17 bộ, ngành, địa phương triển khai cung cấp dữ liệu mở

Chuyển đổi số - Ngày đăng : 10:32, 13/07/2023

Năm 2023 được Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia để tập trung hoạch định và xây dựng hạ tầng dữ liệu số phục vụ tạo nền tảng thúc đẩy CĐS. Vậy, hiện trạng triển khai các CSDL quốc gia và địa phương hiện như thế nào?
Chuyển đổi số

17 bộ, ngành, địa phương triển khai cung cấp dữ liệu mở

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Năm 2023 được Uỷ ban quốc gia về Chuyển đổi số (CĐS) xác định là Năm Dữ liệu số quốc gia để tập trung hoạch định và xây dựng hạ tầng dữ liệu số phục vụ tạo nền tảng thúc đẩy CĐS. Vậy, hiện trạng triển khai các CSDL quốc gia và địa phương hiện như thế nào?

Hiện trạng triển khai các CSDL quốc gia

Theo thống kê tổng hợp của Bộ TT&TT, các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia chính, quan trọng đã xây dựng, gồm CSDL quốc gia về dân cư và căn cước công dân (CCCD); đăng ký doanh nghiệp (DN); bảo hiểm và đất đai.

CSDL quốc gia về dân cư và CCCD

Bộ Công an đã hoàn thành xây dựng CSDL quốc gia về dân cư. Kết quả đã thu nhập vào CSDL quốc gia về dân cư khoảng 99 triệu nhân khẩu, đạt trên 99%. Bộ Công an cũng đã phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ rà soát, cập nhật trên 92.000 trường hợp thôi quốc tịch, gần 5 triệu trường hợp thay đổi thông tin trong hộ tịch để phục vụ việc làm sạch dữ liệu; cấp số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh được hơn 5,3 triệu trường hợp.

CSDL quốc gia về đăng ký DN

CSDL quốc gia về đăng ký DN là tập hợp dữ liệu về đăng ký DN trên phạm vi toàn quốc. Thông tin trong hồ sơ đăng ký DN và tình trạng pháp lý của DN lưu giữ tại CSDL quốc gia có giá trị pháp lý là thông tin gốc về DN. Số lượng DN trong CSDL là 1,5 triệu DN. CSDL quốc gia về đăng ký DN đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 12 bộ, ngành và 56 địa phương.

CSDL quốc gia về bảo hiểm

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam thu thập dữ liệu qua các hoạt động nghiệp vụ, từ đó hình thành dữ liệu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm. Dữ liệu do BHXH Việt Nam thu thập và quản lý bao gồm 31,9 triệu hộ gia đình, 16,1 triệu người tham gia BHXH và 83,895 triệu người tham gia bảo hiểm y tế.

BHXH Việt Nam đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương gồm Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao Động-Thương binh và Xã hội, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính, 29 tỉnh/thành phố phục vụ cho công tác tiêm chủng, công tác hỗ trợ cho người lao động hưởng các gói hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

CSDL quốc gia về đất đai

CSDL quốc gia về đất đai bao gồm các dữ liệu thành phần:

Về CSDL địa chính, đã tích hợp dữ liệu từ 36 tỉnh, 322 huyện thị, 4880 xã, phường với 24 triệu thửa đất; 12,8 triệu giấy chứng nhận và hơn 3,5 triệu hồ sơ tiếp nhận.

Về CSDL Thống kê, kiểm kê đất đai: tập hợp, thống kê được 141.000 đơn vị dữ liệu (khoanh đất).

Về CSDL Giá đất: 32,8 nghìn đơn vị dữ liệu bao gồm dữ liệu khung giá đất thời kỳ 2015-2019, thời kỳ 2020-2025.

Về CSDL Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bao gồm: 21.000 đơn vị dữ liệu bao gồm cả quy hoạch kế hoạch sử dụng đất trước năm 2010 và năm 2010.

Về CSDL Điều tra cơ bản đất đai, ố liệu điều tra cấp vùng, cấp quốc gia năm 2015 là: 2,9 triệu đơn vị dữ liệu (chất lượng đất: 131.725 khoanh; chế độ nước: 54.042 khoanh; độ phì nhiêu đất: 65.931 khoanh; giảm độ phì: 67.989 khoanh; hiệu quả kinh tế: 501.000 đơn vị dữ liệu và hiệu quả môi trường: 501.000 đơn vị dữ liệu).

