Xuất khẩu phần mềm là điểm sáng của ngành ICT Việt Nam năm 2023

Doanh nghiệp số - Ngày đăng : 11:58, 06/07/2023

Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù doanh thu ngành ICT sụt giảm so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu phần mềm vẫn là một điểm sáng, khi một số doanh nghiệp (DN) duy trì tăng trưởng tốt ở một số thị trường nước ngoài.
Doanh nghiệp số

Xuất khẩu phần mềm là điểm sáng của ngành ICT Việt Nam năm 2023

NK 06/07/2023 11:58

Trong 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù doanh thu ngành ICT sụt giảm so với cùng kỳ nhưng xuất khẩu phần mềm vẫn là một điểm sáng, khi một số doanh nghiệp (DN) duy trì tăng trưởng tốt ở một số thị trường nước ngoài.

fptsoftware-644.png
Các DN xuất khẩu phần mềm như FPT là điểm sáng của ngành ICT Việt Nam

Chi tiêu trong lĩnh vực phần mềm toàn cầu năm 2023 - 2024 sẽ tăng trưởng mạnh

Chia sẻ tại buổi họp báo thường kỳ tháng 7/2023 của Bộ TT&TT diễn ra chiều ngày 5/7, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục công nghiệp CNTT và Truyền thông (ICT) - Bộ TT&TT cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và xung đột Nga - Ukraina… làm đứt gãy chuỗi cung ứng…, khiến xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ CNTT giảm mạnh, trong đó xuất khẩu phần cứng, điện tử giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một trong những điểm sáng là lĩnh vực xuất khẩu phần mềm khi vẫn duy trì tăng trưởng tốt ở một số thị trường như Nhật Bản, khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tiêu biểu trong quý I/2023, FPT đạt doanh thu xuất khẩu CNTT tăng 32% và số lượng hợp đồng mới tăng 44%, trong đó thị trường Nhật Bản và châu Á - Thái Bình Dương đóng góp tích cực với tăng trưởng doanh thu lần lượt là hơn 31% và hơn 65%. Tuy nhiên, lĩnh vực xuất khẩu này vẫn còn khiêm tốn so với bức tranh toán ngành nên doanh thu ngành ICT sụt giảm.

Theo đánh giá của ông Nghĩa, sự sụt giảm thị trường thiết bị phần cứng là xu hướng chung của thế giới. Trong nửa cuối năm 2023, Việt Nam tập trung duy trì tốc độ phát triển tích cực ở lĩnh vực phần mềm, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Mỹ và EU. Nhất là trong bối cảnh Gartner đã có những dự báo chi tiêu trong lĩnh vực phần mềm toàn cầu trong năm 2023 - 2024 sẽ tăng trưởng mạnh lần lượt là 12% và 13%. 

Xây dựng hệ sinh thái DN hỗ trợ sẽ thúc đẩy công nghệ vi mạch Việt Nam

Về lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam, ông Nghĩa chia sẻ ví dụ về đặc điểm của công nghệ vi mạch ở Nhật Bản, khi mà tất cả các công đoạn trong các khâu như thiết kế, gia công, đóng gói… đều rất chuyên sâu và có sự phân vai, phân hoá rõ ràng. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ có một số tập đoàn hay một số quốc gia nắm những công nghệ hàng đầu.

Do đó, ông Nghĩa cho rằng việc gia nhập khâu sản xuất này đòi hỏi phải có thị trường, có sự đầu tư rất lớn về mặt công nghệ… Vì vậy, công nghệ vi mạch ở Việt Nam hiện nay đang tham gia ở mức độ tiềm năng hơn là có vai trò chủ đạo.

Hiện nay tại Việt Nam, Intel tham gia một trong số các khâu sản xuất chip là đóng gói hay Samsung, Amkor đang có triển khai đầu tư. Việc thúc đẩy một hệ sinh thái đơn vị hỗ trợ cho DN sản xuất chip để giúp Việt Nam thu hút sự tham gia của những công ty sản xuất chip lớn đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong khu vực. Hiện có ngày càng nhiều DN Việt Nam có năng lực tham gia công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip.

Chưa kể, có khoảng trên dưới 50 DN trong nước với hơn 5.000 kỹ sư Việt Nam tham gia thiết kế chip. Qua đó, ông Nghĩa khẳng định, việc xây dựng hệ sinh thái DN hỗ trợ và đội ngũ kỹ sư thiết kế chip, kỹ sư điện tử sẽ giúp Việt Nam dần nâng bậc và tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị vi mạch toàn cầu.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang được giao chủ trì Chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn Việt Nam đến năm 2030. Ban soạn thảo bảo gồm các đơn vị liên quan, DN, chuyên gia… đang có sự đánh giá về tiềm năng, xu hướng phát triển để có những đề xuất phù hợp cho công nghệ vi mạch Việt Nam”, ông Nghĩa kết luận.

Theo Bộ TT&TT, doanh thu lĩnh vực công nghiệp ICT 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 1.445.043 tỷ đồng, giảm 10,35% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 38,87% kế hoạch năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 51,51 tỷ USD, giảm 9,56% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 37,88% kế hoạch năm 2023.

Số lượng DN công nghệ số đang hoạt động ước khoảng 72.000, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục công nghiệp ICT tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Chiến lược phát triển công nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Nghiên cứu, xây dựng Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp CNTT, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), AI tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu./.

NK