Chuyển đổi số quốc gia phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể

Diễn đàn - Ngày đăng : 21:06, 12/07/2023

Từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.
Diễn đàn

Chuyển đổi số quốc gia phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể

Hoàng Linh 12/07/2023 21:06

Từ đầu năm 2023, công tác chuyển đổi số (CĐS) quốc gia và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực.

Chiều 12/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về CĐS chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về CĐS quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

img_7442.jpg
Toàn cảnh Hội nghị

Sáu kết quả nổi bật của CĐS quốc gia

Theo Bộ TT&TT, 6 tháng đầu năm 2023, hoạt động CĐS quốc gia có 6 kết quả nổi bật.

Thứ nhất, về thể chế số, Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) sửa đổi được Quốc hội thông qua tại phiên họp sáng ngày 22/6/2023, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Luật có tác động đến 139 văn bản quy phạm pháp luật còn hiệu lực, gồm 11 văn bản điều ước quốc tế, 26 luật, 113 văn bản hướng dẫn các cấp.

Luật quy định giá trị pháp lý của các thành tố cơ bản nhằm thúc đẩy chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực lên môi trường số, giúp nhiều luật hiện nay có hiệu lực thi hành ngay trên môi trường số. Đây có thể coi là luật cơ bản về CĐS, là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế cho CĐS.

Thứ hai, về hạ tầng số, tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định đạt 93,31 Mbps, tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 42 và cao hơn trung bình thế giới là 79,28 Mbps. Tốc độ truy cập mạng băng rộng di động đạt 47,27 Mbps, tăng 33,95% so với cùng kỳ năm 2022, xếp thứ 47 và cao hơn trung bình thế giới là 42,3 Mbps.

Các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông, trong đó có 2.418 thôn lõm sóng giai đoạn 2021-2022 và phát sinh mới 1.506 thôn giai đoạn 2022-2023. Việt Nam có 9 DN cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu (TTDL), 43 TTDL trên toàn quốc, với tổng số 571 nghìn máy chủ, 54,7 triệu lõi vật lý.

Thứ ba, về nhân lực số, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bổ sung 5 mã ngành mới vào chương trình đào tạo đại học, sau đại học gồm: Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kinh tế số, Công nghệ giáo dục và Công nghệ tài chính. Số lượng tuyển sinh đào tạo kỹ sư, cử nhân về máy tính và CNTT năm 2022 đạt 70.000, tăng 16% so với năm 2021.

Thứ tư, chính phủ số, với trọng tâm là dữ liệu và dịch vụ công (DVC) trực tuyến (DVCTT), có những chuyển biến rõ rệt. Đề án 06, được goi là một mũi đột phát của CĐS quốc gia, là hạt nhân thúc đẩy cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thông qua kết nối, chia sẻ dữ liệu, nâng cao chất lượng 53 DVCTT thiết yếu, cấp trên 45 triệu tài khoản định danh điện tử cho người dân. Bộ Công an có báo cáo chuyên đề chi tiết về nội dung này.

Cổng DVC quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2023 có 3,6 triệu tài khoản đăng ký mới, nâng tổng số tài khoản lũy kế là 7,7 triệu, ghi nhận hơn 6,8 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 2,39 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Đến hết tháng 6/2023, Cổng DVC các bộ, ngành, địa phương có chuyển biến rõ rệt về chất lượng so với cuối năm 2022.

Việc giải quyết TTHC ở một số địa phương có sự thay đổi đột phá, ví dụ tháng 6/2023, Quảng Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án đầu tư của DN có tổng mức vốn đầu tư gần 250 triệu USD chỉ trong 12 giờ làm việc kể từ thời điểm nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tuyến qua cổng DVC của tỉnh, rút ngắn thời gian giải quyết 14 ngày làm việc so với quy định.

Điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là Bộ Nội vụ, với việc triển khai thần tốc Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, đến hết 30/6/2023 đã cơ bản hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia với trên 95% các cơ quan, đơn vị.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, trung bình có 18 giao dịch 1 giây, 1,59 triệu giao dịch 1 ngày qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); 57 giao dịch 1 giây; 5,01 triệu giao dịch 1 ngày qua hệ thống giám sát, đo lường dịch vụ chính phủ số của Bộ TT&TT.

