Lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam đang mức báo động và ngày càng gia tăng
An toàn thông tin - Ngày đăng : 06:05, 15/07/2023
Lừa đảo trực tuyến ở Việt Nam đang mức báo động và ngày càng gia tăng
Theo Cốc Cốc, thực trạng lừa đảo trực tuyến trên môi trường mạng ở Việt Nam đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng. Vì vậy, cần huy động nguồn lực toàn xã hội để gia tăng kỹ năng nhận diện lừa đảo trực tuyến cho người dân.
Giả mạo website là một trong những cách lừa đảo phổ biến nhất
Liên minh tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin (ATTT) cho người dân trên không gian mạng đã chính thức ra mắt ngày 24/11/2022 trong khuôn khổ hội thảo - triển lãm ngày ATTT năm 2022.
Với thành phần bao gồm cơ quan nhà nước, Hiệp hội, các DN viễn thông, ATTT mạng và mạng xã hội, Liên minh được kỳ vọng sẽ có đủ tri thức và công cụ kỹ thuật để làm góp phần bảo vệ người dân trên không gian mạng.
Với vai trò là 1 trong 8 doanh nghiệp (DN) tham gia Liên minh, trong chiến dịch tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, Cốc Cốc đã và đang triển khai chuỗi hoạt động nhằm góp phần bảo vệ người dân trước vấn nạn này.
Theo ông Nguyễn Vũ Anh, CEO Cốc Cốc, đơn vị này này đã tham gia xây dựng tài nguyên nội dung tuyên truyền cho Liên minh, đồng thời chủ động lan tỏa thông tin qua các kênh truyền thông phù hợp; Sản xuất loạt video tái hiện một số nhóm tình huống dễ phát sinh rủi ro vướng vào các chiêu trò lừa đảo trên mạng, khá phổ biến trong đời sống hàng ngày; Phát hành tài liệu (tờ rơi, áp phích) với nội dung cảnh báo người dân về 24 hình thức lừa đảo trực tuyến, hướng dẫn người dân cách nhận biết các website không an toàn, cũng như hướng dẫn cách dùng các công cụ số an toàn; Lan tỏa thông tin tới hơn 29 triệu người dùng Cốc Cốc và phối hợp chia sẻ nội dung tuyên truyền trên các kênh truyền thông chính thức của Liên minh và Cục ATTT thông qua mục tin tức trên trang tab mới trên trình duyệt Cốc Cốc…
Bên cạnh đó, Cốc Cốc cũng chủ động triển khai một số hoạt động, bao gồm, hoàn thiện việc kết nối chia sẻ dữ liệu website độc hại với Cơ sở dữ liệu (CSDL) chống lừa đảo từ Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC). Trong đó, Cốc Cốc sẽ có vai trò phát hiện, gửi cảnh báo hoặc ngăn chặn người dùng truy cập các website không an toàn.
“Cốc Cốc đã phát triển và đang tiếp tục nghiên cứu, tối ưu nhiều tính năng hữu ích, hỗ trợ người dùng Việt lên mạng an toàn như cảnh báo trang web giả mạo, xác thực trang web chính chủ, chặn quảng cáo độc hại, duyệt web an toàn,...”, ông Nguyễn Vũ Anh bày tỏ.
Trong thời gian tới, Cốc Cốc sẽ tiếp tục đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Cục ATTT - Bộ TT&TT và Liên minh ATTT không chỉ trong phạm vi chiến dịch “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” mà trong các hoạt động duy trì, hỗ trợ người dân sau đó nữa.
Mục tiêu cao nhất mà Cốc Cốc hướng đến khi tham gia chiến dịch này nói riêng và cũng là sứ mệnh của Cốc Cốc nói chung, là cung cấp cho người dân nhận thức đúng, kịp thời thông qua các ví dụ cụ thể, đưa ra gợi ý về cách làm, để người dân có thể khai thác tối đa tài nguyên thông tin trên Internet một cách an toàn, từ đó tận hưởng tối đa lợi ích từ thế giới số.