CSDL khác liên quan đất đai: CSDL người định cư ở nước ngoài sở hữu giấy chứng nhận bao gồm: 711 hồ sơ.

CSDL của các bộ, ngành, địa phương

Tiêu chí đặt ra tại Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS là hết năm 2023 có 100% bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục CSDL thuộc phạm vi quản lý và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các CSDL trong danh mục. Đến thời điểm hiện tại Bộ TT&TT đã ghi nhận có tổng số 45 bộ, ngành, địa phương đã ban hành danh mục CSDL dùng chung của mình đạt tỷ lệ 52,3% so với kế hoạch. Tổng số CSDL được hoạch định trong 45 bộ, ngành, địa phương là 1.744 CSDL.

Về hình thức chia sẻ dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước (một CSDL có thể chia sẻ theo nhiều hình thức):

Đối với các bộ, ngành: có 7 bộ bao gồm: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT và Uỷ ban dân tộc đã ban hành danh mục CSDL dùng chung của Bộ với tổng cộng 198 CSDL (Bộ TT&TT (82), Bộ Xây dựng (34), Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (24), Bộ KHĐT (19), Bộ Tài chính (12), Bộ Nội vụ (8), Uỷ ban dân tộc (19)).

so-luong-csdl-bo-nganh.png
Số lượng CSDL bộ, ngành

Đối với các địa phương, 38 địa phương đã ban hành danh mục CSDL dùng chung của địa phương với tổng cộng 1.545 CSDL. Tỷ lệ trung bình mỗi địa phương có khoảng 40 CSDL, 28 CSDL là con số ở khoảng giữa (trung vị hay median).

so-luong-csdl-dia-phuong.png
38 địa phương đã ban hành danh mục CSDL dùng chung

Các địa phương có sự chênh lệch về số CSDL rất lớn

Theo thống kê của Bộ TT&TT, Các địa phương có sự chênh lệch về số CSDL rất lớn. Nhiều nhất là Thừa Thiên Huế được hoạch định 169 CSDL, Thái Bình (109), Hà Giang (81) trong khi đó nhóm các tỉnh có số CSDL ít nhất là: Nghệ An (16), Hà Nam (18), Quảng Trị (19).

Nội dung chủ đề của các CSDL phân bố rất đa dạng.

Về nội dung chủ đề của các CSDL, các CSDL phân bố rất đa dạng, các chủ đề chính được tập trung xây dựng bao gồm:

Các chủ đề có số CSDL lớn bao gồm: CSDL chứa nội dung văn bản là 74; CSDL chứa thông tin về giáo dục là 69; CSDL chứa thông tin về y tế là 65; CSDL chứa thông tin về cán bộ công chức, viên chức là 64.

Các chủ đề khác được các bộ, ngành tập trung xây dựng bao gồm: doanh nghiệp, nông nghiệp, khoa học và công nghệ, đất đai, du lịch...

Về tổ chức xây dựng CSDL tại địa phương: các sở ban ngành được giao làm chủ quản CSDL dùng chung tập trung vào: Sở TT&TT (142), Sở Tài nguyên và Môi trường (117) Văn phòng UBND tỉnh/thành phố (101).

17 bộ, ngành, địa phương triển khai cung cấp dữ liệu mở

Theo Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023 (Quyết định số 17/QĐ-UBQGCĐS ngày 04/4/2023), đến hết năm 2023 có 100% bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch về dữ liệu mở, bao gồm danh mục dữ liệu mở, công bố dữ liệu mở của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý.

Tuy nhiên, đến hết tháng 6/2023, Bộ TT&TT đã ghi nhận được 17 bộ, ngành, địa phương ban hành kế hoạch cung cấp dữ liệu mở đạt tỷ lệ 19,7%. Các cơ quan đã ban hành bao gồm: Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Ngân hàng Nhà nước; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; các tỉnh có Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Đà Nẵng, Hà Nội, Lạng Sơn, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Tuyên Quang, Vĩnh Long.

Trong khi đó, 17 bộ, ngành, địa phương triển khai cung cấp dữ liệu mở đạt tỷ lệ 19,7%. Các cơ quan cung cấp dữ liệu mở trên cổng dữ liệu quốc gia hoặc xây dựng, thử nghiệm cổng dữ liệu riêng của mình. Các bộ, ngành, địa phương bao gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bắc Giang, Bình Định, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Giang, Hậu Giang, Lạng Sơn, Long An, Ninh Bình, TP Hồ Chí Minh, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Trà Vinh./.

Hoàng Linh