Thứ năm, ước tính sơ bộ tỷ trọng kinh tế số trong GDP trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt khoảng 14,96%, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao ở mức 21% so với cùng kỳ năm 2022.

Báo cáo thường niên kinh tế số e-Connomy SEA do Google và Temasek nghiên cứu công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế số Việt Nam năm 2022 là 28%, dẫn đầu trong các quốc gia Đông Nam Á. Năm 2022 có hơn 1.400 DN công nghệ số Việt Nam có doanh thu từ thị trường nước ngoài, tăng gần 20% so với năm 2021. DN công nghệ số Việt Nam đi ra nước ngoài tiêu biểu trong 6 tháng đầu năm 2023 gồm: Viettel, FPT, CMC, Rikkei,VMO, NTQ, TMA và LTS.

Điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 về phát triển kinh tế số ngành, lĩnh vực là Bộ Giao thông vận tải, với việc thúc đẩy triển khai CĐS cảng biển và kết nối các cảng biển nhằm nâng cao năng lực, rút ngắn thời gian phục vụ, đã bước đầu triển khai được 18/145 cảng biển trên phạm vi toàn quốc (từ khi bắt đầu thúc đẩy năm 2021 mới có 4 cảng đến nay đã chiếm thị phần lớn nhất), sử dụng nền tảng số Make in Việt Nam, với chi phí chỉ bằng khoảng 10 - 20% giải pháp của nước ngoài.

bt-nguyen-manh-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị

Điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 về phát triển kinh tế số địa phương là tỉnh Bình Thuận, với việc nhiều nhà vườn thanh long lớn tại Bình Thuận đã hợp tác với Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đã triển khai hiệu quả việc ứng dụng hệ thống chiếu sáng thông minh vào CĐS nông nghiệp. Các nhà vườn được thiết kế hệ thống chiếu sáng thông minh bằng đèn LED thay thế bóng đèn tròn sợi đốt và bóng compact, kết hợp với hệ thống điều khiển tự động điều khiển mức độ sáng và thời gian chiếu sáng theo từng giai đoạn phát triển của cây trồng.

Kết quả thực tế trên 1ha triển khai khi sử dụng hệ thống chiếu sáng thông minh bằng đèn LED cho thấy: Sản lượng ra nụ hoa tăng 24%; Chi phí tiền điện rẻ hơn 30 triệu đồng/1 năm so với đèn compact và 91 triệu đồng/1 năm so với đèn sợi đốt; Tuổi thọ đèn cao hơn tới 15 lần; Thời gian hoà vốn đầu tư 7- 12 tháng.

Thứ sáu, tổng số lượng người dùng hàng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2022.

60 nền tảng, ứng dụng di động phục vụ người dân của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng hàng tháng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2022.

Điểm sáng mới trong 6 tháng đầu năm 2023 là nền tảng truyền hình số quốc gia VTV Go với hơn 7 triệu người dùng hàng tháng, trong đó có gần 1 triệu người dùng ở nước ngoài. Từ 01/01/2023 đến 29/6/2023, VTV Go đạt 1,7 tỷ lượt xem, trung bình 280 triệu lượt xem 1 tháng.

Điểm sáng mới trong phát triển xã hội số ở các địa phương trong 6 tháng đầu năm 2023 tiêu biểu gồm: Yên Bái đạt tỷ lệ danh tính số VNeID gần 80%; Thái Nguyên, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Long An, Kiên Giang đạt tỷ lệ tài khoản thanh toán số thậm chí vượt 100%.

Tạo đột phá hơn nữa trong CĐS

Trước những kết quả đạt được, phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nguyên nhân và bài học, mà trước hết là vai trò của người đứng đầu, nếu người đứng đầu vào cuộc chỉ đạo quyết liệt thì ở phía dưới có sự chuyển động mạnh mẽ; phát triển hạ tầng phải đồng bộ, toàn diện, liên thông, nhanh chóng hiện đại hóa hạ tầng số; tạo động lực, cảm hứng để người dân và DN tham gia tích cực hơn vào CĐS.

thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính: CĐS cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa

Nhằm phát huy kết quả đã đạt được, những kinh nghiệm quý, bài học hay, đồng thời khắc phục tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc để triển khai thành công Đề án 06, Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định "CĐS là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, cần được tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, khó khăn, thách thức, tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng phải có ưu tiên".

