Công nghiệp văn hoá Hà Nội: Trọng tâm phát triển kinh tế trong tương lai
Truyền thông - Ngày đăng : 07:58, 09/07/2023
Công nghiệp văn hoá Hà Nội: Trọng tâm phát triển kinh tế trong tương lai
Để xứng tầm với danh xưng thành phố di sản, những năm qua, các cấp chính quyền TP. Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa công nghiệp văn hoá (CNVH) trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cho thế hệ “công dân số”.
Thủ đô tiên phong phát triển CNVH
Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển CNVH (Nghị quyết số 09-NQ/TU). Theo đó, nghị quyết đặt ra mục tiêu tạo bước phát triển toàn diện ngành CNVH Thủ đô cả về quy mô, chất lượng, nhằm đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân.
Hà Nội phấn đấu tới năm 2030, CNVH trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành CNVH phát triển hàng đầu, có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao so với khu vực.
Năm 2045, Thủ đô được kỳ vọng trở thành thành phố sáng tạo của khu vực châu Á, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế.
Thực tế cho thấy Hà Nội có rất nhiều tiềm năng, lợi thế, điều kiện phát triển CNVH mà không phải địa phương nào cũng có được. Đó là lịch sử ngàn năm văn hiến, sở hữu nhiều danh hiệu văn hóa như: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo, trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao…
Theo số liệu từ Bộ VHTT&DL, trong 3.500 di tích được công nhận cấp quốc gia, Hà Nội có hơn 1.200 di tích (chiếm hơn 1/3 cả nước). Chỉ tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ VHTT&DL đã thẩm định 260 dự án bảo tồn di tích cho Hà Nội. Đây là con số thẩm định bảo tồn lớn nhất của một địa phương từ trước đến nay. Điều này để chứng tỏ chính quyền Thủ đô đang rất quan tâm đến việc bảo tồn di sản ngàn năm của cha ông để lại.
Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Đỗ Đình Hồng chia sẻ: “Hà Nội sẽ phát triển CNVH trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô. Đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần bồi đắp, phát triển văn hóa Thăng Long - Hà Nội, xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch”.
Cần đưa ra nhiều giải pháp mang tính đột phá
Cũng theo ông Hồng, Hà Nội cần ứng dụng công nghệ để tạo ra nhiều hơn nữa các sản phẩm CNVH phù hợp với thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của thế hệ “công dân số”.
Điển hình như việc Hà Nội đã áp dụng công nghệ để xây dựng một tour du lịch thực tế ảo, trải nghiệm với nhiều địa điểm nổi tiếng trên địa bàn như: Hoàng Thành Thăng Long, chùa Một Cột, chùa Trấn Quốc, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Ngoài ra, các đơn vị quản lý đã tích hợp hướng dẫn viên du lịch ảo với 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, để có thể cung cấp nhiều nhất thông tin hữu ích đến du khách có nhu cầu tìm hiểu và tham quan các địa điểm, di tích lịch sử.
Trong khi đó, PGS. TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Bên cạnh việc tham khảo kinh nghiệm của các chuyên gia nước ngoài, Hà Nội cần chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển CNVH phù hợp với tình hình thực tiễn.
Mặt khác, có 2 vấn đề Hà Nội cần ưu tiên quan tâm để phát triển CNVH là thành lập một cơ quan chuyên trách và đầu tư nguồn lực toàn diện.
Về đầu tư nguồn lực, có 3 phương diện cần đặc biệt chú ý, đó là: Tài chính, cơ sở vật chất và nhân lực. Luật Thủ đô (sửa đổi) dự kiến được thông qua cuối năm 2023, đề xuất đưa quy định Hà Nội sẽ dành 2% chi thường xuyên cho văn hóa.
Song, chính quyền Hà Nội cần phải tạo điều kiện thuận lợi (về thể chế, chính sách) nhằm khơi dậy nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để phát triển CNVH, bởi không có nơi nào phát triển thành công CNVH mà chỉ dựa vào đầu tư công. Rõ ràng, nếu có nguồn lực xã hội (kinh phí và kinh nghiệm tổ chức) tiếp sức, Hà Nội sẽ có điều kiện tạo ra sự kiện văn hóa tầm cỡ thế giới, kích thích CNVH phát triển.
Hiện nay, Hà Nội có số lượng thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất khá lớn, song về mặt công năng sử dụng còn hạn chế, chưa thể tạo lực đẩy để phát triển CNVH. Thủ đô chưa có nhà triển lãm quy mô tầm cỡ để tổ chức các sự kiện tầm vóc quốc gia. Nếu đầu tư xây dựng, Hà Nội cần tham khảo mô hình một số nhà triển lãm kết hợp là trung tâm sáng tạo để nghệ sĩ, người dân đến tham quan, học tập, nghiên cứu, thực hành về CNVH, công nghiệp sáng tạo và kinh tế sáng tạo. Mô hình sẽ là một khu liên hợp để “ươm mầm” ý tưởng sáng tạo về văn hóa, có thể thực hành tại chỗ.
Tuy vậy, để Hà Nội xây dựng CNVH thành công, vấn đề nhân lực chính là điểm cốt lõi. Đào tạo CNVH một cách bài bản đương nhiên phải chuyên sâu ở bậc đại học. Tuy nhiên, các trường cao đẳng, đại học có truyền thống, kinh nghiệm đào tạo lĩnh vực CNVH lại trực thuộc quản lý của bộ, ngành. Chính vì vậy, Hà Nội cần sớm trao đổi, hợp tác “đặt hàng” đào tạo để có nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ công cuộc phát triển CNVH Thủ đô./.