạo sự kết nối khơi dậy sức mạnh nội sinh của cộng đồng dân cư tại chỗ; Xây dựng các mô hình làng du lịch thông minh tạo liên kết với các điểm lân cận, hình thành chuỗi du lịch phục vụ du khách có nhu cầu đi dài ngày.
Xác định con người là yếu tố cốt lõi để phát triển, các cấp chính quyền Thủ đô luôn chú trọng, quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách đủ sức hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp./.