Sẵn sàng các phương án, kịch bản chủ động phòng chống thiên tai 6 tháng cuối năm 2023

Truyền thông - Ngày đăng : 15:52, 11/07/2023

Trước dự báo, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường trong thời gian tới, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, cũng như Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng.
Truyền thông

Sẵn sàng các phương án, kịch bản chủ động phòng chống thiên tai 6 tháng cuối năm 2023

Bình Minh {Ngày xuất bản}

Trước dự báo, thiên tai tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường trong thời gian tới, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, cũng như Văn phòng Ban chỉ đạo về phòng, chống thiên tai sẽ tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng.

Thiệt hại về kinh tế hơn 308 tỷ đồng do thiên tai

Từ đầu năm 2023 đến nay, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 19/22 loại hình thiên tai trong đó đã xảy ra 01 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), 27 trận mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất; 148 trận dông lốc, sét, mưa đá; 211 vụ sạt lở bờ sông, 137 trận động đất và 02 đợt rét đậm, rét hại; 11 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển… Riêng từ đợt nghỉ lễ từ 29/4 - 03/5/2023 đã xảy ra dông lốc, mưa đá tại 08 tỉnh miền núi phía Bắc gây thiệt hại lớn về kinh tế ước tính khoảng 35 tỷ đồng.

Đặc biệt mùa hè năm nay đến sớm, gay gắt và khốc liệt hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 3 đến tháng 5, xuất hiện nhiều đợt nắng nóng kỷ lục so với cùng kỳ những năm trước tại khu vực Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Tính đến ngày 05/7, thiên tai đã làm 49 người chết, mất tích, 36 người bị thương, thiệt hại về kinh tế khoảng hơn 308 tỷ đồng (bằng 0,6 lần thiệt hại về người và 0,057 lần thiệt hại về kinh tế so với cùng kỳ năm 2022).

img_0331-1-.jpg
Khu neo đậu tránh bão cho tàu thuyền tại Cảng cá Ninh Cơ. (Ảnh: Bình Minh)

Chủ động các giải pháp “từ sớm, từ xa”, kịp thời ứng phó thiên tai và đảm bảo an sinh, phục hồi sản xuất

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai (PCTT) cũng như Văn phòng Ban chỉ đạo về PCTT đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nỗ lực vượt qua khó khăn để triển khai nhiều nhiệm vụ công tác từ các giai đoạn: phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đến quản lý rủi ro thiên tai...

Cụ thể, trong công tác ứng phó thiên tai, trực ban được duy trì thường xuyên 24/24h, nghiêm túc, bài bản với gần 1690 lượt cán bộ trực của 8 bộ phận trực. Tổ chức họp giao ban hàng ngày để báo cáo, nắm bắt tình hình và ứng phó với thiên tai, thực hiện nhắn tin Viber Bản tin thiên tai tới thành viên BCĐ, tổ giúp việc và BCH các địa phương; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Công điện và Ban Chỉ đạo ban hành 11 văn bản chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương ứng phó với các đợt thiên tai.

Thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo, theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình thiên tai, xây dựng các kịch bản và tham mưu đầy đủ, kịp thời cho lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo BCĐ chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai. Báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin đến Lãnh đạo, các thành viên BCĐ, Lãnh đạo BCH các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân, cộng đồng. Đảm bảo thực hiện tốt công tác vận hành liên hồ chứa...

Cùng với việc tích cực công tác khắc phục hậu quả thiên tai của các năm trước, giải pháp đáng chú ý, Cục Đê điều và PCTT luôn chủ động tham mưu “từ sớm, từ xa” công tác chỉ đạo ứng phó, kịp thời triển khai nhiệm vụ, thực hiện chỉ đạo và phối hợp kịp thời với các Bộ, ngành, địa phương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai. Hơn nữa, ngay sau các đợt thiên tai, Cục tổ chức các đoàn công tác phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương hướng dẫn đánh giá, thống kê số liệu thiệt hại; khắc phục hậu quả phục hồi sản xuất; kịp thời tham mưu lãnh đạo Bộ chỉ đạo, đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại, nhu cầu hỗ trợ, nhất là về dân sinh và phục hồi sản xuất.

Về Quản lý đê điều, Cục đã tham mưu trình Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Chỉ thị số 1148/CT-BNN-ĐĐ ngày 01/3/2023 gửi các địa phương về việc tăng cường công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, chống lũ bão năm 2023. Hàng tháng có văn bản đôn đốc các địa phương quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều theo Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 07/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Theo số liệu báo cáo từ địa phương tính đến hết tháng 6/2023 có 117 vụ vi phạm, hiện đã xử lý 55 vụ, còn lại đang tiếp tục xử lý.

