Văn hóa chơi game thúc đẩy đổi mới công nghệ, định hình tương tác xã hội ở Đông Nam Á
Kinh tế số - Ngày đăng : 21:21, 20/06/2023
Văn hóa chơi game thúc đẩy đổi mới công nghệ, định hình tương tác xã hội ở Đông Nam Á
Văn hóa chơi game ở Đông Nam Á đang thúc đẩy đổi mới công nghệ, định hình các tương tác xã hội và thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo của khu vực.
Bối cảnh kỹ thuật số của Đông Nam Á đã trải qua một sự chuyển đổi đáng kể trong thập kỷ qua, một trong những yếu tố góp phần vào sự thay đổi đó là sự phát triển bùng nổ của ngành công nghiệp game. Chỉ tính riêng năm 2022, thị trường game Đông Nam Á được định giá 4,4 tỷ USD, với khoảng 400 triệu game thủ của khu vực này đóng góp hơn 3% thị trường game toàn cầu.
Sự thịnh hành của văn hóa chơi game đã tác động sâu rộng đến xã hội Đông Nam Á, thúc đẩy khu vực này tiến tới những biên giới công nghệ mới, đồng thời định hình lại các chuẩn mực giao tiếp xã hội.
Tác động của văn hóa chơi game ở khu vực Đông Nam Á
Sự phổ biến của ngành công nghiệp game trong khu vực đã được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Đáng chú ý, khả năng chi trả ngày càng tăng và sự phổ biến của điện thoại thông minh và Internet tốc độ cao ở các quốc gia như Indonesia, Philippines, Việt Nam và Thái Lan đã khiến các trò chơi điện tử trở nên dễ tiếp cận hơn bao giờ hết.
Hơn nữa, các yếu tố nhân khẩu học như dân số trẻ, đông đảo với hơn 60% dưới 30 tuổi và tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng cũng là những yếu tố thúc đẩy ngành game phát triển bùng nổ.
Hiện nay, chơi game ở Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là một trò tiêu khiển. Trò chơi điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa đại chúng, không chỉ ảnh hưởng đến các tương tác xã hội mà còn cả sự phát triển công nghệ.
Văn hóa chơi game đã dẫn đến sự gia tăng các giải đấu eSports (thể thao điện tử), buổi chơi game phát trực tuyến và một cộng đồng sôi động gồm các nhà phát triển nội dung, game thủ chuyên nghiệp cũng như các streamer (người thực hiện công việc phát sóng trực tiếp (livestream) cho người xem thông qua một nền tảng phát sóng trực tuyến có thể kết nối như Facebook, YouTube,...).
Văn hóa này cũng giúp thúc đẩy cải tiến và mở rộng ranh giới công nghệ, vì các công ty sẽ chạy đua phát triển để cung cấp dịch vụ Internet nhanh hơn, phần cứng mạnh hơn và phần mềm sáng tạo hơn để đáp ứng nhu cầu của game thủ.
Ngoài ra, chúng ta hoàn toàn có thể cảm nhận được tác động xã hội của văn hóa chơi game thông qua các khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hàng ngày. Từ những từ lóng phổ biến trong giới trẻ hay xu hướng thời trang lấy cảm hứng từ các nhân vật trong game cho đến việc kết hợp các chiến lược trò chơi trong các tình huống kinh doanh có thể thấy sự ảnh hưởng của các tựa game tại thị trường Đông Nam Á là khá rõ ràng.
Văn hóa chơi game: Động lực mạnh mẽ cho đổi mới công nghệ
Sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa chơi game ở Đông Nam Á đã giúp khu vực này trở thành khu vực dẫn đầu trong lĩnh vực đổi mới công nghệ. Với nhu cầu ngày càng lớn của ngành công nghiệp trò chơi đối với công nghệ tiên tiến để nâng cao trải nghiệm người dùng, các công nghệ tiến bộ đang được thực hiện trên nhiều lĩnh vực để đáp ứng nhu cầu này.
Một trong những xu hướng công nghệ có thể thấy rõ ràng nhất được thúc đẩy bởi sự phát triển của ngành công nghiệp game là sự cải thiện cơ sở hạ tầng Internet. Internet nhanh, ổn định và chất lượng cao là yếu tố rất quan trọng trong quá trình chơi và phát trực tuyến. Do đó, các công ty viễn thông trên toàn khu vực đã tăng tốc nỗ lực thiết lập mạng 5G đáng tin cậy.
Năm 2022, Singapore trở thành một trong những quốc gia đầu tiên trong khu vực phủ sóng 5G toàn quốc, cải thiện đáng kể trải nghiệm cho game thủ nước này.
Ngoài ra, sự phát triển của game trên đám mây - công nghệ cho phép người dùng truyền phát trò chơi từ máy chủ mà không yêu cầu phần cứng - đã thúc đẩy các công ty tạo ra cơ sở hạ tầng đám mây mạnh mẽ. Những gã khổng lồ công nghệ như Gojek (Indonesia) cũng đã mở rộng kinh doanh sang các dịch vụ đám mây để hỗ trợ xu hướng chơi game này.
Nhu cầu về các thiết bị hiệu suất cao để phục vụ game thủ cũng dẫn đến những tiến bộ trong công nghệ phần cứng. Các công ty như Razer - công ty hàng đầu thế giới về phần cứng game có trụ sở tại Singapore, đang nỗ lực hết mức có thể, từ việc tạo ra máy tính xách tay chơi game hiện đại đến phát triển các thiết bị ngoại vi chơi game phức tạp để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của ngành công nghiệp game.
