Xây dựng chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số
Diễn đàn - Ngày đăng : 07:40, 04/07/2023
Xây dựng chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia để thúc đẩy chuyển đổi số
Theo các chuyên gia, để tránh tình trạng cát cứ, không muốn chia sẻ và tạo thành các đường thẳng song song về dữ liệu số, Việt Nam cần có một chiến lược phát triển dữ liệu tổng thể, từ đó tạo ra các quy hoạch và hình thành nên các văn bản pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp (DN), địa phương. Chỉ có như vậy, tài nguyên số mới có thể thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá.
Tóm tắt:
- Thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023 - Các DN đều nhìn thấy dữ liệu là mỏ vàng và bắt đầu lộ thiên.
- Còn hiện tượng cát cứ dữ liệu; chia sẻ dữ liệu và các nguyên tắc kết nối dữ liệu còn gặp nhiều vấn đề.
- Nguyên nhân: có thể do cơ quan nhà nước (CQNN) không muốn chia sẻ; nhiều đơn vị muốn chia sẻ nhưng hạ tầng kỹ thuật cũng như nhiều yếu tố khác không cho phép chia sẻ.
- Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia; xây dựng mô hình tham chiếu dữ liệu chuẩn
Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”
Theo Vietnam - Briefing thị trường dữ liệu của Việt Nam dự kiến đạt 1,82 tỷ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của thị trường dự kiến là 5,32% trong giai đoạn 2023-2027.
Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số (CĐS) Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) được tổ chức ngày 24 - 25/5 với chủ đề: “Khai thác dữ liệu số và kết nối thông minh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, với CĐS, tất cả mọi người, mọi thành phần đều phải tham gia thì mới có tài nguyên số. Tài nguyên số còn hơn cả một “mỏ vàng”, là một nguồn tài nguyên vô tận từ tư duy, sáng tạo và trí tuệ mà thế giới đã và đang tạo lập và khai thác.
“Đó là 1 nguồn tài nguyên mới, tài nguyên xanh, giúp chúng ta phục hồi tài nguyên tự nhiên, thúc đẩy kinh tế phát triển đột phá”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch FSI cũng cho biết dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới quan trọng không kém gì những tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, than đá... và đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình kinh tế số.
Vì vậy, việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình CĐS quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả thì cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên 1 cơ sở dữ liệu (CSDL) lớn tập trung và đầy đủ thông tin.
Ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch VINASA cho biết, các DN đều là nhìn thấy dữ liệu là mỏ vàng, đây là lúc “mỏ vàng” bắt đầu lộ thiên. Đây là lúc các đơn vị bắt tay vào công cuộc CĐS mạnh mẽ hơn. Bởi vì, dù nói là “mỏ vàng” nhưng khai thác như thế nào là một con đường dài.
Với vai trò đại diện cho CQNN, ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng phụ trách Cục CĐS Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã nêu rõ về quan điểm về khai thác và phát triển dữ liệu số. “Đầu tiên, dữ liệu là tài nguyên mới, có thể coi là đất đai trên không gian số. CQNN xây dựng và mở tài nguyên này nhằm phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, ông Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, CQNN thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số. Việc phát triển Chính phủ số có toàn bộ hoạt động an toàn trên môi trường số, có mô hình hoạt động được thiết kế lại và vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Do đó, trong thời gian tới, Cục sẽ thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy dữ liệu số như tiếp tục phát triển CSDL quốc gia, quản lý CSDL quốc gia hiệu quả, đảm bảo khả năng kết nối chia sẻ dữ liệu, triển khai nềm tảng số thu thập cũng như quản lý dữ liệu, và thúc đẩy, khai thác tiềm năng dữ liệu lớn nhằm tạo động lực phát triển kinh tế xã hội. Từ đó, người dân, DN chỉ cung cấp thông tin 1 lần cho CQNN khi thực hiện Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) cũng như các đơn vị được khai thác dữ liệu, dữ liệu mở do CQNN cung cấp để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Cần tháo gỡ vướng mắc trong việc kết nối, chia sẻ dữ liệu
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn tạo lập được dữ liệu số thì phải có hạ tầng số, nền tảng số và hệ thống các dịch vụ số được kết nối, chia sẻ và liên thông với nhau. Qua đó, hình thành CSDL quốc gia, bước đầu tạo nên bức tranh tổng thể về các địa phương, các vùng, các bộ, ban, ngành.