Tiếp đó, hướng dẫn và tổ chức họp với các địa phương báo cáo đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ năm 2023 và phương án bảo vệ trọng điểm đê điều. Tổ chức kiểm tra thực tế các tuyến đê trước lũ và công tác chuẩn bị của các địa phương; đôn đốc xử lý các sự cố, hoàn thành việc thi công xây dựng các cống qua đê, sẵn sàng đảm bảo an toàn đê điều trong mùa mưa bão.

Ban hành các văn bản hướng dẫn, 18 tỉnh/thành phố miền Bắc, 11 tỉnh/thành phố miền Trung, 17 tỉnh miền Nam đánh giá hiện trạng hệ thống đê biển, đê sông, đê cửa sông, đê bao, bờ bao và xây dựng phương án hộ đê, đảm bảo an toàn năm 2023.

Đồng thời, tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Văn bản số 3276/BNN-ĐĐ-QLĐĐ ngày 22/5/2023 về việc triển khai thực hiện phương án bảo vệ 288 trọng điểm đê điều xung yếu và trả lời các tỉnh, thành phố về thỏa thuận cấp phép thi công công trình và cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều ảnh hưởng 2 tỉnh trở lên đối với 66 công trình...

Dự báo có khoảng từ 09-13 cơn bão trên biển Đông từ nay đến cuối năm

Theo bản tin dự báo, thiên tai trong thời gian tới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường. Hiện tượng El Nino đã xuất hiện và duy trì trạng thái đến năm 2024; số ngày nắng nóng nhiều hơn TBNN và gay gắt hơn so với cùng thời kỳ năm 2022, nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn nhất là tại khu vực Trung Bộ.

Từ tháng 7-12/2023, có khoảng từ 09-13 cơn bão trên biển Đông, đề phòng bão diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo và cường độ.

Đỉnh lũ các sông Bắc Bộ ở mức báo động (BĐ) 1-2, riêng các sông suối nhỏ từ BĐ2-3 tập trung trong các tháng 7-9/2023; từ tháng 10-12/2023, đỉnh lũ các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; đầu nguồn sông Cửu Long đạt đỉnh vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10/2023 ở mức dưới BĐ1 đến BĐ1, tại hạ lưu đỉnh lũ khả năng xuất hiện vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11/2023 ở mức BĐ3 và trên BĐ3. Lũ quét, sạt lở đất nguy cơ cao xuất hiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc; trên các sông suối nhỏ, vùng thượng lưu các sông miền Trung và Tây Nguyên khả năng xuất hiện lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất...

Trong 6 tháng cuối năm 2023, Cục Đê điều và PCTT sẽ tập trung hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo đúng tiến độ của Bộ, Chính phủ giao.

Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, diễn biến của thiên tai, tăng cường kiểm tra, đôn đốc bảo vệ an toàn cho hệ thống đê điều, hồ đập xung yếu; tham mưu kịp thời, chính xác cho Ban chỉ đạo để chỉ đạo các địa phương, Bộ, ngành chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả được kịp thời, hiệu quả; tham mưu chỉ đạo vận hành các liên hồ chứa, nhất là lưu vực sông Hồng đảm bảo an toàn công trình, hạ du và sử dụng hiệu quả nguồn nước. Sẵn sàng mọi điều kiện để phục vụ các đoàn công tác của Ban chỉ đạo triển khai các hoạt động PCTT và tham mưu thành lập, tổ chức các đoàn kiểm tra công tác PCTT của các thành viên Ban chỉ đạo. Tổ chức Hội nghị nâng cao nghiệp vụ cho Văn phòng thường trực 63 tỉnh/thành phố.

Đồng thời, tăng cường chỉ đạo, giám sát các địa phương đẩy nhanh tiến độ tu bổ, duy tu bảo dưỡng đê điều. Sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với lũ lớn, lũ đặc biệt lớn, tình huống bất lợi trên diện rộng. Thường trực, kiểm tra, theo dõi sự cố đê điều, hướng dẫn, đề xuất biện pháp xử lý đối với hệ thống đê điều từ cấp III trở lên trong mùa mưa, bão. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Tiếp đó, báo cáo, tổng hợp thiệt hại, đề xuất các biện pháp khắc phục khẩn cấp, hỗ trợ trung, dài hạn; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác khắc phục hậu quả thiên tai đảm bảo đúng mục đích, đối tượng và hiệu quả; Tiếp tục theo dõi, đôn đốc, hoàn thiện báo cáo kết quả rà soát kinh phí hỗ trợ tạm cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2020 và kinh phí cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai giai đoạn 2018, 2019, 2021.

Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, tập trung vào các khu vực đang có diễn biến sạt lở phức tạp; kết hợp hài hòa giữa biện pháp công trình và phi công trình trong đó chú trọng việc di dời dân cư đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Kết quả đánh giá Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh năm 2022 dự kiến được thông qua trong thời gian tới cũng như tiếp tục thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, các dự án đầu tư cơ bản, góp phần phục vụ công tác quản lý và nâng cao năng lực PCTT cho các cấp chính quyền, cộng đồng…

Bình Minh