Sửa đổi Luật Viễn thông theo hướng tiếp cận quản lý mềm

Diễn đàn - Ngày đăng : 16:40, 19/06/2023

Quản lý mềm (light-touch regulation) là định hướng mới của Bộ TT&TT trong sửa đổi luật Viễn thông.
Diễn đàn

Sửa đổi Luật Viễn thông theo hướng tiếp cận quản lý mềm

Hoàng Linh 19/06/2023 16:40

Quản lý mềm (light-touch regulation) là định hướng mới của Bộ TT&TT trong sửa đổi luật Viễn thông.

Ngày 19/6/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức hội thảo về dự án luật Viễn thông (sửa đổi) tập trung 2 chính sách mới là: quản lý dịch vụ trung tâm dữ liệu (IDC), dịch vụ điện toán đám mây (ĐTĐM) và dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT viễn thông).

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì hội thảo. Tham dự có đại diện Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, các đơn vị thuộc Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, TTDL, đám mây, OTT trong và ngoài nước, các hiệp hội TT&TT, các tổ chức trong và ngoài nước, một số văn phòng, công ty tư vấn Luật.

hoi-thao-sua-doi-luat-vien-thong-19062023.jpg
Toàn cảnh hội thảo

Đề xuất chính sách quản lý dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM

Ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT, thường trực Ban soạn thảo dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) cho biết pháp luật chuyên ngành hiện hành chưa có quy định quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ TTDL và dịch vụ ĐTĐM. Luật Đầu tư quy định dịch vụ TTDL là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tổ chức thương mại thế giới (WTO) có định nghĩa dịch vụ viễn thông giá trị gia tăng là các dịch vụ lưu trữ và truy xuất thông tin thông qua mạng viễn thông. Biểu cam kết của Việt Nam về dịch vụ viễn thông trong WTO cũng có đề cập đến loại hình dịch vụ lưu trữ và truy xuất thông tin.

Trên thế giới, một số quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc,... đã quy định dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông.

Do đó, cần thiết phải quy định rõ về loại hình dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM trong Luật Viễn thông (sửa đổi) để làm rõ về phân loại dịch vụ này, các điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện kinh doanh, khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo thuận lợi, minh bạch cho các doanh nghiệp thực hiện kinh doanh các dịch vụ này.

Đề xuất chính sách quản lý là: Quản lý về bảo vệ dữ liệu và quản lý mềm (light-touch regulation) đối với dịch vụ TTDL, đám mây để khuyến khích phát triển.

Quản lý mềm gồm 3 nội dung: (1) Về điều kiện tiếp cận thị trường và hình thức cấp phép là không hạn chế tỷ lệ vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh dịch vụ TTDL, đám mây tại Việt Nam. Trường hợp nhà cung cấp TTDL/đám mây chỉ cung cấp dịch vụ cho khách hàng nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam thì đề xuất không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký/cấp phép để tạo điều kiện cho việc xây dựng các TTDL tại Việt Nam để cung cấp dịch vụ đám mây cho khách hàng ở nước ngoài. Tuy nhiên, vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh mạng (xử lý thông tin vi phạm pháp luật của Việt Nam); (2) Nghĩa vụ đóng phí quyền hoạt động viễn thông và (3) Nghĩa vụ đóng góp vào Quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông.

Các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải có một số các nghĩa vụ về bảo đảm an ninh, quyền lợi của người sử dụng (NSD) như chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ, mức độ tuân thủ theo tiêu chuẩn đã đăng ký hoặc công bố.

Khi NSD ngừng dịch vụ phải: (i) trả lại dữ liệu của NSD hoặc (ii) chuyển giao dữ liệu cho bên thứ ba nếu có yêu cầu của NSD và điều kiện kỹ thuật là khả thi hoặc (iii) xóa bỏ nếu NSD không thể nhận lại hoặc không muốn nhận trả lại.

Bên cạnh đó, cần thông báo ngay cho NSD dịch vụ trong các trường hợp: (i) Khi xảy ra sự cố an toàn thông tin mạng; (ii) Khi dữ liệu của người sử dụng bị tiết lộ trái phép; (iii) Khi dịch vụ bị gián đoạn mà không có thông báo trước; Bảo đảm bí mật thông tin người dùng; Không được truy nhập, khai thác, sử dụng thông tin của NSD nếu chưa được NSD đồng ý; Tiến hành kịp thời các biện pháp cần thiết để ngăn chặn việc truy nhập thông tin theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thông tin lưu trữ là vi phạm pháp luật.