Đồng thời, để khai thác dữ liệu số hiệu quả, các chính quyền địa phương phải “cởi mở”, sáng tạo và linh hoạt hơn trong chính sách quản lý dữ liệu; cùng hợp tác, chia sẻ, sử dụng dữ liệu số một cách thông minh để nhanh chóng có những mô hình quản trị mới giải quyết bài toán của địa phương, tạo ra dịch vụ mới, mô hình kinh tế số mới cho địa phương. Từ đó, thúc đẩy liên kết vùng trong dữ liệu số.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa, hiện nay, việc cát cứ dữ liệu, chia sẻ dữ liệu và các nguyên tắc kết nối dữ liệu còn gặp nhiều vấn đề. Để thúc đẩy tiến trình này, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia để qua đó có các văn bản pháp lý cho việc chia sẻ dữ liệu. Chiến lược là phương pháp luận và kế hoạch tạo, kết nối và dùng dữ liệu để đạt mục tiêu thúc đẩy kinh tế - xã hội với những sự chuẩn bị nhân lực, kiến trúc dữ liệu và mô hình quản trị dữ liệu. “Đây sẽ là kim chỉ nam cho tạo lập và khai thác dữ liệu số mang lại những giá trị lớn cho kinh tế, tại Việt Nam”, ông Khoa khẳng định.
Cùng quan điểm, theo ông Tiến, thực trạng kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương cũng như xây dựng thể chế, kết nối chia sẻ nguồn dữ liệu quốc gia hiện còn nhiều vướng mắc. Nguyên nhân thứ nhất có thể do CQNN không muốn chia sẻ.
Nguyên nhân thứ hai, nhiều đơn vị muốn chia sẻ nhưng hạ tầng kỹ thuật cũng như nhiều yếu tố khác không cho phép chia sẻ. Để giải quyết vấn đề chia sẻ dữ liệu, ông Tiến cho rằng, trên quy mô quốc gia cần xây dựng khung kiến trúc chính phủ điện tử (CPĐT). Ở phía dưới, mỗi bộ, tỉnh cần xây dựng nền tảng và trung tâm kết nối chia sẻ dữ liệu.
Hiện tại, các bộ, các tỉnh, thành phố đã xây dựng được Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu NDXP do các cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) triển khai, quản lý. “Các nền tảng này sẽ được tích hợp trên quy mô quốc gia để có được sự liên thông dữ liệu giữa các bộ, các tỉnh, thành phố”, ông Tiến nói.
Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2023: 100% các CQNN cung cấp dữ liệu mở; Hơn 10 bộ, ngành, địa phương xây dựng Cổng dữ liệu mở; Cổng dữ liệu quốc gia tại địa chỉ Data.gov. vn có hơn 10.000 tập dữ liệu để các đơn vị chia sẻ và khai thác.
Theo Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), sau hơn 1 năm triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS Quốc gia, giai đoạn 2022 -2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) được Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt ngày 6/1/2022, đề án đã nhận diện được đúng và trúng với thực trạng hạ tầng CNTT của khối CQNN trên cả 3 mặt bao gồm hạ tầng CNTT, con người, pháp lý. Như việc hạ tầng CNTT chưa thực sự đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho người dân, cán bộ, viên chức, công chức tham gia và thực hiện trên môi trường số.
“Chưa kể, dù nói nhiều về dữ liệu, nhưng thực tế, kho dữ liệu của một tỉnh đã thực sự có chưa, hay có rồi nhưng không biết xử lý như thế nào để cắt giảm thủ tục hành chính cho người dân. Hoặc mọi người vẫn nghe giới thiệu tỉnh có trung tâm IOC, nhưng đa phần đều là dữ liệu “chết” thay vì sử dụng để cắt giảm thủ tục cho người dân”, Đại tá Vũ Văn Tấn bày tỏ.
