Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp đầu tiên về các mối đe dọa tiềm ẩn của AI

An toàn thông tin - Ngày đăng : 11:16, 17/07/2023

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về các mối đe dọa tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với hòa bình và an ninh quốc tế vào 18/7.
An toàn thông tin

Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp đầu tiên về các mối đe dọa tiềm ẩn của AI

Hoàng Linh {Ngày xuất bản}

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ tổ chức cuộc họp đầu tiên về các mối đe dọa tiềm ẩn của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với hòa bình và an ninh quốc tế vào 18/7.

hoi-dong-bao-an.png

Cuộc họp do Vương quốc Anh tổ chức khi nhận thấy có những rủi ro lớn về khả năng sử dụng của AI, chẳng hạn như trong vũ khí tự động hoá hoặc kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Vương quốc Anh Barbara Woodward tại Liên Hợp Quốc ngày 17/7 đã công bố phiên họp ngày 18/7 là tâm điểm của nhiệm kỳ chủ tịch hội đồng trong tháng này. Phiên họp sẽ bao gồm các cuộc họp thảo luận của các chuyên gia AI quốc tế và Tổng thư ký Antonio Guterres, người vào tháng trước đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự bùng nổ của AI từ nhà phát triển.

dai-su-anh.png
Đại sứ Vương quốc Anh Barbara Woodward tại Liên Hợp Quốc

“Các nhà khoa học và các chuyên gia đã kêu gọi thế giới hành động, tuyên bố AI là mối đe dọa hiện hữu đối với nhân loại ngang với nguy cơ chiến tranh hạt nhân”, người đứng đầu Liên Hợp Quốc cho biết.

Tổng thư ký Guterres đã công bố kế hoạch bổ nhiệm một ban cố vấn về AI vào tháng 9 để chuẩn bị cho các sáng kiến mà Liên Hợp Quốc có thể thực hiện. Ông cũng cho biết sẽ ủng hộ một cơ quan mới của Liên Hợp Quốc về AI và đề xuất Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) làm hình mẫu, dựa trên tri thức và có một số quyền hạn pháp lý.

Đại sứ Woodward cho biết Vương quốc Anh muốn khuyến khích “một cách tiếp cận đa phương để quản lý cả những cơ hội to lớn và rủi ro mà AI mang lại cho tất cả chúng ta” và nhấn mạnh rằng “điều này sẽ cần nỗ lực toàn cầu”.

Đại sứ Woodward nhấn mạnh rằng lợi ích của AI mang lại là rất lớn khi viện dẫn tiềm năng của AI trong việc trợ giúp các chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc, cải thiện các hoạt động viện trợ nhân đạo, hỗ trợ các hoạt động gìn giữ hòa bình và hỗ trợ ngăn ngừa xung đột, bao gồm cả việc thu thập và phân tích dữ liệu. “AI có khả năng giúp chúng ta thu hẹp khoảng cách giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển”, Đại sứ cho biết thêm.

Nhưng khía cạnh rủi ro đặt ra câu hỏi bảo mật nghiêm trọng cũng phải được giải quyết, Đại sứ Woodward nói.

Châu Âu đã dẫn đầu thế giới trong nỗ lực quản lý, điều tiết AI khi đã trở nên cấp bách do sự phát triển của một loại AI mới mang đến cho các chatbot AI như ChatGPT khả năng tạo văn bản, hình ảnh, video và âm thanh giống với công việc của con người. Vào ngày 14/6, các nhà lập pháp EU đã ký ban hành bộ quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới về AI, xóa bỏ một rào cản quan trọng khi các nhà chức trách trên toàn cầu chạy đua để kiềm chế AI.

Vào tháng 5, người đứng đầu công ty AI tạo ra ChatGPT là OpenAI đã phát biểu trước phiên điều trần của Thượng viện Mỹ rằng sự can thiệp của chính phủ sẽ rất quan trọng để giảm thiểu rủi ro của các hệ thống AI ngày càng mạnh mẽ, đồng thời cho biết khi công nghệ này tiến bộ, mọi người lo ngại về việc nó có thể thay đổi cuộc sống của họ như thế nào, và “chúng tôi cũng vậy".

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman đã đề xuất thành lập một cơ quan của Mỹ hoặc toàn cầu sẽ cấp phép cho các hệ thống AI mạnh nhất và có quyền “thu hồi giấy phép đó và đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn”.

Đại sứ Woodward cho biết phiên họp của Hội đồng Bảo an do Ngoại trưởng Anh James Cleverly chủ trì là dịp lắng nghe quan điểm của các chuyên gia về AI, một công nghệ rất mới đang phát triển rất nhanh và bắt đầu thảo luận giữa 15 thành viên hội đồng về ý nghĩa của nó.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã thông báo rằng Vương quốc Anh sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về AI vào cuối năm nay để thảo luận đa phương toàn cầu về AI.

AI có tiềm năng cải thiện sức khỏe và hạnh phúc của các cá nhân, cộng đồng và quốc gia, đồng thời giúp đáp ứng các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc. Tuy nhiên, một số cách sử dụng AI nhất định cũng có thể làm suy yếu hòa bình và an ninh quốc tế bằng cách gây lo ngại về an toàn và bảo mật của công nghệ, đẩy nhanh tốc độ xung đột vũ trang hoặc nới lỏng sự kiểm soát của con người đối với các phương tiện chiến tranh.

Năm 2019, Văn phòng Liên Hợp Quốc về Giải trừ quân bị, Trung tâm Stanley và Trung tâm Stimson đã hợp tác trong một hội thảo và một loạt bài báo để tạo điều kiện cho cuộc thảo luận nhiều bên giữa các chuyên gia từ các quốc gia thành viên, ngành công nghiệp, học viện và tổ chức nghiên cứu, với mục đích xây dựng hiểu biết về ý nghĩa hòa bình và an ninh của AI./.

Hoàng Linh