Trung Quốc đặt cược vào AI, coi đó là công cụ chiến lược trong CMCN 4.0

Chuyển động ICT - Ngày đăng : 06:16, 29/06/2023

Sức mạnh điện toán ngày càng trở nên quan trọng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp xử lý nhanh lượng thông tin khổng lồ, cách mạng hóa tốc độ và độ chính xác của hệ thống. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào sức mạnh điện toán, chiếm 33% sức mạnh tính toán của thế giới.
Chuyển động ICT

Trung Quốc đặt cược vào AI, coi đó là công cụ chiến lược trong CMCN 4.0

Anh Minh 29/06/2023 06:16

Sức mạnh điện toán ngày càng trở nên quan trọng với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), giúp xử lý nhanh lượng thông tin khổng lồ, cách mạng hóa tốc độ và độ chính xác của hệ thống. Trung Quốc đã đầu tư lớn vào sức mạnh điện toán, chiếm 33% sức mạnh tính toán của thế giới.

Khi OpenAI công bố ChatGPT ra thị trường vào tháng 11/2022, nhiều người đã ca ngợi ChatGPT chính là “iPhone của thời đại công nghệ mới”. Ngay lập tức, những gã khổng lồ Internet của Trung Quốc đã tiếp thu rất nhanh chóng. Baidu đã ra mắt bot Ernie vào tháng 3, sau đó là Tiangong của Alibaba Cloud và Kunlun vào tháng 4. Cho đến nay, các công ty nhỏ hơn cũng đang vào cuộc mỗi ngày.

Cơn sốt đầu tư vào AI lan rộng khắp Trung Quốc

Không chỉ các doanh nghiệp (DN) Trung Quốc mà các thành phố lớn của Trung Quốc cũng đã vào cuộc đầu tư cho AI. Chính quyền Thâm Quyến đã công bố vào đầu tháng 6 này, thành phố sẽ thành lập quỹ đầu tư AI trị giá 100 tỷ nhân dân tệ (NDT) (14 tỷ USD) để phát triển mạnh mẽ sức mạnh tính toán của thành phố và biến thành một khu AI tiên phong ở Trung Quốc.

Trung tâm công nghệ này cũng có kế hoạch đẩy nhanh việc sử dụng AI trong các công trình ngầm, sân bay và bệnh viện, nhằm phục vụ như một nền tảng điện toán cho Khu vực Vịnh Lớn (Greater Bay Area).

Greater Bay Area đề cập đến kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm liên kết các thành phố Hồng Kông, Ma Cao, Quảng Châu, Thâm Quyến, Chu Hải, Phật Sơn, Trung Sơn, Đông Quản, Huệ Châu, Giang Môn và Triệu Khánh thành một trung tâm kinh tế và kinh doanh tổng hợp.

cover.jpg
Trung Quốc đã đầu tư lớn vào sức mạnh điện toán, chiếm 33% sức mạnh tính toán của thế giới. (Ảnh minh họa)

Ngoài Thâm Quyến, hiện nay, Thượng Hải cũng đã chi hơn 250 tỷ NDT cho cơ sở hạ tầng mới trong 3 năm qua, với vốn tư nhân chiếm hơn 30%.

Sự gia tăng chi tiêu vào AI đã khuyến khích nhiều chuyên gia dự báo Trung Quốc lạc quan về con đường phát triển của đất nước.

Và Liang Haoguang, Giám đốc điều hành của Trung tâm Nghiên cứu Hiện đại hóa Trung Quốc thuộc Viện Khoa học Trung Quốc, tin chắc rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ ngày càng được thúc đẩy nhờ công nghệ. “Đánh giá từ góc độ đổi mới công nghệ, nền kinh tế Trung Quốc có khả năng bắt kịp quy mô của Hoa Kỳ vào năm 2028”, ông phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Bắc Kinh vào tháng trước.

Thúc đẩy sức mạnh điện toán đám mây (ĐTĐM)

Sức mạnh điện toán được coi là ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại công nghệ AI, giúp xử lý nhanh chóng lượng thông tin khổng lồ, cách mạng hóa tốc độ và độ chính xác của phân tích hệ thống. Theo Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT), một đơn vị của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Trung Quốc chiếm 33% sức mạnh tính toán của thế giới, chỉ thấp hơn 1 điểm phần trăm so với Mỹ.

Việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh điện toán của đất nước có thể sẽ mang lại cho một nhóm lớn hơn các bên tham gia, như các trường đại học và thậm chí cả những người trong ngành, cơ hội để đào tạo các mô hình nền tảng ngày càng quan trọng này. Theo CAICT, cứ 1 NDT (14 cent Mỹ) đầu tư vào sức mạnh tính toán ở Trung Quốc, nó sẽ mang lại 3 đến 4 NDT cho sản lượng kinh tế.

Theo dữ liệu của CAICT, chip đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tăng sức mạnh tính toán ở Trung Quốc, với tỷ lệ sức mạnh tính toán của chip đơn vị xử lý đồ họa trong lĩnh vực điện toán tăng từ 3% năm 2016 lên 41% vào năm 2020. Hiệu suất của chip quyết định trực tiếp đến hiệu quả và hiệu suất của các hệ thống và thiết bị máy tính.

