Hà Nội khẳng định vị thế “đầu tàu kinh tế” 6 tháng đầu năm 2023

Truyền thông - Ngày đăng : 11:48, 29/06/2023

Vượt lên trên nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền TP. Hà Nội đã ban hành, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều quyết sách quan trọng, qua đó giúp kinh tế Thủ đô từng bước phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.
Truyền thông

Hà Nội khẳng định vị thế “đầu tàu kinh tế” 6 tháng đầu năm 2023

Đỗ Thêu {Ngày xuất bản}

Vượt lên trên nhiều khó khăn, thách thức của tình hình thế giới nói chung và trong nước nói riêng, các cấp uỷ Đảng, chính quyền TP. Hà Nội đã ban hành, triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều quyết sách quan trọng, qua đó giúp kinh tế Thủ đô từng bước phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng.

Phục hồi mạnh mẽ

anh-21.1.jpg
Kinh tế Thủ đô 6 tháng đầu năm 2023 phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Vượt lên trên nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Trung ương, Thành ủy, chính quyền, cùng sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp (DN) và toàn thể nhân dân, kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TP. Hà Nội nói riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đã có bước phục hồi mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện.

Theo ông Đậu Ngọc Hùng, Cục trưởng Cục Thống kê Hà Nội, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 5,97% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực dịch vụ tăng 7,54%, khu vực công nghiệp và xây tăng 3,28%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,24%.

Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 369.000 tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, khu vực dịch vụ thương mại tiếp tục là điểm sáng, đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của thành phố.

Tình hình thực hiện một số công trình, dự án trên địa bàn thành phố đang tiến triển khá tốt. Theo đó, Dự án tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đạt tiến độ tổng thể khoảng 76,5%. Dự án cầu Vĩnh Tuy (giai đoạn 2): Khởi công tháng 1/2021 với tổng mức đầu tư hơn 2,5 nghìn tỷ đồng, đang gấp rút thi công các hạng mục còn lại để hoàn thành vào ngày 2/9/2023.

Cũng trong khoảng thời gian trên, vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố đạt 194,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước (trong đó vốn nhà nước 64,9 nghìn tỷ đồng, vốn ngoài nhà nước 115,8 nghìn tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 14 nghìn tỷ đồng).

Hà Nội có 15,6 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Quyết tâm hoàn thành kế hoạch năm 2023

anh-21.2.jpg
Chính quyền Hà Nội kêu gọi DN, nhân dân đồng lòng, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Nhìn nhận bức tranh kinh tế Thủ đô sau 6 tháng đầu năm 2023, ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng cả năm 2023 là 7,0% thì quý III, quý IV phải tăng lần lượt từ 7,54% và 8,23% trở lên. Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn Thủ đô phải nỗ lực vượt khó, khắc phục hạn chế, bất cập, phát huy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Hà Nội cần tập trung đảm bảo tăng trưởng ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng. Thực hiện quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Nắm chắc tình hình, tăng cường phân tích, dự báo nhằm xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD) kịp thời, thích ứng, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.

Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh SXKD, nâng cao sức mua hàng hóa và dịch vụ; Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, trong đó chú trọng sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, sản phẩm công nghiệp chủ lực.

Để đẩy mạnh thực hiện dự án và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo UBND Thành phố sẽ tổ chức định kỳ các cuộc họp giao ban để lắng nghe và tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc đối với các nhóm vấn đề thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; Thực hiện công khai, minh bạch, đúng luật, đảm bảo công bằng, chính xác, đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng.

UBND thành phố cũng yêu cầu Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên kiểm điểm, có cam kết và chịu trách nhiệm về tiến độ giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, Thủ đô sẽ chú trọng nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về vấn đề quy hoạch, đất đai, đô thị và bảo vệ môi trường; Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…tất cả vì mục tiêu giúp Thủ đô phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân./.

Đỗ Thêu