Ngoài ra, theo Đại tá Vũ Văn Tấn, một vấn đề gặp phải tiếp theo về dữ liệu số liên quan đến nhận thức. Theo đó, nếu dữ liệu của một bộ, ban, ngành tạo ra chỉ “một chiều” thì sẽ không thể giải quyết được vấn đề gì hoặc chỉ giải quyết được bài toán mà ngành đó gặp phải. Còn nếu dữ liệu đó muốn sử dụng để hoạch định chính sách lớn ở tầm quốc gia hay vùng miền thì phải có tính “đa chiều”, phải kết nối và xoá bỏ tư duy cát cứ dữ liệu. “Chúng ta đang có nguy cơ tạo các đường thằng song song không thể gặp được nhau, không thể hoạch định chính sách dữ liệu”, Đại tá Vũ Văn Tấn nhấn mạnh.
Một vấn đề khác đang gặp phải là nhiều địa phương tạo ra dữ liệu không đúng, không trúng với tình hình thực tế của tỉnh mình. Ví dụ như một tỉnh nông nghiệp thì phải xây dựng các bộ dữ liệu phục vụ cho nông nghiệp, khí hậu, đất đai...
“Cuối cùng, bên cạnh việc trông chờ vào các Bộ để thụ hưởng, địa phương cũng cần phải tạo ra dữ liệu để phục vụ cho chính mình”, Đại tá Vũ Văn Tấn chia sẻ thêm.
Với góc nhìn của DN, ông Nguyễn Hoàng Minh - Tổng Giám đốc FPT Information System (FIS) - thành viên Tập đoàn FPT, việc khai thác và xây dựng CSDL quốc gia vẫn còn đó những thách thức, bên cạnh câu chuyện thể chế và hành lang pháp lý, việc xây dựng CSDL quốc gia phải đối diện với hai bài toán lớn.
Thứ nhất đến từ sự biến đổi liên tục, nhanh chóng của công nghệ - tỷ lệ nghịch với độ trễ trong quá trình xem xét phê duyệt đầu tư công. Làm thế nào để duy trì được tốc độ đầu tư theo kịp được tốc độ của công nghệ, đó là một thách thức rất lớn. Nút thắt thứ hai là bài toán nguồn lực đầu tư công không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu của xã hội.
Qua đó, để xây dựng CSDL hiệu quả, cần thực hiện kết hợp giữa ba yếu tố công nghệ, con người, hành lang pháp lý. Ở góc độ công nghệ, cần công nghệ xử lý phân tích dữ liệu lớn, AI để làm việc thu thập, làm sạch, lưu trữ, phân tích, khai thác đáp ứng các nhu cầu trong quản lý nhà nước, điều hành chỉ đạo và kiến tạo các giá trị mới, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu.
Ở góc độ con người, cần nguồn nhân lực số cho xã hội, hiểu biết sâu sắc về dữ liệu số - sử dụng, khai thác dữ liệu một cách hiệu quả. Cuối cùng, ở góc độ pháp lý, quản trị dữ liệu quốc gia - data governance là vấn đề phức tạp, đó là khai thác dữ liệu đúng mục đích, đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của dữ liệu.
Bài học kinh nghiệm khi triển khai dữ liệu số từ các địa phương, doanh nghiệp Đã có không ít các địa phương đã tận dụng tốt dữ liệu số để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Như tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, địa phương này đã triển khai được hệ thống camera an ninh trên toàn tỉnh với 642 camera, 27 giải pháp AI và đã đạt được rất nhiều thành quả đáng kinh ngạc, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Cụ thể, nhờ hệ thống camera mà tỉnh đã ghi ghi nhận bình quân: Hơn 2.000.000 lượt vi phạm giao thông được xử phạt nguội/năm; Phối hợp cơ quan chức năng truy vết tội phạm hơn hơn 765 vụ án; ghi nhận 5.821 trường hợp vi phạm liên quan đến lĩnh vực môi trường...
Chia sẻ tại Diễn đàn, theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Thừa Thiên - Huế, để xây dựng chiến lược tổ chức triển khai được tốt thì có 5 vấn đề cần phải đảm bảo, bao gồm: Xây dựng nguồn dữ liệu; Lưu trữ chuẩn hóa; Vận hành chia sẻ; Kết nối thu thập; Tạo ra giá trị.
“Điểm đặc biệt cần lưu ý là khi chúng ta tổ chức dữ liệu thì ngay từ ban đầu phải xác định điều đó có sự tương tác với người dân, tìm ra những điểm để người dân thụ hưởng”.