Li Yangwei, một nhà tư vấn kỹ thuật làm việc trong ngành công nghiệp điện toán thông minh cho biết: “Ngành công nghiệp AI trong nước của Trung Quốc hiện đang thiếu chip điện toán và nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt công nghệ chip của Trung Quốc, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển năng lực điện toán trong thời gian ngắn”.

Tuy vậy, công nghệ chip của Trung Quốc được dự đoán sẽ dần trở nên tự chủ hơn, và trở ngại đối với sự phát triển sức mạnh điện toán trong nước do thiếu chip có thể được giảm bớt. “Tôi ước tính tác động của việc thiếu hụt chip đối với sự phát triển sức mạnh máy tính sẽ được giảm thiểu trong 2 - 3 năm sớm nhất và chậm nhất là 5 năm”, Li Yangwei nói.

Việc xây dựng các trung tâm dữ liệu (TTDL) đòi hỏi một số lượng lớn chip máy tính, lưu trữ và máy chủ hiệu suất cao, đây chắc chắn là thách thức mà Trung Quốc gặp phải khi xử lý lượng thông tin khổng lồ.

ai_and_ml_applications_that_you.jpg
AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và được coi là một trong những động lực cốt lõi để phát triển kinh tế

AI dự báo sẽ góp phần tăng 26% GDP Trung Quốc vào năm 2030

Trung Quốc được cho là đang đặt cược vào AI, coi đây là công cụ chiến lược trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư, nhằm cứu nền kinh tế quốc gia đang gồng mình vì núi nợ, những dư chấn liên quan đến COVID-19 và thách thức về nhân khẩu học.

Kai-Fu Lee, cựu Chủ tịch hoạt động của Google tại Trung Quốc cho biết: “Phát triển các mô hình AI lớn là một cơ hội lịch sử mà Trung Quốc không thể bỏ lỡ”.

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cuộc CMCN lần thứ tư thể hiện sự thay đổi cơ bản trong cách chúng ta sống, làm việc và tương tác. Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey của Mỹ dự đoán AI có thể mang lại khoảng 13.000 tỷ USD trong sản lượng kinh tế toàn cầu bổ sung vào năm 2030, dẫn đến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu tăng 16%.

Trong khi đó, công ty dịch vụ kiểm toán chuyên nghiệp PwC tin rằng Trung Quốc sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ AI, công nghệ sẽ góp phần tăng 26% GDP của nước này vào năm 2030.

“Nền kinh tế Trung Quốc được kết nối về mọi mặt đến mức chính phủ Trung Quốc có thể làm tốt hơn các nước phương Tây trong việc triển khai nguồn lực và tổ chức công việc”, nhà quan sát kỳ cựu Lee nói với Diễn đàn Zhongguancun ở Bắc Kinh vào cuối tháng trước.

AI từ lâu đã nằm trong danh sách ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh và được coi là một trong những động lực cốt lõi để phát triển kinh tế chất lượng cao, theo hướng dẫn phát triển 2021 - 25 của Trung Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 10/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết “chiến đấu vì các công nghệ cốt lõi quan trọng” và đạt được mức độ tự lực cao.

Chính phủ Trung Quốc đã ca ngợi tiềm năng của AI và tuyên bố sẽ thúc đẩy công nghệ này, đẩy mạnh tái tạo kinh tế. Chính phủ đã đưa ra các hướng dẫn chính sách hỗ trợ để thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến AI. Thực tế, AI được xem là lĩnh vực chiến lược của Trung Quốc và được các chính sách cấp cao hỗ trợ, với các mục tiêu đầy tham vọng được thực hiện bằng những biện pháp như sự phối hợp liên bộ, tài trợ của chính phủ cho nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển lực lượng lao động và đề xuất mở rộng hợp tác quốc tế. 

Nhà lãnh đạo của Trung Quốc đặc biệt đề cập đến việc sử dụng một cơ chế toàn quốc mới, trong đó Bắc Kinh sẽ tập hợp mọi nguồn lực có thể để phát triển, tương tự như những gì họ đã làm để phát triển vệ tinh, vũ khí hạt nhân và chương trình không gian trong những thập kỷ trước.

Kể từ khi Bắc Kinh phê duyệt kế hoạch truyền dữ liệu lớn vào năm ngoái để di chuyển dữ liệu người dùng ở phía đông của đất nước sang khu vực phía tây với nguồn năng lượng dồi dào và các cánh đồng trống thông qua 8 trung tâm điện toán quốc gia, hơn 400 tỷ NDT (56 tỷ USD) đã được đầu tư vào kế hoạch.

Để chiếm thế thượng phong, Bắc Kinh đã nỗ lực hết mình khai thác tiềm năng của AI, với trọng tâm là xây dựng cơ sở hạ tầng mới, thúc đẩy sức mạnh tính toán và thu hẹp khoảng cách công nghệ với Mỹ./.

Anh Minh