Đối với lĩnh vực phần mềm cũng đã có sự phát triển tăng vọt. Tại Philippines, công ty Synergy88 Digital đang sáng tạo ra các tựa game được đón nhận trên toàn cầu như nhượng quyền thương mại "Gears of War 4" và "CD Projekt Red's Witcher 3: The Blood and Wine", điều đó cho thấy khu vực hoàn toàn có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.
Nhiều game được ưa chuộng cũng đã thúc đẩy sự phát triển của các phần mềm liên quan như phân tích trò chơi, nền tảng quảng cáo và hệ thống chống gian lận tiên tiến.
Hơn nữa, sự gia tăng của các trò chơi thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) đã thu hút nhiều công ty công nghệ lớn đầu tư và phát triển. VREX, một công ty Hàn Quốc đã quyết định đầu tư vào thị trường Malaysia với mục tiêu vượt qua ranh giới công nghệ VR, tạo ra trải nghiệm chơi game nhập vai sống động mà vài năm trước chỉ có trong tưởng tượng.
Cách chơi game định hình tương tác cộng đồng
Văn hóa chơi game tại Đông Nam Á đang để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong kết cấu xã hội của khu vực, định hình cách mọi người tương tác, xây dựng cộng đồng và tham gia vào những trải nghiệm.
Chẳng hạn, các tựa game nổi bật được nhiều người chơi trực tuyến như "Mobile Legends: Bang Bang" hay "PUBG Mobile" đã thúc đẩy tạo ra một môi trường nơi tình bạn xuyên biên giới được kết nối, tinh thần đồng đội được đề cao và sự cạnh tranh lành mạnh được tôn vinh.
Đồng thời, văn hóa chơi game đã tạo ra các cộng đồng năng động vượt ra ngoài khuôn khổ trò chơi, đó là xã hội thực tế. Từ các câu lạc bộ những người hâm mộ eSports đến các diễn đàn dành cho những người đam mê phát triển trò chơi, những cộng đồng này đang ảnh hưởng đến các xu hướng xã hội, góp phần nâng cao hiểu biết về công nghệ số và thậm chí định hình cuộc trò chuyện xung quanh các vấn đề xã hội quan trọng.
Một kỷ nguyên với những cơ hội mới cho nền kinh tế sáng tạo của khu vực
Tác động của ngành game đối với nền kinh tế sáng tạo Đông Nam Á là rất rõ ràng và có thể đo lường được. Năm 2022, lĩnh vực phát triển trò chơi đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào GDP của khu vực, phản ánh vai trò then chốt của lĩnh vực này trong nền kinh tế số.
Đồng thời, sự phát triển bùng nổ của ngành game đã mở ra vô số cơ hội việc làm và dự án kinh doanh. Theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ngành công nghiệp game ước tính tạo ra khoảng 200.000 việc làm mỗi năm trong khu vực, từ phát triển trò chơi đến quản lý eSports, dịch vụ phát trực tiếp và sản xuất phần cứng.
Hơn nữa, sự phổ biến của văn hóa game đã truyền cảm hứng cho một thế hệ doanh nhân mới dấn thân vào các hoạt động kinh doanh liên quan đến ngành công nghiệp này. Năm 2018, Nvidia báo cáo rằng Việt Nam có hơn 45.000 quán cà phê Internet dành cho game thủ, bằng tổng số quán cà phê Internet ở Thái Lan, Indonesia và Philippines cộng lại.
Tại Malaysia, công ty khởi nghiệp Gameka đã khai thác thành công thị trường phân tích trong trò chơi và dịch vụ giữ chân người chơi. Ngay cả những học viện đào tạo eSports, như “Resurgence” của Singapore cũng đã tìm được chỗ đứng vững chắc, nuôi dưỡng những game thủ chuyên nghiệp cho tương lai.
Như vậy, chơi game ở Đông Nam Á không chỉ đơn thuần là một hình thức giải trí; đó là một động cơ mạnh mẽ thúc đẩy một kỷ nguyên với những cơ hội mới cho nền kinh tế sáng tạo của khu vực.
Triển vọng tương lai ngành game Đông Nam Á
Tương lai của ngành game Đông Nam Á hứa hẹn sẽ tiếp tục có những tác động lớn đến xã hội và công nghệ. Với các xu hướng như metaverse và NFT ngày càng thu hút, chúng ta có thể mong đợi văn hóa chơi game sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tương tác xã hội và thúc đẩy đổi mới công nghệ.
Các chuyên gia dự đoán khả năng tích hợp AR/VR trong game ngày càng tăng, những tiến bộ trong công nghệ đám mây và tác động xã hội sâu sắc hơn khi ngành công nghiệp game ngày càng đi sâu vào cuộc sống hàng ngày.
Ngoài ra, theo dự đoán của Báo cáo thị trường trò chơi toàn cầu của Newzoo, ngành công nghiệp game khu vực Đông Nam Á được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, ước tính đạt 8,3 tỷ USD vào năm 2025. Quỹ đạo này cho thấy tầm ảnh hưởng của game đối với xã hội, công nghệ và nền kinh tế Đông Nam Á lớn như thế nào, mở ra một tương lai tươi sáng cho khu vực.
Rõ ràng, khi game vượt qua lĩnh vực giải trí đơn thuần, nó sẽ thúc đẩy đổi mới công nghệ, định hình lại động lực xã hội, thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo và xúc tác cho các cơ hội kinh doanh./.