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên gồm: Ưu tiên phát triển dữ liệu, xây dựng CSDL "đúng, đủ, sạch, sống" (dữ liệu là tài nguyên), ưu tiên phát triển các DVCTT gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các CSDL quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Thủ tướng nêu rõ: Xây dựng, phát triển hệ sinh thái công dân số phải là một nền tảng quan trọng của CĐS quốc gia. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế Việt Nam. Xã hội số là một trong những nền tảng của xã hội Việt Nam. Văn hóa số là một phần quan trọng của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Cùng với đó, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và DN; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, làm mục tiêu, động lực, nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân, DN.

Huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN. Tổ chức triển khai CĐS quốc gia tại từng bộ, ngành, địa phương phải đi vào thực chất, mang lại giá trị thiết thực cho chính quyền, người dân, DN gắn với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, DN.

Các CSDL quốc gia là nguồn tài nguyên mới và là nền tảng quan trọng cho CĐS quốc gia nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các cấp chính quyền, giữa công và tư. Việc hình thành TTDL quốc gia do Bộ Công an chủ trì xây dựng là một giải pháp quan trọng thúc đẩy hình thành, kết nối, chia sẻ các CSDL quốc gia trong tương lai.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai Đề án 06 nói riêng và CĐS quốc gia nói chung.

Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của CĐS quốc gia; cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng DN.

img_7019.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan triển lãm mô hình, sản phẩm ứng dụng triển khai Đề án 06

CĐS quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể

Thủ tướng nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, mà trước hết là phải quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, tạo bước đột phá mạnh mẽ trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06, với quan điểm "CĐS quốc gia là công việc rất lớn, rất chiến lược, nhưng phải bắt đầu bằng những hành động cụ thể, mục tiêu cụ thể, làm việc nào dứt điểm việc đó, không thể chung chung được".

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành địa phương sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá công tác CĐS quốc gia ở cấp quốc gia, cấp bộ, ngành và địa phương.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ sớm triển khai xây dựng hệ thống giám sát theo dõi, đánh giá, đôn đốc việc triển khai CSDL quốc gia về dân cư, tháo gỡ các điểm nghẽn, khẩn trương hoàn thành các nhóm công việc chưa triển khai trong 6 tháng đầu năm 2023.

Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho CĐS quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng với phương châm một văn bản điều chỉnh nhiều văn bản, áp dụng quy trình rút gọn. Thể chế phải đi trước một bước để thúc đẩy CĐS quốc gia nhanh hơn, bền vững hơn.

Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương tổng hợp, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản điều chỉnh phù hợp với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, hoàn thành trong tháng 8/2023.

Bộ TT&TT khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản liên quan theo hướng đẩy mạnh sử dụng, phát triển nền tảng định danh điện tử VneID (sử dụng định danh điện tử VNeID để tạo lập tài khoản mới đối với thông tin thuê bao di động; cấp chữ ký số (CKS) gắn liền với định danh điện tử; sửa đổi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về CKS và dịch vụ chứng thực CKS theo trình tự, thủ tục rút gọn…).

Cùng với đó, tiếp tục chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn hiện Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Nghị định quy định danh mục CSDL quốc gia, việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng CSDL quốc gia, hoàn thành trong tháng 7/2023; cập nhật, ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam (phiên bản 3.0), hoàn thành trong tháng 9/2023.

Thủ tướng giao Bộ Công an sớm nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VneID.

Về nguồn lực, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư, vốn chi thường xuyên của CĐS quốc gia và Đề án 06 để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bố trí nguồn lực thực hiện. Bộ Nội vụ tiến hành rà soát chung và đề xuất tổng thể với Chính phủ về nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 06. Bộ TT&TT phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn định mức đầu tư phù hợp trong CĐS để thống nhất thực hiện.

Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm "Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới" với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; là bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, DN".

Thủ tướng tin tưởng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng DN, công cuộc CĐS quốc gia và Đề án 06 sẽ được triển khai thành công ở cấp độ quốc gia, thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số./.

Hoàng Linh