Khi lấy người dân làm trung tâm thì mọi vấn đề sẽ được thực hiện nhanh hơn nhưng về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo các yêu cầu như: Người dân phải được tiếp cận với nguồn dữ liệu chính thống; Người dân phải được thụ hưởng các tiện ích và có quyền tham gia tương tác công khai và để người dân có quyền được hỏi ý kiến; Cơ chế giám sát cũng phải công khai để đảm bảo tính minh bạch và dữ liệu phải tạo ra giá trị. Cuối cùng là cần phải quan tâm đến các yếu tố đồng bộ.
Từ kinh nghiệm của địa phương, ông Vũ Hùng Dũng, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai cho biết, cần xác định rõ 2 mức khi làm Chiến lược dữ liệu. Các địa phương nên làm sớm, vì chiến lược dữ liệu sớm được ban hành thì các cơ quan sẽ có định hướng chung để thực hiện; góp phần đảm bảo các dữ liệu được chia sẻ, liên thông; giảm việc phải chuẩn hóa, làm sạch dữ liệu trong công tác phân tích, xử lý dữ liệu; đồng thời cũng là định hướng để các cơ quan đầu tư CNTT không bị chồng chéo, trùng lắp, gây ra lãng phí nguồn lực.
Theo ông Minh, tại FPT, với quy mô 11 công ty thành viên - công ty liên kết, hoạt động ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, khối lượng dữ liệu cần quy hoạch, xử lý là “tài nguyên” khổng lồ. Sau 3 năm triển khai, dự án Hồ Dữ liệu FPT (FPT Data Lake) đã mang lại những kết quả tích cực cho trong quản trị, kinh doanh, khi những quyết định quan trọng có thể được đưa ra ngay trong ngày thay vì vài tuần. Những lợi thế trên góp phần giúp FPT kinh doanh không gián đoạn. Năm 2022, doanh thu cán mốc 44.010 tỷ đồng, tăng trưởng đến 23% trong một năm nhiều bất định.
Từ kinh nghiệm hợp tác toàn diện với 25 tỉnh, thành phố và tư vấn xây dựng chiến lược dữ liệu cấp tỉnh cho tỉnh Lào Cai, TP. HCM... theo FPT, để triển khai, cần phân định rõ các dữ liệu địa phương cần xây dựng, hình thành các CSDL dùng chung trên cơ sở kế thừa, đồng bộ với các CSDL quốc gia đã và đang triển khai, đồng thời đề xuất các nhóm thông tin cần hình thành...
Có thể nói, để thúc đẩy tiến trình CĐS tại Việt Nam tạo ra những kết quả thực, những giá trị thiết thực cho nền kinh tế - xã hội, Việt Nam cần một chiến lược tổng thể dữ liệu số quốc gia. Trong đó, theo đề xuất từ các chuyên gia, đầu tiên, từ bài học của Estonia, Malaysia, Canada..., sự hợp lực từ Chính phủ, địa phương và DN theo mô hình hợp tác công tư (PPP) sẽ là lời giải then chốt giúp tối ưu chi phí, nguồn lực, rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Mặt khác, cần xây dựng mô hình tham chiếu dữ liệu chuẩn để định hướng chiến lược phát triển dữ liệu, đảm bảo thống nhất từ trung ương xuống địa phương, ưu tiên phát triển dữ liệu gốc, dữ liệu chủ, danh mục dữ liệu và CSDL chuyên ngành. Việc phát triển dữ liệu phải gắn với quản trị dữ liệu và đảm bảo an toàn bảo mật dữ liệu.
Ngoài ra, việc chia sẻ dữ liệu và xây dựng cổng dữ liệu cần thực hiện theo mô hình mở để cung cấp dữ liệu tạo động lực nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo và phát triển dịch vụ số thông minh.
Phương án xây dựng hồ dữ liệu (data lake) cũng cần được tính đến nhằm phục vụ lưu trữ (cấu trúc, phi cấu trúc, bán cấu trúc) và phân tích lượng lớn dữ liệu đáp ứng phục vụ CĐS, phát triển kinh tế - xã hội./.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 6 tháng 6/2023)