Đánh giá về thực trạng lừa đảo trực tuyến trên môi trường mạng ở Việt Nam hiện nay, ông Vũ Anh khẳng định, câu chuyện này đang ở mức báo động và ngày càng gia tăng theo chiều hướng xấu, khi mà thống kê của Cục ATTT, Bộ TT&TT, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.
Các nghiên cứu của Cốc Cốc cũng cho thấy, việc giả mạo website của các cơ quan, tổ chức uy tín là một trong những cách phổ biến nhất mà tin tặc sử dụng để bẫy người dùng. Trong đó, nhóm trang web của tổ chức, cơ quan nhà nước, ngân hàng, cơ quan tài chính hay các đơn vị tin tức, báo chí là nhóm trang web bị tin tặc giả mạo nhiều nhất và có nguy cơ gây nhiều thiệt hại về thông tin cá nhân, tiền bạc cho người dùng.
Đặc biệt, những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi và phức tạp. Các đối tượng xấu ngày càng nhanh nhạy trong việc lợi dụng công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI),... làm công cụ lừa đảo.
Để có thể bảo vệ người dân hiệu quả hơn, chắc chắn cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Cùng với đó, sự chung tay của các đơn vị phát triển sản phẩm, giải pháp công nghệ như Cốc Cốc cũng rất cần thiết, dùng chính sức mạnh của công nghệ để tạo ra những “tấm khiên” vững chắc, giữ an toàn cho người dân trong cuộc chiến đấu với vấn nạn này.
Hầu hết các nạn nhân đều thiếu kỹ năng bảo đảm ATTT
Tuy nhiên, CEO Cốc Cốc cho biết, thời gian qua, dù các cơ quan chức năng cũng như các thành viên Liên minh đều rất tích cực cảnh báo trên truyền thông song số lượng lừa đảo vẫn tiếp tục gia tăng là do một số nguyên nhân sau.
Đầu tiên, đó là việc những kẻ xấu liên tục tạo ra nhiều chiêu trò khác nhau, với nhiều biến tướng, ngày càng tinh vi và khó lường hơn. Ngay khi các cơ quan chức năng phát hiện ra và có biện pháp xử lý một hình thức lừa đảo, những kẻ xấu có thể đã ngay lập tức tạo ra một hình thức lừa đảo mới.
Nguyên nhân thứ 2, ông Vũ Anh cho rằng, đến từ cốt lõi là cơ chế lừa đảo. Kẻ xấu thường sẽ tập trung vào các yếu tố liên quan đến con người, đặc biệt là các yếu tố tâm lý dễ khiến con người mất cảnh giác như những nỗi lo (về sự an toàn của bản thân, của người thân trong gia đình), lòng trắc ẩn, hoặc thậm chí là lòng tham... Khi nắm bắt được những điểm yếu này, các đối tượng lừa đảo sẽ lợi dụng tiện ích công nghệ, dụ dỗ người dân sập bẫy lừa đảo theo kịch bản đã tính toán sẵn.
Chưa kể đến, việc giả mạo thông tin trên môi trường trực tuyến dễ dàng hơn rất nhiều so với ngoài đời. Chưa kể đến, nhận thức về lừa đảo trực tuyến của người dân Việt Nam còn hạn chế.
“Hầu hết các trường hợp người dân là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến đều chưa có hoặc thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng, từ những việc căn bản như bảo mật thông tin cá nhân, cảnh giác trước những yêu cầu bất hợp lý,... ", ông Vũ Anh chia sẻ thêm.
Cũng theo ông Vũ Anh, hiện tại có có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng tại Việt Nam. Tin tặc chủ yếu sẽ nhắm vào các nhóm đối tượng gồm người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, thanh niên, công nhân, người lao động,…
“Đây đều là những nhóm người dân dễ lừa gạt, nhẹ dạ cả tin. Mỗi nhóm đối tượng ở từng độ tuổi, kẻ xấu thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau, quy trình phổ biến là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản”, ông Vũ Anh đánh giá.
Ngoài ra, nghiên cứu của Cốc Cốc cũng cho thấy, hình thức phổ biến nhất mà tin tặc sử dụng để bẫy người dùng là giả mạo website của các cơ quan, tổ chức uy tín. Nhóm trang web của tổ chức, cơ quan nhà nước, ngân hàng, cơ quan tài chính hay các đơn vị tin tức, báo chí là nhóm trang web bị tin tặc giả mạo nhiều nhất và có nguy cơ gây nhiều thiệt hại về thông tin cá nhân, tiền bạc cho người dùng.
