Công nghệ số là con đường ngắn nhất để đi đến tương lai
Diễn đàn - Ngày đăng : 04:56, 15/07/2023
Công nghệ số là con đường ngắn nhất để đi đến tương lai
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã nhấn mạnh công nghệ số là con đường ngắn nhất và có thể rẻ nhất để đi đến tương lai tại buổi thăm và làm việc với với Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chiều ngày 14/7.
Bộ TT&TT thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 10 lĩnh vực
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, từ tháng 7/2022, Bộ đang quản lý nhà nước đối với hơn 10 lĩnh vực, trong đó có 4 lĩnh vực mới được Chính phủ bổ sung thêm là chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, công nghiệp công nghệ số.
Như vậy hiện nay, Bộ TT&TT thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên 10 lĩnh vực, khái quát bao gồm 02 nhóm:
Nhóm Công nghệ, công nghiệp với sứ mệnh “Trọng tâm là công nghệ số, chủ yếu là công nghệ của Cách mạng 4.0, tạo nên sức mạnh vật chất để Việt Nam phát triển” gồm các lĩnh vực: (1) Bưu chính; (2) Viễn thông; (3) Chuyển đổi số quốc gia; (4) Chính phủ số; (5) An toàn thông tin mạng; (6) Kinh tế số và Xã hội số; (7) Công nghiệp công nghệ số; (8) Nhân lực số.
Nhóm Báo chí, truyền thông với sứ mệnh “Khơi dậy khát vọng phát triển Việt Nam, biến khát vọng này thành sức mạnh tinh thần để xây dựng đất nước” gồm các lĩnh vực: (1) Báo chí, truyền thông; (2) Xuất bản.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ đã và đang nghiên cứu, rà soát việc sửa đổi, bổ sung và đề xuất xây dựng mới 7 dự án luật, trong đó Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật Giao dịch điện tử đã được Quốc hội thông qua năm 2022 và 2023. Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ TT&TT đang lập hồ sơ đề nghị xây dựng 2 dự án luật trình Chính phủ: Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016 và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản năm 2012; đồng thời đang nghiên cứu, xây dựng mới Luật Công nghiệp công nghệ số và nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Bưu chính năm 2012.
Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét xây dựng mới Luật Chính phủ số/Luật CĐS.
Đối với các văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kể từ đầu nhiệm kỳ, Bộ TT&TT đã trình Chính phủ ban hành 16 nghị định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 4 quyết định; Bộ ban hành 93 thông tư thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ.
Tốc độ tăng trưởng bình quân gấp 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP
Cũng theo Bộ TT&TT, tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành TT&TT trong 5 năm vừa qua là 12,4%, gấp 2 - 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Năm 2022, tổng doanh thu toàn ngành là 3.893.595 tỷ đồng (khoảng 168 tỷ USD); Tổng nộp ngân sách toàn ngành là 98.982 tỷ đồng (khoảng 4,3 tỷ USD).
Tổng số lao động toàn ngành là trên 1,5 triệu người; Tổng số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp toàn ngành là gần 85.000 đơn vị gồm khoảng trên 70.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, CNTT, công nghệ số… và khoảng 15.000 đơn vị sự nghiệp và đơn vị khác bao gồm (các cơ quan báo chí, nhà xuất bản, cơ sở in, phát hành, phát thanh truyền hình, các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, xã).
Về lĩnh vực bưu chính, tăng trưởng doanh thu dịch vụ bưu chính giai đoạn 2018 -2022 khoảng 23%/năm. Doanh thu năm 2022 đạt 53.900 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 27.477 tỷ đồng (tăng trưởng 5,5% so với cùng kỳ).
Trong lĩnh vực viễn thông, DN viễn thông Nhà nước nắm giữ 95% thị phần di động, 77% thị phần băng rộng cố định. Tỉ lệ người sử dụng Internet đạt 78,6% so với thế giới là 65,7%. Tỉ lệ dân số được phủ sóng di động đạt 99,7% so với thế giới là 88,7%.
Về chính phủ số, thông tin từ Bộ cho biết, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ 4 có sự tăng trưởng đột phá. Nếu như năm 2019, tỉ lệ này mới chỉ ở mức 10% thì đến hết năm 2021 đã đạt trên 96%. Đến nay, 100% DVCTT đủ điều kiện đã lên mức độ 4. Tỉ lệ hồ sơ nộp trực tuyến cũng tăng từ 23,52% lên đến 43%.
Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước cũng có sự tăng trưởng đột phá. Nếu như năm 2019, dưới 10% các cơ quan, tổ chức Nhà nước có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, thì đến hết năm 2021, tỉ lệ này đã đạt 100%.