Chính sách quản lý dịch vụ OTT viễn thông

Về chính sách quản lý dịch vụ OTT viễn thông, ông Nguyễn Thành Phúc cho biết các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (gọi tắt là OTT viễn thông - dịch vụ trên Internet cung cấp tính năng tương tự dịch vụ viễn thông như gọi điện thoại, nhắn tin,...) được sử dụng ngày càng phổ biến, có khả năng thay thế cho các dịch vụ viễn thông trong khi pháp luật hiện hành chưa có quy định quản lý, dẫn đến không bảo đảm quyền lợi của NSD, an toàn, an ninh thông tin.

Trên thế giới, khu vực châu Âu và một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc,... đã quy định dịch vụ OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông và quản lý theo pháp luật về viễn thông. Do đó, cần thiết phải quản lý dịch vụ OTT viễn thông ở mức độ phù hợp trên nguyên tắc các dịch vụ có tính năng tương tự như nhau thì cần quản lý trong cùng một khung pháp luật nhằm bảo đảm quyền lợi NSD, an toàn an ninh.

Đề xuất chính sách quản lý cũng bao gồm:

(1) Quản lý mềm (light-touch regulation) đối với dịch vụ OTT viễn thông, gồm: (i) Về cấp phép; (ii) Giá cước: OTT phải niêm yết giá (nếu có thu cước); (iii) Nghĩa vụ đóng phí quyền hoạt động viễn thông; (iv) Nghĩa vụ đóng Quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông; (v) Quản lý chất lượng;

(2) Về vấn đề bảo đảm an toàn an ninh, OTT viễn thông có các trách nhiệm: Lưu trữ, quản lý thông tin người dùng; Cung cấp thông tin người dùng khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan;

(3) Bảo vệ NSD: Bảo đảm bí mật thông tin người dùng và bảo vệ dữ liệu người dùng.

Xây dựng các chính sách quản lý dựa trên tiếp cận mềm: Hướng đi mới của thế giới

Ông Nguyễn Thành Phúc nhấn mạnh: Phiên bản luật dự thảo Viễn thông (sửa đổi) và các nội dung chính sách được đề xuất lần này là tiếp cận quản lý mềm (light-touch regulation). “Đây là cách quản lý mới được đưa ra tại phiên bản dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lần này, thể hiện sự tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước. Cách tiếp cận này cũng là cách tiếp cận mới trên thế giới".

Đồng quan điểm, ở góc độ của Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VIA cho biết dự thảo của Luật Viễn thông sửa đổi lần này đã tiếp cận mở và giải đáp băn khoăn của Hiệp hội là OTT viễn thông là dịch vụ viễn thông cơ bản là điện thoại, nhắn tin, điện thoại truyền hình. Hiệp hội ủng hộ quan điểm của các chính sách là để bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ quyền lợi người dùng về chất lượng và dữ liệu.

Ông Vũ Thế Bình cho biết hiện có nhiều quan điểm về dịch vụ OTT và nhớ lại “Thời điểm năm 1997 khi Internet chuẩn bị vào Việt Nam cũng có hai luồng quan điểm là Internet có phải là dịch vụ viễn thông hay không. Quan điểm quốc tế coi Internet không phải là dịch vụ viễn thông nhưng giao thức Internet, chuyển mạch gói là chạy trên các hạ tầng viễn thông. Tổng Cục Bưu điện thời điểm đó đã xây dựng quy định Internet là dịch vụ viễn thông. Theo đó, cùng với các nước, Việt Nam đã chọn điều tiết Internet trong lĩnh vực viễn thông".

Luật quan trọng tạo nền tảng cho phát triển kinh tế

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết hội thảo là dịp để các đại biểu, chuyên gia trao đổi, chia sẻ về Luật Viễn thông, luật rất quan trọng, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Trước các ý kiến trao đổi tại Hội thảo về việc có gom các nội dung trên vào chung dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), Thứ trưởng cho biết đây là hội thảo thẳng thắn, cởi mở và trân trọng những đóng góp của các đại biểu. Các đại biểu tiếp tục có ý kiến, trao đổi đóng góp, bổ sung để dự thảo luật được hoàn thiện các nội dung. “Việc sửa đổi luật nhằm vừa thúc đẩy sự phát triển, vừa đảm bảo sự quản lý của nhà nước, đáp ứng sự phát triển rất nhanh của lĩnh vực công nghệ”.

Thứ trưởng cũng chia sẻ với việc quy định ở một nơi sẽ trở thành một chỉnh thể thống nhất để thống nhất quản lý, không làm vướng mắc, không gây cản trở phát triển.

Dự thảo luật Viễn thông sửa đổi được ban soạn thảo liên tục điều chỉnh để tiếp tục hoàn thiện. “Quan điểm việc sửa đổi Luật là để phát triển. Quản lý cũng là để phát triển. Thúc đẩy cũng là phát triển”, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh./.

Hoàng Linh