Thông thường, tin tặc sẽ bẫy người dùng click vào những link này để cài cắm ứng dụng, link quảng cáo cờ bạc, cá độ, tín dụng đen hoặc đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân...
Cần huy động nguồn lực toàn xã hội tham gia phòng chống lừa đảo trực tuyến
CEO Cốc Cốc cho biết, trong quá trình phát triển các công cụ bảo vệ người dùng khỏi nạn lừa đảo trực tuyến, đơn vị này đã gặp không ít những thuận lợi. Với lợi thế địa phương, Cốc Cốc thấu hiểu những khó khăn mà người dùng thường gặp phải khi lên mạng, đặc biệt là trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến. Từ đó có khả năng tạo những tính năng/sản phẩm phục vụ đúng nhu cầu cho người dùng.
Cốc Cốc nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo định hướng từ Cục ATTT để tham gia xây dựng được các giải pháp phù hợp, kịp thời đáp ứng tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, Cốc Cốc cũng gặp nhiều khó khăn khi mà thủ đoạn của tin tặc ngày càng biến tướng tinh vi. Từ đó, khi Cốc Cốc phát triển ra sản phẩm/tính năng để ngăn chặn một hình thức lừa đảo thì những kẻ xấu ấy đã tạo ra hình thức lừa đảo mới. Do đó, giải pháp cốt lõi để chống lại vấn nạn lừa đảo trực tuyến vẫn nên đến từ việc nâng cao nhận thức của người dân.
Thời gian qua, tại Việt Nam, không chỉ Cốc Cốc mà Google cũng đã liên tục có những sự tham gia để bảo vệ người dùng trên Internet. Lý giải về điều này, ông Vũ Anh khẳng định, do trình duyệt được xem là cánh cửa đầu tiên giúp người dân bước vào thế giới số. Còn công cụ tìm kiếm có vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin chính xác.
Do đó, nếu kiểm soát được vấn nạn lừa đảo trực tuyến ngay từ “cửa ngõ” là trình duyệt và công cụ tìm kiếm thì sẽ góp phần không nhỏ giúp người dùng trải nghiệm không gian số thuận lợi và an toàn hơn.
Để bảo vệ người dùng Việt khỏi nạn lừa đảo trực tuyến, ông Vũ Anh cho rằng, cần huy động nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia tích cực tuyên truyền để tăng kỹ năng nhận diện lừa đảo trực tuyến, cũng như hướng dẫn người dân các biện pháp phòng chống lừa đảo trực tuyến.
Hơn thế nữa, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng và sự chung tay của các đơn vị phát triển sản phẩm, giải pháp công nghệ. Qua đó, dùng chính sức mạnh của công nghệ để tạo ra những “tấm khiên” vững chắc, giữ an toàn cho người dân trong cuộc chiến đấu với vấn nạn này.
Đối với người sử dụng, để bảo vệ mình trước vấn nạn lừa đảo trực tuyến, hãy tự trang bị và nâng cao kiến thức cho bản thân và người thân về đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Nếu có kiến thức đủ sâu, rộng, người dân có thể tránh được rủi ro trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Nếu chẳng may dính bẫy lừa đảo, trước tiên người dùng cần bình tĩnh, cố gắng giữ tỉnh táo để liên hệ với cơ quan chức năng, các thành viên thuộc Liên minh để trình báo sự việc. Đồng thời, hãy nhanh chóng cảnh báo cho gia đình và bạn bè của bạn về trò lừa đảo đó để họ có thể đề phòng và không trở thành nạn nhân tiếp theo.
Tiếp theo, những việc đơn giản để tự bảo vệ bản thân mà có thể thực hiện ngay như đổi mật khẩu tài khoản email/tài khoản mạng xã hội, nâng cấp trình duyệt lên phiên bản mới nhất, kiểm tra và thiết lập cài đặt bảo vệ tài khoản đa lớp,…/.