Số lượng giao dịch kết nối, chia sẻ dữ liệu không ngừng tăng trưởng bùng nổ (năm 2019 là 2 triệu giao dịch, năm 2020 là 11 triệu giao dịch, năm 2021 là 180 triệu giao dịch, năm 2022 là 570 triệu giao dịch).
Về kinh tế số, tỷ lệ kinh tế số/GDP năm 2022 là 14,26%, tăng trưởng 19,73% so với năm 2021.
Chưa bao giờ xã hội hào hứng và quan tâm đến sử dụng công nghệ số như hiện nay
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận, biểu dương ngành TT&TT ngày càng đạt được kết quả tốt hơn, kinh nghiệm hơn, giải pháp tích cực và hiệu quả hơn, đặc biệt đã nỗ lực đưa một số chỉ số vượt trên mức trung bình của thế giới, góp phần tô đẹp hình ảnh Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh các chức năng, nhiệm vụ của Bộ TT&TT đều liên quan đến số, như công nghệ số, CĐS, kinh tế số, công dân số… tác động đến mọi ngõ ngách, mọi mặt của đời sống xã hội, và là xu thế chung của thế giới. Chưa bao giờ xã hội hào hứng và quan tâm đến sử dụng công nghệ số như hiện nay và đang chờ đợi và đón nhận những thay đổi trong CĐS, nhất ứng dụng AI.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ có một trường đại học ở nước ngoài cùng lúc có hàng nghìn sinh viên theo học với hình thức trực tuyến, vừa tiết kiệm chi phí học tập, vừa có thể phụ giúp công việc gia đình mà vẫn có khả năng thành những cử nhân, tiến sĩ giỏi.
Theo đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh công nghệ số là con đường ngắn nhất và có thể rẻ nhất để đi đến tương lai.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng nhiệm vụ của ngành TT&TT rất khó khăn do yêu cầu của cuộc sống đặt ra nhanh hơn, đòi hỏi phải có cách tiếp cận mới mang tính đột phá.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tích cực, quyết liệt rà soát để từng bước sửa đổi, bổ sung những quy định, nhất là những quy định còn chồng chéo, bằng lộ trình, đề án cụ thể nhằm loại bỏ rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành, trong đó có các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Phó Thủ tướng nêu rõ Bộ TT&TT cần hoàn tất việc xây dựng các dự thảo luật được giao, trong đó có Luật Viễn thông sửa đổi, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Tần số vô tuyến điện, cùng một loạt nghị định, thông tư kèm theo.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngành TT&TT cần ưu tiên nghiên cứu công nghệ cao, công nghệ đột phá; xây dựng hoặc đề xuất cơ chế mở đường, hỗ trợ cho các DN của ngành vươn ra thị trường thế giới hay tham gia vào những lĩnh vực mới.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo, đại diện các đơn vị và DN thuộc Bộ TT&TT nêu những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, kinh doanh những ngành nghề mới trên môi trường số; mong Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính bằng CĐS; có cơ chế, chính sách để giúp Việt Nam khai thác tiềm năng cung cấp dịch vụ số cho thị trường thế giới.
Các đơn vị cũng mong muốn tập trung xây dựng một số lĩnh vực dịch vụ số để tạo nền tảng đưa Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT; thúc đẩy đầu tư và kết nối DN toàn quốc để phát triển lĩnh vực AI; thúc đẩy, hỗ trợ các DN CNTT Việt Nam đầu tư ra nước ngoài…
Về các ý kiến, đề xuất của ngành, Phó Thủ tướng khẳng định sẽ đồng hành với ngành TT&TT, đồng thời mong muốn ngành luôn sẵn sàng đón nhận cái mới, vượt qua thử thách để hoàn thành tốt trọng trách được giao.
Trước các chỉ đạo và chia sẻ của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ TT&TT khẳng định ngành TT&TT sẽ tổ chức triển khai tốt những kết quả đến cuối cùng.
Theo Bộ trưởng, 5 năm qua, ngành TT&TT, Bộ TT&TT đã có nhiều đổi mới, có những thành tích nhất định nhưng những thách thức mới cũng không vì thế mà ít đi, thậm chí nhiều hơn. Nhưng có lẽ đó là bản chất của cuộc sống, của bất kỳ sự phát triển nào. Toàn ngành TT&TT luôn coi thách thức mới là động lực mới để tiếp tục phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang giao nhiều việc lớn, việc khó của chính phủ, của đất nước cho Ngành, Bộ vì coi đây là cách tốt nhất để ngành TT&TT phát triển. Các DN, đơn vị của Ngành sẽ cố gắng tự lực nhiều hơn, kêu khó ít đi vì nhiều việc vẫn có thể làm được, nhất là các DN được làm những gì mà luật không cấm./.