Hà Tĩnh thí điểm "một số TTHC, một số ngày không nộp văn bản giấy"

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 16:39, 01/07/2023

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Hà Tĩnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến, cũng như thí điểm chương trình "một số thủ tục hành chính (TTHC), một số ngày không nộp văn bản giấy".
Chuyển đổi số

Hà Tĩnh thí điểm "một số TTHC, một số ngày không nộp văn bản giấy"

AD {Ngày xuất bản}

Nhằm đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), Hà Tĩnh khuyến khích người dân, doanh nghiệp (DN) lựa chọn nộp hồ sơ trực tuyến, cũng như thí điểm chương trình "một số thủ tục hành chính (TTHC), một số ngày không nộp văn bản giấy".

16799107863052.jpg
Hà Tĩnh triển khai thí điểm chương trình "một số TTHC, một số ngày không nộp văn bản giấy".

Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Hà Tĩnh đã chứng kiến sự tiến triển đáng kể về các chỉ tiêu và nhiệm vụ liên quan đến DVCTT.

Theo số liệu được trích xuất từ Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ DVCTT đã tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Một số đơn vị đã đạt tỷ lệ 100% cho các DVCTT như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông Vận tải. Đặc biệt, Đức Thọ và Cẩm Xuyên là hai huyện đã đạt tỷ lệ 100% đối với DVCTT toàn trình.

Tuy nhiên ,bên cạnh những đơn vị đã thực hiện tốt, đạt và vượt chỉ tiêu đã đề ra, vẫn còn nhiều đơn vị chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, một số đơn vị vẫn có tỷ lệ DVCTT rất thấp.

Với mục tiêu tiếp tục nâng cao tỷ lệ sử dụng DVCTT và tăng cường việc nộp hồ sơ trực tuyến, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao cho các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể sau:

Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã; UBND xã, phường, thị trấn tập trung rà soát, cải tiến quy trình tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, DN tại Bộ phận Một cửa các cấp theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm để phục vụ, là chủ thể, là mục tiêu, động lực để cung cấp dịch vụ chất lượng hơn, phục vụ tốt hơn.

Bên cạnh đó, các đơn vị bố trí đủ trang thiết bị phục vụ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Bộ phận Một cửa các cấp, thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, DN, đặc biệt là các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật,...).

Điều này giúp thay đổi thói quen sử dụng hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử và từng bước hình thành công dân số, xã hội số. Việc hỗ trợ, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc để nâng cao kỹ năng số cho người dân, DN phải đảm bảo triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả.

Trên cơ sở danh mục TTHC đủ điều kiện thực hiện DVCTT toàn trình đã được công bố, các đơn vị và địa phương rà soát và lựa chọn một số TTHC để thực hiện thí điểm mô hình "Một số TTHC, một số ngày không nộp hồ sơ bằng văn bản giấy". Mục tiêu là khuyến khích 100% người dân và tổ chức lựa chọn và thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến đối với các TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Thời gian đầu, các đơn vị, địa phương lựa chọn một số TTHC thường xuyên phát sinh hồ sơ thực hiện trong một số ngày, mạnh dạn đột phá, thay đổi tư duy như cách làm của một số địa phương đã triển khai như mô hình “Thứ Năm - Ngày không viết, không hẹn” của thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn; mô hình “6 TTHC không chờ, không giấy hẹn” của phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh; sau đó sẽ tiến tới thực hiện đối với toàn bộ các TTHC đủ điều kiện DVCTT toàn trình và các ngày trong tuần.

Cuối cùng, đối với cơ quan hành chính nhà nước, khi nộp hồ sơ TTHC yêu cầu thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến (trừ các trường hợp phải có hồ sơ giấy theo quy định của pháp luật).

Chủ tịch UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh (Trung tâm Phục vụ hành chính công) đôn đốc, theo dõi kết quả thực hiện của các đơn vị, địa phương (qua tỷ lệ trực tuyến của các đơn vị, địa phương trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh), định kỳ hàng tháng báo cáo UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện theo quy định./.

AD